Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

 Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Triệu Tử Long đuổi Mỹ (Anh hùng Nguyễn Văn Quang)   14-03-2014
Những người từng may mắn dược sống bên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh những năm giao thời giữa chiến tranh cục bộ và chiến tranh đặc biệt đều còn nhớ như in, và kể lại rành rọt về gương mật sáng ngời như thế nào của ông, vị tư lệnh can nhất của tiền tuyến lớn, mỗi khi nghe báo cáo thành tích đánh giặc của từng đơn vị hay mỗi cá nhân.

Mùa khô 1967, sau khi ta đã đập tan cuộc hành quân "Gianxơn -xity" của Mỹ ngụy - âm mưu xóa sạch cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam, toàn bộ chiến trường sôi nổi không khí báo công và sửa soạn cho Đại hội tuyên dương công trạng. Đại tướng rất bận, nhưng ông vẫn dành thời gian đọc kỹ từng bản thành tích gửi từ dưới lên. Có một bận Đại tướng cười ha hả rồi đứng phắt dậy, dùng mu bàn tay phải đập từng chặp lên tập giấy đương rung lên vì nhịp cười hào sảng ở bên tay trái. Ông hả hê : "Triệu Tử Long! ... Đúng là Triệu Tử Long. . .nhưng mà tay này không sử dụng đại đao như thời Tam quốc. Triệu Tử Long xài đại liên, cắp nách, đuổi Mỹ, diệt ngụy! Thần tình thay, cuộc giải phóng của chúng ta!

Người được Đại tướng buột miệng gọi bằng cái tên trìu mến và lẫm liệt đó, là Nguyễn Văn  Quang, khẩu đội trưởng súng máy thuộc đại đội 445 - bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.

Trong ký ức lờ mờ của Quang, tuổi thơ diễn ra thăm thẳm, tối tăm ở một cái làng nghèo túng, đói khổ, giống như rất nhiều làng mạc mà sau này anh có dịp hành quân qua. Làng có con sông ông Kèo chảy ngang, nước khi lạt khi mặn rất nhiều cá. Hồi ấy, cậu bé có tên Xên chỉ mới lũn chũn, nhỉnh hơn đầu gối chú Tám Đông chút xíu. Chú Tám thường đưa Xên ra sông dạy câu cá và dạy Xên đẽo chạc làm cây súng bắn sỏi. Chú kêu "bắn dàn thun". Không thấy ai nói chuyện đi học đọc học viết. . . Bởi cả ngôi làng chạy hun hút dưới những tán lá dừa toàn những người lam lũ. Ngoài thời gian làm ruộng quần quật, chỉ thấy người người thấp thoáng sau những mái  nhà bạc phếch, những bụi cây um tùm. Có một cái gì đấy đè nặng lên không khí của làng quê . .

Chú Tám Đông hay hỏi Xên:

- Xên nè ! Mai mốt lớn, cháu tính làm gì?

Xên không nhìn vào chiếc cần câu chú Tám đương thả từ từ xuống mặt nước, trả lời ngay:

- Làm "Việt Minh"!

- Bộ không sợ Tây hử?

- Không! - Xên khẳng định bằng một giọng trẻ con lên sáu tuổi, nhưng hình như đã "suy nghĩ” từ lâu lắm rồi, trước cả hồi nằm trong bụng mẹ.

- Nó có súng dài thoòng đó cha nội - Chú Tám ra tình huống.

- Cháu có mấy chú Việt Minh!

Tám Đông vỗ đầu Xên:

- Cái thằng khôn hết biết.

Những "bài học” vỡ lòng về cách mạng như vậy thấm dần vào tâm hồn cậu bé mới sáu tuổi đầu và trên người chỉ có manh áo che thân. Một hôm, ở bờ sông về hai chú cháu cảm thấy trong làng mình như vừa trải qua một sự biến. Không thấy khói bốc lên từ mỗi bếp nhà như mọi khi. Đường làng nham nhở những vết giầy đinh lỗ chỗ. Chú Tám phóng như bay về phía nhà Xên. Có tiếng gọi: "Chú Tám! Chú Tám Đông. ..ơi', vọng ra từ ngôi nhà lợp lá buông đã cùn trơ xương lá Chú Tám khụy xuống, nâng trên tay anh Tư Ty – ba của Xên - lúc này đã gần tắt thở. Một con mắt bên phải lòi ra, lắc lẻo nơi thái dương, mà ở đấy máu vẫn đương ri rỉ đùn ra cái hốc mắt đã bị lấp bởi nhiều lớp máu đông dầy cộp đen sì. Chú Đông giục Xên:

- Chạy đi kêu má về . .

- Mà má đâu?

Chú Tám gắt:

- Đằng ông Tư. . . ! Lẹ lên, cái thằng.

Xên lính quýnh ném xâu cá xuống đất, bất chợt cậu thấy có người ngồi tựa vách nhà bếp. Xên ùa vào:

- Má ơi! Ngồi chi đó má?

Cậu khựng lại, giữa lúc làng xóm lần lượt dồn tới trước sân lố nhố, đen nhẻm. .. Cái chết của cả cha và mẹ sau trận càn của bọn lính "com-măng-đô" đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé tên Xên lên 6 tuổi. Xên "bước vào đời" như mọi người đàn ông sức vóc khác, sớm hơn đời thường mười lăm năm. Có lẽ đây chính là nhân tố chính, hun đúc nên chí khí anh hùng sau này?

Chuyện xảy ra như sau: Xên và bé A (chị gái của Xên, lên 9 tuổi) có nghe cha mẹ nói lại về một người cô ruột tên Tám hiện đương đi ở đợ tại một nhà địa chủ nơi xa. Làng ấy có rất nhiều đồn bót Pháp chứ không "xôi đỗ" như làng Xên hiện giờ. Sau khi cha mẹ qua đời, hai chị em bé A và Xên càng lúng túng trong sự sống. Bà con chòm xóm cũng chung hoàn cảnh thiếu đói do giặc giã luôn canh cánh bên hông; lại còn phảI tiếp tế cho con cháu ngoài chiến khu. Nhìn chị em Xên bữa đứt bữa nối, bà con không đành lòng. Ai đấy đã đánh tiếng cho cô Tám của chị em Xên, mặc dù ai cũng hiểu cô Tám chẳng làm gì thay đổi nổi số phận hai trẻ. Bởi cô cũng đi ở đợ cho Cả Đình, ở nhà cô còn đứa con nhỏ xíu nữa. . . Nghe tin anh chị Tư Tỵ bị Tây và lính commăngđô bắn chết, cô tất tưởi xin lão Cả Đình cho nghỉ một buổi để qua thăm hai đứa cháu mồ côi. Sau hàng tuần trăng làm việc cật lực để bù trước, cô mới lần mò sang tìm bé A và Xên. Cô cám cảnh, ngỏ ý đón cả hai về "có gì ăn nấy", bé A lắc đầu:

- Con ở đây, hái cau mướn nuôi em được rồi.

- Hai tay cô còn đây, không đời nào cô để chị em cháu phải làm mướn nuôi nhau.

- Nhưng con không về với cô đâu.

- Vậy con ở lại đây làm gì?

Chị A của Xên đáp gọn lỏn:

- Theo mấy chú du kích!

- Mầy còn nhỏ quá, theo mấy chú, làm gì nổi?

- Con nấu cơm, ca hát cho mấy chú.

Xên níu tay chị A:

- Chị đi với em. . .

Nhưng chị A của Xên cương quyết không đi, bởi theo cô bé chưa tròn mười tuổi ấy thì "ở bển tụi Tây bắn chết tía má. Chị không dòm mặt tụi nó đặng".

Cô Tám dắt Xên xiêu vẹo giữa hàng bình bát tốt um rồi lại thấy hình hai cô cháu lấp xấp sau những thân dừa cao nghều, mốc mác, ẩn dần vào cuối làng. A ở lại trong vòng tay thương yêu đùm bọc của ông Năm, chú Tám Đông và nhiều bà con. Chỉ có Xên là không ngờ điều sẽ xảy ra: đây là lần cuối cùng Xên vùng vằng với chị gái. Bé A, người chị ruột sau này đã hy sinh trong một trận càn. Bé A làm đúng lời tâm nguyện nhỏ bé nhưng to lớn khôn lường của một đứa trẻ miền Đông Nam bộ thuở đó .

"Thà chết ngay, không nhìn mặt giặc Pháp đã giết cha mẹ mình".

Xên trở thành một đứa trẻ mồ côi từ ấy, mặc dù chưa hẳn đúng vì cậu vẫn còn cô Tám, bé Còn (con cô Tám) trên đời. Song với lứa tuổi của mình, hoàn cảnh của mình, Xên chưa ý thức nổi mọi mất mát. Bởi vì ngay sau khi tới nhà cô Tám, Xên đã tức khắc phải có một quyết định khôn ngoan nhất dù cho là khi ấy cậu bé mới hơn sáu tuổi: Xên quyết định đi ở đợ thay cho cô Tám!

Số là cô Tám của Xên còn mang nợ địa chủ Cả Đình quá nhiều. Nợ từ đời cha của chồng cô Tám chưa trả hết, tới nợ đám tang cho chú Tám mà cô đem gán toàn bộ ruộng rẫy không đủ. Nay thấy cô có Xên về chơi bời với thằng Còn thay cho cô đi làm, Cả Đình tăng cao yêu cầu làm lụng mỗi ngày. Cô Tám phát bệnh. Xên đành thỏ thẻ: "Để con đi ở coi trâu trừ nợ cho cô". Cô giãy nảy, nhưng cuối cùng trước lý lẽ của ba cái bụng rỗng không, cô Tám phải đưa Xên tới nhà Cả Đình:

- Dạ, thưa Cả. . .

- Bay tới mời tao cho người cào nhà bay phải không?

- Dạ, tôi dẫn thằng cháu đến cho Cả sai việc.

Sau cái nhìn kinh ngạc chuyển sang sờ nắn vóc dáng cậu bé cởi truồng đen bóng. Cả Đình ra điều kiện với cô Tám cho Xên giữ trâu, cơm nuôi và không phải may quần. Áo thì có, chắc hẳn sợ Xên lớn cao nhanh đến mức không kịp rách quần?

Ngay sau đó, thằng Hai Lòng (con rể Cả Dình) dẫn Xên xuống hai chuồng trâu ngoài vuông tre:

- Mầy giữ sáu con đó. Khuya, cứ sao cầy mọc thả cho ăn. - Hắn bợp tai một con bé đang xắt chuối sồn sột:

- Lành! Khuya dậy nấu cơm, nhớ kêu thằng này dậy thả trâu. Nghe chưa? Còn mầy - hắn nhéo tai Xên - Khi người ta bắt trâu cầy thì mầy đi tưới thuốc. Chiều về phụ chẻ củi. Chỉ có mấy việc vậy thôi (!).. . à mà trước khi đi ngủ, giã vài cối gạo - Cuối cùng hắn nghiêm giọng ra điều khoản chót, như thông thường kẻ mạnh vẫn "mặc cả" cùng kẻ yếu: - Bỏ trâu tao đói thì mày kéo cầy thay nó đó nghe. - Xên không nghe đủ vì mải nhìn lưỡi dao con Lành lướt loang loáng trên cái thân cây chuối đương ngắn dần. . .

Từ đó, Xên cũng rút ngắn tuổi thơ của mình y như tốc độ xắt chuối kia. Xên lớn dần lên, làm việc ngày càng nặng nhọc hơn cho nhà Cả Đình. Cũng may Xên có đám bạn - bốn đứa cả thảy - đều là những đứa trẻ đi ở đợ không công trong nhà Cả Đình. Đó là Sang, Lành (hai chị em ruột do tía má đi đốn gỗ bị cây đè chết nên hai chị em phải đi ở trừ nợ) con bé Tộ và Xên. Trong thời gian đầu ở nhà Cả Đình, một hôm, cô Tám đưa tin chị A của Xên bị Tây bắn chết trong một trận càn Việt Minh. Xên đau xót. Cái xót của đứa trẻ lên sáu tuổi mất cả cha mẹ lẫn người chị gái duy nhất. ..thật đau đớn. Xên thì thầm với ba cô bạn nhỏ: "Chị tao bị Tây bắn chết rồi", cả bọn còn đương thở dài ngó lên cây me cây cóc dáo dác thì Xên buông mạnh viên đạn bằng sỏi phía cuối sợi dây cao su đã căng đến trắng bệch ra:

- Mai mốt lớn lên, tao đi Việt Minh.

Sang vội bịt miệng Xên:

- Mày nói lớn, tụi lính nghe, nó bắn chết.

Xên chống nạnh. Đầu ngẩng cao. Đôi chân nhỏ không quần cứng ngắc, gần như cắm xuống đất xốp ven sông:

- Tao không sợ đứa nào hết!

Quả nhiên, ngay đêm hôm ấy, Xên có dịp chứng minh lời nguyện của mình. Do thương nhớ chị gái, Xên ngồi khóc và ngủ thiếp đi, quên cả giờ thả trâu. Thằng Hai Lòng hầm hầm vạch đống lá chuối khô góc nhà, chộp cổ Xên lôi xềnh xệch ra sân. Nó dùng dây trói thu lu tay chân Xên lại thành một đống thịt rồi quắng cậu xuống gốc cây quýt ngoài vườn. Chỉ ít giây, Xên thấy khắp người nhột nhạt, rồi những nót đau buốt khoan sâu vào khắp bề mặt thân thể. Kiến lửa! Xên chới với, cố mở bàn tay cho con sóc bông mà chiều hôm trước cậu mới bắt được ngoài cõi, nó thoát ra được. Con sóc cũng bị một vài con kiến lửa tấn công. Nhưng thằng Hai Lòng đã nhìn thấy con sóc nhỏ do Xên ôm ấp cả đêm qua, quên cả thả trâu. Nó nhón tay chộp nhẹ con vật nhỏ đương tìm cách trèo lên cây quýt. Ngay lập tức, con sóc bị giáng bẹt xuống đất kèm theo tiếng chửi:

- Đ. má mày lì này!

Tiện tay, Hai Lòng hốt rơm quẳng lên đầy người Xên và tìm lửa mồi vào đống rơm lỏng lẻo. Xên giãy giụa. Thằng khốn kiếp lại hốt rơm phủ tiếp. Cứ thế đứa trẻ bị trói và đốt cứ giằng giật sự sống bằng sức lực cỏn con, với kẻ có quyền là gã đàn ông cao to lại được trợ giúp của ngọn lửa hung hãn. Xên ngất đi. Sau này những vết dây trói cháy bỏng và làm độc trên người Xên còn hằn mãi thành ba bốn lằn xẹo bao quanh bụng, ngực và lưng như vết chứng của tính gan góc, không thèm sợ đau của cậu bé Xên.

Rồi thời gian cũng trôi đi. Chẳng mấy chốc, Xên đã 13 tuổi. Những vết sẹo quanh bụng và lưng đã lớn dần lên gấp đôi ba lần vết cũ. Lớn lên, nó mờ đi đôi chút, nhưng trong đầu óc cậu trai mười ba tuổi vẫn còn ở truồng này, thì không phai mờ bao nỗi khốn khổ trong nhà Cả Đình.

Lúc này, xung quanh đã có nhiều biến đổi: không nghe nói tới bọn giặc Pháp nữa. Nhiều nhà trong ấp thấy treo tấm ảnh một người "mình” vận áo lương, khăn đóng, kêu bằng Ngô Chí Sỹ, Ngô tổng thống gì đó mà đầu óc quen rạch ròi của Xên không nạp nổi. Cả Đình, Hai Lòng sau một thời gian bơn bớt làm khó người ăn kẻ ở, giờ lại tăng cao mọi đòi hỏi. Roi vọt, xiết nợ cũng dữ dằn hơn. Có một kỳ áp Tết, Xên về thăm cô Tám, cậu hí hửng khoe cô rằng mình sẽ cố làm trừ nợ để mai này mua cho cô bộ quần áo. Cô Tám dòm thân hình Xên cao vống, chật chội trong chiếc bà ba đen cứng queo vì mô hôi và bùn, che không hết nửa khổ đùi trên đã lăn lẳn. Bên dưới trống huơ. Cô thở dài. Bảo ừ thì con cứ gắng vậy. Cô ư? Cô còn em Còn bệnh tật. Nhà bữa nào cũng cháo bắp đọt môn. Hạt muối cũng phải đi học tập tố cộng, chống cộng mới được phát giấy mua. . . Xên hấp tấp trở lại nhà Cả Đình. Nửa đường, cậu gặp một người đàn ông ăn vận tươm tất: áo bành tô trắng ba túi, quần lụa mỡ gà trơn láng. Hắn ngoắc tay:

- Vô đây Xên! Phải con Tư Ty không mậy? Hồi trước tao với ba mầy kết nghĩa anh em đó mầy.

Xên nghe theo, đứng trân trân ngó hắn đương dạng chân giở nón:

- Cha cha! Lớn hung đa! Về ở với chú cho chú có dịp trả nghĩa ba cháu chớ.

- Nhưng tôi còn coi trâu để trả nợ cho cô tôi đã?

- Cái thằng, dại hết cỡ! ở chỗ chú, làm chơi ăn thiệt. Sức cháu, một ngày làm ăn một năm chưa nhằm nhò gì. Muốn gửi tiền về cho cô Tám trả nợ mấy hồi?

- Giỡn hoài! Thôi tôi xin ông về coi trâu kẻo Hai Lòng nó bày đặt trừ công. Uổng hết.

- Chờ chút mầy.

Gã vào buồng trong, đem ra một bọc giấy ném lên bàn: "áo quần chú mua sẵn cho cháu đó. Nhưng khoan bận bây giờ. Để sớm mai trốn khỏi nhà ông Cả, theo chú về quê, bây mặc bộ nầy vô, coi oách -xì-bồ lắm đó nghe”.

Xên bùi tai. Sớm hôm sau, Xên đánh trâu ra khỏi nhà Cả Đình rồi men theo đường mòn, cắt lộ, tới bến xe lam thị tứ lúc trời chưa rạng. Tư On - người đàn ông xưng chú kết nghĩa với cha Xên - đã chờ sẵn trên xe.

Xên trốn khỏi nhà Cả Đình, để lại cho Cô Tám món nợ công xá mà sau này cô Tám trả tới chết vẫn chưa hết. Xên theo Tư On lên một vùng đất xa lạ. Ở đây lúa má rất ít, bù lại người ta trồng những loại cây gì xanh um từng gốc. Cành lá bóng mướt và từng cành trĩu nặng những chùm trái ương, chín đỏ vàng hườm hượp, lúc lỉu, chen chúc nhau như những trái sung nhỏ .

Gia đình Tư On gồm bốn người: ngoài ông ta và vợ ông, một người đàn bà mặt mũi lúc nào cũng cứng như nặn bằng đất sét lại tô ngoài bằng vôi xanh đỏ, còn hai thằng con cỡ Xên, nhỏ hơn chút ít. Cuối cùng là con chó tên Na. Một con chó nòi nghe nói Tư On mua lại của chủ đồn điền người Pháp trước khi gã này cuốn gói về nước với những binh lính đồng bào của gã. Xên không mấy quan tâm tới mọi người và con chó nhà Tư On vì với cậu, người ta ở đâu cũng như nhau, có một loại người chuyên ăn hiếp kẻ khác và một loại kia luôn phải làm lụng cực khổ mà cứ bị đói hoài. Xên thuộc loại thứ hai. Bởi vậy muốn bớt bị ăn hiếp, trước hết hãy lo làm làm ở đây ra sao. Ngày hôm sau, Xên được trao cho một cái bị cói đeo vai. Vợ Tư On bảo Xên cứ vào thắng vườn cây cà phê chín mọng (à! Thì ra thứ cây bữa qua bắt gặp dọc đường kêu bằng cà phê ) mà hái. Cứ đầy bị thì mang về đổ ra sân rồi lại đi hái tiếp. Xên hỏi:

- Vườn cà phê kia có chủ không chú?

- Rừng mà! Bây hái càng mau, trái càng đỡ rụng.

Tin vào “chú thím", Xên ra sức làm việc, thoăn thoắt suốt ngày ra vào những hàng cây núch ních những trái chín thơm phảng phất một mùi rừng núi mênh mang. Xên cứ tuốt đầy cái bị hai chục lít lại xốc nó lên vai chạy ù về góc sân nhà Tư On mà đổ thốc xuống. Chẳng mấy nỗi góc sân đã cao lùm lùm trước mắt vợ chồng “chú thím Tư". Xên không biết rằng mình đương đổ tiền vào sân nhà Tư On. Cậu chỉ nghe chú Tư nói sẽ gởi tiền về cho cô Tám may quần áo cho cô với thằng Còn, Xên lại nhanh tay nhanh chân hơn.

Một hôm đương mải mê tuốt những trái chín sẫm dồn vào bị, Xên bỗng nghe tiếng chân bước trên lá khô lại gần. Rừng càng vắng càng đưa lại mũi Xên mùi thuốc hút thơm mệt lạ lùng. Cậu ngừng tay đi lại phía người đàn ông cao lớn, khói thuốc mù mịt song không làm mờ khẩu súng dài thoòng ổng cầm ngang thắt lưng.

- Ông cho cháu mồi chút lửa.

Gã đàn ông không nói nửa lời, chĩa thẳng súng vào Xên.

- Thằng nhỏ ! Mầy làm gì ở đây?

- Tôi hái trái cà phê ở rừng chứ bộ . . .?

Gã dứ dứ mũi súng lạnh ngắt trước trán Xên:

- Mầy biết vườn cà phê của ai không mậy?

- Của rừng chứ của ông chắc?

Gã quàng chiếc bị lên vai Xên, thúc mũi súng vào đít:

- Thế thì về bót mà hái cà . . .

Xên bị tụi cánh sát đánh cho tứa máu chân răng. Bấy giờ cậu mới hiểu vườn cà phê có chú, mình phạm tội ăn trộm. Cậu chùi máu quanh mép quệt xuống chân tường, thành thực:

- Chú Tư nói trái đó của rừng, hái giùm chú về được tiền, tôi mới hái.

- Mầy nói Tư nào? Phải Tư On không?

- Dạ phải. Tôi ở đằng nhà ổng.

Tụi lính bực mình với Tư On đã lâu nay mới bắt được Xên là kẻ tay chân của tên này, nên chúng trút tất cả tức giận lên cậu bé. Mãi tới khi có tiếng lao xao ngoài cửa "ông Tròn" nào đó đã tới, bọn chúng mới ngưng lại, Xên rũ ra như con sên nhỏ trong vũng máu. Tròn lại là cháu Tư On, một đảng viên đảng "Cần lao Nhân vị", một tên sát cộng khét tiếng của Ty Công an Bà Rịa. Bọn lính phải thả Xên, mặc cho Xên bò về nhà. Thì ra "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Tên chủ vườn cà phê bị mất trộm và Tư On là hai kẻ kình địch nhau. Tư On cậy mình có cháu là Tròn trên Ty nhưng gã chủ vườn lại thuê cảnh sát tại bót quận rình bắt kẻ trộm. Xên chỉ bị đánh nhừ tử chứ không bị bỏ tù nhờ cái vía của tên Tròn tên méo nào đó cũng là may. Về nhà, Tư On chửi bới Xên một chặp vì cái tội xưng tên y ra cho bọn gác cà phê biết trình cảnh sát. Y phạt Xên không được thưởng tiền nữa (!) và đuổi Xên xuống coi trâu.

Người dắt Xên xuống nhà dưới là chị Thu. Chị đưa Xên tới gặp một người đàn bà rách rưới đương ôm đầu chạy trốn cơn thịnh nộ của tên cai. Thu bảo:

- Đấy là bà Dẹp người Châu Ro ở sóc Nhạn, xóm Cò ra làm mướn vì trong sóc đói quá. Từ nay em làm chung với bả. Em cởi quần này ra, thay cái quần chó xé này vô để chị trả bà chủ cái quần kia.

- Tụi lính xé mất áo, còn cái quần dính máu này, em. . .

-Khỏi! Còn quần trả quần. Mất áo bả trừ tiền em mãn năm đó. . . Để tối chị vá lại cho cái quần chó xé này vậy.

Đêm đó, Xên ngủ trong chuồng bò do bà Dẹp bàn giao lại. Những vết roi đòn do bọn cảnh sát quận nổI vằn lên. Dù chúng thấp hơn sẹo Cả Đình, song tất cả đều hằn trên da thịt cậu bé 13 tuổi. Cái tuổi đã bắt đầu ý thức được nỗi đau đớn của kể bị ăn hiếp cũng như đã được nhận thấy sự cảm thông của những người chung cảnh ngộ. Ví như Thu, bà Dẹp. . . dù họ là người Châu Ro, là con gái khác giới của mình. Trong đêm đen, giữa tiếng gõ sừng của lũ bò lịch kịch, Xên nhớ tới chị A, cô Tám, thằng Còn, lũ bạn. Tộ, Sang. . . Xên hiểu ra chỉ tại thằng Tây và bọn Cả Dình, Tư On và những người nghèo khổ nhưng tết bụng như chị Thu cùng mọi người phải khổ. Ước gì mình lớn nhanh để làm cái gì xóa sạch chúng nó đi.

Đàn bò sữa gần trăm con mà Tư On giao cho Xên coi sóc có một bãi cỏ sữa mênh mông. Bãi đó dài tới cỡ Xên chạy non buổi sáng mới tới bìa cuối. Nơi ấy là ranh, bởi cỏ vừa chấm hết đã gặp những cây cao su non tơ phơi phới những tai lá lộc rung lên chào gió và nắng. Màu xanh cỏ với màu xanh nõn cao su khác nhau chẳng những bởi chiều cao mà còn bởi một đàng xanh đậm và săng sắc còn đàng kia xanh mát và dịu mềm. Bò có vẻ ưng những đọt cao su? Hễ cứ mon men tới gần ranh là thế nào cũng có con lén vượt rào, bứt sồn sột những ngọn cây non yếu ớt. Xên đã có cách chỉ huy đàn bò bướng bỉnh của mình. Cậu dùng cây giàn thun với một loạt đạn gồm những hạt sỏi trắng nhỏ tựa hạt bắp răng ngựa. Sỏi đó Xên lựa hằng ngày trên đường dắt bò được cả túi. Xên chỉ bắn vào sừng con đầu đàn. Bắn trúng phóc. Con đầu đàn đã quay lại thì kể như rừng cao su an toàn. Khỏi ngầy ngà giống như khi bẻ trộm cà phê. Xên chỉ muốn vậy. Số là vì dạo này, Xên làm quen với bé Liên. Một cô bé gái ngày nào cũng xin đi nhờ bò của Xên tới trường tiểu học của ấp bên ngoài lô cao su. Bé dạy Xên đánh vần, bé mở cho Xên cánh cửa vào một ngôi nhà khác mà sau này anh mới hiểu thiếu nó con người gần gũi súc vật một nửa quãng đường đời. Đó là tri thức!

Xên chăn bò ở đây còn có dịp làm quen với ba chị em nhà chú Chín Bình Dương. Ba đứa cũng đi chăn bò mướn cho một chủ trại, còn chú Chín thì ốm nhoi, ốm nhách, nghe nói chú bị tố Cộng bên đó, chạy dạt qua đây sống nhờ vào ba đứa con đi ở đợ. Xên đã nhìn thấy chú Chín đôi ba bận. Hai mắt chú sáng và cũng lẹ như chú Tám Đông ngày nhỏ của Xên. Xên càng thêm thân mật với chị em bé Ba. Bữa nọ, cả bọn đương mải nằm bò ra bãi tập tô chữ lên đất theo bài học của nhỏ Liên thì bỗng nghe bò chạy tán loạn. Cô chị lớn vừa lao về phía bò vừa hò hét. Nghe kỹ Xên hiểu: "Chủ sở bắt bò tao bay ơi". Thì ra chủ sở cao su bắt được con bò của bầy bò nhà chú Chín đương nhai lá, y đem về gọi phu cạo mủ dong vô sở. Xên hỏi các bạn:

- Chủ sở là thằng Tây mập phải hôn?

Bọn bạn gật đầu. Xên chạy tắt lại. Đúng thằng Tây sở. Hắn chính là cái gã hồi tháng trước bị mấy chú trong rừng ra bắt trói cảnh cáo về tội đánh công nhân cạo mủ, cộng với tội đem lính đồ đen về bắt "Việt cộng". Hôm đó Xên chạy tới thì mấy chú đã rút mất, chỉ còn thằng Tây mập bị trói trong chiếc ghế bành giữa lô cao su vắng vẻ. Xên tấp lại thoi một trái thụi vô đúng cái bụng lều phều của thằng Tây. Khoái hung! Nhưng sau đó bọn lính với lại bọn cai sở bu lại đông nghịt, Xên phải lảng đi. Cậu nghĩ nếu mấy chú trong rừng trị được nó thì mình cũng "xơi" được. Lúc này thằng Tây mập đã leo lên chiếc xe đen bốn bề kiếng và nổ máy theo hướng sở cao su. Xên leo lên lưng bò, nắm chắc viên bi sắt trong miếng đệm da quen thuộc và kéo căng dây thun, nhằm thẳng vào mặt thằng Tây lấp sau cưa kính. Mặt kính vỡ toang. Thằng Tây quay lại, nhìn thấy bộ mặt dữ tợn của thằng bé con trên lưng bò. Y né tránh, lại thấy thằng nhỏ quát to:

- Thả bò tao ra, không tao bắn lọt tròng mắt đó!

Thằng Tây đã biết ăn mắm tôm đất Việt này cũng rành tiếng ta. Nó còn biết hơn thân phận mình, loại chủ sở cố bám đồn điền cao su sau khi quân đội đồng bào của hắn phải cuốn cờ về nước nhục nhã. Hắn ra hiệu cho mấy người công nhân thả sợi dây buộc bò ra và dúi cho anh tài xế một cái thật mạnh để chuồn mau... chị em cô bé, con chú Chín Bình Dương tỏ vẻ khâm phục Xên vô cùng. Các cô ngỏ ý mời Xên tối đó đến chơi. Xên được chú Chín xoa đầu khen ngợi. Rồi sau khi nghe câu chuyện hoàn cảnh của Xên. Chú bảo: "Từ rày chú coi cháu như con trai lớn của chú. Gọi theo cách bác cô chú người Bắc vô đi phu thì cháu là thứ Cả, Cả Xên, được không?". Xên ưng lắm. Từ đó tên Cả Xên theo sau cậu bé chăn bò nhà Tư On đến tận năm Xên 16 tuổi.

Danh tiếng Cả Xên theo lũ trẻ chăn bò vang xa đến mấy điền. Lâu dần, bọn trẻ ở các sở mủ quanh đó đều là bạn của Cả. Để làm được việc đó, không phải dễ. Tất cả mọi lần đều phải trải qua một trận thử sức thật lực. Lạ thay, không lần nào Xên đầu hàng bất cứ đứa nào, dù thằng ấy hơn sức hơn cơ thì cũng phải thua tính lì của Cả. Suốt một vùng ba bốn sở mủ, trẻ con đều tôn Cả Xên lên hàng thủ lĩnh. Ngay bọn cai sở, tụi con cái họ cho chí bà con phu cạo, rất nhiều người biết tiếng tăm cậu Cả Xên, chăn bò nhà Tư On có tài bắn ná bách phát bách trúng. Kỳ hơn nữa, cậu còn có gan đánh cả thằng Tây mập chủ sở, lấy lại bò. Tiếng tăm ấy rồi cũng đồn ngược trở lại tai Tư On. Bữa ấy, Xên lùa bò về chuồng khi trời hãy còn sớm. Tư On đứng đón ở cổng sở. Y sờ lưng từng con bò sữa lông vàng và lủng lẳng chùm vú dưới bụng. Hắn gật gù. Sực nhìn thấy mắt trái. của một con bò bị sưng híp, mặt Tư On chợt đỏ lựng:

- Sao vầy nè?

- Dạ. . .

- Không dám, dạ cái con mẹ họ mầy. Phải mày bắn?

Hắn vút cái roi bò lên lưng Xên. Xên uốn lưng xuống nhưng không tránh được những gai cá đuối của sợi roi. Buốt lòi loi, nhưng Xên kịp luồn qua bụng bò, bỏ chạy. Mụ Sàn, vợ Tư On đứng trên hiên nhà nói vọng xuống:

- Bằng phủi đất cát cho nó?

Cả Xên phải đợi khi Tư On vào nhà mới dám vác sọt di dọn phân bò vương vãi ngoài sân. Đương lom khom hết đống phân ở gần tam cấp thì thằng Tiết con út Tư On từ đâu nhảy bổ lên lưng Xên đòi Xên mọp xuống làm ngựa cho nó. Xên còn đương lúng túng với cây chổi xọc dừa và mấy hòn phân bò nên cứ dún dẩy cái lưng làm thẳng nhỏ Tiết càng sướng cười như nắc nẻ. Thằng Kim anh nó bỗng từ trong nhà phóng ra như con chó dử, chồm tiếp lên lưng Xên. Xên bị bất ngờ, quỳ mẹp xuống đất.

- Ngồi dậy cõng cậu Ba mầy - Thằng Kim la lối, vung tay nhưng Xên vẫn chưa dậy được. Hắn quát – Tao đá  và lập tức mũi giầy cúa hai anh em nó chọc xiên trên sống mũi Xên. Máu rịn ra. Xên ức quá, quật luôn thằng Tiết ngã nhoài ra sân. Chưa đã, Xên thuận tay hốt giò thằng Kim lăn đùng theo làm cả hai đứa công tử bột to xác la om trời đất. Mụ Sàn giơ hai tay lên trời:

- Quỷ thần ơi! Thằng Xên mần thịt hai đứa con ông rồi ông Tư ơi. . . !

Trong phút chốc Xên bị trói giật cánh khuỷu vào cột nhà. Một cuộc tra hỏi tổng hợp mọi tội lỗi:

- Sao mày dám động tới con ông?

- Sao mày dám đem con chó Na nhà ông đi bán?

- Bộ mày tính cướp nhà ông chắc?

Xên thè lưỡi liếm máu đương xâm xấp rịn ra quanh mép. Cậu giả vờ ngơ ngác nhưng kỳ thật chính Xên đã thuốc chết con Na nhà ông Tư On từ sau lần hai vợ chồng Tư On xua chó cắn mấy người Châu Ro làm mướn chót lỡ làm đổ thùng sữa tươi ra chuồng. Lần ấy Xên đã đem xác con Na ra cho chú Chín Bình Dương để tặng mấy người công nhân trong sở mủ ăn thịt. Đêm ấy chính Xên đã nói ý nguyện muốn rời nhà Tư On ra rừng với mấy chú Việt cộng vì cậu mới được chú Chín giải thích cho rằng Việt cộng chính là Việt Minh thuở nào. . .

Thấy Xê gan lì, mụ Sàn giằng roi cá đuối từ tay chồng và khảo đả lên người Xên. Mỗi lần roi vút, mụ lại lên rẩm rằng Xên là đứa ăn tàn phá hại, là hắn dại dột đem rước voi về giày vườn. Đau buốt vì những gai cá khô móc da thịt, Xên nhằm thẳng bụng chân mụ Sàn đá mạnh một cái khiến mụ bật ngửa xuống đất. Mụ la lối: "Nó giết tôi rồi" và như có quỷ dừ xui khiến, mụ lồm cồm bò dậy, lục cây thước kẻ bằng gỗ mun có bốn cạnh bọc đồng thường dùng làm vũ khí phòng thân của Tư On ra. Mụ cứ nhằm hai ngón chân Xên mà khảo. Cho đến lúc Xên ngất hẳn mụ mới chịu ngưng tay, hể hả hớp ngụm nước trà ướp lài thơm mát. . .

Trận đòn của mụ Sàn ấy làm cho Cả Xên không bao giờ quên được. Mỗi năm Xên mỗi lớn, mỗi khi nhìn xuống hai ngón chân cái bị méo vẹo như chân người cổ đại, Xên lại nhớ tới món nợ này. Song tuổi mỗi lớn, Xên lại được các chú trong rừng và chú Chín Bình Dương bảo ban, kiềm chế thêm để bớt tính hung hãn vô lối. Xên cũng đã ngộ dần ra cái nguyên cớ nỗi khốn khổ của mình, của chị A, ba má . . . nói chung tất cả những người tử tế bấy lâu nay Xên thường trò chuyện, giúp đỡ hay bênh vực bằng sức mạnh của mình. Các chú đã gợi chuyện để Xên nói ra được kẻ thù chính của làng nước là bọn Pháp, tuy chúng rút về nước nhưng lại có bọn giặc Mỹ thế chân, chúng dùng những tên tay sai người ta như bọn thằng Tròn công an, bọn chủ sở. .. phải làm cách nào đuổi hết chúng, mình mới khỏi khổ.

Trong xa xăm của ý thức, Xên đã mường tượng ra cái ngày mình cầm súng nhưng phải là khẩu súng to hơn súng của bọn cảnh sát, bảo an để nã thẳng vào đầu chúng nó. Bao giờ? Xên chưa rõ nhưng đã có lần Xên đến gần thằng dân vệ, ướm thứ, cậu thấy khẩu súng cúa hắn ta chỉ nhỉnh hơn chỏm tóc mình độ một đoạn lê nho nhỏ. Sắp rồi? Phải, Xên đã gần mười sáu tuổi. Đã mười năm trời đi ở đợ cho Cả Đình và Tư On cơ mà? Hôm ấy, Tư On mới chạy bình bịch lên quận được một lát thì Xên cũng vào nhà ngang lấy mo cơm sửa soạn ra bãi. Chị Thu đương véo von hát một bài dân ca xứ Quảng. Dường như chị nhớ quê và cha mẹ vì nghe nói gia đình chị lưu lạc từ Quảng Ngãi vào Vũng Tàu nhưng bị bọn lính tuần tiễu bắn chết sạch vì nghi Việt cộng. Chị được mụ Sàn mua về làm người ở vì khỏe mạnh và thực thà. Đương nghe chị Thu hát, Xên bỗng thấy tiếng con mụ Sàn the thé ngoài phòng lớn. Nó đương khảo chị Thu bắt đi tìm cái quần áo lót nào đấy Chị Thu khẳng định đã gấp cất rồi, nhưng con mụ lười biếng cứ sấn sổ:

- Mày ăn cái quần của tao rồi hử?

- Dạ, bà coi lại...

- Coi cái mặt con chó cái nhà mày hử?

Rồi Xên nghe tiếng chân bà cụ Dẹp Châu Ro chạy phóng ra sân. Xên lao vào thấy hai bàn tay múp míp những thịt và móng vuốt đỏ lòm của mụ Sàn cứ tới tấp chộp, bổ lên mặt lên người chị Thu làm chị co quắp lại, giật lùi gần tới góc nhà. Nhanh như sóc, Cả Xên phóng một phát đá như trời giáng vào lưng mụ Sàn khiến mụ ngã sấp xuống chân chị Thu. Cậu nhác thấy cây thước cạnh đồng còn chìa ra một đoạn trên nóc tủ, rút ngay xuống xông về phía mụ Sàn.

- Ối ông trưởng ấp ơi, chúng nó a tòng với nhau giết tôi nè. . .

- Này, cả cái lão Chóng trưởng ấp tới đây tôi cũng tương cho lòi con ngươi mắt. Tôi hỏi bà cái gì đây?

Biết lâm vào thế bí, mụ Sàn hèn hạ:

- Bẩm cậu. . . cái cái. . . thước đo

- Nhìn xem cái gì đây?

Xên chìa hai ngón chân cái bị thương tật méo xẹo. Mụ Sàn nhắm mắt. Cứ thế Xên giã xuống ngón chân mụ. Mụ lăn lộn, van lạy xin tha, xin chừa .v.v. . . Xên bỏ mặc mụ với đống máu ở đấy, ra ngoài cửa lại gặp thằng Chóng trưởng ấp lăm lăm cây côn mun, vừa xuống chiếc xe Gôben phía ngoài:

- Thằng kia mày làm loạn hả? Tao chưa bắt mày vì mấy tội phá cao su, gây lộn trong ấp, thả đinh ngoài lộ đó nghe. Bây giờ cả gan phá nhà chủ là ông Tư?

Xên giương ngay giàn thun lên:

- Ông bước tới bước nữa tôi bắn lòi con mắt sau cái kiếng đen kia đó - Rồi như nhớ ra, Chóng chỉ còn con mắt phải do đã bị mấy chú nằm vùng tỉa đui bên trái, Xên nói rõ - Con mắt phải đó!

Có lẽ đã nghe danh tài bắn súng cao su của Xên với cái tên Cả Xên truyền tụng mấy ấp rồi, Chóng giật lùi không dám vào cứu nguy cho con mụ Sàn. Y định bụng lên quận rỉ tai xếp Tròn xuống giải cứu vì y biết rõ bữa nay Tư On lên Bà Rịa phải khuya mới về. Tình hình coi mòi bất ổn, Việt cộng đã mò về cả ban ngày, chở gạo, muối từ chân lô cao su ra bưng: Đã chấm hết thời gian làm mưa làm gió của những kẻ như y rồi? Ước gì người Mỹ sớm đem quân vô đây để "bảo toàn" cho công cuộc mần ăn của bọn y!

Buổi tối Tư On về, nghe vợ kể tất cả nhưng hắn lẳng lặng coi như không có chuyện Xên đánh vợ mình. Hắn vẫn chỉ huy cuộc kiếm tiền từ giọt cao su, chai sữa đến cục phân bò... Xên ngỡ ngàng rồi buông lỏng cảnh giác. Đúng như vậy. Vào buổi chiều ba ngày sau khi Xên nện mụ Sàn đến vô nhà thương Bà Rịa, Cả lại dong đàn bò về chuồng theo đội hình giống như trước. Qua khỏi cổng trại, Xên quan sát thấy tứ bề yên tĩnh, chứng tỏ Tư On đã lên nhà thương với hai đứa con trai chưa về. Xên lùa con bò khoang đầu đàn qua cánh cổng nhà trại. Tư On đã đứng sau cánh gỗ mà Xên không hay biết. Tay hắn giơ sẵn chiếc cán cuốc. Thoáng chốc, Xên nghe choang từ đỉnh đầu rồi quay cuồng, lịm đi. Thằng Tư On trả thù Xên một cách hèn hạ như thế vì hắn biết hắn không thể đối mặt với Xên nổi. Xên đã lớn, cao hơn hắn đến gang tay, lại sức trai mười sáu ăn chưa bao giờ biết no là gì, lại là tay thiện xạ súng bắn giàn thun. Song hơn tất cả là tính tình Xên hết sức ngay thẳng, không biết sợ là thế nào, chỉ nghe theo lý lẽ của chính mình.

Khi Xên mở choàng mắt trở dậy thì trời đã khuya lắm. Sương xuống ướt đẫm cả người. Một mùi tanh tưởi bao trùm, càng nặng nề hơn do sương đêm đè xuống. Xên đã nhận ra mình đương nằm trong cái hố phân bò. Xên cố chắp nối mọi sự việc lại và thật may, trí nhớ đã đưa cậu về đứng chỗ cánh cổng nhà trại hồi chiều. Xên đã hiểu ra tình thế nguy hiểm của mình. Rõ ràng Tư On định ném mình xuống hố phân nhớp nháp này là để mình chết vì đau đớn cùng với ruồi muỗi và cơ man những côn trùng trong đó. Nếu không tìm đường tháo chạy cho sớm thì ngày mai thế nào y cũng tìm cách đánh thêm cho tới chết để hả giận vì những tội mà Xên gây ra cho chúng như đánh mụ Sàn, phá nát mấy công cao su non tơ của hắn. Sở dĩ bao ngày nay vợ chồng Tư On còn chưa giết Xên là bởi hắn còn thèm khát sức lực của Xên, nay chính Xên đã đánh lại hắn, cơ sự đổ vỡ cả rồi. Hắn không tha nữa. Có thể hắn còn mướn tụi thằng Tròn công an và thằng Chóng ấp trưởng vu cho tội cộng sản đem trôi sông không chừng...

Dù người ngợm bẩn thỉu và choáng váng ngất ngây bởi cú đánh lén hồi chiều, Xên cố nghiêng mình, dùng khuỷu tay làm trụ, nâng dần người lên để lết từng đoạn nhỏ một. Riết cũng tới được bìa hố. Xên định hướng để bò tới lều chú Chín Bình Dương. Cậu cứ lấy thời gian từ tầm sáng của ngôi sao thợ cầy di chuyển. May quá, lúc rạng sáng, Xên đã qua được con suối cạn, lối dắt vào sở cao su thằng Tây mập Xên bỗng nhớ tới chú Tư Lùn có lần Xên gặp ở đây. Xên quyết định cắt suối, rẽ nhanh vào khoảng rừng còn nằm ở cuối khu rừng thưa giáp ranh này. Cậu vớt nước rửa ráy và uống đại, không ngờ người phấn chấn hẳn lên. Cậu quyết định không rẽ vào chú Chín nữa.

Sau nửa ngày vừa đi vừa núp sau những thân cây để tránh gặp những người làm công cho Tư On trên mảng rừng thưa, đến trưa Xên đã đặt chân lên phần đất rất xa lạ, đầy huyền thoại đối với cậu và lũ bạn xưa nay: Rừng! Rừng; di mỗi bước mỗi gặp hổ báo voi v.v... chỉ rình xé xác kẻ nào bước tới. Rừng: nơi các chú Tư Lùn, Tám Đông và những người gọi chung bằng "Việt Cộng" sống ngang dọc, khiến cho những kẻ như Tư On, công an Tròn hoặc Cả Đình hễ nghe nói đến là vừa ức vừa lấm lét ngó quanh. Tóm lại rừng hứa hẹn thay đổI cuộc đời của Xên hiện tại, giúp cậu có điều kiện trả những món nợ... sau này.

Cái bụng Xên ngon ngót và lọc bọc làm sao. Chắc đói! Xên ngó quanh chỗ đứng. Chỉ toàn những cây dựng đứng, ngổn ngang dây rợ. Nhìn thật kỹ dưới đất mới thấy dấu chân người đi lại thấp thoáng kiểu lối mòn. Đói và mệt, Xên bứt đại một nắm lá ngải ré non va vào miệng nhai ngon lành. Cái đói đã thua sức trai, mà đây là sức trai có mục đích. Xên lấy lại sức đi tiếp trên con đường mòn thỉnh thoảng lại lỏng chỏng đôi ba cục phân nai, phân mễn. Cứ như vậy, Xên đi sâu vào khu rừng linh thiêng không hề sợ sệt gì. Cậu mường tượng ra tiếng gọi của chú Tư Lùn ở một hốc tối nào đó, hay bên kia bờ con suối đầy nhưng vẫn thấy được những tảng đá nhô thụp giữa dòng... Không có ai cả. Rồi đêm xuống. Đói và tối tăm. Nhưng Xên không cảm thấy tối bằng những đêm nằm trong nhà Tư On là tại sao nhỉ? Xên chui vào đống lá khô vơ vội lúc cuối ngày và ngủ vùi trong cơn đói lả để rồi sáng ra, với lá rừng và nước suối, Xên lại tiếp tục lần mò trên lối mòn (mà hôm nay cậu đã lượm được đôi mẩu tàn thuốc trăng trắng nơi ngọn cỏ, chứng tỏ mấy chú mới qua đây) Xên không ngờ rằng cậu đã phải lê lết tới ba ngày ba đêm giữa rừng già Xuyên Mộc tới lả.

Chính vào lúc Xên đã mơ thấy mình gặp lại ba má, cô Tám, chị, anh Tư và lũ bạn chăn bò ở nhà Cả Đình Tư On một cách kỳ lạ và rất lơ mơ thì cậu được một người đàn ông cúi xuống thốt lên:

- Trời, thằng nhỏ Cả Xên.

Xên bải hoải, hé mắt. Xên nhận ra chú Tư. Nước mắt Xên ứa ra đôi gò má khô khốc vì mấy ngày đói khát và chui nhủi trong rừng. Xên nói nhỏ:

- Cho cháu theo mấy chú.. . đánh tụi nó. . .

Nghe và đoán mãi, chú Tư mới hiểu nổi. Chú cũng nhận ra sự tình của Xên. Chú lưỡng lự:

- Theo mấy chú, có chịu cực được không?

Xên chỉ chờ có thế. Cậu gật đầu dứt khoát, và ngất hẳn. ..

Thoạt tiên Xên được đem về "quân y" tỉnh để chữa chạy những vết thương đã bị nhiễm trùng do bị vất ở hố phân bò hôm trước. Sau đó khỏe mạnh, Xên được đưa tới nhận công tác ở lán anh Tư Nhàn.

Nhưng đã 10 ngày rồi Xên vẫn ở không. Tối ngày ngồi ngó những chạc cây trên cao tít. Tối đến nằm võng im thin thít cho anh Tư làm việc bên ngọn đèn dầu hôi đỏ lòe. Tư Nhàn chính là chú Tư Lùn mà Xên và bà con mấy sở dưới xuôi quen gọi. Lên đây, anh Tư nói tên thật là Nhàn và nhận Xên làm em nuôi, Anh Tư đi tập tễnh vì trong lần vượt ngục Tân Hiệp trước đây anh bị té trật đầu gối trái. May nhờ đồng đội cõng vượt qua sông Đồng Nai qua bên kia Tân Uyên mới thoát lên chiến khu Đ chữa trị rồi khi phong trào lên đều, anh Tư được điều về miệt Bà Rịa này coi sóc công việc tuyên huấn của huyện. Bữa nay anh Tư không đi công tác. Anh liếc xéo thấy Xên đương ngồi lau chùi chiếc ăng gô đựng cơm cho anh. Anh gật gù bước lại:

- Xên này, em tính đi theo mấy anh tới khi nào thì về?

Xên ngơ ngác chưa hiểu ý anh Tư Nhàn. Em vặn lại:

- Thế chừng nào anh nghỉ?

- Chà, hỏi chắc vậy bây. Tao hả? Khỏi dài dòng:

- Tao theo cách mạng tới già.

Thì em cũng vậy. Đi hoài, hết tụi Tư On, mần tiếp bao giờ cho mọi người sướng như nhau mới ưng.

Nhàn xoa râu cằm, quyết đoán (thực ra anh đã để ý Cả Xên từ những ngày anh phải ra vào vùng địch để vận động tương trợ lương thực, nhu yếu phẩm .v.v. .. trước kia, mấy hổm rày anh Tư theo sát, đã ưng trong bụng)

- Bay nói nghe ngon đó. Vậy từ mai tau cho bay làm liên lạc cho tỉnh nghe mầy.

- Liên lạc là gì?

Mắt anh Tư hơi nhíu lại, nhưng ngay lập tức anh nhớ lại hồi "chín năm" đi theo mấy anh, cũng ngây ngô như Xên bây giờ. Anh ôn tồn:

- Là đem thơ cho các nơi "bồ bịch” của cách mạng đó.

Xên giúp anh Tư gọi tên các cụm từ dài dòng:

- Kêu bằng "cơ sở" mà anh cũng không biết.

- Ờ! Nhưng có dám đi ngang đồn bót của tụi ngụy không nào? '

- Trời, đã gọi là làm cách mạng còn chọn lựa gì nữa? Đâu cũng đi biết ờ nhưng mà em đâu biết chữ?

- Ờ anh sẽ dạy em học. .

Xên đế vào:

- Hồi còn chăn bò, con bé Liên đã dạy em biết mặt hăm bốn chữ cái rồi. Đương học tới vần trắc "u. . .ê nhờ uênh" thì con mụ Sàn nó đánh què giò. Tạm nghĩ  đó.

- Tốt lắm. Mà còn việc này nữa, anh bàn với em cho xong luôn nghe. Đi làm cách mạng phải có bí danh mới không sợ địch bắt bớ làm đổ bể cơ quan. Hở? Bí danh là gì à? Là tên bí mật anh em đồng chí biết, gọi với nhau thay thế tên xưa ở nhà. Vậy anh coi bí danh em là gì cho đặng? Anh Tư thủng thẳng: “Trước đây, ở cơ quan mình có một em liên lạc cũng nhỏ như em, tên cũ là Muôn. Sau lấy bí danh là Vinh để công tác. Vinh là một chiến sỹ giao liên gan dạ lắm. Mấy năm trước địch đánh phá, o ép ta dữ lắm mà Vinh bao giờ cũng đi lọt qua rất nhiều vùng khó khăn từ đây lên tận chiến khu Đ xa lắc”.

Vậy bữa nào anh Vinh về, em phải làm quen để học ảnh mẹo đi liên lạc mới được.

Mặt Tư Nhàn bỗng não nề :

Đáng tiếc là gần đây, Vinh bị địch phục kích ở Đất Đỏ lộ 2. Địch bắn gãy chân Vinh. Em phải lết vào bụi cây để tìm cách băng bó vết thương và thủ tiêu tài liệu. Địch lần theo vết máu tìm được. Vinh đã rút chốt lựu đạn "cưa đôi" với chúng. . .

Trái tim Xên như trĩu nặng. Em lắng nghe anh Tư.

Bởi vậy, anh quyết định đặt cho em bí danh là Quang. Có Vinh thì lại có Quang. Chịu không

Xên nhảy dựng lên:

- Chịu quá chớ? Nguyễn Văn Quang hở anh Tư? Hay lắm. Em sẽ không làm dơ tên tuổi hai anh em Vinh và Quang đâu. . .

Chuyến thư đầu tiên, anh Tư ngóng Quang từ cửa rừng. Anh rất lo vì có tin một đại đội bảo an đi lùng sục vùng Quang tới. Anh đốt những điếu thuốc rê như ngón chân cái và ngậm đến nhão ra trong miệng cũng không hay vị cay xè của thuốc lên nhựa. May quá Quang đã về tới Anh chưa hất hàm, Quang đã cười toe toét, tay đón điếu thuốc vấn to sụ từ tay Tư Nhàn:

- Thành công, anh Tư.

- Mầy kể anh nghe coi có đưa đủ từng người không?

- Đủ chớ! Em vô tận chỗ mấy ảnh cạo mủ.

- Chà, khá quá cha nội. Không biết đọc rành mà đưa được văn thư tận tay, lại còn biết che mắt địch...

- Khó gì đâu! Em cứ đưa cả xấp thư cho mấy ảnh lựa cái nào phần mình: Lấy, còn đâu đưa tiếp người Tư Nhàn giật mình:

- Thấy mẹ rồi. Làm thế còn gì là bí mật nữa. Phải tự mình đọc tên người nhận ngoài bao bì. Cầm một cái đưa tận tay.

- Chà ! Ngặt vì đánh vần lâu quá trời. Không đặng. Từ rày phải học hết cuốn tập vần, đọc rành anh mới cho đi.

Nhưng mấy bữa sau lại có công tác hối, anh Tư Nhàn đành nghĩ ra một mẹo nhỏ. Anh lấy bút vẽ kèm theo tên người để Quang khỏi đánh vần lâu. Tỉ dụ ông Tư Nhà Thiếc,. anh vẽ cái nhà có mái tôn thiếc sóng sóng, chú ba Gáy thì vẽ con gà sống vươn cổ như đang gáy v.v. . . Tất nhiên cũng có lúc anh Tư gặp bí, tỉ như tên ông Bảy Dường. Tư Nhàn ngồi sờ râu mãi không nghĩ nổi vẽ cái gì cho đúng. Anh bảo:

- Khó thiệt đa, mậy!

- Thì vẽ đường mình ăn đó, anh Tư

- Đâu có, à để im tao nhớ ra rồi Bay nhớ tích vua Đường Thế Dân bên Tàu không? Ổng có bộ râu tốt lắm. Vậy tao vẽ thằng cha này rậm râu, mầy nhớ mang thư tới Bảy Đường nghe. Việc đặt tên cơ sở bằng hình vẽ xem chừng tươm tươm. Chả mấy, Quang đã thuộc hết những hình vẽ lem nhem của Tư Nhàn. Xáo lên trộn xuống cậu cũng đọc ra vanh vách như đọc chữ vậy. Anh Tư phát biểu "tổng kết":

- Vài tháng nữa cơ sở tăng thêm, dám tao xin chuyển ngành.

- Chi vậy anh Tư?

- Dể làm thư ký riêng cho mầy.

Quang ủng hộ :

- Xem hình khoái hơn. Đọc chữ nhức mắt thấy mồ. Mà sao mấy ông thầy giáo họ đọc viết tài tình quá hé?

- Đâu được, cha nội. Mỗi ngày phải học một buổi. Bộ mày tưởng chỉ làm liên lạc hoài vầy sao? Lớn lên, còn làm cán bộ, đi chủ lực cũng phải tới chỉ huy. Không biết chữ uýnh sao được giặc?

….Như thế, ngày ngày sức vóc Quang một lớn hơn, kéo theo trí khôn nảy nở vì anh đã đọc thông viết thạo, đã không còn cần đến những hình vẽ minh họa tên người kiểu vua Đường rậm râu của anh Tư nữa. Thậm chí, Quang đã làm quen dần với những vấn đề rất mới nhưng không xa lạ lắm với anh như là Đảng, Mặt trận giải phóng và nhất là Bác Hồ, người ở tận Hà Nội xa xôi ngàn dặm nhưng Người biết rõ, biết hết mọi nỗi niềm riêng tư của từng người ở tận cùng đất nước.

Không mấy chốc Quang đã hai mươi tuổi. Căn cứ huyện xưa kia nay đã khác. Riêng bộ phận nhận đi thư của Quang đã phình ra đến hai tiểu đội. Khách đi về tấp nập suốt ngày đêm. Thi thoảng có cả khách tận ngoài miền Bắc vào nghiên cứu. Đùng một cái Quang nghe tin anh Tư đổi về tỉnh. Mấy hôm liền Quang bỏ cơm, vô rừng ngồi một mình ủ rũ bên bờ suối. Anh Tư Nhàn gấp xong quần áo, mới thấy Quang:

- Vô đây Quang! Mày mà cũng mít ướt như con gái sao?

Quang bước vào, anh Tư kéo tay Quang ngồi xuống:

Đoàn viên rồi, sao lại vậy? Bữa nay em đi với anh nhớ lấy bộ quần áo tỉnh thưởng cho mà mặc nghe.

- Chia tay buồn thúi ruột, còn bày đặt bận đồ mới.

Anh Tư không nghe.

- Nhớ đội nón tử tế nghe chưa?

Nói vậy nhưng về lán, Quang cũng ăn vận tươm tất vai còn khoác khẩu các bin. Quang chiều anh Tư mọi chuyện, nhưng thế nào Quang cũng đòi đưa anh Tư đi hết một trạm đường. Có đuổi về, Quang cũng cứ theo. Hai anh em tạt vào một xóm nhỏ ven đường 15 thì mặt trời đã lên cao hơn ngọn cao su. Anh Tư bứt rứt, đi lại xốn xang trên đường, dường như trông đợi ai.

- Em biết bữa nay ta ra đây làm gì không?

Mặt Quang lại chảy xệ xuống. Buồn muốn nát ruột còn hỏi.

- Nè ! Bữa nay anh cho người đón cô Tám lên cho em gặp đó.

Quang đánh tuột cây các bin xuống đất. Miệng tròn a như trời trồng. Anh Tư vẫn nói: "Sở dĩ anh không nói trước vì ba bận rồi cho cơ sở đi tìm nhưng chưa rõ cô Tám em phiêu bạt nơi nào. Lần này thì chắc lắm nghe". Quang chỉ biết cúi đầu vừa sung sướng vừa hồi hộp. Vừa hay có tiếng còi xe ngoài lộ. Anh Tư Nhàn giục Quang sửa sang lại tư thế. Quang nhẩm tính từ ngày xa cô tới nay chốc lát đã bảy tám năm trời, tính từ hồi Quang còn chăn bò cho Tư On, nhắn cô lên một bận.

Một bà cụ già bước lại, ngơ ngác nhìn anh em Quang. Quang đã nhận ra vóc dáng của người cô năm nào. Chao ôi! Sao cô già đi nhanh vậy? Quang bước tới, cúi xuống nắm tay cô:

- Cô Tám, con nè, thằng.. . Xên nè. . . .

Cô Tám khóc vì sung sướng. Cô nhòm lên đứa cháu ngày nào còn ở truồng đen đủi, nay cao vổng lên, đến nỗi cô chỉ nhìn thấy cằm của Quang bạnh ra vạm vỡ Xên bỏ nhà ra đi năm ấy Cả Dình giận dữ, cho trâu tới kéo đổ chòi cô Tám rồi kéo cây về làm củi. Cô phải cõng thằng Còn đi ăn xin và lần hồi về xuôi. Cuối cùng cô tá túc ở chùa và đi làm mướn để nuôi thằng Còn bị chứng động kinh. Cho tới nay, cô đã xuống tóc hẳn và thằng Còn cũng không còn. May mà cô gặp lại được Xên bây giờ. Cô Tám xuýt xoa cảm tạ các anh cách mạng mà anh Tư đại diện. Anh Tư nói thế nào cô cũng không nghe, cô nhất định xin vái anh ba vái. Sau Quang phải nói:

- Cô ơi! ở đây cách mạng nuôi cháu no đủ, cô đừng lo gì hết. Cháu không nhận tiền của cô đâu.

Quang chạnh lòng nhìn cái áo rách vá trăm mảnh của cô Tám. Suốt từ ngày Quang bỏ nhà Cả Đình ra đi tới nay, chưa bao giờ cô có một cái áo lành. Thế mà cô đã khi khắp nơi, kể cả vào chùa đi tu. . . Bên tai, cô Tám lại nhắc nhở:

- Con chớ có đánh lộn với anh em nghe. Ai cũng là người ơn của mình cả đó.

- Cách mạng đánh giặc chứ ai cho đánh lộn. Cô đừng lo.

Cứ thế cô cháu hàn huyên cả buổi. Xế chiều, anh Tư, cô Tám và Quang phải chia tay nhau, người mỗi đường. Quang bẻ đôi ổ bánh mì mà cô Tám mua cho - chắc là bằng tiền dành dụm cả tháng trời: "Cô ơi.' Con ăn một nửa, còn nửa này cô mang về cúng thằng Còn. Lần sau con sẽ có quà biếu cô".

Quang trở về cơ quan một mình. Hình ảnh chiếc áo vá chàng đụp của cô, khuôn mặt hốc hác của cô làm cho Quang ngồi mãi không ngủ được. Lại giọng nói ấm áp của anh Tư Nhàn:

- Em hãy nhớ những cái khổ mà em phải chịu đựng từ nhỏ để làm thật nhiều việc tốt cho cách mạng, cũng chính là để giải phóng chính mình. Hãy sống vinh quang, cần thì chết cho xứng đáng. . ..

Quang vụt ngồi dậy đốt đèn. Trời vừa rạng sáng thì cũng vừa viết xong lá đơn tình nguyện chuyển sang bộ đội chủ lực tỉnh (lúc đó có phiên hiệu Đại đội 45).

Sau trận Làng Cát, Quang chịu trách nhiệm vác cây đại liên đi sau khẩu đội súng máy. Đây là cây súng gắn trên xe lội nước của Mỹ, bị đại đội đánh tơi bời từ trước năm 60. Súng dỡ ra khỏi xe nhưng phải xếp xó vì ta bấy giờ thiếu đạn, hơn nữa súng đạn nặng nề, khó cơ động và bắn không hiệu quả vì mỗi khi bóp cò, đạn đi hết 250 viên trong một phút. Gần đây đơn vị đã lớn mạnh, có khẩu đội súng máy riêng, Quang về được phân công vác cây đại liên 30 đó. Cả súng lẫn chân tự tạo là hơn 35 kilô. Trẻ em trong xóm thấy Quang xách súng là a lên:

- Chú vác "súng rùa" đã về, tụi bay ơi!

Quang vẫy tay chào bọn trẻ. Anh nực cười với cái tên súng rùa mà bọn trẻ gọi khẩu đại liên của anh. Đúng là bộ chân do công binh ta vẽ kiểu rồi làm chung với mấy lò rèn, na ná như bốn cái chân con rùa sắt. Quang sực nhớ lại tuổi thơ của mình trước kia sống ở làng nhỏ ven sông Ông Kèo làm gì được quen biết những anh bộ đội và những khẩu súng như các em bây giờ. Giả sử ngày đó mà có hoàn cảnh như bây giờ, Quang đã diệt hết bọn chủ điền, chủ sở bằng súng.. .Bọn trẻ trong xóm lúc này đã quây quần bên Quang để học hát. ở đâu đơn vị đóng quân, Quang cũng được lòng trẻ. Anh dạy chúng học hát (những bài anh cũng học lỏm được anh em nghe ở trên đài mà anh Tư Nhàn thường cho nghe). Bù lại, trẻ em ở đâu cũng dành dụm cho Quang khi viên kẹo lúc củ khoai, con cá. Quang cất giọng "cầm càng" cho bọn trẻ hát lại. Nghe giọng hát thoát ra từ những cái miệng răng sún, những ánh mắt tập trung, ngay cả các anh em trong tiểu đội đại liên nằm trong nhà cũng phải bò dậy hát góp. Rồi không khí bốc lên vui vẻ. Quang thấy buồn buồn nơi đùi. Anh ngó xuống. Tay thằng Cò vừa rút ra. Thì ra nó lén bỏ vào túi anh nửa bánh thuốc rê gói lá chuối khô. Thuốc này Cò vặt trộm trên bánh thuốc xỉa của bà nội nó rồi. Quang định bụng lát nữa liên hoan xong sẽ gọi riêng Cò ra, trả lại. Nhưng giữa lúc đó tiếng hô báo động của trực ban đã vang lên:

- Biệt kích!

Nhanh như một con beo, Quang hất tấm vải bạt, xốc cây đại liên lên nách:

- Khải, Vọng giữ mấy đứa nhỏ!

Quang chạy ra vị trí đã bố trí sẵn. Đại liên án ngữ trên trục lộ xe bò dẫn ngay vào giữa đội hình đại đội Chỗ này sát bìa một cái trảng nhỏ. Quyến đặt chân súng xuống rồi bật nắp thùng đạn kéo đầu dây đạn đưa cho Quang. Trung đội trưởng Bé đã ở cạnh đại liên. Các tiểu đội khác đã nhanh chóng cắt rừng bao vây địch. Mắt Quang chăm chú theo dõi phía bên kia trảng vừa phát ra tiếng súng nổ. Ba bóng đen vụt ra khỏi bụi le, chạy về phía cây đại liên. Trung đội trưởng Bé ngoảnh xuống Quang:

- Đợi gần chút nữa, coi chừng lầm đồng bào!

Quang cất tiếng:

- 45 đây mà! Đừng chạy nữa!

Quả nhiên, nghe tên đại đội quen thuộc ba cô gái đứng lại ngó quanh:

- Biệt kích rượt tụi em mấy anh ơi!

Quang ra hiệu cho ba cô gái ngồi xuống phía cây đại liên thì lúc đó trên trời ầm ì. Một chiếc IL 19 sà tới rà sát ngọn tre. Vòng đảo của nó thu hẹp dần ngay trên đỉnh đầu khẩu đại liên. Bất ngờ, chiếc máy bay trinh sát bay vống lên và ném ngay xuống một trái khói chỉ điểm giữa trảng. Trung đội trưởng Bé hét to cho trong nhà nghe được:

- Coi chừng địch ném bom.

Quả nhiên, hai chiếc "Xít-Cai-ray-đơ” bổ nhào. Vọng và Khải đã kịp chồm người lên đè mấy đứa trẻ xuống đất cùng đất đá văng mù mịt. ..

Trận tập kích của địch bị bẻ gãy sớm vì vòng ngoài đại đội đã có mấy tiểu đội du kích địa phương phát hiện. Địch chỉ ném bom nhưng không trúng tiểu đội đại liên và cũng không ảnh hưởng gì tới các cháu trong xóm. Ngay đêm ấy đơn vị được lệnh hành quân gấp.

Tiểu đội đại liên đi đầu đại đội cùng với đại đội trưởng Sáu Chí. Hằng mấy tiếng đồng hồ mà đại đội vẫn chưa ra khỏi khu vườn vì vườn cây ở đây cứ tiếp nối từ làng này qua làng khác, đi suốt ngày không hết được. Khẩu đội có Quang, Quyến và Vọng đều người Biên Hòa, quê hương của những trái bưởi ăn một lần nhớ đời. Nhưng miệt này cũng có bưởi, còn nhãn, xoài, mãng cầu nữa. Đơn vị hành quân qua vườn bưởi, cả mấy trăm người với vũ khí trang bị mà chỉ nghe rào rào và hương bưởi ngát lên vì lá của nó chạm vào hơi người. Vừa hành quân, chính trị viên Tư Hùng lại còn thăm dò các con suối để tranh thủ bắt cá, kiếm cua về cho hậu cần cải thiện đời sống bộ đội. Hồi mới về, anh đã nghe danh chính trị viên Hùng. Chuyện kể ngay từ hồi mới 15 tuổi nghe mấy bác thợ mộc rỉ tai nhau về tiếng tăm bộ đội về đến núi Mây Tào, cậu bé Hùng đã trốn nhà ra đi tìm "Việt cộng". Bảy ngày đêm đói khát, cuối cùng Hùng gặp được "mấy chú" trên đỉnh núi heo hút. Từ đấy, vừa chiến đấu vừa học tập, dần dần Tư Hùng trở thành chính trị viên của đại đội. Gần như toàn đại đội đều quí trọng, tin tương anh Tư. Ngay cả đại đội trưởng Sáu Chí cũng luôn nghe anh Tư. Hai người trong ban lãnh đạo thật cứ như bóng với hình. Quang sống trong đơn vị đầy tình thương yêu nên rất thoải mái. Bên Quang lại có những người như Chín Thắng, luôn là tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh ngoan cường. Chín Thắng là chiến sỹ trung liên. Anh còn một đứa con trai lên 10 đương gửi lại hàng xóm trông nom hộ để đi theo đơn vị. Gia đình anh Chín bị pháo ở hạm đội 7 của Mỹ bắn vào chết hết trong vụ Long Mỹ. Trong trận Đá Giăng vừa rồi, chính Chín Thắng đã cứu được khẩu đại liên của Quang vì trong lúc thọc sâu một mình, Quang bị hở sườn. Bọn biệt kích bao vây hòng chiếm lấy đại liên. Chín Thắng đã cắp trung liên lên, đuổi theo bọn biệt kích. Anh lại có biệt tài bắn phát một như súng trường nên rất tiết kiệm đạn và khi cần bất ngờ kéo cả băng tạo hỏa lực mạnh uy hiếp và tiêu diệt địch. Trận ấy, Quang khâm phục Chín Thắng lắm. Sau này trong đợt luyện quân ở căn cứ, Quang cắp bịch thuốc rê theo học Chín Thắng cả đợt. Gần ba tháng anh đã bắn được đại liên phát một, không thua gì Chín Thắng. Cuối kỳ đơn vị kiểm tra. Đại đội trưởng Sáu Chí giơ tay chỉ về phía trảng đĩnh đạc ra lệnh:

- Mục tiêu con "hồng hoàng". Năm phát, bắn!

Quang nằm soài ra đất quay vòng nòng súng bắt mục tiêu. Chính trị viên Hùng quan sát từng người trong tiểu đội đại liên. Anh em bộ binh cũng chen nhau ở cửa rừng, nín thở nghe tiếng đại đội trưởng chỉ mục tiêu là con chim nhỏ xíu đậu ở xa. . . “Đoàng”, đạn nổ. Vật đen trên cây mục tiêu rơi xuống. Đoàn quân vỡ òa la reo hò vì tài thiện xạ của Quang, cái tài đã được tôi luyện suốt mười năm tuổi trẻ trong vai con ăn kẻ ở khốn khổ, nay bộc lộ ra dưới màu áo quân phục của anh bộ đội "Cụ Hồ" vùng giải phóng miền Nam. Bỗng có tiếng la lớn như "khiếu nại" về thành tích bắn súng của Quang là thiếu trung thực:

- Ơ! Đại đội trưởng lệnh bắn năm phát, nó chơi có một viên là sai quy định.

Những tiếng khác: "Mầy máy móc thấy bà! Vừa diệt mục tiêu lại vừa tiết kiệm đạn. Đề nghị tăng gấp đôi điểm thưởng "Từ hồi nào tới giờ chưa thấy thằng nào bắn "ác" như Quang "giò” đại liên nghe mày! Nói thiệt nghe. Cái hôm đại đội rút anh Bé "nện" ra, giao đại liên cho Quang "giò”. Tao ớn hết sức. Chỉ sợ chả tí táu mà quặt vô lưng bộ binh thì bằng cá lóc nấu ám. Không ngờ chỉ vài trận thấy nó ngon lành quá. Tao phục ban chỉ huy "tinh mắt lựa của” nghe mầy. Tụi bây không đến đằng khẩu đội đại liên mà coi thằng Quang nó tập. Chu cha, nó vác đại liên nhảy dây như người ta bồng trẻ vậy. Mấy tháng trời nó quay mòng với khẩu súng "trời gầm" mới có ngày nay đó chớ.

Quả thật đúng như chính trị viên Tư Hùng đã nói: Có quyết tâm là có tất cả. Quang "giò" không những làm chủ cây đại liên trong các yếu lĩnh kỹ thuật bắn, anh còn rèn luyện cả thói quen cáp đại liên để bắn thẳng vào đội hình địch. Vì theo Quang nghĩ đạI liên cũng phải cơ động như súng bộ binh khác thì mớI tiêu diệt được nhiều địch, bảo đảm thắng lợi. Cây đạI liên gắn thêm chân tự tạo, lại kèm theo băng đạn 250 viên, nặng gần nửa tạ. Quang tháo chân, quấn băng đạn quanh người thì có thể cắp đại liên xông xáo, gọn hơn như trung liên ấy.

Nhưng trong đợt bắn tập vừa rồi Quang chỉ mới thao tác bắn có đế, mục tiêu tĩnh, phát một ứng dụng. Thành công rồi. Còn cắp nách bắn thì Quang chưa ứng dụng lần nào bởi phải tiết kiệm đạn. Tuy vậy, cánh bộ binh cũng vững bụng khi thấy đại liên chắc ăn như vậy.

Sau trận An Ngãi, tiểu đội trưởng Bé "nện" phải nằm quân y, Quang thay thế, nhưng không phải lo nhìều vì anh em trong tiểu đội vẫn phối hợp nhịp nhàng. Trước khi bước vào trận mới, Quang mất ăn mất ngủ mấy ngày đêm liền. Cuối cùng Sáu Chí phải đến bên. Anh còn kéo theo cả Bé "nện", bây giờ đã là Trung đội trưởng trợ chiến. Bé chia thuốc cho Quang, Vọng, Khải, Quyến:

- Quà của má tau đó, mỗi đứa "nện” một điếu Rubi coi.

Tân, anh nuôi thêm vào:

- Vậy thì mời anh Sáu, anh Năm và tiểu đội "nện" một ca trà quạu cho tỉnh.

Cả nhà rộn tiếng cười. Đại đội trưởng hất hàm:

- Mày gặp thuốc như lân gặp pháo. Sao bữa nay mặt chảy như bánh ướt thế mầy?

Quang nhìn dò xét từ Sáu Chí tới Bé, những ông thầy đầu tiên trong nghề cầm súng máy:

- Em muốn nói điều này. Anh coi được không nghen.

Sáu Chí nhìn Quang khuyến khích. Quang hươi tay, vòng xuống mặt đất một cái vòng tròn từ cây que đũa:

- Lúc vận động, đại liên muốn chạy theo bộ binh thì phải tháo rời làm ba: chân, súng và đạn. Đến nơi lại phải ráp vô. Như vậy địch đã có thời gian nổ trước. Đó là chưa kể trường hợp trong lúc vận động có thương vong. Đại liên phái chờ lâu mới phát hỏa được. Lại cũng có khi cả khẩu đội cùng vận động với cây đại liên không tháo rời. Như vậy để lộ mục tiêu vì ba người dồn cục súng đạn nhùng nhằng. . . lại càng dễ bị sát thương.

Quang bỗng im bặt. Tính anh vốn thế. Hễ nói tới việc gì quan trọng, cổ bỗng dưng nghẹn lại, chữ nghĩa biến lạc hết. Đây là việc hệ trọng. Quang mới tham gia bên súng máy có mấy trận mà chưa đánh lớn lần nào nên anh càng đắn đo. Sáu Chí cũng biết tính cẩn thận của Quang. Anh không giục, chỉ nhìn thẳng vào như động viên Quang trình bày tiếp:

- Theo yêu cầu thì nên giải quyết khó khăn này như thế nào? - Trung đội trưởng Bé nêu câu hỏi.

- Một mình em sẽ vác cây đại liên cả dây đạn, nếu cần cả chân súng luôn. Chỗ nào cho phép thì đặt súng xuống bắn. Địa hình nào không thuận tiện thì em bắn ứng dụng. Cả khẩu đội cứ tản khai theo đội hình bậc thang đằng sau. Trong tay em lúc nào cũng phải có một dây đạn và một thùng nguyên dự bị trên lưng. Như vậy đại đội trưởng tới đâu, đại liên tới đó.

Ngưng một lát, Quang nói tiếp:

- Em định trận tới xin đại đội cho làm thử rút kinh nghiệm.

Anh em nhìn nhau. Thật là một ý nghĩ táo bạo nhưng liệu có làm nổi không? Quyến, chiến sỹ vác chân đại liên phản ứng đầu tiên:

- Làm cũng phải liệu sức. Tôi nhắm thằng Quang tuy to con thiệt nhưng không thể bồng cây đại liên cả trận được. Vả lại không phải chỉ đánh mỗi trận là nghỉ khỏe.

Tiểu đội phó người Châu Ro, Khải, một người lớn tuổi rất nóng nảy, ham đánh, nhưng cũng lưỡng lự:

- Tôi khỏe hơn thằng Quang đó. Tôi chưa thấy đứa nào bồng đại liên mà bắn. Kềm không chắc, đạn nó bay đi mất hết. Mà bắn tới hộp thứ hai nòng súng nó như bếp hồi đêm đó. Tay nào "bồng" nổi?

Khải thắc mắc đúng điều Quang cũng đang lo lắng. Bỗng anh nhớ Sáu Chí nguyên là một xạ thủ cự phách. Quang năn nỉ:

- Anh Sáu, anh phải dạy em bắn đạn ứng dụng nghe!

Sáu lắc đầu:

- Đại liên thì tao chịu. Trung liên thì được.

Quang kiên quyết:

- Anh cứ truyền cho em nghề chơi trung liên cũng ngon chán. Sáu Chí cười tán thành. Mọi người vỗ tay mừng cho Quang và ai nấy nhìn lên cái lỗ nhỏ bên tai trái của đại đội trưởng. Chiến tích anh hùng của anh hồi đầu thành lập đơn vị. Hồi ấy được lệnh đi phá cuộc bầu cử tổng thống ngụy ở Hòa Long, Chí xài cây trung liên, nằm sát trên một mái nhà ven lộ. Địch điều tới một trung đội lính trực chỉ Hòa Long. Rượu thịt đã bày sẵn mấy gian hàng chợ quận, hẹn xuống làm cỏ xong bọn Việt cộng đánh đu không gãy cọng đu đủ dưới đó là về khai cuộc. Xe chúng vừa vào tầm ngắm, Chí xiết cò 17 thằng xỏ lụi. Thằng thứ 18 sống sót nhảy tót xuống thành xe thì bị Sáu tương theo một viên đúng bài bản "bắn ứng dụng". Song chưa vui lâu, một đại đội đủ sắc lính khác lại ùn ùn kéo tới trên những chiếc xe đỏ lừ bụi. Tiểu đội của Sáu vướng trong vòng vây chưa ra nổi. Không chờ đợi, Sáu Chí nhảy phắt xuống đất, dựa vào đống củi ta và rất sợ tên Sáu Chí: cái thằng Việt cộng sừng sững như trời trồng, quật trung liên như mưa mà bắn tỉa như đấm "mút cơ tông”, lại còn xiên táo nữa. Riêng anh em đơn vị ngày đó và cả hiện tại ai cũng khoái Sáu Chí có lỗ thủng mang tai trái do mải đánh, quên cả đạn giặc xuyên lỗ khuyên chui lọt một điếu Rubi.

Từ đấy, ngày nào Quang cũng luyện tập với cây đại liên theo đúng yếu lĩnh mà thầy Sáu Chí truyền dạy. Quang phơi phới mong đợi trận tới được thử sức với sáng kiến của mình và hy vọng thành công sẽ truyền nghề cho Vọng, cho Quyến để cả khẩu đội đều là những chiến binh đại liên thiện chiến như nhau.

Đất Phước Thạnh, quê hương chị Võ Thị Sáu vốn đã đỏ như son, từ ngày có bọn "da beo" về đóng bót quây bốn vòng kẽm gai, lại phải tưới thêm máu của đồng bào ta nữa. Bọn “da beo" được Mỹ trực tiếp chỉ huy, tuyển từ những tên hung ác nhất từ tên đại độI trưởng chuyên cắn rốn người rút ruột ra để cắt gan xào cải cay uống rượu. Hung danh của chúng ngay cả bọn biệt kích đại đội 612 cùng đóng quân ở đầu ấp chiến lược cũng phải ớn. Trong trận đánh phá banh ấp chiến lược Phước Thạnh năm ấy, ngay từ đầu ta đã bị bọn “da beo đánh chùn lại. Lúc vào trận, mặc dù đã có du kích tại chỗ điều nghiên phối hợp, nhưng ta không lường được bọn 612. Thoạt tiên Sáu Chí bố trí lực lượng xong xuôi thì thấy bọn da beo" xuất kích. Sáu quăng hòn sỏi về phía đại liên. Lùm cây chỗ Quang bất động. Tiểu đội phó Khải ứa nước mắt vì cây đạI liên bị kẹt. Giữa lúc đó, một thằng trung sĩ dừng lạI cách họng súng của Quang chỉ bảy tám thước, chỉ chỏ vào vườn trái sau Quang. Sáu Chí tức điên, không lường được sự cố này. Nếu đại liên không khạc lửa khai hỏa thì toàn trận địa sẽ mất hiệu lệnh tiến công. Anh bèn giơ tay làm hiệu cho trung đội 1 nổ súng làm hiệu khi địch đã lọt hoàn toàn vào vòng vây của đại đội. Anh mường tướng ra cái giờ khắc đánh tan đơn vị con cưng của địch này , giải phóng cho đồng bào Đất Đỏ. Còn đương loáng thoáng thì cây dại liên của Quang bỗng nhiên nhả ra một tia chớp lia ngang tầm đầu gối. 18 tên "da beo” ngả ra như giả đò. Thì ra Quang nín chờ, Sáu nghĩ rồi chồm lên:

- Cắt địch ra!

Ba phút, không hơn, một trung đội trong bốn trung đội ác ôn "da beo" bị diệt gọn. Nhưng giữa lúc ấy súng bỗng rội lên ở giữa làng. Tình huống không có trong kế hoạch tác chiến đã xảy ra. Đại đội 612 đi tảo thanh trước đó, không ngờ đã trở về từ sáng sớm. Chúng phối hợp chia cắt đội hình ta ra làm hai rất nhanh. Lúc này Sáu Chí "và Tư Hùng đã xảy ra một trận cãi vã rất lớn. Anh Sáu quyết sử dụng toàn lực đập tan hai đơn vị tinh nhuệ kia của địch trong tình huống bất lợi nhất là ta bị động. Tư Hùng phản đối. Anh yêu cầu anh Sáu bình tĩnh. Anh bảo: "Húc vào đó ngay bây giờ là bị kẹp giữa hai hỏa lực. Theo tôi, ta điều cây đại liên và trung đội l bí mật vòng phía sau định tấp ngang hông thằng 612. Tụi này vốn sợ cánh 45 mình. Lần này mình tát một miếng là bỏ trận địa. Chúng la lối: "Đụng bọn 45 rồi bây ơi! Cả thằng Quang giò đại liên nữa đó"... Cùng lúc, Sáu Chí nghe báo cáo bọn "da beo" xé rào ra được rồi. Anh ra hiệu hội ý với trung đội 1. Một lát nghe gọi:

- Đại liên theo tôil

Quang rõ thật sắc gọn, và ngoái lại: "Đem thùng đum đum lên", rồi ẵm đại liên không chân. Trong lúc đó bọn da beo đã rút chạy theo thế trên cơ, nghĩa là vừa rút vừa làm bộ lì, chơi hết mình với ta. Chúng tập trung gần chục cây súng máy bắn vỗ mặt trung đội 2. Trung đội bị dồn về một đoạn chiến hào. Tư Hùng rút chốt lựu đạn đứng dựng lên giữa quê hương Võ Thị Sáu, hô vang khẩu hiệu "Xứng đáng với chị Sáu, tiến lên”. Trung đội da beo của địch mở đường rút bị đánh bật ra khỏi chiến hào, dồn đống, Sáu Chí dẫn đại liên đánh thốc vào chỗ tên chỉ huy đứng. Quang bắn "ứng dụng" bằng những viên đạn đum đum của Mỹ, làm cho trung đội bảo vệ cạnh sườn thằng đại úy phải chia xẻ tan nát. Vọng,  Quang đều đoạt thêm được ba khẩu trung liên "mết -đin -U-et-a” (made in USA) thứ thiệt láng coóng! Đại đội trưởng Sáu Chí giằng lấy khẩu trung liên trên tay Vọng, ra lệnh:

- Mang đạn cho đại liên!

Quang bồng đại liên đứng thẳng lên như ông thần đèn trong phim thần thoại. Một tiểu đội "da beo bất ngờ xuất hiện bên hông kẹp Quang vào giữa. Đại đội trưởng thấy nguy, hô to:

- Khải đâu, yểm hộ thằng Quang.

Nhưng không kịp, cả năm chiến sỹ tiếp đạn đã bị địch chia cắt khỏi khẩu đội trưởng. Quang không nao núng, anh thoắt biến vào một chuồng trâu bỏ không. Đạn địch gõ cồm cộp trên những thân gỗ. Quang cố thu nhỏ cái khổ người hộ pháp một thước tám lại để tìm cách gỡ bí. Rõ ràng địch chỉ cần khép chặt vòng vây nữa thì da thịt anh có bằng sắt cũng vụn như cám.. . Quang ướm quãng đường và đảo mắt đếm số đạn còn lại. Anh quyết định chồm lên, quạt một chầu căng cứng về phía trước rồi co chân lao vút qua mấy bụi lúp xúp bên cạnh chuồng trâu. Lúc ấy, hai cánh Hùng và Sáu chí cũng đã khép lại gặp nhau. Quan sát trận địa, anh Sáu hô khẩu lệnh: "Quyết chiến trả thù cho Quang" thì bỗng nghe tiếng trung liên của Chín Thắng, Khải, rồi Vọng, cả Tân đầu bếp nữa cùng "đồng ca" làm quân trang địch bay vung lên như xác pháo. Trung đội thứ ba của địch bị diệt gọn. Giữa lúc ấy tiếng đại liên bắn "ứng dụng" một cách điệu nghệ của Quang lại lên tiếng cầm canh cái một cho tới khi im hẳn tiếng nổ. Cả đơn vị cằn nhằn:

- Cái thằng kỳ thấy mồ. Cứ tưởng nó tiêu rồi!

Trận ấy bốn trung đội “da beo" chỉ còn một, cọc cạch xờm xệch lê lết về căn cứ. Từ trận Phước Thạnh, Quang được đại đội thương mến hơn bởi sáng kiến cắp đại liên xông xáo. Những trận sau này ở Hắc Dịch, Phú Lý và bao nhiêu trận khắp chiến trường Duyên Hải, Quang đã đem lại cho bọn địch ở đây nỗi khiếp đảm triền miên và cũng là mục tiêu phải tiêu diệt của mỗi đơn vị địch khi đối mặt với đại đội 445 (lúc này đã sáp nhập hai đại đội 40 và 45 lại nên mang tên đại đội 445). Quang trưởng thành dần. Anh gia nhập Đảng cộng sản và chiến đấu đúng như lời hứa hôm tuyên thệ: "Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc; vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của Nhân dân".

Mùa khô năm 66, khắp chiến trường rộ lên phong trào "đánh Mỹ" vì lúc này Mỹ đã đưa vào nửa triệu lính viễn chinh với trang bị tối tân nhất thế giới. Nhưng tên tuổi các dũng sỹ Huỳnh Vãn Đảnh, Tạ Thị Kiều, rồi Kơ pa Kơ lơng, cả chị út Tịch người mẹ năm con giết giặc... bay về nơi nơi, nhưng trực tiếp đánh với Mỹ thì chưa có trận lớn. Bữa đó toàn đại đội đi công tác đặc biệt vùng sâu, chỉ để lại khẩu đội đại liên và một mình trung đội trưởng Bé "nện" để bảo vệ căn cứ. Anh Bé lại mới lên cơn sết rét nên nằm quấn tăng hừ hừ. .. Bỗng có tiếng máy bay gầm rít dọc theo đường số 2. Một loạt pháo cực nhanh nổ giật nghiêng ngả mái lá trung quân. Pháo nổ chồng lên nhau, kéo dài đến 10 phút. Rồi tiếp đợt khác. Cả khu rừng như bị bão chuyển. Mặt đất cũng chao đảo dưới chân khiến trung đội trưởng phải bật dậy hỏi Tân: "Sấm sét nơi nào?”. Tân cũng ngơ ngác trước loại "pháo bầy" của Mỹ lần đầu được nếm. Quang kêu lên:

- Có tiếng súng nhỏ?

Quả thực có tiếng tiểu liên nổ giòn ở phía bên, nhưng chỉ mấy loạt thôi rồi im bặt. Trung đội trưởng Bé nhận định biệt kích nhảy dù xuống đụng du kích cơ quan. Anh hối hả quấn tăng võng và nuốt chửng cơn sốt vào trong người, quờ tiểu liên chạy ra trước, Quang xốc súng lên vai. Cả tiểu đội thành hàng dọc. Một loạt pháo rơi trúng sấn. Bé ra hiệu bám sát đội hình. Bỗng Bồng ôm ngực lảo đảo. Thắng cúi xuống cõng Bồng trong khi Quang vẫn lao nhanh về phía trảng trống.

Bên vườn mít, bãi khách, nơi đoàn văn công tỉnh về tạm nghỉ nghe tiếng súng lép bép nhỏ lắm, không nghe gì lớn và có một sự im ắng giả vờ sao đó. Quang không ngờ rằng mấy tiếng súng nhỏ đó đã giết chết ba anh lãnh đạo văn công. Song thời gian không cho người lính suy nghĩ dài dòng. Quang còn đương lấy điểm ngắm về phía khoảng trống giữa hai thân cây mít, anh bỗng thấy lố nhố những thằng giặc lạ hoắc. Nó lom khom, lừng lững... . lờ mờ hiện ra cái thằng ngồi trên máy bay bắn chết chị em bé Nguyệt ở Long Mỹ, thằng đứng chỉ tay cho bọn da beo đốt nhà đồng bào Đất Đỏ. Quang thét vang:

- Mỹ!

Đồng thời cây đại liên trên tay anh khạc lửa phầm phập, đến nỗi Quang nhìn thấy cả vẻ ngơ ngác của mấy cái bị thịt trước lúc ngã ngửa ra. Bọn đi sau dạt bừa ra dưới ruộng và nổ súng bất tử làm lá cành văng tung tóe. Chốc lát bọn đàng sau dồn đống lên và la "gâu gâu" như chó điên. Trung đội trưởng Bé chồm lên quan sát: "Đã lắm, Mỹ rặt tụi bay ơi. Chờ chút cho nó gần hơn". Và thoáng đã nghe anh hô "nện"! Quang lia qua rồi lia lại hai lượt hết nhẵn hai trăm năm mươi viên. Chưa bao giờ anh xài sang cỡ này. Tiếng ỉa khóc nổi lên rần trời. Quyến nhổm lên:

- Mỹ khóc thiệt tụi bay ơi. Chết quá xá kìa. Nó kéo thêm lên đó. Nện tiếp trung đội trưởng...?

Quang bẻ gãy cả hai đợt xung phong của Mỹ. Trên ba chục đứa nằm ngổn ngang. Quang nằm tựa vách hào nhè đầu mẩu thuốc lá nát bét ra. Đã thiệt. Oánh Mỹ cũng không khó lắm. Trên đầu Quyến vẫn truyền tin: "Cha con nó kéo xác ra xếp đống làm gì tụI bay? Chu cha lính tráng tụi nó sơn mặt coi kỳ dữ. Thằng đen xít bù tác, thằng đỏ lôm gà chọi, ý mà có thằng trắng bóc". Giữa lúc ấy, một cánh khác từ sở cao su non bên trái bất ngờ xuất hiện, Quang bị che bởi lùm cỏ nên anh bị một loạt trung liên xả vào phía hông đại liên. Quyến bị Khải xô xuống lùm chuối lại bíu chuối nghển lên, ngắt quãng:

- Khoan.. . còn xa.. . khoan bắn...

Quang quay họng đại liên về hướng tay Quyến. Mặt Quyến tái nhợt, cánh tay anh rung mạnh rồi, những vẫn cố căng đôi mắt gần khép chặt: "Bắn đi Qua. ..ng".

Quang rướn người xiết cò đúng lúc cả bầy Mỹ nghễu nghện đặc quánh như bia tập bắn đúng tầm, đúng hướng. Đó là khoảng cách 30 mét! Những mũi lửa kinh khủng của lòng căm thù cụ thể vút ra từ hai bàn tay cậu bé mồ côi năm xưa đã đè gập lũ Mỹ xuống như trẻ con chơi xỉa bắp chuối lộp bộp. Trận địa im lặng nặng nề. Quang đề nghị:

- Anh Năm cho đưa Quyến, Bồng về trạm xá cấp cứu ngay. Em và Vọng ở lại đây đủ rồi.

Bé lướt nhìn trận địa. Anh cũng đương trù tính quay về đưa đại đội lên, nếu không thấy cũng tìm vài tiểu đội ra tiếp ứng.

- Quang trụ lại, đừng coi thường ăn ngon. Dành đạn mà chơi.

- Em còn, súng còn, trận địa còn Bé gật đầu ra hiệu cho Khải, Tân cõng Quyến, Bồng trở về tuyến sau. Quang còn kịp nắm tay hai đứa lành lạnh. Vọng đi gom mấy thùng đạn lại quanh lùm chuối, chợt nhớ ra: "Chết, còn hai thùng của thằng Bồng. Để tao đi lấy" Đạn lại rống lên. Khói bụi mù mịt. Tụi Mỹ xài đạn không tiếc. Vọng chìm trong đám khói khiến Quang cháy cả ruột ngóng sang. Song Vọng đã hiện ra với hai thùng đạn “Chui vô mau", Quang hét chỉ cho Vọng. Một quả pháo 160,7 ly rơi trúng lùm chuối, Vọng đè sấp lên Quang. Hai người lại chui khỏi đất phủ ngoi lên. Vọng chỉ chỏ: "Tụi này bắn thằng Quyến hồi nãy đó Quang". Quang mím môi nhằm thẳng thằng Mỹ đương thả trái mooc-chê vào họng súng găm một phát "ứng dụng'. Viên đạn nhanh hơn tay thằng khốn, còn xâu thêm thằng đứng sau nữa. Một lời dặn của Tư Hùng bỗng bật lên trong đầu: "Gặp Mỹ, phải nắm thắt lưng nó mà xáp trận”. Quang bật dậy:

Theo tao, Vọng.

Vọng cũng thông tin "Anh Bé đưa tiếp viện tới rồi" Quang loáng thoáng nghe tiếng AK. Quang đuổi theo bọn Mỹ găm thêm mấy viên nữa hạ thêm 5 thằng và đánh bật chúng ra sau. Quang và Vọng lướt nhanh qua đám xác Mỹ nhảy lọt vào một hố trâu đằm giữa ruộng. Hố hơi nông, Vọng nhanh tay kéo xác tụi Mỹ lại làm bờ công sự. Quang khó chịu bởi mùi hôi bọn Mỹ, bảo Vọng đẩy ra xa. Vọng liếm môi chỉ khẩu trung liên chỏng gọng giữa ruộng:

- Quang, mày yểm hộ cho tao.

Nói rồi định nhoài ra khỏi 'công sự", Quang kéo giò Vọng như kìm sắt. Vọng chợt nhìn thấy quần áo Quang đã vàng khè vì cháy. Hai tay Quang cũng thế, lớp chai cũ bị cầy xới lên trăng trắng như ruốc chà bông. Quang chùi tay vào quần đưa mắt đếm mấy thùng đạn và ngước nhìn bọn Mỹ ẩn hiện phía sau lô cao su non. Anh cũng mỉm cười khi nghe tiếng tiểu liên nổ giòn ở hậu sở cao su. Có thế chứ, anh Sáu, anh Tư gặp nhau rồi. . . Nhưng Quang lại phải tập trung lại vì hình như địch đang đi tìm mình với cây đại liên. Quang rỉ tay: "Vọng! Mày ráng tiếp đạn cho tao nghe".

- Ờ hồi nãy mày bắn còn hơi sớm, súng nó văng xa tao lượm không đặng. Giờ ráng chờ nghe bồ.

Quang hét to:

- Đạn nó đi thấp ìắm. Coi chừng Vọng.. .

Rồi Quang dán mắt vào khe ngắm. Thoáng một cái thùng đạn đã hết veo. Anh chợt thấy Vọng nằm nghiêng, đầu nghẹo hẳn. Anh lên dựt năm xác Mỹ chồng lên rồi đặt Vọng trên cùng làm dấu. "Tao sẽ trả thù cho mày". Anh lắp dây đạn mới, thuận tay quấn ngang bụng và vắt đầu kia lên vai. Anh xốc súng. Tay trái xách thùng đạn thứ hai lao vút về phía sở cao su già. Từ đó tới đêm, một mình anh với năm trăm viên đạn, quần nhau với bọn Mỹ lúc nhúc không nghỉ. Cho tới khi đại đội tới kịp thì địch dùng "trực thăng vận" kéo xác chúng về Sài Gòn. Ta đếm được ba trăm thằng. Thật là một chiến công huyền thoại.

Cũng sau đợt thắng lợi ấy, tiểu đoàn 445 thành lập Sửa soạn cho mùa khô thắng lợi giòn giã hơn, đơn vị ngồi vào học tập, Quang có giấy gọi lên Miền để đi báo công...

Lời cuối truyện

Tại Đại hội liên hoan toàn quốc của các Anh hùng ở Hà Nội, Nguyễn Văn Quang chìm ngập trong hoa và cứ há hốc mồm để nghe thành tích của mọi người, từ anh phi công, đến chị du kích chở đò qua một con sông miền thượng; em nhỏ lớp bốn đến mẹ già lái đò trên dòng sông Nhật Lệ... Ai cũng giỏi và hy sinh thật lớn lao. Quang thầm nghĩ mình chỉ là thằng bé mồ côi, được Đảng giao cho khẩu súng thì nhằm đúng kẻ thù mà bắn. Bắn sao cho trúng, tốn ít đạn càng hay. Có ngờ đâu cũng được tôn phong như bao đồng chí tài trí song toàn khác.

Năm 1972, Quang trở lại chiến trường sau khi được học tập, bồi dưỡng mọi mặt ở thủ đô. Anh đã lập gia đình với một cô gái Hà Nội, để lại đấy một bé gái như cách mọi người đàn ông thời ấy thường làm, gọi là: "để lại hậu phương lớn rồi ra tiền tuyến là chiến trường Đông Nam bộ. Quang trở thành chỉ huy tiểu đoàn 445, tới 1975 thì đơn vị được phong anh hùng. Chính trong những ngày đầu tiên sau giải phóng miền Nam, người người tìm cách trở về thật nhanh thành phố để xả hơi hay vì những nhu cầu khác của bản thân, Quang lặng lẽ nhận nhiệm vụ đưa tiểu đoàn đi ngược sông Đồng Nai lên chiến khu cũ để đánh một trận không nhỏ, bắt sống toàn bộ một nhen nhóm phản cách mạng đầu tiên. Chúng thật đáo để. Chúng đã chọn đúng cái nơi xưa kia ba mươi năm trời ta dùng làm chỗ sinh sống, dưỡng dạy, nuôi nấng cuộc kháng chiến lâu dài của mình để làm nơi đổi chỗ. May mà lúc ấy còn có những chiến sỹ như Nguyễn Văn Quang không bỏ hẳn quá khứ còn tươi roi rói ấy.

Năm tháng đã đi qua, sông ông Kèo ở quê Quang đã trôi bao nhiêu là nước ra biển? Ai đong đếm nổi? Mới đây tôi có tới gặp chị vợ của anh hùng Nguyễn Văn Quang. Chị chỉ trên bàn thờ rất đơn sơ của anh bảo tôi “- Tính anh ấy giản dị lắm. Mãi hôm cúng bốn chín ngày, ngoài Bộ mới gửi cái khung kính Bằng Tuyên dương Anh Hùng vào cho mẹ con chúng tôi”.

Tôi cúi đầu trước di ảnh của anh. Thật là một người anh hùng.

 Minh Chung (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.