Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

 Nội dung tin

 
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững   15-08-2024
Với các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của cả nước; đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại công nghệ cao; trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Để đạt được các mục tiêu đó, tỉnh đang tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

bvrbrr1.JPG 
PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo.

Còn nhiều thách thức

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách đã được ban hành và tích cực triển khai thực hiện, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, Đồng Nai là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm các địa phương cao nhất cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh xếp thứ 7 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của người dân ngày càng cải thiện.

Năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện các mục tiêu và định hướng đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XI của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 cũng gặp các khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm. Công nghiệp là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trước sự biến động và suy giảm của thị trường thế giới, chậm phục hồi. Ngành công nghiệp vẫn chủ yếu tập trung ở các ngành thâm dụng lao động phổ thông, nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 2,7-2,9% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các ngành dịch vụ, đặc biệt dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, dịch vụ công nghiệp, dịch vụ logistics… có phát triển nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng.

“Những vấn đề đó đòi hỏi cần phải có sự đánh giá, phân tích, mổ xẻ sâu các vấn đề liên quan đến mô hình kinh tế của tỉnh. Tìm ra những nút thắt cơ bản, những yếu tố then chốt cản trở quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, từ đó lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, so với các địa phương khác, Đồng Nai có những lợi thế và ưu điểm vượt trội, song tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hinh 3.jpeg
Đồng Nai đang tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện mới môi trường.

“Mặc dù là cái nôi phát triển công nghiệp của cả nước, song đến nay sau nhiều năm phát triển, công nghiệp của tỉnh vẫn thâm dụng lao động; công nghệ sản xuất lạc khậu, chậm đổi mới, nguy cơ tác động đến môi trường…”, PGS.TS Bùi Văn Huyền nhận định.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phát huy lợi thế

Nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế, Đồng Nai đặt mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo các chuyên gia, nhà khoa học, Đồng Nai cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tỉnh cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát huy được các lợi thế và tiềm lực hiện có.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian tới, việc Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo “cú hích” lớn, tạo cơ hội, điều kiện khai thác các động lực mới, tạo bước đột phá trong mô hình kinh tế của tỉnh.

Theo nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế bền vững cần dựa trên 3 trụ cột chính gồm: bền vững về kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Từ đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đổi mới mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững dựa trên các nền tảng gồm: lấy công nghiệp là trọng tâm, trong đó, thúc đẩy phát triển Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; tận dụng lợi thế đang có về vị thế ngành nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, công nghệ cao và bền vững; thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ, lấy trọng tâm là sự phát triển của đô thị Sân bay Long Thành và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp…

rưgeht2.JPG
Giám đốc Sở KH&CN Lại Thế Thông chia sẻ tại hội thảo.

Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo, ông Lại Thế Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng, để phát triển bền vững cần khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo góp phần tạo động lực cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung phát triển đô thị thông minh và các khu trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi, ứng dụng những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện lộ trình mục tiêu giảm phát thải các-bon và phát triển hệ sinh thái công nghệ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạc và Đầu tư cho biết, Đồng Nai là địa phương tiên phong thực hiện kế hoạch tăng trưởng xanh. Đây là lợi thế đón đầu và có những chính sách thu hút nguồn tín dụng, công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới đối với lĩnh vực công nghiệp là các dự án sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của Chính phủ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường…

“Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị tiếp nhận và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu của đề tài, do vậy, việc nghiên cứu, lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp sẽ có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới”, ông Nguyên cho biết thêm.

Ngày 24/7/2024, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá mô hình chất lượng tăng trưởng kinh tế Đồng Nai”. Đây là hội thảo nằm trong nội dung của đề tài “Mô hình kinh tế Đồng Nai phát triển bền vững”, một trong 6 đề tài thực hiện theo Kế hoạch 186-KH/TU ngày 31/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tỉnh Đồng Nai, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất bổ sung các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thanh Cảnh

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.