Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung tin hội nghị Miền Đông

 
Phát huy mạnh mẽ vai trò quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ   01-04-2015
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của sở KH&CN các địa phương sát cánh cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh là khẳng định của TS.Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN).

Đại diện các tỉnh tham dự hội thảo Đổi mới cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiện nay? Theo ông doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì?
TS.Hồ Ngọc Luật: Thực tế, doanh nghiệp đang bức xúc về vấn đề đổi mới công nghệ. Bởi vì để tồn tại trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì đòi hòi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Trong quá trình đổi mới công nghệ hiện nay đúng là doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần là do thiếu thông tin liên quan về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ của nhà nước, doanh nghiệp chưa nắm được đầy đủ, chưa nghiên cứu kỹ bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý có dịch vụ cũng chưa kết nối một cách hoàn hảo giúp doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn các chính sách hỗ trợ của nhà nước về vấn đề đổi mới công nghệ. Trong vấn đề đổi mới công nghệ thì tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải xác định được mình cần đổi mới cái gì, cần hỗ trợ cái gì. Nhà nước, Bộ KH&CN cũng rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả từ những chương trình này mà cụ thể là các chương trình đã được ban hành như: chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia đổi mới công nghệ, chương trình công nghệ cao quốc gia…
PV: Giải pháp nào để đưa các cơ chế, chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tế?
TS.Hồ Ngọc Luật: Những vấn đề này cũng như các chương trình muốn đến được với doanh nghiệp thì phải có chuyên gia, các nhà kinh tế, nhà quản lý có kinh nghiệm, kể cả các nhà khoa học hãy đến cùng doanh nghiệp ngồi cùng doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp phân tích làm rõ nội tại hoạt động của mỗi doanh nghiệp, cũng như tìm hiểu thực trạng, xu thế khu vực và thế giới về mặt hàng, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên cơ sở đó không chỉ tư vấn cho doanh nghiệp giải pháp, hướng đi phù hợp để đổi mới công nghệ; mà còn quay lại tư vấn cho doanh nghiệp những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đang trực tiếp thực hiện đối với lĩnh vực mà doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ. Đây cũng là các bước mà bộ KH&CN đang hướng đến nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ trong thời gian tới.

Thực tế, những bài học kinh nghiệm về đổi mới công nghệ chúng ta không cần phải học tập đâu xa mà chính những địa phương trong nước đã có rất nhiều nơi làm thành công. Ví dụ Hải Phòng, trong số hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, địa phương này đã trên chục doanh nghiệp liên quan đến vấn đề cần đổi mới công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực, trọng điểm. Trên cơ sở đó, địa phương đã tổ chức các nhóm chuyên gia gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh tế đến cùng bàn, cùng trao đổi với doanh nghiệp để tư vấn cho doanh nghiệp ít nhất cũng thấy rõ hiện nay cùng lĩnh vực này thì trình độ doanh nghiệp đang ở đâu so với khu vực và thế giới, vướng mắc nằm ở khâu nào, cần phải làm gì để đổi mới công nghệ, hướng tiếp cận… sau đó thống nhất giải pháp, lộ trình thực hiện xây dựng thành Đề án. Những đề xuất đó sau khi có sự thống nhất giữa doanh nghiệp với nhóm chuyên gia sẽ trình lên lãnh đạo tỉnh và Sở KH&CN trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước sẽ tham mưu cho tỉnh hỗ trợ giải pháp thực hiện.
 
 

Đại diện công ty TNHH Tảo Vĩnh Hảo cho biết, trong quá trình xây dựng doanh nghiệp KH&CN họ gặp rất nhiều khó khăn và hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
PV: Để hỗ trợ tài chính đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp ở các địa phương hiệu quả, hiện nay ngoài các chương trình đang thực hiện thì Bộ KH&CN cũng đã xây dựng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Ông có thể cho biết hướng hoạt động sắp tới của Quỹ này như thế nào?
TS.Hồ Ngọc Luật: Nắm chắc lĩnh vực và doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ với sự hỗ trợ của các nhóm chuyên gia cũng là hướng tiếp cận mà Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia của Bộ KH&CN đang hướng tới. Hiện tại, Ban quản lý Quỹ và các cơ quan chức năng của Bộ KH&CN cũng đang tận dụng kênh thông tin từ các Sở KH&CN địa phương tư vấn cho doanh nghiệp ở địa phương nào có khả năng đổi mới công nghệ, năng lực đổi mới công nghệ để giúp Quỹ hình thành danh mục các doanh nghiệp và lĩnh vực cần đổi mới công nghệ. Trên cơ sở các danh mục này Ban Quản lý Quỹ sẽ mời chuyên gia, nhà khoa học, xuống doanh nghiệp cùng thảo luận, đánh giá để xác định giải pháp thực hiện. Tôi nghĩ chỉ có cách làm như vậy mới giúp rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp đối với các cơ chế, chính sách hỗ trợ mà chúng ta đang mong muốn. Đồng thời có chủ động như thế thì mới giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về những nét mới trong cơ chế, chính sách và kéo doanh nghiệp gần hơn với cơ chế chính sách của nhà nước và mục đích mà chúng ta đặt ra mới trở thành hiện thực. Tôi nghĩ doanh nghiệp có đổi mới công nghệ thì năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế Việt Nam mới có điều kiện cải thiện thêm một bước.

Phải đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá có như vậy chúng ta mới tiếp cận được với hội nhập kinh tế quốc tế khi mà sắp tới điều kiện hàng rào thuế quan sẽ giảm xuống bằng 0 và hàng hoá các nước sẽ tràn ngập vào, nếu năng lực công nghệ các doanh nghiệp của chúng ta không vững thì chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá và tri thức công nghệ sẽ thua các nước khác. Điều đó thật đáng tiếc, nên cả cơ quan quản lý, và các cơ quan quan tâm đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp đang rất mong muốn để sát cánh cùng doanh nghiệp trong vấn đề này.
 
 
Đổi mới công nghệ sản xuất, giải pháp duy nhất nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong hội nhập.
 
PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của các sở KH&CN địa phương trong việc hỗ trợ doanh ngiệp chủ động đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh hiện nay?
 

TS.Hồ Ngọc Luật: Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm. Phải nói rằng sở KH&CN các tỉnh, thành phố trong vài ba năm gần đây đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức về đổi mới công nghệ. Mục tiêu hoạt động của KH&CN hiện nay là phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, sát cánh cùng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua đó đẩy mạnh chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Tuy nhiên, cách thực hiện của các Sở KH&CN hiện tại chưa thực sự hiệu quả. Điều này có nhiều vấn đề, nhiều nguyên nhân, thứ nhất là việc phối hợp liên ngành giữa sở KH&CN và các sở, ngành có chức năng liên quan đến doanh nghiệp chưa có mối liên kết một cách hiệu quả. Ít nhất là phải nắm được danh sách số lượng các doanh nghiệp có nhu cầu cần đổi mới công nghệ trên địa bàn qua đó thống nhất với nhau lựa chọn doanh nghiệp trọng điểm mà địa phương đó đang ưu tiên để thúc đẩy đổi mới công nghệ hoặc doanh nghiệp có khả năng đổi mới công nghệ. Muốn làm được điều đó thì phải có sự phối hợp liên ngành. Điều này tôi chưa thấy địa phương nào làm được.

Thời gian tới, tôi mong muốn Sở KH&CN các địa phương cần chủ động hơn nữa phối hợp cùng với sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Công thương, cơ quan quản lý khác trên địa bàn từng địa phương để nắm chắc các doanh nghiệp cũng như năng lực cụ thể doanh nghiệp để tham mưu tốt cho lãnh đạo địa phương trong vấn đề làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hiệu quả hơn. Đây là vấn đề mà chúng tôi rất mong muốn, sở KH&CN các địa phương phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước của mình vào việc hỗ trợ doanh nghiệp từng địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.
 
 
Đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.

PV: Vai trò của sở KH&CN địa phương góp phần nâng cao số lượng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp KH&CN; những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ đối với tổ chức KH&CN hiện được các địa phương đang thực hiện như thế nào, còn những vướng ở đâu và giải pháp nào để tháo gỡ?

TS.Hồ Ngọc Luật: Đấy cũng là một vấn đề mà chúng tôi thấy chưa thực sự hiệu quả so với mục tiêu ban đầu đề ra. Con số phát triển các doanh nghiệp KH&CN với tốc độ có thể nói là rất rất thấp. Cái này có nguyên nhân từ khía cạnh các cơ quan chức năng tham mưu, cơ quan chuyên môn quản lý và Sở KH&CN có liên quan đến vấn đề này phải phát huy hơn nữa. Từ trước tới nay chúng ta vẫn quen theo tâm lý chờ… doanh nghiệp đến theo các chính sách, hướng dẫn để đăng ký là doanh nghiệp KH&CN chứ chưa chủ động đưa các chương trình đến doanh nghiệp, chưa sâu sát với từng đơn vị, tổ chức KH&CN có kết quả, có sáng kiến, sáng chế, có công nghệ để chúng ta có thể cùng ngồi với tổ chức đó, cùng hoàn thiện các điều kiện đầu vào hỗ trợ các tổ chức đó hình thành doanh nghiệp KH&CN. Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề bây giờ là các cơ quan quản lý nhà nước phải ra tay mạnh hơn nữa và sát hơn nữa. Tức là phải phát huy vai trò quản lý của mình hỗ trợ thực sự các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Có như vậy mới giúp cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động KH&CN.
 
PV: Ông đánh giá thế nào về vấn đề này ở các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, cụ thể Đồng Nai? Để nâng cao hiệu quả chương trình đổi mới công nghệ, các địa phương trong vùng cần phải làm thế nào?
 
TS.Hồ Ngọc Luật: Trước hết, phải khẳng định đây là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, là đầu tàu về kinh tế. 7 tỉnh này có vị thế đóng góp phần thu ngân sách nhà nước rất lớn. Thể hiện ở quy mô kinh tế của 7 tỉnh này là khá lớn, lớn đến quá nửa so với 56 tỉnh, thành phố còn lại. Trong các vùng kinh tế trọng điểm, thì nhà nước cũng mong muốn rằng 7 tỉnh, thành phố trong khu vực này sẽ phát huy thế mạnh, phát triển những lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại, các vấn đề tự động hoá, năng lượng mới… thì đấy là vấn đề đặt ra đối với các tỉnh, thành phố của vùng này. Mong muốn là bứt phá nó lên, do đó đổi mới công nghệ trong vùng phải nói rằng TPHCM và Đồng Nai là hai địa phương đã triển khai vấn đề đổi mới công nghệ khá hiệu quả. TPHCM thì có 8 chương trình liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và Đồng Nai cũng đang thực hiện các chương trình hỗ trợ tương tự. Đặc biệt, ngay cả những vấn đề đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thì có thể nói Đồng Nai đã đạt những kết quả khá nổi trội. Đồng Nai thành công trong việc xây dựng 2 huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đóng góp của KH&CN trong vấn đề này thể hiện rất lớn. Kỳ vọng, hai tỉnh này sẽ tiếp tục phát huy thành công của những chương trình đã thực hiện dẫn đầu trong vùng trong việc ứng dụng KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - hội. Chắc chắn hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ sẽ đề ra những giải pháp để cụ thể hoá những cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả vai trò quản lý nhà nước của KH&CN sát cánh cùng doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Hi vọng trên cơ sở thành công bước đầu của TPHCM và Đồng Nai, với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, các địa phương trong vùng sẽ học tập kinh nghiệm để tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp hiệu quả.
 
Nguyễn Lê (thực hiện)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

Video Clip

 
  • Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ lần thứ XIII
  • Gần 2.000 nông dân của 12 tỉnh tham gia Ngày hội ruộng đồng lần 3
  • Thành tựu khoa học và công nghệ
  • Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Hội thảo khoa học "Tổ chức đầu tư, cơ chế tài chính hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ phát triển khoa học và công nghệ"
  • Tọa đàm: Hoạt động thông tin, thống kê khoa học và công nghệ vùng Đông Nam bộ - Thực trạng và định hướng
  • Tọa đàm: Cơ chế đầu tư và tài chính phát triển khoa học công nghệ
  • Khai mạc "Chợ Công nghệ, Thiết bị và Thương mại vùng Đông Nam bộ - Đồng Nai 2015"
  • Nhiều video
     

    Hình Ảnh

     
    Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập