Chủ tịch Hồ Chí Minh tát
nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quai Chảo, xã Đại Thanh, huyện
Thường Tín, tỉnh Hà Đông, tháng 1-1958_Nguồn: hochiminh.vn
GIÁ TRỊ CỐT LÕI TRONG TƯ TƯỞNG NÊU GƯƠNG CỦA
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Trong các bài nói, bài viết của mình, rất
nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho
thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi
lực lượng cách mạng và mọi cá nhân trong xã hội. Theo Người, sở dĩ cần
phải nêu gương là do đặc thù của nền văn hóa, đạo đức phương Đông luôn coi
trọng tình cảm, luôn lấy cái tốt đẹp của người khác để làm tấm gương soi mình.
Người viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối
với họ, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên
truyền”(1). Do đó, ngay từ khi bắt tay vào công tác huấn luyện cán
bộ, Người đã luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần gương mẫu.
Trong xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ,
Người luôn căn dặn cán bộ phải nêu cao tinh thần “đầu tàu”, “gương mẫu” để
phụng sự Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân bởi lẽ “Đảng không phải là một
tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm
cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(2). Chính mục đích lớn
lao, cao đẹp đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức phấn đấu và rèn
luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu.
“Muốn đẩy mạnh các mặt sản
xuất, chiến đấu, văn hoá và các mặt khác, thì trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn
viên, phải làm đầu tàu, gương mẫu. Muốn làm gương mẫu thì điều quan trọng nhất
là các chú từ tỉnh đến huyện, đến xã phải đoàn kết, đoàn kết thật sự, làm sao
tự mình nêu gương và giáo dục cho đảng viên, đoàn viên, cán bộ giữ gìn, phát
triển đạo đức cách mạng, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết
dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Được thế thì cán bộ, đảng viên,
đoàn viên cùng với quần chúng nhân dân càng đoàn kết, các công việc đều sẽ trôi
chảy, trước hết là công việc sản xuất và chiến đấu”(3). Như vậy,
theo Người nêu gương là một việc làm thường xuyên, liên tục và nghiêm túc của
mỗi cán bộ, đảng viên.
Không chỉ nói về việc nêu gương của mỗi cán
bộ, đảng viên nói chung; ngay từ lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn
mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao cần phải tiên phong trong việc nêu
gương. Trong “Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng
Chính phủ” năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các
đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về
mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí
công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao
chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như
thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống
đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất
nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì
bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(4).
Không chỉ nói đến nêu gương nói chung, Chủ
tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Người luôn căn
dặn cần phải lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau, đây
là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách
mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để
nêu gương, trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến
lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công,
vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ,
đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu
cho cán bộ cấp dưới”(5).
Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh
không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính
Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng,
trước nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách
mạng, phấn đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì
nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và
hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người còn là hiện thân của phong cách nêu
gương hết sức mẫu mực và tự nhiên. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng
về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy
tớ thật trung thành của nhân dân”. Bản thân Người luôn ca ngợi và tự răn mình
phải học tập tấm gương của các đảng viên cộng sản kiên trung của Đảng ta:
“Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn
Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì
Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công
vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(6).
Một dẫn chứng cụ thể và cảm động nhất, có sức
lan tỏa mạnh mẽ nhất về phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc
Người tiên phong đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, nhường cơm sẻ áo cho
nhân dân trong những năm tháng nước nhà rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi
tóc”.
Trong bài Tại sao dân ta đói? Cứu đói
phải như thế nào? Với bút danh C.T trên Báo Cứu quốc, số 105
(ngày 30/11/1945), Người viết: “Hồ Chủ tịch đã nêu gương nhường cơm sẻ áo, mười
ngày nhịn ăn một bữa, và đã đỡ đần cho Hội Cứu đói ra đời”(7). Vì là hiện thân
cao đẹp nhất của việc nêu gương trong mọi hành động, việc làm nên tư tưởng của
Người về nêu gương, làm gương không chỉ dừng lại ở những quan điểm mang tính lý
luận mà còn có sức thuyết phục, lôi cuốn và lan tỏa rộng rãi đến toàn thể nhân
dân và mỗi cán bộ, đảng viên. Do đó, ở Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất, hòa
quyện giữa “tri” và “hành”, giữa tư tưởng và hành động. Đó cũng chính là sức
lôi cuốn, hấp dẫn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà không phải
nhà lý luận, nhà chính trị nào cũng có được.
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG NÊU GƯƠNG TRONG CÔNG TÁC
ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam được tiến hành đồng bộ, quyết liệt theo
đúng phương châm “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Mục tiêu của
việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định rất rõ.
Đó là đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ
đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong
sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính; góp
phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin
của nhân dân(8). Những kết quả to lớn trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam thời gian qua, nhất là giai đoạn
10 năm (2012 - 2022) đã cho thấy quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân ta
trong thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Tuy nhiên, đúng như Đảng ta nhận định, công
tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian tới vẫn
tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng tham nhũng, tiêu cực của
một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn khá nghiêm trọng. Một trong những nguyên
nhân chủ yếu của tình trạng này bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những
người đứng đầu. Điều này đã được đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ như sau: “Tham
nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là
loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”;
do đó “phòng, chống tiêu cực mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức viên
chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”(9).
Xác định nguyên nhân chủ yếu của tình trạng
tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng
đầu bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên để
đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, ngoài việc siết chặt các quy định
về kỷ cương, kỷ luật; không thể không chú ý tới việc phát huy trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Vì nêu gương có liên quan
trực tiếp đến ý thức, đạo đức, nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Nó có tác
động trực tiếp đến ý thức trách nhiệm của họ trong công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Điều đó giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên vừa có ý
thức tự kiểm điểm, đánh giá bản thân, có thức giữ gìn phẩm chất đạo đức trong
sạch, liêm chính; mặt khác, giúp họ có ý thức đấu tranh với những biểu hiện
tham nhũng, tiêu cực của đồng chí, đồng nghiệp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi công nhân làng nghề
sản xuất gỗ truyền thống Gò Công, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền
Giang_Ảnh: TTXVN
Để học tập phong cách nêu gương của Chủ tịch
Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng đến các giải pháp cơ bản
sau:
Một là, mỗi cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt
quy định về trách nhiệm nêu gương, để việc nêu gương trở thành nội dung bắt
buộc, quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng: “Thực hiện tốt các quy
định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các
cấp, chức vụ càng cao phải càng gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành nội
dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”(10). Thông qua việc thực
hiện tốt quy định về nêu gương, mỗi cơ quan, đơn vị có cách thức để kiểm tra,
giám sát, đánh giá kết của thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên
trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị nói chung và trong đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực tại mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng.
Hai là, phát huy vai trò giám sát, phản biện của
các báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân với
việc thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng ta nhấn mạnh:
“Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với việc phát huy
vai trò giám sát của báo chí và nhân dân với việc thực hiện trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên”, “Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của cơ quan
dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với
việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người
đứng đầu, cán bộ chủ chốt”(11). Thông qua đó, có thể kiểm soát, hạn chế tình
trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tham ô,
trục lợi hoặc có những biểu hiện tiêu cực.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của
Bộ Chính trị tại Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương
Ba là, bản thân các cán bộ, đảng viên không ngừng
tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao trách nhiệm, danh dự, lòng tự
trọng của người đảng viên: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách
mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự
trọng của người đảng viên”(12). Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường
xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc
học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu
tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu
gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “trên trước, dưới sau”,
“trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho
đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho
cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức
và người lao động. “Việc tự giác nêu gương để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính
tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước
theo sau”. Từ việc nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên hướng tới việc xây dựng
tập thể nêu gương, đơn vị nêu gương để từng bước lan tỏa giá trị của người cán
bộ, đảng viên và của tổ chức đến với quần chúng nhân dân. Có như vậy, tình
trạng tham nhũng, tiêu cực mới từng bước được đẩy lùi tận gốc.
Đúng
như phương châm “Một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn thuyết”, nêu
gương chính là một phương thức không thể thiếu trong công tác đấu tranh
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay. Nêu gương sẽ giúp cho
mỗi cán bộ, đảng viên luôn có ý thức và biết đề cao danh dự, lòng tự trọng
của bản thân, “không dám” và “không thể” để bàn tay mình “nhúng chàm”. Chỉ
khi mỗi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu có ý thức tự soi, tự sửa,
đầu tàu gương mẫu thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mới có thể
được thực hiện một cách triệt để, tận gốc.
|
TS. Lê Thị Chiên
Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
----------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr. 284.
(2) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 2, tr.289, 126.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t. 15, tr.393.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t. 14, tr.223.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t.10, tr.494.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t. 11, tr.602.
(8) (9) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết,
kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và
Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, H, 2023, tr.20-21, 16.
(10) (11) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, H, 2021, t.II, tr.237-238, 238, 237.
Nguồn: tuyengiao.vn