Lúa gạo là một trong nhứng sản phẩm quốc gia của Việt Nam
Thông tư này quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2021. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2024.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quản lý, thực hiện Chương trình và tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Thông tư gồm có 7 Chương và 31 Điều. Trong đó có một số nội dung chính như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản phẩm quốc gia; Xác định Danh mục sản phẩm quốc gia; Xây dựng Đề án khung và xác định danh mục nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia; Tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn xét duyệt Đề án khung và xác định nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia thuộc Đề án khung; Quản lý tài sản hình thành, kết quả nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia,…
Theo Thông tư, sản phẩm quốc gia được lựa chọn phát triển đáp ứng các quy định tại khoản 1 Mục II Điều 1 Quyết định số 157/QĐ-TTg, cụ thể: Sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có quy mô lớn, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao, có khả năng thay thế hàng hóa nhập khẩu hoặc mang lại giá trị xuất khẩu, có tác động lan tỏa, tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội hoặc quốc phòng an ninh; phát huy được các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của Việt Nam, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực.
Thông tư Quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030
Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và UBND tỉnh căn cứ các quy định lựa chọn sản phẩm quốc gia xây dựng Phiếu đề xuất sản phẩm quốc gia theo quy định, gửi về Bộ KH&CN. Bộ KH&CN tổng hợp, xem xét, đánh giá các đề xuất sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục sản phẩm quốc gia. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với các sản phẩm quốc gia ưu tiên phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với các sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 có nhu cầu tiếp tục hỗ trợ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND tỉnh căn cứ tình hình thực tế tổng hợp nhu cầu, gửi Bộ KH&CN nghệ để tổng hợp, xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các tổ chức chủ trì và chủ nhiệm nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia phải đáp ứng các điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN ngày 12/10/2023 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Tổ chức chủ trì và chủ nhiệm sau khi trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng thực hiện, quản lý, đánh giá, nghiệm thu theo các quy định đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Quản lý, sử dụng và xử lý tài sản hình thành thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm quốc gia thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước; Thông tư số 02/2020/TT-BKHCN ngày 10/8/2020 của Bộ trương Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành khoản 1 Điều 41 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật liên quan về quản lý thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Thông tư giao Ban Chủ nhiệm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập) tư vấn triển khai các hoạt động của Chương trình và phối hợp với đơn vị quản lý Chương trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
P.Hương