Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

 Sở hữu trí tuệ - Đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn

 
Phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ cho giới trẻ   27-04-2022
Tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với thế hệ trẻ” - một trong số chuỗi những sự kiện chào mừng ngày Đổi mới sáng tạo và ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới năm 2022 của tỉnh Đồng Nai, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cũng như các vấn đề về SHTT, thành quả đạt được trong nghiên cứu và những khó khăn trong triển khai. Qua đó, giúp cho các bạn trẻ hiểu rõ các quy định về SHTT, làm hành trang vững chắc cho các bạn trẻ trong hoạt động nghiên cứu, học tập, lao động và sáng tạo.
 

Các diễn giả trao đổi, thảo luận tại Hội thảo "Sở hữu trí tuệ với thế hệ trẻ"
* Xây dựng văn hóa SHTT trong thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó cục trưởng Cục SHTT cho biết, Chiến lược SHTT đến năm 2030 có đề ra một trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đó là "hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội". Theo ông Bảy, văn hóa SHTT là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến SHTT.  Đây là văn hóa của con người biết tự bảo vệ quyền SHTT của mình và tôn trọng quyền SHTT của người khác. “Tôi cho rằng văn hóa SHTT có thể được sử dụng như một công cụ mạnh mẽ để giải quyết nhiều vấn đề trong xã hội. Một hệ thống SHTT vận hành hiệu quả chỉ khi cả xã hội có ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT” – ông Bảy nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ, văn hóa SHTT là cách hành xử một vấn đề trong một tổ chức, một doanh nghiệp. Khi văn hóa SHTT được hình thành sẽ phát triển kinh tế, tự chủ công nghệ, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Đối với doanh nghiệp sẽ tăng năng lực cạnh tranh, tăng uy tín trên thị trường. Đồng thời trau đổi nhận thức của giới trẻ, thúc đẩy giới trẻ đổi mới sáng tạo để biến ước mơ thành hiện thực. Ở trong trường Đại học Lạc Hồng thì văn hóa SHTT là các quy định, chế độ khuyến khích, các chương trình hành động của nhà trường để kích thích giáo viên, sinh viên thực hiện hoạt động SHTT. Thời gian qua, trường luôn tạo sân chơi khoa học để các bạn sinh viên có môi trường để học tập, nghiên cứu, sáng tạo. Do đó, đã có rất nhiều các đề tài, các sản phẩm đổi mới sáng tạo, các hoạt động khởi nghiệp thành công. Từ kết quả nghiên cứu, được sự tư vấn của các chuyên gia, trường đã nhận diện được những sản phẩm, sáng kiến để tham gia bảo hộ quyền SHTT, từ đó phát huy để khai thác các quyền SHTT này.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng Đại diện Cục Sở Hữu trí Tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giới trẻ có nhiều khả năng phát triển như: mạnh dạn, chủ động hội nhập, dám chấp nhận thách thức. Do đó, các bạn trẻ hãy cùng chung tay xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ thống SHTT vững mạnh để phát triển tương lai của đất nước.
Các bạn trẻ mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ trong việc nâng cao nhận thức cũng như thực hiện hiệu quả quyền SHTT
* Sử dụng các công cụ SHTT để phát triển doanh nghiệp
Trong xu thế phát triển, hội nhập kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dù ít hay nhiều đều liên quan đến quyền SHTT. Khi doanh nghiêp có nhãn hiệu, sáng chế…áp dụng cho sản phẩm và được bảo hộ, thì các đối tượng SHTT này sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Rất nhiều các doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện việc bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý… trong các doanh nghiệp mình, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định.
Ông Đặng Quốc Nghi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai cho biết, thực tế các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề SHTT, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu. Như vậy, giá trị của quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền SHTT cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức. Nguyên nhân được ông Nghi đưa ra là do doanh nghiệp chưa trang bị đầy đủ kiến thức, chưa hiểu rõ đối tượng SHTT, chưa quan tâm đến thông tin liên quan của hoạt động SHTT, chưa trải nghiệm các vấn đề pháp lý liên quan do quy mô và mô hình hoạt động còn nhỏ. Một rào cản nữa trong việc triển khai SHTT trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đó chính là vấn đề thông tin tiếp cận và chi phí.
Một số sản phẩm đã được bảo hộ SHTT được trưng bày bên lề Hội thảo
Ông Nghi cho rằng, với chủ các doanh nghiệp, SHTT không chỉ là yếu tố tài sản mà còn là sự sống còn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Quá trình hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng các công cụ SHTT vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, các star-up khởi nghiệp là rất quan trọng, cần được đẩy mạnh thông tin và cần tiếp tục có các chính sách, biện pháp để nâng cao hiệu quả trong bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh công bằng, nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
Anh Ngô Quốc Huy, Giám đốc Công ty Vạn Hỏa Long (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, SHTT là điểm tựa, giúp chúng ta tự tin phát triển sản phẩm của mình. Nhất là trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các bạn trẻ cần nắm rõ về SHTT, Luật SHTT và luôn luôn sáng tạo, đổi mới để phát triển một tương lai tốt đẹp hơn. Là một doanh nghiệp trẻ, anh Ngô Quốc Huy cũng mong muốn các sở, ban, ngành chức năng có các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân về việc đăng ký quyền SHTT, đăng ký bảo hộ đối với các sản phẩm sáng tạo của bản thân, các sản phẩm đặc sản của địa phương… Từ đó, từng bước hình thành và phát triển văn hóa SHTT cho các bạn trẻ.
P.Hương

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.