Thúc đẩy hệ sinh thái
số gắn với tăng trưởng xanh
Tăng
trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu của thế
giới. Phát triển kinh tế, thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy
tăng trưởng xanh là mục tiêu Đồng Nai đang theo đuổi. Mục tiêu này phù với định
hướng, mục tiêu chung của cả nước.
Đồng
Nai đã và đang nỗ lực để thúc đẩy tiến trình CĐS gắn với chuyển đổi xanh. Năm
2023, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng Đông Nam Bộ về chỉ số xanh cấp
tỉnh (chỉ số PGI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp
với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố.
Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Tỉnh đoàn tham quan Triển lãm Không gian số trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) với chủ đề Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh tại huyện Định Quán.
Theo
Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển văn
minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, phát triển theo hướng kinh tế xanh,
kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, tỉnh xây dựng
các khu công nghiệp xanh, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng
phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Phó
chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS
tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS Đồng Nai, chia sẻ nhiều năm qua, Đồng
Nai xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thu hút đầu tư có chọn
lọc, có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao,
công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ… Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh các
giải pháp chuyển đổi xanh, thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh dựa trên nền
tảng khoa học - công nghệ, CĐS và đổi mới sáng tạo.
Theo
nhiều chuyên gia, để các địa phương, trong đó có Đồng Nai, phát triển mạnh mẽ
và bền vững trong thời đại số, việc triển khai các mô hình CĐS kết hợp với tăng
trưởng xanh là vô cùng cần thiết.
Tiến
sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE (Hội Truyền
thông số Việt Nam), bày tỏ yếu tố quan trọng nhất mà Đồng Nai cần chú trọng là
sự kết nối toàn diện giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái số, bao gồm:
chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Quá trình CĐS thành công không
chỉ là việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn là sự tương tác và liên kết chặt chẽ
giữa các bên. Song song đó, địa phương có thể định hướng, tham khảo và triển
khai các dự án, mô hình gắn chuyển đổi với tăng trưởng xanh dựa trên những lợi
thế, tiềm năng của địa phương. Đơn cử như các dự án về nông nghiệp thông minh
và bền vững, mô hình về thành phố thông minh và quản lý năng lượng, mô hình về
công nghiệp số hóa và xanh hóa…
“Theo
ước tính, việc áp dụng các giải pháp số trong công nghiệp có thể giúp doanh
nghiệp giảm 10-15% chi phí vận hành và tăng hiệu suất sản xuất từ
20-30%.
Đồng Nai với vị thế là một tỉnh công nghiệp lớn, có thể trở thành nơi tiên
phong trong việc triển khai các giải pháp công nghiệp số hóa và xanh hóa, từ đó
tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường”
- tiến sĩ Trần Quý nhận định thêm.
Hướng tới sản xuất,
phát triển bền vững
Trong
bối cảnh hội nhập, khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay, để có thể
nâng cao sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp và địa
phương cần phải đẩy mạnh hoạt động CĐS, cơ khí chính xác, thúc đẩy kinh tế tuần
hoàn, đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng xanh…
PGS-TS
Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường
đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định Đồng Nai sở hữu vị trí đắc
địa, là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chất lượng cao, góp phần quan trọng
vào sự phát triển kinh tế của vùng. Đây là tiền đề giúp cho các doanh nghiệp
nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, tự động hóa để nâng
cao giá trị sản xuất, tính cạnh tranh.
Đồng
thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường liên kết “5 nhà” (Nhà nước,
nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà ngân hàng) để giải quyết
các vấn đề thực tế sản xuất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ bền vững…
Theo
nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn đối với các địa phương, trong
đó có Đồng Nai, là việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại về chi phí đầu tư vào công nghệ
xanh và việc thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường,
xã hội và quản trị). Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đầu tư vào công nghệ sản xuất
xanh không chỉ là yêu cầu của thị trường, mà còn là cơ hội để nâng cao năng suất
và giảm thiểu rủi ro về môi trường…
Tiến
sĩ Trần Quý cho rằng, để CĐS gắn liền với phát triển bền vững, các doanh nghiệp
cần đào tạo và phát triển năng lực quản trị ESG cho đội ngũ lãnh đạo và nhân
viên. Việc xây dựng một hệ thống quản lý ESG hiệu quả đòi hỏi sự tham gia và
cam kết từ tất cả các cấp quản lý trong doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao
các kỹ năng số để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ một cách
hiệu quả trong việc giám sát, quản lý và báo cáo các chỉ số ESG.
Theo
baodongnai.com.vn