Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

 Nội dung tin

 
Đồng Nai: Quyết tâm hiện thực mục tiêu Net Zero - Bài 1: Cam kết hướng đến Net Zero vào năm 2050   10-09-2024
Thực hiện Net Zero là cam kết, nguyện vọng và mục tiêu của Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững đất nước. Với sự quyết tâm cao, định hướng phát triển bền vững cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, Đồng Nai đã và đang có sự cam kết mạnh mẽ, mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể để góp phần cùng cả nước và thế giới tiến tới phát thải ròng các bon bằng không vào năm 2050.

fgwergrw1.jpg
Sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của tương lai.
Bài 1: Cam kết hướng đến Net Zero vào năm 2050

Phát thải khí nhà kính là nguyên nhân chủ yếu của biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay mà biểu hiện rõ nét nhất là nhiệt độ trái đất và bầu khí quyển đang nóng lên, dẫn đến hiện tượng nước biển dâng cùng với thời tiết cực đoan khác thường. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí đốt, dầu mỏ... và hoạt động sản xuất kinh doanh, với việc chặt phá rừng trên bình diện toàn thế giới là nguyên nhân chính của việc gia tăng phát thải các loại khí có nguồn gốc các-bon, làm thay đổi thành phần bầu khí quyển, tạo nên hiện tượng nhà kính. Đứng trước tình hình đó buộc thế giới phải hành động gấp, nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Muốn vậy, các quốc gia cần phát triển mạnh và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng cường phủ xanh bề mặt trái đất...

Để giảm thiểu tác động của hiệu ứng nhà kính, con người tìm cách giảm thiểu phát thải các-bon. Khi việc phát thải các-bon và giải phóng các-bon khỏi bầu khí quyển đạt đến mức cân bằng thì đạt đến trạng thái "Net Zero". Như vậy, "Net Zero" là thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng phát thải ròng khí nhà kính bằng không. Điều đó có nghĩa là đạt đến sự cân bằng giữa khí nhà kính do con người tạo ra và sự giải phóng nó khỏi bầu khí quyển trong một khoảng thời gian nhất định. Để giải phóng khí nhà kính do con người phát thải có thể nhờ vào tác dụng của rừng, cây xanh hoặc công nghệ thu hồi xử lý.

Tại COP 28 (tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đây là mục tiêu tiên phong, tương đồng các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới, mặc dù, Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển.

Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 đã xác định mục tiêu: “… Đến năm 2030, khuyến khích sử dụng điện, năng lượng xanh trong giao thông vận tải, sử dụng 100% xăng E5; giảm 32,6% lượng phát thải khí nhà kính trong năng lượng, 43% trong nông nghiệp, 70% trong lâm nghiệp và sử dụng đất đồng thời tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, 60,7% trong xử lý chất thải, 38,3% trong các quá trình công nghiệp” nhằm thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đồng Nai chung tay thực hiện "Net Zero"

Đi cùng cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, tỉnh Đồng Nai cũng theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với công ước tại Hội nghị COP26. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định lấy người dân làm trung tâm, phát triển có chọn lọc, thu hút các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tỉnh đã đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để Đồng Nai hiện thực hóa mục tiêu 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu Net-Zero năm 2050.

Ngày 19/02/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND phê duyệt đề án giảm thiểu khí các bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm  2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án gồm 03 hợp phần: Hợp phần 1 - Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính (KNK) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Hợp phần 2 - Xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh; Hợp phần 3 - Huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện Đề án; nhằm đánh giá được đúng thực trạng phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm thiểu khí các-bon của tỉnh góp phần thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của cả nước theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Xây dựng lộ trình và cách thức thực hiện trong việc cắt giảm phát thải trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tính phù hợp và khả thi cũng như xét đến các yếu tố đặc trưng của tỉnh.

Trong đề án này, tỉnh chọn 7 lĩnh vực để tập trung nghiên cứu hiện trạng, tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0 theo cam kết của Chính phủ: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; xây dựng và vật liệu; khu đô thị. Đây đều là ngành nghề, lĩnh vực, khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, có tỷ lệ phát thải cao và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu.

Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cần xác định nguồn và kiểm kê các loại khí từ các nguồn tạo ra chúng; do đó, Hợp phần 1 của Đề án giảm thiểu khí các bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định kiểm kê khí nhà kính là công việc đầu tiên được ưu tiên thực hiện; thông qua việc thu thập dữ liệu, kiểm kê khí nhà kính, dự báo phát thải, phân tích ngành, lĩnh vực liên quan đến hoạt động phát thải, phân tích chính sách, xác định rào cản và cơ hội; Kết quả của hợp phần 1 sẽ gồm có Báo cáo kiềm kê phát thải KNK trên địa bàn tỉnh, bao gồm các số liệu về lượng phát thải theo các nguồn, các ngành và các địa phương, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến phát thải. Nội dung báo cáo sẽ là cơ sở để xác định mức độ đóng góp của tỉnh vào cam kết quốc gia về giảm phát thải KNK; Báo cáo phân tích chính sách về phát thải KNK và biến đổi khí hậu, rà soát quy định, biện pháp hiện hành liên quan trên địa bàn tính. Báo cáo sẽ đánh giá mức độ hiệu quả và xác định nội dung cần bổ sung để thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu khí các bon, là cơ sở để đề xuất cơ chế chính sách và công cụ hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược giảm thiểu khí các bon.

ewgweG2.jpg
Đồng Nai quyết tâm hướng đến Net Zero vào năm 2050.

Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn đề xây dựng đề cương và triển khai thực hiện các nội dung công việc của hợp phần 1, qua đó xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giảm thiểu khí thải các bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các hợp phần của Đề án giảm thiểu khí các-bon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình UBND tỉnh, trong đó sẽ xác định và phân công cụ thể trách nhiệm, lộ trình thực hiện của từng đơn vị.

Thách thức hiện thực mục tiêu "Net Zero"

Để hiện thực mục tiêu Net Zero, Đồng Nai cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là trong kiểm kê khí nhà kính. Việc kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam hiện nay nói chung và Đồng Nai nói riêng đang gặp những khó khăn, thách thức như: nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu về kiểm kê, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính chưa đáp ứng nhu cầu, bao gồm nhân lực cán bộ nhà nước tham mưu quản lý lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế; các quy định pháp luật quy định về kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính cũng như định mức kinh tế - kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính chưa được ban hành đầy đủ cho các ngành, lĩnh vực cần kiểm kê khí thải.

Ngoài ra, khó khăn, thách thức trong chuyển đổi năng lượng. Việc chuyển đổi năng lượng từ truyền thống sang năng lượng tái tạo, xanh, sạch là xu hướng và yêu cầu cấp bách trong lộ trình thực hiện net zero. Tuy nhiên, việc chuyển đổi năng lượng vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu đồng bộ trong quy hoạch, đầu tư hạ tầng ngành điện, trình độ công nghệ đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo còn hạn chế, hành lang pháp lý nhằm tạo cú hích cho việc phát triển và sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng chưa đáp ứng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp của Đồng Nai có thế mạnh về chăn nuôi, trồng trọt; chất thải trong lĩnh vực chăn nuôi không được kiểm soát, xử lý khoa học sẽ tạo ra một lượng khí metan và thải vào bầu khí quyển. Việc phát triển nông nghiệp xanh, chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, sản xuất theo quy trình hiện đại như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái... lại gặp những khó khăn về vốn đầu tư, về nghệ sản xuất, về chất lượng nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn,…; người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các hỗ trợ, lợi ích khi thực hiện chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, điều này góp phần hạn chế sự tham gia của các tổ chức,cá nhân có tiềm lực thực hiện việc chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, khó khăn, thách thức của việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải. Để giảm thiểu phát thải khí metan và thu hồi các-bon, việc xử chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, chất thải hữu cơ cần được tiến hành theo quy trình công nghệ tiên tiến. Song các khu xử lý chất thải hầu hết đều đã được đầu tư và đi vào hoạt động, chưa có công nghệ, công đoạn thu hồi các-bon nên việc cải tiến, thay đổi công nghệ sẽ gặp nhiều khó khăn; lượng chất thải hữu cơ nhiều và rải rác, khó kiểm soát; thói quen tiêu dùng của người dân chưa phù hợp với yêu cầu xử lý chất thải; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư còn thấp, chưa có nhận thức nhiều về vấn đề phát thải khí nhà kính.

Thanh Cảnh

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.