Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung tin hội nghị Miền Đông

 
Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ miền Đông Nam bộ lần thứ XIII: đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng   26-03-2015
Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ (KH&CN) miền Đông Nam bộ lần thứ XIII được tổ chức tại Đồng Nai vừa qua đã nhận định: với tinh thần đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tình hình mới, Sở KH&CN các tỉnh đã có sự quan tâm, sát cánh hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại; thiết lập cơ chế ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN; chú trọng đến ưu tiên, sử dụng, trọng dụng phát triển nhân lực…Qua đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của vùng.

hoinghivung2.JPG
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu ý kiến tại hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ
* Vai trò của KH&CN ngày càng được khẳng định

Đánh giá những kết quả đã đạt được về KH&CN của vùng thời gian qua cho thấy, các tỉnh trong vùng đã cụ thể hóa và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về chủ trương, chính sách phát triển KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương. Đặc biệt, đã quan tâm sát cánh hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại; thiết lập cơ chế ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu đã hỗ trợ được 10 doanh nghiệp với 83 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 20-60%. Đồng thời hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp kiểm toán năng lượng cũng như phát triển hệ thống chất lượng. Đồng Nai thông qua “Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015” đã hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ 49 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống ISO trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

hoinghivung3.JPG
Hội nghị đã tập trung đánh giá những kết quả KH&CN vùng Đông Nam bộ đạt được thời gian qua
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng đến đào tạo và phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Theo báo cáo của các Sở KH&CN vùng Đông Nam bộ, giai đoạn 2011-2015 có tổng số cán bộ công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong vùng là 1.379 người, trong đó có 20 tiến sĩ, 204 thạc sĩ và 931 người có trình độ đại học. Riêng Đồng Nai, PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài việc quan tâm đào tạo cán bộ công chức, viên chức của Sở, Sở KH&CN Đồng Nai còn giữ vai trò Chủ nhiệm Chương trình đào tạo sau đại học của tỉnh. Đến nay đã và đang đào tạo được hơn 1.300 người, trong đó có 94 tiến sĩ, hơn 1000 thạc sĩ, 173 bác sỹ chuyên khoa 1 và 23 bác sĩ chuyên khoa 2.
hoinghivung4.jpg
Một đề tài khoa học được triển khai nghiên cứu tại Khu Công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai
Ông Hồ Ngọc Luật – Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, hoạt động nghiên cứu - triển khai đã đóng góp tích cực cho sự phát triển các ngành kinh tế của địa phương. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất và đời sống. Bước đầu đã xác định được các sản phẩm ưu tiên, mũi nhọn, có tiềm năng để đầu tư nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hướng tới doanh nghiệp…
 Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai khẳng định, trong 5 năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Đồng Nai cũng như một số tỉnh thành Đông Nam bộ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, trong đó Đồng Nai luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 12%. Kết quả đó có vai trò không nhỏ của KH&CN.  Riêng ngành KH&CN Đồng Nai đã đạt được một số kết quả rõ nét, đặc biệt trong một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý, ưu tiên phát triển công nghệ sinh học. Từ đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong tỉnh, khu vực cũng như góp phần khai thác tối ưu nguồn lực của tỉnh, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
* Nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết
Tại hội nghị, nhiều địa phương phản ánh, hoạt động KH&CN của vùng thời gian qua còn vướng phải nhiều khó khăn như: nguồn kinh phí cho KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa còn thấp. Đặc biệt, đầu tư cho KH&CN của các doanh nghiệp chưa được quan tâm nhiều và chưa có cơ chế chính sách bắt buộc các doanh nghiệp phải trích lợi nhuận trước thuế để đầu tư. Hoạt động KH&CN vẫn còn bị dàn trải. Chưa tạo được những nhóm nghiên cứu, tập thể nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản cũng như đội ngũ chuyên nghiệp trong việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Thủ tục hành chính liên quan đến công tác nghiên cứu khoa học như: thủ tục thanh quyết toán, thủ tục cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, định mức chi cho công tác nghiên cứu…chậm cải tiến. Mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên sản phẩm nghiên cứu chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như chưa được phổ biến ứng dụng hiệu quả.
hoinghivung1.JPG
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  phát biểu ý kiến tại hội nghị
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  thì một khó khăn nữa mà ngành KH&CN gặp phải là hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn ở giai đoạn khởi xướng; Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp dẫn đến chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Việc nghiên cứu giải mã và nội địa hóa công nghệ nước ngoài đã được thực hiện nhưng chưa nhiều và chưa góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ công nghệ của các doang nghiệp trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho hay, thời gian qua, Sở KH&CN các địa phương chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương trong việc lựa chọn các sản phẩm có lợi thế và tiềm năng phát triển. Hoạt động liên kết vùng trong hình thành chuỗi phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế chưa được quan tâm nhiều.
* Đẩy mạnh liên kết để cùng phát triển
Tại hội nghị giao lần này, các đại biểu đã tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đưa KH&CN của vùng gày càng phát triển. Trong đó nhấn mạnh đến giải pháp liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng.
Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì thời gian tới, các tỉnh thành trong vùng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu cũng như các dự án sẽ làm trong tương lai, đặc biệt là có sự liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cũng cho rằng cần phải xây dựng các Chương trình liên kết giữa các Sở trong việc hình thành và phát triển một số sản phẩm của vùng; xác định vai trò, vị thế của KH&CN trong từng công đoạn sản phẩm.
hoinghivung5.jpg


Ngoài ra, còn nhiều giải pháp được đưa ra như: đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng để có đủ sức cạnh tranh với thị trường trong và ngoài nước trong thời kỳ hội nhập; tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách, đơn giản, thuận lợi trong thủ tục hành chính để mọi tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; lựa chọn một số nội dung trọng tâm trong chiến lược như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin và tập trung nguồn lực tài chính để KH&CN thực sự đóng góp cho sản xuất kinh doanh.
L.Hương

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

Video Clip

 
  • Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XIII
  • Gần 2.000 nông dân của 12 tỉnh tham gia Ngày hội ruộng đồng lần 3
  • Thành tựu khoa học và công nghệ
  • Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Hội thảo khoa học "Tổ chức đầu tư, cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ phát triển khoa học và công nghệ"
  • Tọa đàm: Hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ - Thực trạng và định hướng
  • Tọa đàm: Cơ chế đầu tư và tài chính phát triển khoa học công nghệ
  • Khai mạc "Chợ Công nghệ, Thiết bị và Thương mại vùng Đông Nam bộ - Đồng Nai 2015"
  • Nhiều video
     

    Hình Ảnh

     
    Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập