Vùng nuôi tôm công nghiệp được nông dân xã Phước
An đầu tư.
Hình thành vùng sản
xuất nông nghiệp
Theo
phòng Kinh tế huyện, hiện trên địa bàn đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao và được nhân rộng hiệu quả, trong đó mô hình nuôi tôm công
nghiệp đang được nhiều hộ nông dân áp dụng.
Ông
Nguyễn Văn Nhân – Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: “Đến nay, huyện đã xây dựng
được 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tại ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Thanh với diện tích
12,6 ha và tại ấp Vũng Gấm, xã Phước An, với diện tích 15 ha, trong đó cả 02
vùng nuôi tôm đều đã đạt chứng nhận VietGap. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng
được mô hình trồng rau thuỷ canh ứng dụng công nghệ cao tại xã Vĩnh Thanh, với
diện tích là 2 ngàn m2, chủ yếu trồng các loại rau ăn lá như: xà lách, cải
xanh, rau dền, cải ngọt,…với năng suất khoảng 50kg/ngày, mô hình trồng dưa lưới
trong nhà màng là 7,5 ngàn m2, các loại
nông sản được trồng theo hướng công nghiệp nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,
do đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường về nguồn nông sản “xanh và sạch””.
Hiện
Vùng nuôi tôm ở Vĩnh Thanh đã thành lập Tổ hợp tác nuôi tôm ấp Thống Nhất (xã
Vĩnh Thanh) và vùng nuôi tôm ở xã Phước An đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông
nghiệp thuỷ sản Thành Công để giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau
về kỹ thuật, con giống. Nhơn Trạch là vùng nuôi tôm lớn nhất của Đồng Nai với
hơn gần 1.700 héc-ta ao nuôi. Với nguồn nước lợ phù hợp và sự nhạy bén của nông
dân trong kỹ thuật nuôi và ứng dụng công nghệ, nghề nuôi tôm ở Nhơn Trạch đang
dần trở thành thương hiệu.
Để
hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện phát triển bền vững, nhất là
những khu vực nuôi tôm công nghiệp, phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cũng đã có kế
hoạch tham mưu UBND huyện hỗ trợ các hộ nông dân.
Vùng trồng rau thuỷ canh tại xã Vĩnh Thanh có diện
tích 2 ngàn m2
Ông
Trương Thanh Tâm – Phó phòng Kinh tế huyện cho biết: “Để tạo điều kiện cho hoạt
động nuôi trồng thủy sản phát triển trong thời gian tới, nhất là đối với thủy sản
nước lợ tại các khu vực thuộc xã Long Thọ, Phước An và Vĩnh Thanh, phòng Kinh tế
cùng với UBND các xã nêu trên và các ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND huyện
đề xuất đầu tư, nâng cấp hệ thống đường nội đồng, điện, thủy lợi phục vụ cho hoạt
động nuôi trồng thủy sản; đồng thời tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai
Chương trình 08/Ctr-UBND ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ việc áp dụng
quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp
và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025, tăng cường tuyên
truyền về bảo vệ môi trường đến các hộ nuôi trồng thủy sản”.
Như
vậy, huyện Nhơn Trạch sẽ sớm có chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình
VIETGAP để tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm tôm mang thương hiệu của địa
phương.
Nhiều giải pháp giúp
nông dân tiếp cận công nghệ cao
Theo
Hội Nông dân huyện, hội cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn
nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao như: tăng cường hình thức tuyên truyền, đối thoại giữa nông dân với
chính quyền, các ngành, các nhà khoa học và doanh nghiệp; gắn kết công tác
tuyên truyền, vận động của Hội với các chương trình, dự án, mô hình do Hội thực
hiện; tiếp tục hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp tiên tiến,
phù hợp với định hướng phát triển lên đô thị; vận động hội viên thành lập các
chi hội nghề nghiệp, HTX để thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Hội Nông dân các cấp phát huy vai trò tạo cầu nối để doanh
nghiệp và nông dân hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông
Nguyễn Hữu Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “thời gian tới, UBND huyện
sẽ làm việc với các ngân hàng trên địa bàn để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho
nông dân đầu tư máy móc, thiết bị, nuôi trồng theo hướng công nghiệp, đối với
quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản, huyện cũng đang quan tâm đầu tư về hạ tầng
cũng như kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo nguồn nước xả
ra môi trường”.
Song
song đó, huyện Nhơn Trạch tiếp tục định hướng và khuyến khích nông dân ứng dụng
công nghệ cao vào chăn nuôi, trồng trọt, nhân rộng các mô hình cho hiệu quả
kinh tế cao. Xác định doanh nghiệp và Hợp tác xã là lực lượng tiên phong trong
nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cao vào sản xuất, trong
đó nông dân là chủ thể xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp
công nghệ cao. Phát huy lợi thế cạnh tranh của từng loại cây trồng, vật nuôi,
phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Làm cầu nối gắn kết những hộ nông dân
cùng ngành nghề để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, từ đó tạo ra những loại nông
sản có chất lượng đồng đều.
Như
vậy, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ phù hợp với xu hướng tiến
trình đi lên đô thị của huyện Nhơn Trạch mà còn phù hợp với định hướng phát triển
ngành nông nghiệp bền vững, tạo ra những loại nông sản chất lượng có lợi thế cạnh
tranh trên thị trường, góp phần nâng cao đời sống của hội viên nông dân và phát
triển kinh tế của địa phương.
Xuân Mai