Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Người chiến sĩ cứu hộ tăng - thiết giáp (Anh hùng Phạm Văn Cán)   14-03-2014
Anh hùng Phạm Văn Cán sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đảng viên, trung sĩ, chiến sĩ lái xe dắt, đại đội 11, Đoàn 26, Phòng kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thiết giáp Miền. Tháng 9 năm 1972, Phạm Văn Cán cùng đơn vị hành quân 2.000km vào chiến trường Đông Nam Bộ, anh không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua bom đạn ác liệt do máy bay địch bắn phá, cứu kéo được 73 lượt chiếc xe tăng, xe thiếp giáp sa lầy, đổ hoặc chết máy trên dọc đường. Từ tháng 5 năm 1973 đến tháng 4 năm 1975, Phạm Văn Cán làm nhiệm vụ dắt xe tăng, xe thiết giáp trong chiến đấu. Anh đã tham gia 3 chiến dịch, cứu kéo được 40 chiếc xe về tới nơi an toàn. Trong chiến dịch Bến Cát từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1974, trời mưa nhiều, đường lầy lội, địch bắn phá ác liệt, Phạm Văn Cán vẫn bất chấp gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Có lần, giữa hỏa lực dày đặc của địch, anh vẫn bình tĩnh lái xe vào sát căn cứ địch (100m), cứu kéo được 1 xe tăng ra ngoài. Ca chiến dịch, anh cứu kéo được 18 chiếc xe tăng về sửa chữa, khôi phục lại, tiếp tục chiến đấu. Trận đánh quận lỵ Chơn Thành (Bình Long) tháng 4 năm 1975, có 2 xe tăng của ta bị hỏng nằm sát trận địa địch, nguy cơ sẽ bị chúng cướp xe hoặc phá hủy, Phạm Văn Cán dũng cảm mở nắp xe, nhô ra ngoài vừa lái vừa quan sát tránh bãi mìn, thà hy sinh chứ không để xe và đồng đội bị thương, anh đã cứu được 2 xe tăng về an toàn, cổ vũ cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch. Đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, được tặng 4 bằng khen và giấy khen. Ngày 15 tháng 1 năm 1976, Phạm Văn Cán được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

AHDN11.03.2014 (38).jpg
Anh hùng Phạm Văn Cán và chiếc tăng cứu hộ

Từ điển Từ và ngữ tiếng Việt (Nguyễn Lân) định nghĩa cứu: làm thoát khỏi tai nạn; hộ: giúp đỡ, che chở, cứu hộ là giúp thoát khỏi tai nạn. Cảng Sài Gòn có một, hai tàu cứu hộ cho cả vùng biển phía Nam rộng lớn, từng lái dắt một số tàu biển dân sự sắp đắm về bến an toàn. Nó cũng lập thành tích kéo tàu quân sự ta bị hỏng trong cuộc xung đột ở quần đảo Hoàng Sa (vào đầu những năm 80) về cảng sửa chữa. Song tàu cứu hộ chủ yếu đối mặt sóng to gió lớn, dòng biển chảy xiết... là những khó khăn nguy hiểm do thiên nhiên gây ra.

Còn lính cứu hộ tăng thiết giáp phải trần thân xông pha giúp xe đồng đội không còn hoạt động được ra khỏi chiến trường tơi bời bom rơi, đạn nổ. Năm 1972, lần đầu tiên xe tăng-thiết giáp ta xung trận ở chiến trường An Lộc (Bình Long). Trước kia địch quen thói lấy sắt thép đè người, năm ấy, “quả đấm thép” lợi hại này của ta tung ra gây bao kinh hoàng cho quân đội Sài Gòn. Song có xe ta bị bom pháo hư hỏng bỏ lại trận địa, địch trục kéo về triển lãm tuyên truyền rùm beng thắng lợi của “quân đội quốc gia”. Sau đó hơn nửa năm, một xe đặc chủng chuyên cứu hộ xe tăng-thiết giáp hư hỏng trong chiến đấu được phái từ miền Bắc vô. Đó là chiếc tăng T.54 không tháp pháo; chỉ gắn một khẩu trọng liên 12,8 ly để tự vệ, nhưng có thêm thiết bị kích, kéo đặt trên thùng thép (gắn ở vị trí tháp pháo): một cần cẩu xếp gọn, hai cuộn dây cáp dài 150 mét lắp vào cuộn tời có sức kéo 120 tấn; phía sau xe lắp lưỡi ben nâng hạ bằng thủy lực để neo xe khi cần kéo xe khác sa lầy xuống hố... Xe đặc chủng lập chiến công bằng việc cứu kéo đưa xe đồng đội hỏng hóc ra khỏi trận địa rồi dắt về hậu cứ sửa chữa.

Tháng 5 năm 1971, học xong năm thứ ba khoa Chế tạo máy trường Đại học Bách khoa Hà Nội loại giỏi, Phạm Văn Cán được tuyển vào bộ đội tăng-thiết giáp ở tuổi 21. Có sức khỏe A1, trình độ văn hóa cao, anh học lái và nắm vững kết cấu máy móc xe tăng khá nhanh tại trường huấn luyện binh chủng đặt ở huyện trung du Tam Dương (Vĩnh Phúc) chân dãy Tam Đảo. Xong khóa đào tạo mấy tháng, đáng lẽ anh đi B ngay, nếu vậy đã có dịp cùng đồng đội tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ xuân 1972 tung hoành trên chiến trường An Lộc (tỉnh Bình Long cũ). Nhưng nước bạn viện trợ hai xe đặc chủng, lãnh đạo binh chủng cử anh và Mạnh ở lại học sử dụng thành thạo mọi thiết bị kích kéo của loại xe này, chuẩn bị phục vụ bộ đội tăng thiết giáp ra quân qui mô lớn ở tiền phương chống Mỹ. Tháng 3 năm 1972, anh cùng đồng đội nhận xe tại Bằng Tường, rồi theo đường bộ vào bảo vệ Khu 4. Đoàn tăng thiết giáp trong đó có hai xe cứu hộ, mới đến khu vực tập kết bãi Nai (Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), đã bị máy bay địch đánh tới tấp, các chiến sĩ tăng thiết giáp râm ran nghi vấn: gián điệp chui vào hàng ngũ ta? Tâm tư một số anh em trĩu nặng: liệu xe mình có vào đến đích an toàn?

Tháng 9 năm 1972, xuất phát từ Nam Đàn (Nghệ An), xe Cán được lệnh đi B.3. Đoàn tăng thiết giáp 25A rùng rùng nghiến xích mặt đường đầy khí thế nhưng thận trọng, tiến về phương Nam. Cánh lính trẻ sung sức, tinh thần hăng hái phấn khởi “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, “đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Các anh vào Quảng Bình rồi lật cánh sang đường 20 – Trường Sơn Tây, nhiều người lần đầu đi qua những địa danh hồi đó báo, đài thường nhắc tới: At tô pơ, Hạ Lào... Xe đặc chủng do Mạnh lái đáng lẽ đi B.2 nhưng chạy tới Hạ Lào thì hỏng nặng, phải nằm chờ thiết bị mang vào sửa. Xe Cán vì vậy đi cuối đội hình, xưa gọi là đi đoạn hậu vào thẳng B.2, sẵn sàng sửa, kích, kéo các voi thép nặng hàng chục tấn hỏng máy, sa hố bom... Xe ta không hành quân như phim ảnh chiếu. Mỗi đại đội chừng 10 xe, mỗi xe đi cách nhau cả ki-lô-mét, chứ không nối đuôi nhau lăn xích thành thế đội dài dằng dặc, bụi đường mù mịt bốc cao như xe tăng Hồng quân Liên Xô năm 1943 ra trận vòng cung Kuốcxcơ.

Để giữ bí mật, tăng thiết giáp ta chỉ chạy ban đêm. Máy bay Mỹ khống chế bầu trời tương đối chặt nên chiến sĩ lái lâu lâu mới bật đèn rùa, còn chủ yếu chạy mò. Ngồi trong xe, Cán thường thò đầu ra ngoài, hoặc căng mắt nhìn đường qua kính ngắm với góc nhìn rất hẹp. Vì vậy, thỉnh thoảng xe húc vào một gốc cây to cỡ hàng ôm, mặt anh đập vào cửa xe, môi sưng vều chảy máu, răng cửa lung lay may mà chưa gãy, di chứng còn lại đến tận bây giờ.

Nếu có máy bay vận tải hạng nặng chở nổi xe tăng thiết giáp như của Mỹ, binh chủng cơ giới hiện đại này sẽ cơ động rất nhanh. Nhưng chúng ta đành phải bằng lòng với cảnh túc tắc nhích từng vòng xích ra phía trước. Các chiến sĩ tăng thiết giáp được hưởng tiêu chuẩn cao, đến mỗi trạm giao liên trên đường Trường Sơn các anh được cấp phát gạo, thực phẩm, xăng dầu theo đúng chế độ. Không phải mang vác cực nhọc, nhưng các anh liên tục chịu tiếng ồn đinh tai nhức óc, chịu cái nóng như nung, xe chạy sau hứng bụi mù mịt khi qua đất bạn Lào vào mùa khô trên đường Trường Sơn Tây. Đến trạm nghỉ, các anh mới hưởng làn gió thổi trong lành và sự tĩnh lặng đáng quý giúp hồi sức. Lúc còn ở miền Bắc, anh em hàng ngày nghe tin qua đài, đọc nhiều loại báo nên nắm vững thời sự trong nước và quốc tế. Nhưng từ khi đặt chân tới đất Quảng Bình, các anh đói tin thật sự. Lâu lâu đồng chí chính trị viên tiểu đoàn vai đeo chiếc radio bán dẫn Lido lắp 6 pin đại to đùng nặng trĩu ghé đến, các anh mới tranh thủ nghe vài mẩu tin thời sự. Đói tin khổ không thua đói gạo là bao!

Địch đánh hơi đoàn xe, máy bay chúng săn lùng suốt dọc đường dài. Nhiều lần, xe ta nhờ ánh pháo sáng mà đi, song máy bay C.130 trang bị máy dò hồng ngoại thay phiên nhau đánh dai dẳng cả đêm. Thằng C.130 bắn đại bác 20 và 40mm dai như bò đái! Nhiều xe ô tô bị chúng “xin thùng” cháy đen, cong queo đành gạt qua bên đường hoặc ủi xuống vực, giải phóng đường cho các đơn vị khác đi tiếp. Phát hiện máy bay địch tới qua mấy phát súng báo hiệu của anh chị em bảo vệ đường, xe tăng thiết giáp ta tạm rẽ vào đường tránh mang cá, mặt khác đậy nắp thép lại thì ngồi trong vô tư mặc đạn nổ lốp bốp trên nóc. Đoàn 25A bị đánh dữ dội lúc vượt ngầm Bạc, Xêxan, xe Cán may chỉ bị tróc sơn nham nhở. Anh đã tận mắt chứng kiến một số đồng đội trong đoàn xe hy sinh trên đường hành quân do không đóng kịp nắp cửa. Những lúc nghỉ ngơi rảnh rỗi chút đỉnh, mấy anh em cùng xe bù khú chuyện trò tâm sự, không mấy ai không nhắc đến cha mẹ, anh chị em, quê hương làng xóm thân yêu, những kỷ niệm đời học sinh tươi rói với nỗi nhớ da diết cồn cào. Mắc võng nằm bên nhau, có người nêu câu hỏi:

– Nếu bây giờ cho mày đi bộ quay ngược ra Bắc nhưng phải cõng hai bánh xích xe (nặng 36kg), dám đi không?

– Đi liền!...

Nhớ nhà và những người thân quá thì anh em nói thế thôi, chớ đơn vị không ai “B quay”. Cuối tháng 12 năm 1972, đoàn xe vào tới Kràché (Cam-pu-chia) thì Cán nghe tin máy bay B.52 đánh thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành khác ở miền Bắc. Anh được biết hiệp định Pa-ri lập lại hòa bình ở Việt Nam (27 tháng 1 năm 1973) ký kết, lính Mỹ và chư hầu lần lượt rút hết khi xe về tới km 0 gần biên giới Đông Nam Bộ - Cam-pu-chia.

Suốt chặng hành quân dài 5 tháng, anh cứu kéo, sửa chữa được nhiều xe hỏng hóc. Vì vậy anh được bầu chiến sĩ thi đua, dự hội nghị thi đua binh chủng ở Lộc Ninh. Sau đó các đơn vị tăng thiết giáp B.2... bước vào đợt học tập chính trị, mặt khác tu sửa xe thật kỹ chuẩn bị bước vào đối mặt thật sự với kẻ địch.

Ở Cam-pu-chia, Lon-non đảo chính Xi-ha-núc từ vài năm trước. Lương thực, thực phẩm, xăng dầu... hoàn toàn do các đoàn hậu cần đảm nhiệm mua từ các cửa khẩu trong nước. Địch phong tỏa chặt, gạo và nhu yếu phẩm mua khó khăn, hậu phương lớn quá xa vì vậy bộ đội ăn uống cực hơn trước suốt thời gian dài. Tiêu chuẩn gạo rút xuống, trong khẩu phần từng bữa thì khoai mì, đậu xanh, đậu phộng... chiếm tỷ lệ đáng kể, gạo độn thêm một ít gọi là. Ăn nhiều đậu phộng, người yếu dạ bị sình bụng rất khó chịu, quân y tốn thêm mớ thuốc. Anh em tranh thủ đi kiếm thêm củ mài, củ chụp cho no bụng, chỉ khi đi chiến đấu, anh em mới được ăn 100% gạo! Lúc đó, số ở lại căn cứ phải rút gạo nữa (vì hậu cần phát định lượng cho đơn vị từng đó ký, anh đi chiến đấu ăn đủ 100% thì tỷ lệ gạo của những ai ở lại sẽ giảm xuống).

Trên chiến trường B.2, Mỹ, Thiệu ký hiệp định hòa bình Pa-ri chưa ráo mực đã lật lọng. Lính ngụy Sài Gòn rất hung hăng, liên tục lấn chiếm nhiều nơi do chiến trường xen kẽ theo hình thái da beo.

Cuối năm 1973, chiến dịch Mặt trận 75 khai thông hành lang chiến lược đường 14 ở tỉnh Quảng Đức (Nam Đắc Lắc). Mở được đoạn này, ta nối thông đường Trường Sơn Đông vào tới Lộc Ninh.

Đêm 2 tháng 11 năm 1973, xe đặc chủng theo tiểu đoàn 21 tăng thiết giáp B.2 từ hậu cứ ở Bù Đốp cắt rừng theo đường do công binh mở, ngược hướng Bắc phối thuộc trung đoàn bộ binh cùng một đơn vị đặc công của trung đoàn 429 đánh yếu khu Bù Bông bảo vệ vòng ngoài chi khu quân sự Kiến Đức và sân bay Nhân Cơ (thuộc tỉnh Đắc Lắc). Xe anh chạy hai đêm, 3 giờ sáng ngày 4 tháng 11 năm 1973 tập kết ở cửa mở gần bìa rừng thông chờ lệnh ứng cứu. Trời tối thui, đêm cao nguyên Mnông đầu mùa khô lạnh tê tái. Chiếc áo len cấp phát mang theo từ miền Bắc mặc chẳng thấm vào đâu.

Bù Bông là vị trí phòng thủ vòng ngoài rất rắn, do lính ngụy người Mnông giữ. Địa hình toàn vùng có dạng đồi bát úp sườn khá dốc, rừng già um tùm nhưng một số đỉnh đã bị phá quang (bằng máy ủi, bằng bom pháo, bằng hóa chất diệt cây cối...). Một trận địa pháo ở ngọn đồi cao nhất khống chế phạm vi rộng lớn. 4 giờ sáng, bộ đội đặc công nổ súng mở màn trận đánh. Tiểu đoàn tăng thiết giáp triển khai thành hai mũi đánh vu hồi căn cứ. Lần đầu tiên Cán chính thức ra trận. Pháo ta bắn cấp tập dập trận địa địch. Đạn xé gió qua đầu Cán, nổ chát chúa đằng xa. Sau ít phút địch hồi tỉnh, pháo của chúng từ đồi pháo binh chúc nòng bắn xuống. Chớp đạn địch nổ nhoáng nhoàng liên tục trước mặt xe đặc chủng một quãng. Anh để ga nhỏ, óc vẫn nhẩm để nhớ mật khẩu quy ước: 01 triển khai. 02 cửa mở..., 07 xuất kích... Tuy đã học trong sa bàn ở căn cứ, nhưng trời tối như bưng mắt, lại không thông thạo địa hình nơi này nên anh chỉ biết xe đang ém ở vị trí A.3. Tới 6 giờ sáng, trời sương lờ mờ, anh nghe tiểu đoàn phó Khuê lệnh qua điện đài: cho xe đặc chủng chạy theo vết xích. Đến một chỗ thì mất dấu, quay ngang xe, qua kính ngắm anh thấy chiếc K.63 cháy cách đó không xa. Cây cối bít bùng chắn mất tầm nhìn cộng với khói mù mịt; xe anh tiến lại gần trong lúc pháo địch vẫn nã không ngớt. Cán bảo pháo thủ trọng liên:

– Mày bắn đi chứ!

– Không thấy gì cả, bắn sao được...

Chiếc thiết giáp K.63 hành tiến bị hở sườn trúng đạn chống tăng của địch, thủng toác một lỗ lớn, bên trong đang cháy. Khói đen cuồn cuộn bốc lên, mấy chiến sĩ của xe đều hy sinh. Xe đặc chủng vòng lại, một thợ sửa chữa nhảy ra, thò tay qua cửa lái trả lại số 0 ở cần lái chiếc K.63 rồi móc cáp vào. Cán rồ ga, kéo xe hỏng ra bìa rừng.

Sở chỉ huy lệnh cho xe Cán tiếp tục tiến sâu vào trận địa cứu một xe khác. Xe này trúng đạn phốtpho, không cháy nhưng không ai sống sót. Xe đặc chủng lợi dụng địa hình, nhanh chóng móc cáp kéo xe này ra ven rừng.

Trời sáng rõ, pháo địch càng bắn dữ, khói bụi mịt mù. Máy bay A.37 tới yểm trợ mới đầu rà sát, bắn tên lửa và đại bác xuống trận địa ta. Súng phòng không ta ở rải rác bắn lên rất mạnh. Khẩu 12,8 ly ở xe Cán cũng góp phần lên tiếng, xua chúng bay tít lên cao.

Đến gần trưa, anh em bộ binh giải quyết được phần lớn căn cứ Bù Bông, được lệnh tạm ngưng, giạt vào rừng chờ đến tối đánh tiếp. Tiếng súng thưa dần, Cán không thấy xe tăng thiết giáp ta đâu, vẫn cố chạy vào tìm xe hỏng. Một lính thợ sửa chữa trên xe phát hiện có tiếng người lao xao rì rầm ở rừng cây ven suối, hóa ra lính ta đang nấu cơm. Cán xuống xe, hỏi thì được biết đơn vị xe tăng tập kết cách đó 1 ki-lô-mét. Khi cánh bộ binh cho biết đã có lệnh tạm ngưng chiến đấu, Cán tức quá, văng ra một câu:

– Tạm ngưng mà không nói với bố! Máy bay nó bắn chết mẹ bây giờ!...

Máy bộ đàm trong xe phát sóng liên tục, lời của anh được máy thu vào băng ở sở chỉ huy. Câu văng tục là vạ miệng, sau này bị quy là “dám chửi cấp trên” (một cán bộ làm chiến lệ ở sở chỉ huy kể lại).

Đêm 5 tháng 11 bộ đội ta đánh tiếp, xóa sổ căn cứ Bù Bông. Máy bay trực thăng hạng nặng bốc hết số pháo địch trên đồi cao đi nơi khác lúc nào không biết, đặc công diệt hụt bọn này. Nhờ trinh sát dẫn đường, xe đặc chủng mất ba đêm liền mới kéo hết năm xe ta bị hỏng (bốn chiếc K.63, một chiếc T.54) ra nơi an toàn. Cán và đồng đội còn thu bảy xe M.113 của địch. Khi rút chạy bọn lính lao một số xe xuống bưng lầy, kéo lên rất vất vả. Theo yêu cầu của công binh, xe Cán kéo về hai máy ủi cỡ lớn (sau này tham gia phục vụ mở đường cho xe cơ giới ta). Anh em công binh bắn được một con dê của dân chạy lạc ở đồi pháo binh, cho vào gùi chất lên xe ủi. Vào rừng, anh em nấu một xoong to, chia một phần thịt cho xe Cán. Sau những ngày vất vả, bữa thịt tươi ngon đó giúp anh em tổ xe đặc chủng lấy lại phần nào sức khỏe. Nhưng bữa thịt đó gây ra vạ miệng thứ nhì. Kiểm điểm bình xét thành tích sau chiến dịch, Cán được đề nghị cấp trên thưởng Huân chương Chiến công giải phóng. Không biết do đâu mà chính ủy bộ đội tăng thiết giáp Tám Hải biết được vụ thịt dê. Ông cho là anh em phạm kỷ luật chiến trường, ra lệnh “cắt” từ huân chương đến danh hiệu thi đua “đảng viên 4 tốt”, “đoàn viên 4 tốt”... Sau này, Cán gặp trực tiếp thắc mắc, chính ủy hỏi:

– Có ăn không?

– Tôi không bắn, trên cắt thì không hợp lý!

– Có ăn không? – Ông hỏi gặng lần nữa.

– Có!

– Anh nào ăn thì kỷ luật hết!

Xe đặc chủng ở lại Bù Bông đến nửa tháng mới giải quyết hết việc cấp trên giao.

Lính địch là dân địa phương thông thạo địa hình, tổ chức phản kích lấn chiếm lai rai vùng ngã ba Lâm Bí. Bộ binh ta đánh bật chúng khỏi địa bàn để giữ hành lang đường chiến lược số 14, có xe tăng thiết giáp phối thuộc, xe Cán bám theo sẵn sàng ứng cứu. Hai bên “kéo cưa” dằng dai một thời gian ở vùng “da beo” này cho tới sát biên giới Cam-pu-chia.

Đầu tháng 12 năm 1972 Tiểu đoàn 21 và đại đội 6 (của Tiểu đoàn 20) thiết giáp B.2 phối thuộc trung đoàn bộ binh đánh sân bay Nhân Cơ gần thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đức).

7 giờ tối ngày 4 tháng 12 từ khu tập kết Bù Bông khá xa, xe đặc chủng theo công binh dẫn đường, xuyên cánh rừng le tiến vào cửa mở. Le mọc dày đặc xòa ra cà sàn sạt vào thước ngắm khẩu trọng liên 12.8 ly làm trầy tróc lớp mạ.

Tăng thiết giáp ta tiến công theo hai mũi. Đại đội 6 có khoảng 10 xe đánh từ phía đông tức là hướng Đà Lạt tới. Anh Quận, đại đội trưởng đại đội 6, sau trận đánh kể lại: khi xe tăng ta tới, nhiều vợ con lính Sài Gòn ra ven đường, khoát tay rối rít vẻ nôn nóng chờ đón, tưởng đó là quân tiếp viện của chúng. Một tên nói to:

– Cộng sản vào, nó giết hết bà con tôi rồi! Các ông đi nhanh lên, giết hết tụi nó đi!

Anh bắn chết tên này, số vợ con thân nhân lính ù té chạy tứ tán.

Xe đặc chủng đi với mũi Tiểu đoàn 21 tăng thiết giáp (do anh Khuê chỉ huy). Lúc bộ đội đặc công nổ súng, địch bắn pháo sáng, cả bầu trời khu vực trắng lóa, mọi vật nhìn rõ như ban ngày. Vừa từ rừng ra, xe Cán đụng bãi be toàn các khúc gỗ tròn chờ vận chuyển về Sài Gòn chế biến. Cán nghe tiếng nổ lụp bụp trên trời, chớp chớp xanh lét. Tai nghe của máy bộ đàm vang lên lời nhắc nhở từ sở chỉ huy:

– Dùng kính để quan sát, tuyệt đối không thò đầu ra, địch đang bắn pháo chụp! (lần đầu tiên Cán mới biết pháo chụp).

Qua kính mắt cua có góc nhìn rất hẹp, anh thấy xác địch nằm rải rác. Mặt đất ở đây tương đối bằng phẳng, chè mọc lúp xúp chưa đến thắt lưng. Sở chỉ huy ra lệnh cứu một xe cháy. Anh điện hỏi:

– Xe ta đi hướng nào?

– Xe ta đi hai bên đường, không sợ mìn...

Qua khu phòng thủ, xe đặc chủng tiến vào trung tâm. Một số phát tên lửa vác vai chống tăng M.72 bay ra thành vệt vàng xanh. Địch cố chống cự, quân vào ta vì đặc công nổ súng thì tăng thiết giáp xông vào ngay, bộ binh chưa kịp thời có mặt hợp đồng. Cán bảo pháo thủ:

– Bắn đi!

– Không nhìn thấy gì!

– Cứ bắn đi! Bắn đại đi! Cốt uy hiếp tinh thần chúng nó!...

Từ trong xe, Cán thấy một xe K.63 cháy. Xe đặc chủng tiến lại dần, vừa dừng lại, qua ánh đèn dù, Cán nhìn rõ Tiến từ xe đó chạy vọt tới, leo lên nhảy vọt vào trong, giọng gấp gáp thiếu bình tĩnh:

– Nó bắn cháy xe rồi! Anh em hy sinh hết rồi!

Cán báo cáo tình hình qua máy bộ đàm. Sở chỉ huy lệnh cho kéo ra. Xe đặc chủng rê gần, móc cáp kéo chiếc K.63 ra rìa bãi gỗ sát bìa rừng.

Thêm một chiếc T.54 bị bắn đứt xích. Xe Cán quay vào móc cáp vào xe và móc sợi cáp thứ nhì vào bộ xích đứt. Kéo xe đứt xích rất khó, bên không còn xích, dàn bánh đỡ lún sâu xuống, bụng xe cà trịt mặt đất, lực ma sát cực lớn. Bình thường, chỉ cần vài phút đã giải quyết xong, nhưng Cán phải đánh vật với chiếc T.54 này mấy giờ liền mới đưa ra được ven rừng. Một số chiến sĩ bộ binh hy sinh, Cán và anh em đưa lên thùng xe mang ra, đúng chính sách và kỷ luật chiến trường.

Chỉ trong đêm nay, ta dứt điểm Nhân Cơ vì ở đây địch phòng thủ yếu hơn Bù Bông. Ta mất hai xe, xe đặc chủng rút vào rừng kéo theo xe hỏng để sửa tạm. Chiếc T.54 không có xích dự trữ, thiếu một số mắt xích hỏng vì trúng đạn. Cán và đồng đội sáng tạo: chỉ gắn xích vào ba bánh đỡ (đáng lẽ đủ thì xích gắn trên năm bánh). Giáo trình đã học không cho phép làm như vậy: xe sẽ đi lệch, hai bên lún không đều nhau... Nhưng cứ đúng bài bản thì chỉ có cách vứt xe đi, mà chúng ta thì đang rất thiếu quả đấm thép.

Ở vùng này, ta và địch còn cù cưa một vài trận chống lấn chiếm cho đến hết năm 1973. Hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, xe đặc chủng rút về hậu cứ tu sửa tiếp, rồi Cán và đồng đội bước vào đợt học chính trị.

Khoảng tháng 5 năm 1974, đầu mùa mưa, Tiểu đoàn 22 tăng thiết giáp B.2 (mới từ miền Bắc vào) phối thuộc Sư đoàn 9 mở chiến dịch lộ 7 ngang ở khu vực Bến Cát – Rạch Bắp. Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương phá vỡ tuyến phòng ngự trung gian, kìm chân lính chủ lực ngụy tại Sài Gòn, ngăn chặn ý đồ địch đưa quân bình định vùng ven Sài Gòn và lấn chiếm Lộc Ninh – vùng giải phóng của ta.

Xe đặc chủng đi cùng đơn vị tăng thiết giáp. Từ căn cứ Bù Đốp, đoàn xe theo đường do công binh cắt rừng mở, đi hai đêm thì tới căn cứ Minh Hòa. Đây là vùng rừng chồi lúp xúp. Củng cố đội hình trong thời gian rất ngắn, đoàn voi thép ta xung trận, đánh đồn An Điền. Các chiến sĩ tăng thiết giáp lúc nghiên cứu sa bàn được thông báo: đây là một vị trí phòng thủ rắn, mìn đủ loại gài dày đặc, pháo từ Đồng Dù, Bến Cát, Lai Khê, Phú Hòa Đông... sẵn sàng chi viện hỏa lực. Đồn này ở ấp cùng tên, có bốn khu với con đường chạy ra bốn cổng.

8 giờ tối, bộ đội đặc công nổ súng mở màn trận đánh. Công binh đã gỡ mìn tạo lối đi an toàn cho tăng thiết giáp thọc vào theo hai mũi sau khi pháo ta bắn chế áp. Xe đặc chủng nằm chờ ở cửa mở. Pháo địch từ nhiều hướng bắn cấp tập về đây. Tiếng nổ dồn dập làm đinh tai nhức óc, chiến dịch Mặt trận 75 so với lần này không là gì cả. Sở chỉ huy lệnh cho xe đặc chủng vào cứu xe hỏng. Trinh sát leo lên chỉ hướng cho xe chạy, tới hướng đó xong nhiệm vụ, nhảy xuống quay ra. Cỏ Mỹ mọc cao ngang vai. Qua ánh sáng lửa đạn lờ mờ, xe đặc chủng chạy đúng vết xích tiến sát chiếc xe hỏng. Cán nhảy xuống đất, quan sát nắm tình hình. Hóa ra công binh gỡ mìn tạo vệt đường đi an toàn cho xe tăng, song mìn lại bỏ ngay sang bên, xe ta đi chệch, đè trúng mìn, mìn nổ nên đứt xích, nằm đó. Anh em từ trong xe nhảy ra lại đạp trúng số mìn râu tôm để rìa đường, thương vong một số. Y sĩ, y tá đến cứu đạp trúng mìn nữa, thương vong hai, ba đợt liền. Xe đặc chủng móc cáp, rồ ga nhưng không kéo được vì bánh đỡ xích lún sâu có độ ma sát quá lớn. Cán và đồng đội đành giải quyết khiêng 13 thương binh liệt sĩ lên thùng xe chở ra ngoài.

Ở hướng khác, một xe tăng ta cũng bị mìn như vậy. Trời gần sáng, tiếng súng các loại thưa dần. Xe đặc chủng được lệnh vào cứu kéo. Ấp An Điền có hai cổng vào, hai cổng ra nhưng Cán không thể hình dung địa hình ấp. Suốt đêm pháo hai bên dập tơi bời, cảnh vật thay đổi hẳn: hai cổng vào và nhiều nhà cửa lúp xúp trong ấp đã bị san bằng. Theo kế hoạch, công binh ta đánh một khối thuốc nổ rất lớn, cắt con đường vào cầu băng ngang sông Thị Tính để xe tăng thiết giáp địch không rút chạy được về Bến Cát. Gần 6 giờ, trời sáng dần, Cán điện về sở chỉ huy:

– Chưa thấy ấp đâu, không thấy cổng...

– Cứ tới đi! Cứ tới đi theo trinh sát dẫn đường.

Một lính trinh sát trèo lên xe, dẫn tới cổng thì nhảy xuống:

– Ông chạy thẳng vào đường này!

Máy bay trực thăng vũ trang địch quần dữ dội. Cán thúc pháo thủ của xe:

– Thắm bắn đi! Bắn đi, không bắn nó bắn mình chết bây giờ!

Anh thò hẳn đầu ra khỏi xe, tăng hết ga. Chớp xanh lét nhay nháy bay dọc sườn xe. Địch bắn M.72 và BK.106 ly định diệt xe đặc chủng. Anh điện xin pháo binh chi viện. Ngồi trong xe không nghe tiếng pháo ta bắn. Bỗng nhiên xe khựng lại. Đề máy. không nổ! Một mùi khét lẹt xông lên, đèn báo cháy nhấp nháy liên tục.

– Chết mẹ rồi, cháy xe!

Khói tuôn mù mịt. Cán nhấn nút xả hơi chống cháy vào nơi khói bốc ra. Pháo địch từ Bến Cát, Lai Khê... nã dồn dập vào trận địa. Anh tụt đầu vào trong, đậy cửa thép lại. Pháo chụp nổ lụp bụp, nhảy ra khỏi xe dễ dính mảnh lắm (khi chở tử sĩ ra, Cán phải dùng kềm mới nhổ được mảnh pháo chụp có ngạnh đâm sâu tới xương một anh!). Anh bình tĩnh dùng bình khí nén để khởi động thử. Máy lại nổ, mừng quá trời!

Nhìn ra xa qua kính mắt cua, anh thấy xe ta sa gần hết thân xuống hố bộc phá của công binh đêm rồi. Anh thấy một lính ta ngoắc tay, vừa dừng xe thì anh này nhảy bổ vào. Xe đặc chủng quay ngang xả cáp, một lính thợ nhảy ra móc tời. Mảnh đạn va vào vỏ thép chan chát; chụp nắm trọng liên 12,8 ly bay đi mất, thùng xe nham nhở, thùng dầu ngoài xe bị thủng (lúc về nơi an toàn, xem kỹ mới thấy xe đặc chủng bị thủng một lỗ đạn sâu hoắm, nếu vết đó nhích lên cao một chút thì Cán “húp cháo” rồi!). Xe đặc chủng hạ lưới ben thủy lực căm xuống lớp đất tơi vụn, rồi tăng ga hết cỡ mới lôi được xe hỏng lên khỏi hố, quay vòng lại dắt xe hỏng ra ngoài.

Đến đêm, nhờ trinh sát dẫn đường, công binh gỡ sạch mìn, Cán và đồng đội vào nghiên cứu cách kích kéo chiếc xe đứt xích. Trời mưa, đất nhão, xe bị lún, phải thử đất và tính toán kỹ. Dưới làn đạn bắn thẳng và pháo các loại không ngớt, anh em kích đội xe lên, lắp xích vào mới kéo ra được. Ban chỉ huy chiến dịch đánh giá tổ cán bộ, chiến sĩ xe đặc chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cán được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.

Là đối tượng Đảng đã lâu, nay Đảng bộ Phòng kỹ thuật Cục Hậu cần B.2 gửi hồ sơ lý lịch Cán xuống để Đảng bộ Tiểu đoàn 22 kết nạp. Anh được vinh dự đứng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc ngày 6 tháng 6 năm 1974. Anh rất vui:

– Thế là chỉ riêng gia đình mình đủ lập một chi bộ!

(Cha anh là đảng viên thời chống Pháp, chị đi bộ đội trước và được kếp nạp Đảng khi anh chưa đi B.

Chiến dịch lộ 7 ngang kéo dằng dai khoảng mấy tháng, tới gần cuối mùa mưa mới kết thúc. Xe tăng thiết giáp ta nếu không ra trận thì về nằm ụ đào âm xuống đất. Bộ binh làm hầm, pháo khoan nã trúng sát thương khá nhiều.

Ăn Tết 1975 xong, Cán và đồng đội học chính trị bốn ngày. Sau đó bộ đội ta bước vào Chiến dịch mùa khô 1974 – 1975. Tháng ba năm 1975 bộ đội khu Đông Nam Bộ đánh chi khu Dầu Tiếng. Xe đặc chủng đi phối thuộc tiểu đoàn tăng thiết giáp 20 có đại đội 6 Tiểu đoàn 22 tăng cường. Đây là một trong các vị trí địch phòng thủ vững chắc hơn vùng Nam Tây Nguyên rất nhiều, hơn cả đồn An Điền. Tăng thiết giáp ta đánh hướng chính, đêm đầu vào khá sâu nhưng chưa diệt được chi khu phải lui ra. Đêm sau, xe ta vào theo hướng cũ thì không hiểu địch tháo nước từ đâu làm một vùng rộng lớn ngập nước mênh mông, không tiến được. Hướng thứ yếu dù không có quả đấm đàn voi thép hỗ trợ vẫn nổ súng, nhưng không thành công đành rút ra. Đại đội 6 của Tiểu đoàn 22 bị thiệt hại nặng, một số xe cháy hỏng nằm lại. Đêm thứ ba, tăng thiết giáp ta vào theo hướng thứ yếu cũ. Ban chỉ huy lênh qua điện đài cho xe đặc chủng kéo ra năm xe trúng đạn hỏng máy. Pháo 175 ly – vua chiến trường – bắn rất dữ. Ba xe hỏng nằm ở đầu sân bay Dầu Tiếng kéo ra tương đối ít nguy hiểm mất gần trọn đêm.

Đêm thứ tư, xe đặc chủng vào cứu kéo tiếp. Đạn bắn thẳng các cỡ của địch dày đặc. Cán và đồng đội kiểm tra 2 xe còn lại. Một xe bị trúng đạn BK.106,7 ly tạt sườn cháy toàn bộ, chiến sĩ bên trong da thịt chín thui, bắt đầu bốc mùi. Cán gọi điện yêu cầu pháo ta bắn chế áp địch rồi nhảy ra khỏi xe, chạy tới thò tay qua cửa lính lái, gài về số 0. Xe đặc chủng quay áp sát che chắn để thợ máy móc cáp vào xe hỏng chỉ nửa phút rồi rú ga, vọt ra ngay. Chiếc xe cuối cùng trúng bom laser, tháp pháo lún hẳn xuống, bụng xe thụng trịt sát đất, kéo ra khá nặng và mất nhiều thời giờ.

Giải phóng chi khu Dầu Tiếng, ta thu năm xe địch, trong đó có chiếc xe M.48 chiến lợi phẩm đầu tiên ở hướng Truông Mít. Xe này lọt hố bom, xe đặc chủng kéo lên không nổi; đất hố bom tơi vụn, xích xe không có độ bám cứ trượt hoài. Cán và đồng đội lấy bạt trùm kín xe M.48, công binh giúp xúc đất phủ một lớp ngụy trang. Ban chỉ huy điều một số cán bộ chiến sĩ đại đội 33 đã học về xe địch. Các anh xúm lại tìm hiểu chức năng từng công tắc, từng búi dây điện giữa ban ngày... rồi đề máy. Máy xe khởi động, xe đặc chủng vào, móc cáp và tời trục kéo chiếc M.48 ngoan ngoãn ra khỏi hố bom, sau đó tham gia đội hình chiến đấu của đơn vị.

Đầu tháng 4 năm 1975 bộ đội tăng thiết giáp toàn B.2 chia hai cánh: một cánh đánh Xuân Lộc, một cách đánh Chơn Thành. Xe đặc chủng đi với cánh sau.

(Sau ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, Cán có dịp đi khảo sát thực địa nhiều địa điểm chiến đấu cũ, thấy Chơn Thành là vị trí kiên cố lợi hại bậc nhất. Bên ngoài là hào, kế đến lớp bờ bao cao gần 2 mét đắp đất dày che chắn, xe tăng thiết giáp và pháo địch núp sau bờ ao có thể hạ nòng bắn ngang ra ngoài. Chốt pháo binh đặt ở trung tâm vị trí).

Khi tăng thiết giáp ta xông vào chi khu Chơn Thành, mật độ đạn pháo địch đủ loại dày đặc chưa từng thấy. Ba chiếc bị hỏng. Xe đặc chủng vào, thấy một chiếc đang cháy đỏ, không thể kéo được. Sở chỉ huy lệnh cho Cán lấy ra bằng được chiếc thứ nhì. Pháo ta bắn cấp tập mấy phút dập đầu địch xuống xe để xe đặc chủng vào kéo ra. Cán cho xe chạy một đoạn lại dừng. Pháo sáng trên bầu trời không dứt, soi rõ mọi vật. Trinh sát chỉ:

– Xe nằm kia kìa!

Cán ra khỏi xe, xác định đường đi cốt tránh hố bom, pháo chi chít. Sở chỉ huy thông báo:

– Bộ binh địch áp sát rất gần! Cẩn thận, chú ý địch gài mìn trong xe!...

Theo vệt xích, Cán bò lại, leo lên lan can, thò đèn pin qua cửa lái soi bên trong, trả lại số 0. Các chiến sĩ trong xe đều hy sinh (sau này anh mới biết có một chiến sĩ tên Thật kịp thoát ra ngoài, chạy lạc hướng bị bọn biệt động quân ngụy tóm gọn, anh gặp Thật ở trại tù binh Cần Thơ). Anh chỉ sợ địch bắn tỉa. Quay trở lại, anh tăng ga, cua xe đụng “kịch” xe hỏng, phân công thợ sửa móc cáp rồi rú ga chạy ra ngoài luôn. Khi trở vào kéo chiếc thứ ba thì xe đặc chủng cháy. Đạn địch bắn trúng thùng còn một ít dầu, dầu cháy theo lỗ thủng chảy vào trong, bốc cháy tiếp ở sàn xe. Cán bị bỏng ở cạnh sườn, lái xe đặc chủng ra ngoài, nhanh chóng xử lý chống cháy; lửa vừa tắt lại vào dắt xe kia ra. Kết thúc trận đánh, anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Anh đi quân y chữa chạy hơn chục ngày thì lành vết thương.

AHDN11.03.2014 (40).jpg

Ông Phạm Văn Cán bây giờ

Lãnh đạo binh chủng tăng thiết giáp B.2 bố trí anh không lái xe đặc chủng nữa, cử một chiến sĩ khác về thay. Anh được sung vào Ban đảm bảo kỹ thuật sửa chữa của Miền, đi cùng cánh hướng Tây trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Anh đi theo đoàn xe tăng thiết giáp qua sông Vàm Cỏ, xuống Đức Hòa, Đức Huệ, Hóc Môn, Ngã tư Bảy Hiền, vào tới Sài Gòn lúc 12 giờ 30 phút trưa 30 tháng 4 năm 1975.

Thiếu úy Phạm Văn Cán trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B.2 khoảng một năm rưỡi, cứu kéo khoảng 20 xe của ta thu được hàng chục tăng thiết giáp của địch trong mưa bom bão đạn. Chiến công anh lập được có phần đóng góp xương máu của nhiều đồng đội: trinh sát dẫn đường tiếp cận, công binh gỡ sạch mìn, cán bộ cấp trên chỉ huy đúng... Anh viết bản thành tích mà không quên vô số gương mặt đồng chí đồng đội. Bản nháp xé đi viết lại nhiều lần, mất đứt cuốn tập 100 trang. May mắn không bị thương tích nặng, cuộc chiến ác liệt cuốn hút anh cũng như vô số người khác vào vòng xoáy của nó, giúp anh trưởng thành dần.

Ngày 12 tháng 1 năm 1976, anh được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu cao quý ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN. Trong buổi lễ trang nghiêm này, Cán nhìn lá cờ Tổ quốc đỏ thắm rực rỡ thấy thấp thoáng những gương mặt thân quen của mấy bạn cùng khóa tăng thiết giáp Tam Dương vừa ngã xuống ở Chơn Thành, Dầu Tiếng... mấy tháng trước. Họ như còn giơ bàn tay vẫy anh, chúc anh đi tiếp đoạn đường mà họ còn bỏ dở. Chiến công của anh thật nhỏ bé so với sự hy sinh của họ.

    MINH YÊN (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.