Bé Lê Minh Thành năm nay 7 tuổi, bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ nhỏ, được nuôi dưỡng tại làng nuôi trẻ Hòa Bình. Bé bị tổn thương vùng mặt, dị tật bộ máy phát âm rất nặng, nên không thể phát âm bình thường như những đứa trẻ khác.
Ý tưởng bắt nguồn tự sự san sẻ
TS. Ly Kha bắt đầu tiếp cận với bé Thành cách đây một năm, khi đó, bé phản ứng rất chậm và lười nói. Phải mất một thời gian dài làm quen, tìm hiểu tập luyện, áp dụng phương pháp chỉnh âm cho trẻ dị tật, 4,5 tháng sau bé mới bắt đầu tập nói.
TS Ly Kha đang luyện nói cho trẻ dị tật (Ảnh: K. Mai)
TS Ly Kha cho biết: “Ban đầu, chúng tôi chỉ muốn tạo ra một phần mềm một sản phẩm có ứng dụng công nghệ thông tin dành cho mọi người trong luyện học tiếng Việt. Thế nhưng sau khi tiếp xúc với các bác sĩ tại làng Hòa Bình, tôi nghĩ rằng, sản phẩm này cũng sẽ có tác dụng tích cực đối với trẻ em tàn tật, nên tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vấn đề...”
Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 1,5% dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ. Trong đó, số trẻ mới sinh bị dị tật bẩm sinh do di truyền chiếm từ 1,5% đến 3%. |
Thông thường, ở trẻ bị dị tật, khả năng chú ý, tập trung rất kém. Đối với trường hợp của bé Minh Thành, phải mất một thời gian quan sát, gần gũi với bé, TS Ly Kha và nhóm sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM mới phát hiện ra rằng, bé phản ứng rất tốt với những hình ảnh liên quan tới mình.
Vì thế, nhóm đã tiến hành quay phim, chụp lại hình ảnh của bé, lồng ghép vào hình ảnh, các từ ngữ và tập cho bé nói. Lúc đó, bé bắt đầu phản ứng lanh lợi và nói nhiều hơn.
Nghiên cứu cần được nhân rộng
Ths.BS Nguyễn Thị Phương Tần, trưởng Khoa phục hồi chức năng, Giám đốc làng Hòa Bình cũng cho biết: Trước đây, với những đứa trẻ như trường hợp của Minh Thành, trẻ thường chậm nói, hoặc chỉ im lặng, không nói. Từ khi bắt đầu áp dụng phương pháp chỉnh âm cho trẻ dị tật, trẻ lanh lợi, chủ động, nghe được nhiều hơn, có phản ứng tốt hơn với những điều người khác nói, và bắt đầu nói nhiều hơn.
Đề tài này được thực hiện dưới sự phối hợp của nhóm các sinh viên bao gồm bạn Phạm Hải Lê, Nguyễn Thị Hương Giang và một nhóm sinh viên khoa Giáo dục mầm non, ĐH Sư phạm TP.HCM. DVD “Chỉnh âm và phát triển lời nói cho bé” do nhóm nghiên cứu hình thành gồm tập hợp các bài đồng dao, các bài hát dành cho trẻ, cùng với các hình chỉnh âm hết sức sinh động.
Bên cạnh đó, còn có thêm phần luyện phát âm cả bằng hình minh họa vành miệng, lưỡi, luyện tập phát âm theo giai điệu, clip các hoạt động của trẻ. Việc dạy cho trẻ khuyết tật còn phải được phối hợp hài hòa với việc tạo tình huống giao tiếp, dạy bằng các trò chơi, tranh ảnh….
Bác sĩ Phương Tần khẳng định rằng, phương pháp này rất cần thiết cho trẻ, cần được đưa vào ứng dụng rộng rãi và mở rộng đối tượng áp dụng. Nó sẽ giúp cải thiện khuyết tật của trẻ, đồng thời giảm gánh nặng cho xã hội và những cô giáo, bác sĩ…
TS Ly Kha cho biết, những kết quả từ việc chỉnh âm cho trẻ bị dị tật ở Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ mới chỉ là bước đầu. Nghiên cứu này sẽ được tiếp tục ở một diện rộng hơn để hoàn thiện phương pháp và nội dung của DVD “Chỉnh âm phát triển lời nói”.
Theo Đất Việt