ĐẢNG LÃNH ĐẠO SỰ NGHIỆP CÁCH
MẠNG LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN
Lịch sử cách mạng Việt Nam hơn
93 năm qua đã chứng minh nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam là “trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân
chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi.
Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền
mới chạy”(1) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong tác
phẩm Đường Cách mệnh năm 1927. Đồng thời, thực tiễn cũng đã
khẳng định lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng
phải có một đảng lãnh đạo” như Người viết trong mục 31 của tác
phẩm Thường thức chính trị.
Bởi rằng, theo Người thì “cách
mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt” và “sửa cái xã
hội cũ đã mấy ngàn năm làm cái xã hội mới, ấy là rất khó (Đường Cách mệnh),
cho nên, “cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏi đi
lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình
hình, đường lối và định phương châm cho đúng” (mục
31, Thường thức chính trị). Hơn nữa, “cách mệnh trước phải làm
cho dân giác ngộ”(2)(Đường Cách mệnh). Cho nên, để tiến hành
thắng lợi sự nghiệp cách mạng thì “Đảng phải làm cho quần chúng giác
ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu
các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì
mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng
cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần
chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”(mục 31, Thường
thức chính trị). Đồng thời, hiện thực cách mạng Việt Nam cũng cho thấy
“cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: Dù nhân dân
đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu
mô đế quốc xâm lược vẫn còn. Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã
hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân
dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn” và để “cách mạng và kháng chiến mới
thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(3)(mục 31, Thường
thức chính trị)…
Có thể nói, những tri thức phổ
thông nhưng quan trọng và cần thiết này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày
rất giản dị, cụ thể, rõ ràng trong Mục 31 của tác phẩm Thường
thức chính trị không chỉ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng
lớp nhân dân hiểu được, hiểu đúng về Đảng Cộng sản và vai trò lãnh đạo của
Đảng, mà còn khẳng định Đảng chính là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
Minh chứng sinh động nhất chính
là ngay từ khi mới ra đời, với đường lối, chủ trương đúng đắn, Đảng Cộng sản
Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình; đã lãnh đạo quần chúng nhân dân
tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, sáng lập Nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, đứng trước dã tâm quay trở lại xâm lược Việt
Nam một lần nữa của thực dân Pháp và để bảo vệ nền độc lập vừa giành được cũng
như kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, đồng bào, chiến sĩ cả nước lại tiếp tục cuộc trường chinh vừa kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vừa xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa,
xã hội… Đó chính là thực hiện sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa xây
dựng, bảo vệ vừa phát triển đất nước theo con đường đã chọn.
Vì thế, để Đảng luôn giữ vững
được vị thế của mình, hoàn thành được trọng trách trước Tổ quốc và nhân dân,
thì trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Cộng sản Việt Nam phải là một tổ
chức của những con người ưu tú. Đó là: 1) “Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân
dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc)”; 2) “Toàn thể đảng viên
phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành những
nghị quyết của Đảng”; 3) “Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân
dân lao động”; 4) “Đảng phải liên lạc thật chặt chẽ với quần chúng”; 5) “Đảng
phải tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung”; 6) Trong Đảng, bất
kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải
giữ kỷ luật của giai cấp vô sản”… Đây chính là 6 điều cơ bản, nền tảng tổ chức
của Đảng để Đảng “thật mạnh mẽ, trong sạch, sáng suốt, thống nhất”(mục 32, Thường
thức chính trị)(4).
Đặc biệt, không chỉ nhấn mạnh
rằng “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải
hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người
không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ
nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là
chủ nghĩa Lênin”(5) và “cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng
muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng
vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo
chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”(Đường Cách mệnh) mà ở trong mục
32 của tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí
Minh còn khẳng định: “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin,
mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu. Mỗi đảng viên đều phải thật thà tự phê bình
và phê bình để tiến bộ mãi”; đồng thời yêu cầu “đảng viên phải toàn tâm, toàn
lực phụng sự lợi ích của nhân dân, phải làm gương mẫu trong mọi công tác kháng
chiến và kiến quốc”(6).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng,
Bí thư Quân ủy Trung ương gặp mặt các đại biểu điển hình tiên tiến toàn quốc
trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh giai đoạn 2009 - 2019 tại Trụ
sở Trung ương Đảng, ngày 19-12-2019. Ảnh: qdnd.vn
Tiếp đó, để Đảng xứng đáng
với vai trò tiền phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh rằng “Đảng kết
hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng giác ngộ giai
cấp công nhân rành mạch, lập trường giai
cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn”,
mà còn khẳng định: “Tư tưởng của Đảng là tư tưởng
của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong
Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng,
lập trường và tác phong của giai cấp công nhân” (mục 33, Thường thức chính trị). Để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
Việt Nam, “Đảng có Chính cương rõ
rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong
kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”. Đồng thời, “Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc, tất cả đảng viên đều tuân
theo. Tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất. Trong Đảng
không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ… Trong Đảng không thể có những
phần tử hèn nhát, lung lay” và “Đảng phải luôn giáo dục đảng viên về lý luận
cách mạng” cũng như “Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng” cho những đảng viên
xuất thân là trí thức, tiểu tư sản, nông dân để các đồng chí ấy “thành những
chiến sĩ của giai cấp công nhân”(mục 33, Thường thức chính trị)(7).
Tư tưởng và những chỉ dẫn quý
báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự
nghiệp cách mạng Việt Nam từ trong tác phẩm Đường Cách mệnh (1927)
đến Thường thức chính trị (1953) đã được quán triệt, triển
khai nghiêm túc, đảm bảo để Đảng luôn là một tổ chức thống nhất trong tư tưởng
và hành động từ Trung ương đến địa phương, từ Ban Chấp hành Trung ương đến từng
tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn cả nước; đảm bảo để Đảng luôn được mạnh khỏe,
trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với trọng trách “kép”- vừa là người lãnh đạo
vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
ĐẢNG PHẢI THƯỜNG XUYÊN CHỈNH
ĐỐN VÀ ĐỔI MỚI, XỨNG ĐÁNG VỚI VAI TRÒ TIỀN PHONG
Được xây dựng, tổ chức và hoạt
động theo nguyên tắc của một Đảng Mácxít Lêninnít kiểu mới, theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhu cầu mà còn là nhiệm vụ
quan trọng của Đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên để Đảng ngày càng hoàn thiện
mình. Thực tế, từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền, Đảng
không chỉ đứng trước những yêu cầu mới của tình hình và nhiệm vụ cách mạng,
nhất là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) đã và đang bước
vào giai đoạn chuẩn bị tổng phản công để “đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi”,
mà còn phải tự chỉnh đốn và đổi mới để Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, đáp ứng
được yêu cầu của thực tiễn.
Thời kỳ này, cùng với việc bị
tinh thần và lực lượng (kinh tế, quân sự, chính trị, cán bộ,v.v..) để tổng phản
công, vấn đề “coi công tác chỉnh Đảng chỉnh quân là công tác trung tâm về xây
dựng Đảng và xây dựng quân đội” nhằm tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực
lượng vũ trang nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với kháng chiến theo
đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa II (22-28/4/1952) đã được
triển khai. Thông qua đó, “đề cao trình độ tư tưởng và ý thức chính trị của
đảng viên, làm cho toàn Đảng thống nhất tư tưởng và hành động. Nâng cao tổ chức
tính, kỷ luật tính, làm cho tổ chức của Đảng được trong sạch, tác phong của
Đảng được đúng đắn, khiến Đảng đủ sức lãnh đạo toàn dân tiến lên giành thắng
lợi cuối cùng”(8). Thực tế, Đảng đã “truyền bá lý luận Mác
- Lênin vào trong nhân dân” vì “lý luận rất quan trọng. Không hiểu
lý luận thì như người mù đi đêm. Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho
quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng. Nhờ lý
luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ
đường lối đấu tranh để giải phóng mình, hiểu rõ phương pháp đấu tranh với
địch…) và trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn “đã kết hợp lý
luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam”, “đã áp dụng
lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề thực
tế của cách mạng Việt Nam”(mục 34, Thường thức chính trị).
Song vì “Đảng có trách nhiệm vô
cùng to lớn”, cho nên Đảng cần phải căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế
giới để không chỉ linh hoạt, chủ động “đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế
hoạch đấu tranh”, mà còn phải đồng thời “quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa
vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để
tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân”. Điều đó cũng có nghĩa là việc đề
ra “khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng,
nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để
đánh thắng kẻ thù của cách mạng”. Tuy nhiên, cũng theo chỉ dẫn của Người thì
“có khẩu hiệu chung, cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi
ích của nhân dân trong giai đoạn đó, đề ra những khẩu hiệu mới, để
động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu
tranh; đồng thời để huấn luyện, giáo dục quần chúng” (mục 35, Thường
thức chính trị). Đồng thời, để Đảng xứng đáng với vị thế của mình, Chủ
tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định “xây dựng Đảng là một nhiệm vụ quan
trọng”, mà Người còn nhấn mạnh nhiệm vụ của đảng viên và cán bộ là “nhất
định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng… Nhất định
phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc.
Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng,
làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự
nguyện chịu Đảng lãnh đạo”(mục 35, Thường thức chính
trị). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo
thực tiễn, “đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”
và “phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối
quần chúng” thì “mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới
lãnh đạo được quần chúng”(mục 35, Thường thức chính trị)(9).
Là một Đảng lãnh đạo, Đảng cần
phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu. Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động
nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng. Việc hiểu rõ, hiểu
đúng về Đảng, về mục đích của xây dựng và “chỉnh Đảng” chính là nhằm nâng cao
tư tưởng, trình độ chính trị, đạo đức cách mạng của đảng viên và cán bộ, làm
cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản. Vì thế,
trong mục 36, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng
Đảng, có ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức”, cho nên Đảng “phải nâng cao
trình độ độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và
tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính
trị của đảng viên”(mục 38). Cụ thể, “Đảng cần phải phát triển và củng
cố. Cần phải phát triển thêm thành phần công nhân. Cần phải giáo dục đảng viên
mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân và tiểu tư sản”; trong
đó, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” vì “không phải chỉ
học thuộc lòng vài bộ sách Mác - Lênin mà làm được”. Theo Người, công tác “giáo
dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên
quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” và “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học
tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa
thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả “mù chính trị”,
thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(10). Đồng thời, “mỗi đảng viên
cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dung
cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên” vì “nâng cao trình độ lý
luận chính trị, cải tạo mình là một việc trường kỳ và gian khổ” (mục 37, Thường
thức chính trị)
Cũng trong tác phẩm Thường
thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Đảng là gồm các đảng
viên mà tổ chức nên. Mọi công việc đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết đều do
đảng viên chấp hành. Mọi chính sách đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng.
Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”, cho
nên” Đảng cần phải làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và
hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động”/phải “lựa chọn
đảng viên” đúng tiêu chuẩn, vì đó là “nền tảng của tổ chức Đảng” (mục 38).
Đồng thời, nguyên tắc của Đảng là toàn thể các cấp ủy các cấp, toàn thể đảng
viên đều phải tổ chức và hoạt động theo một nguyên tắc thống nhất - Đó chính là
“dân chủ tập trung”- là “tập trung trên nền tảng dân chủ” và
“dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung” và “để làm cho Đảng mạnh, thì
phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực
hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật” (mục
42)(11). Điều đó cũng có nghĩa là, để đưa sự nghiệp cách mạng
đến thành công, thì Đảng không chỉ phải “có kỷ luật rất
nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức”, mà còn
luôn “phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh
đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn
và dùng cán bộ một cách đúng đắn”…
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ,
đảng viên không chỉ cần: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả
quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó).
Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói
thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật. Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì
nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét
người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng
cảm. Phục tùng đoàn thể” như yêu cầu trong tác phẩm Đường Cách mệnh,
mà còn phải thực hiện “kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình”;
đồng thời “liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân,
cùng nhân dân kết thành một khối. Chống bộp chộp, nóng nảy, quan liêu, mệnh
lệnh” như Người chỉ rõ tại mục 37(12) và phải “ra
sức phụng sự nhân dân, củng cố mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, kịp thời cho
Đảng biết những nhu cầu của nhân dân, giải thích cho nhân dân thấm nhuần và
thực hiện chính sách của Đảng” (mục 40, Thường thức chính trị)(13) để
được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, đi theo, góp ý kiến...
Tư tưởng và những chỉ dẫn trong
tác phẩm Đường Cách mệnh và Thường thức chính trị của
Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều căn cốt về Đảng, về vai trò lãnh đạo của
Đảng và xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực
hiện theo đúng những chỉ dẫn của Người, Đảng Cộng sản đã không chỉ
chú trọng xây dựng Đảng về mọi mặt mà còn thường xuyên chỉnh đốn để “sữa chữa
khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Quyết tâm vượt khó khăn gian khổ, làm tròn
nhiệm vụ” để xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, “là đạo đức, là văn
minh”; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã hiến định tại Điều 4,
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013!
TS. Văn Thị Thanh Mai
TS. Trần Thị Kim Ninh
(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289, 288
(3) (4) (6) (7) (9) (10)
(11) (12) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.273, 274-275,275,
275-276,279, 279, 287, 281, 284
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,
2011, t.2, tr.2895
(8) Đảng Cộng sản Việt
Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2001, t.13, tr.70
Nguồn: tuyengiao.vn