Mô hình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP tại Định Quán
Theo báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai, trong số các đề tài được nghiệm thu và bàn giao ứng dụng kết quả thực hiện tại Đồng Nai giai đoạn 2017-2022, xét theo các lĩnh vực nghiên cứu, lĩnh vực “Khoa học nông nghiệp” có số đề tài được nghiệm thu nhiều nhất với 36 đề tài/dự án (chiếm 44% tổng số đề tài của giai đoạn này). Tiếp theo là lĩnh vực “Khoa học xã hội” với 20 đề tài/dự án (chiếm 24%). Đứng thứ 3 là lĩnh vực “Khoa học kỹ thuật và công nghệ” với 15 đề tài/dự án (chiếm 18%). Xếp thứ 4 là “Khoa học y dược” với 5 đề tài/dự án (chiếm tỷ lệ 6%). Lĩnh vực nghiên cứu về “khoa học tự nhiên” và “khoa học nhân văn” xếp thứ 5 và thứ 6 lần lượt với 2 đề tài/dự án (chiếm 4%) và 2 đề tài/dự án (chiếm 4%).
Các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra được nhiều nhân tố mới tích cực, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ các loài thực vật có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, đặc biệt đã hình thành các liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng và phát triển. Tiêu biểu như: kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và thị trường để xác định hệ thống cây trồng, vật nuôi chủ lực phục vụ phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa bền vững tại Đồng Nai”; đề tài: “Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ, khắc phục sượng trái và hỗ trợ phát triển thương hiệu cho loại trái cây đặc sản măng cụt ở Đồng Nai”;…
Mô hình ghép chuyển đổi cây xoài chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Vĩnh Cửu
Các đề tài thuộc Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chủ yếu tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, số hóa các tài liệu trong quản lý, điều hành tại cơ quan và ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực giáo dục, phòng chống cháy rừng và các công tác chuyên môn khác. Đa số các nhiệm vụ này đều được đưa vào ứng dụng trong thực tế tại các đơn vị đặt hàng
Kết quả nghiên cứu của các đề tài trong chương trình nghiên cứu kinh tế, xã hội – nhân văn phục vụ phát triển, là cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng mô hình nông thôn mới dựa vào cộng đồng; bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống của từng địa phương, đã góp phần làm luận cứ có giá trị phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo và chỉ đạo của tỉnh nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương, tiêu biểu như: Đề tài: “Đánh giá năng lực dạy tích hợp của giáo viên các trường nghề thuộc tỉnh Đồng Nai”; đề tài: “Triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”; đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Nai”…
P.Hương