Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Trong màu lá cây rừng - Anh hùng Nguyễn Thị Ngời   14-03-2014
Anh hùng Nguyễn Thị Ngời sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là công nhân cạo mủ cao su, Nông trường Hàng Gòn, Công ty Cao su Đồng Nai.

AHDN11.03.2014 (36).jpg
Anh hùng Nguyễn Thị Ngời

Nguyễn Thị Ngời là công nhân cạo mủ cao su từ năm 1952. Năm 1975, đồng chí và gia đình tình nguyện vào làm tại Nông trường Hàng Gòn mới thành lập. Cạo mủ cao su là công việc vất vả, suốt ngày ở ngoài trời, lao động hoàn toàn thủ công. Để cạo được mủ, đồng thời vẫn bảo đảm chất lượng sống của cây, hàng ngày Nguyễn Thị Ngời không chờ xe của nông trường đưa đón mà luôn có mặt tại vườn cây trước 5 giờ sáng vì đó là giờ cây cho mủ nhiều nhất. Mỗi ngày lao động đồng chí đều tính toán từng giờ một cách  chính xác, nhất nhất tuân theo quy trình cạo mủ, di chuyển giữa các hàng cây, trút mủ và vệ sinh dụng cụ… Nguyễn Thị Ngời có tới 7 người con, nhưng đồng chí liên tục là người có ngày công cao nhất nông trường và luôn vượt sản lượng và định mức của nông trường từ 15 đến 30% với chất lượng mủ tốt nhất. Nguyễn Thị Ngời không chỉ chăm lo đến sản lượng mủ mà còn chăm sóc cho cây tốt. Với tinh thần lao động cần cù, tự giác, có trách nhiệm cao, đồng chí được tập thể tin yêu và tín nhiệm. Đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, nhiều bằng khen các loại và nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua. Ngày 29 tháng 8 năm 1985, Nguyễn Thị Ngời được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động.  

K...r...ó...c! K...r...ó...c! K...r...ó

Tiếng bồ chao lảnh lót khắp khu rừng góp thêm âm thanh làm cho buổi sáng càng trong trẻo không khí sau mưa. Từng đàn ba bốn con vừa nhảy choi choi vừa la chí chóe trên những đống lá mục vạch tìm sâu bọ. Cái ức thơ dại trắng phau trên bộ lông màu xanh đen trông chúng vừa dễ thương, vừa ngộ nghĩnh. Chim bồ chao như người bạn đồng hành tri kỷ của công nhân cao su. Bây giờ đang giữa tháng 9, là thời gian lá cao su thẫm màu nhất, cây cho mủ nhiều nhất, cũng là mùa chim bồ chao lũ lượt kéo về.

Cuối mùa mưa, những cơn mưa thưa dần và những đợt mưa ủ lá làm duyên thưa thớt của tháng 10, tháng 11 những chiếc lá úa dần chuẩn bị cho đến mùa khô đỏ rực lên như lửa. Cả cánh rừng vàng rực màu lá cây như rừng phong trong thơ cổ. Từng đợt gió đến lùa những cánh lá quay tròn rồi trút rào rào xuống gốc cây để lại bạt ngàn những thân cành như những cánh tay khẳng khiu nhưng cũng không kém phần rắn rỏi chĩa lên trời. Cây được nghỉ ngơi chừng nửa tháng. Người thợ cao su úp thùng, bọc kỹ lưỡi dao chuẩn bị ăn Tết Nguyên Đán. Đấy cũng là lúc những con chim bồ chao bay đi, để cuối mùa xuân búp non nhú ra mơn mởn đầu cành cùng những chùm hoa trắng xanh lấm chấm tỏa hương thơm ngát dịu cả một vùng trời đất, đàn bồ chao lại kéo về ca hát.

Bà Ngời khẽ ấn mũi dao vào điểm đầu đường cạo cũ của cây cao su non, hai bàn tay khéo léo đưa mũi dao từ từ men theo rãnh cạo. Những mảnh dăm cạo rơi lả tả theo đường dao bén ngọt, đồng thời những giọt mủ cũng từ từ rịn ra rồi hợp thành dòng chảy xuống máng chén. Đây là lô những cây nhóm ba trồng sau giải phóng. Gần năm rồi kể từ ngày chúng đủ tuổi cạo, đội của bà được giao mở miệng cạo và đảm trách luôn. Nếu đối với đời một con người phẩm cách được quyết định ở sự giáo dục chăm sóc trong độ tuổi nhi đồng, thiếu niên thì đối với cây cao su, những đường cạo đầu tiên của những ngày tháng đầu tiên này là một phần quyết định quan trọng đối với quá trình cho mủ suốt cuộc đời của nó. Cạo độ sâu thích hợp không phạm vào phần gỗ, mủ ứa ra nhiều, cây làm lại da nhanh, lần mở lại cũng dễ dàng. Cạo phạm phần gỗ, tại chỗ đó sẽ sùi lên thành cục, lần mở sau qua đó khó khăn, không ứa mủ, nếu nước mưa róc vào sẽ thối lan ra cây ruỗng và chết. Hơn hai mươi tay cạo lành nghề có trách nhiệm nhất của nông trường được chọn về đây. Buổi sáng mát lành và trong trẻo tiếng chim, những thân cây cao su mơn mởn, căng đầy nhựa sống. Nhưng những gương mặt cắm cúi kia, những bàn tay khéo léo điều khiển mũi dao kia đã dầy dạn phong trần, từng trải. Bao nhiêu mưa nắng đã trút xuống những tấm áo bạc phếch loang lổ nhựa cây rừng ấy. Bao nhiêu nước mắt đã úa ra từ những hốc mắt sâu đẫm khổ đau ấy. Có người nói màu da người thợ cao su cũng hao hao giống màu da cây, màu lá ủ. Nhận xét có phần thái quá nhưng đúng là những cơn gió, tia nắng phóng khoáng đầu ngày người thợ cao su không hề được hưởng. Một ngày làm việc bắt đầu từ 3 giờ sáng. Vợ chồng con cái lục tục trở dậy nấu cơm ăn và mang theo phần ăn trưa, chuẩn bị thùng dao. Nghe hiệu kẻng là dồn tụ ra mặt đường để từ đó lên xe tỏa về các lô cây. Chỉ có những giọt sương, những cơn gió trong lành của ban mai đang đón đợi. Khi màu trời phương đông ửng hồng lên thì những giọt mủ đầu tiên đã chảy trắng hòa trong chén. Những giọt mủ tinh khiết của đầu ngày. Trong rừng tồn tại một thứ ánh sáng mơ hồ. Không khí đẫm hơi sương và mùi lá mục. Để khi chiều đến, mặt trời chếch hẳn về tây, những tia nắng quái chiều hôm hắt xuống, những người thợ cao su mới ra khỏi rừng.

Cách đây chừng bốn mươi năm khi thực dân Pháp mở rộng phi trường Biên Hòa, đuổi dân đi có một gia đình nông dân ở Bình Ý (Biên Hòa) dạt lên Hàng Gòn. Đất rẫy, đất rừng không có. Ngó đi đâu cũng thấy trập trùng rừng cao su cùng cánh cửa của Sở Mộ phu mở ra hau háu như miệng con cá mập sẵn sàng chờ đớp những mạng người. Giọt mồ hồi và cả những giọt máu ở xứ rừng này rẻ mạt hơn đất cát. Những kiếp người quằn quại rên xiết dưới vòm lá rừng tù ngục và định mệnh. Nhưng còn biết cách nào hơn để duy trì sự sống. Gia đình đăng ký vào làm phu cao su như ký sẵn vào một giao kèo sống chết vĩnh viễn dưới gốc cây nhựa trắng ấy. Mười bảy tuổi thay cho tấm khăn màu duyên dáng là những tấm mủ lá nặng trĩu, bốc mùi khó chịu hàng ngày đè nặng lên trên mái đầu tóc xanh óng ả. Hai mươi tuổi cầm dao nhận phần cây cạo. Những năm tháng tuổi hoa niên của cô Ngời bắt đầu như thế.

Cũng vào những năm ấy có một người con trai con một gia đình nông dân dưới miệt Gò Công theo bè bạn rủ rê lên Sài Gòn chơi, thuận tàu về Long Khánh. Sở Mộ phu thông đồng với sở Cẩm tịch thu hết giấy tờ tiền bạc của các anh, bắt các anh phải đăng ký một hạn công có tiền về. Nhưng hạn công-tra hết mà tiền về vẫn không có. Nghị – tên người con trai Gò Công ấy – gặp cô gái Biên Hòa hiền hậu ham làm. Đất cao su đã giữ anh ở lại như một cái án lưu đày và một mối tiền duyên phải trả.

Quá nửa cuộc đời lầm lụi giữa hàng rào cây rừng, con mắt nhìn không quá vạch đường lô. Thế giới ở đây chật hẹp trong phần cây nhận cạo trong sắc đất, sắc lá hai mùa nắng mưa và chén cơm manh áo giành giật hàng ngày. Những ngày đình chiến cờ đỏ sao vàng qua vèo như một giấc mơ. Chiến tranh bom đạn cũng không quên xứ rừng Hàng Gòn này. Những năm tháng ấy, đôi bàn tay bà Ngời đã đạt tới mức điêu luyện nhất của nghề cạo mủ. Nhưng cạo giỏi để làm gì. Nhiều hay ít đều vào túi chủ. Nhiều khi thấy dòng mủ trắng chảy vội vàng trong chén lại thấy xót đến đứt ruột. Thấp thoáng bóng những cán bộ giải phóng đi về. Một ngày nào đó rừng cây kia sẽ là của mình, chén mủ kia sẽ là của mình. Chén cơm tấm áo của mình nhận được trong trân trọng... “Tôi năm nay đã năm mươi tư, năm mươi lăm tuổi, gần bằng cây cao su cao tuổi nhất ở nông trường này rồi. Sẽ có một lúc nào đó tôi sẽ nằm xuống như một cây cao su đã kiệt mủ, nhưng ngày nào còn làm việc tôi còn làm đúng với bàn tay với cái ý nghĩ con người của mình. Các cháu trong nhà tôi cũng khuyên như vậy. Tôi biết những giọt mủ này là quý lắm. Nước mình còn nghèo lắm. Nhưng các cháu bây giờ đã khá hơn đời tôi, đời ông ấy nhiều”. Lời phát biểu trong một hội nghị thi đua năm vừa rồi của bà Ngời làm những người trong nhà phải ngạc nhiên. Trước khi bà đi, cả nhà ai cũng lo không biết bà sẽ nói sao khi được giới thiệu phát biểu. Anh con trai đã phải viết sẵn một bản đưa bà học thuộc lòng nhưng bà gạt đi. “Khỏi lo, tao nghĩ sao tao nói vậy. Tụi bây khỏi lo”. Lời phát biểu ấy là niềm ấp ủ suốt một đời làm lụng của bà.

Chiều hôm qua, tôi quá giang chiếc xe chở gạo của nông trường Hòa Bình đến Hàng Gòn và nghỉ lại nhà ông bà. Gọi là nhà cho sang thực ra là một gian dọc của dãy nhà dài trước kia là nơi ở của bọn cai xu nay nông trường phân cho từng hộ công nhân. Gần chín giờ tối mới có mưa lớn. Bà Ngời cứ đứng nhìn ra trời mưa dáng bồn chồn sốt ruột. Những hạt mưa không to rơi với tốc độ vừa phải. Tiếng mưa đều đều báo hiệu một kết thúc nhanh chóng. Từng tia chớp loằng ngoằn rạch vào không gian những đường chéo cẩu thả. Tiếng sấm đùng đục bực bội.

– Cầu cho mưa chóng ngừng. Nếu quá nửa đêm thì mai lại phải chờ cả buổi sáng mới khô cây – Bà Ngời lẩm bẩm.

– Được cô Sáu cho nghỉ ít ngày để chuẩn bị đi dự hội nghị ở Bắc mà má vẫn đi làm. Ngày nào không cầm đến con dao là tay chân bả cứ bần thần thế nào ấy. Khổ thế đó – cô Hai – con gái đầu lòng của bà Ngời nói với tôi như trách yêu mẹ.

Bà Ngời nói:

– Tôi nghĩ nghỉ nó cũng phí đi. Họp hành nhiều mất đi một lượng mủ không có người cạo tiếc lắm. Còn sức, tôi còn làm được. Bao giờ bệnh, mệt, không thể cố gắng được tôi sẽ xin nông trường cho nghỉ. Bữa hổm trên công ty có gửi thuốc đến cho tôi bồi dưỡng, tôi cũng không nhận. Lúc nào cần xin luôn một thể.

Hồi còn cạo ở phần cây nhóm 2, nhóm cây sung sức cho nhiều mủ nhất, mỗi buổi tối sau giờ ăn cơm các cô, các cậu con trai, con gái trong nhà đều được bà hỏi một câu: “Người cạo mủ nhiều nhất trong ngày hôm nay là bao nhiêu? Có bữa nghe xong thấy bà cứ bần thần thế nào ấy. Hỏi ra mới biết bà nghĩ: Cũng cùng một nhóm cây như thế tại sao mình cạo được lượng mủ ít hơn người khác?

Ý nghĩ trong sáng và cảm động biết bao nhiêu.

Nghe tin tôi đến, ông Nghị cũng lội bộ từ rẫy trở về. Mưa nắng phong trần của nửa thế kỷ sống ở đất miền Đông đã làm mái đầu ông bạc trắng. Nhà có mấy sào đất rẫy cách nhà chừng hai cây số nông trường cấp trên phần đất không trồng được cao su, ông bà cùng mấy cô cậu con trai con gái tranh thủ đốt cây, đào hố, đào giếng trồng cà phê mới được thu hoạch hai năm nay. Ngày thường ông ở luôn trong rẫy cho tiện phần chăm sóc. Buổi sáng từ đó ra lô luôn. Khi có việc cần mới về nhà. Ông hiện là đội trưởng một đội khai thác tiên tiến của nông trường.

Ông tâm sự:

– Bả có nhiều cái thật lạ. Người không hiểu thì cho là sính thành tích thế này thế nọ. Nhưng sống gần nhau mấy chục năm trời tôi biết. Đấy là bản tính. Đám cưới năm đứa con, lần nào bả cũng đi làm sớm cùng mọi người cạo hết phần cây được giao nhờ trút mủ rồi mới tất tả trở về cùng tôi lo liệu. Lần đầu, mấy đứa nó cự nự quá, bả phải giải thích: có hai tụi bây lo là được rồi, tao thêm tay thêm chân thôi. Tranh thủ như thế tuy có mệt mình nhưng nông trường không hụt đi một số lượng mủ trong sản lượng. Đang giữa mùa cây cho mủ nhiều bỏ ngày nào tiếc đứt ruột ngày đó.

Chợt ông mỉm cười nhớ tới một kỷ niệm vui vui: đi tham quan ở Tiệp Khắc trong đoàn những cán bộ, công nhân là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền về, bà mua cho ông bốn mét vải đủ may một bộ quần áo, mấy món quà nhỏ cho mấy cháu và một ít đồ ăn, hoa quả.

– Má cứ làm như nhà hết đồ ăn rồi sao. Tha chi cho nặng, người ta thì... Cô con gái phụng phịu.

– Mồ tổ bay – Bà cụng nhẹ vào đầu cô gái – Đi sang đó là để học hỏi kinh nghiệm, học hỏi quản lý kỹ thuật của người ta đặng về nước làm cho tốt hơn chứ phải sang làm giàu đâu. Rồi bà kể chuyện một ông cùng đoàn làm cho cả nhà không nín được cười. Chẳng biết kiếm đâu được nhiều tiền thế mà vị này mua cơ man nào là đồ. Cái va li nặng lặc lè, ông phải lê từng bước khó nhọc. Quá trọng lượng quy định rồi mà còn tấy chục bó căm xe đạp, ông luýnh quýnh đi gửi hết người này, người khác không ai chịu nhận. “Ông mua thì cố mang về mà xỉa răng. Chúng tôi không làm thuê kiểu đó”. Một bà trong đoàn nói độp vô mặt làm vị này ngượng quá liệng đại mấy bó căm lủi nhanh lên phía trước.

Anh cán bộ theo dõi thi đua của nông trường cung cấp cho tôi hai chi tiết thú vị: gia đình bà Ngời có mười ba người làm công nhân cả thảy, trong đó bà Ngời là Chiến sĩ thi đua cả 9 năm liền và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, ông Nghị Chiến sĩ thi đua 7 năm; các cô con gái: cô Vốn Chiến sĩ thi đua năm 1984, 5 năm lao động tiên tiến và đã được kết nạp Đảng. Các cô cậu còn lại đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến từ 3 năm trở lên. Cô Lan em mới vô làm được một năm cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến cả năm.

Trong 10 năm, bà Ngời cạo được hai mươi tám ngàn ba trăm ký mủ, vượt sản lượng giao gần sáu ngàn ký. Mười năm không nghỉ một ngày nào trong số ngày công lao động nông trường quy định.

Hai chi tiết này thực ra cũng chỉ là một. Cái này là hệ quả của cái kia. Những giọt mủ tí tách, tí tách âm thầm chảy dưới vòm cây góp lại để thành một con số to lớn ấy. Những phẩm chất được di truyền, được giáo dục bằng chính những phẩm cách cao đẹp trong sáng đủ thời gian để ra hoa kết quả.

Cạo phần cây tơ, ngoài đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao còn đòi hỏi sự hy sinh về quyền lợi nữa. Đành rằng định mức thấp hơn ở các nhóm cây khác nhưng lượng mủ ở mỗi cây cạo “đờ mi” quá ít, đạt được định mức còn là điều chật vật nói chi đến tăng năng suất để có phần tiền thưởng. Tiền lương ở phần cây nhóm ba bao giờ cũng thấp nhất, có tháng chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba của cây nhóm hai đang kỳ sung sức. Nếu ai cũng giành cạo phần cây nhóm hai thì lấy đâu ra người cạo mở đầu. Phải nhìn vào cái lớn lao hơn. Bà Ngời và những người ở đây biết rằng khi phần cây nhóm ba bước vào thời kỳ sung sức tức là khoảng mười lăm hai mươi năm nữa thì họ chắc chắn không còn cầm dao cạo nữa, có khi không còn có mặt trên cuộc đời này nữa nhưng con cháu họ sẽ lại đứng vào vị trí ấy như những cánh rừng kia đời đời tiếp nối.

Sáng nay anh Tư đội trưởng đến phần cây của bà Ngời từ rất sớm. Đang vét mủ bèo trong chén ngẩng lên đã thấy anh đứng trước mặt, dáng điệu như muốn nói một điều gì.

– Có việc chi đó anh Tư? – Bà ngừng tay hỏi.

– Muốn nhờ thím một điều, song thấy thế nào ấy. – Anh Tư ngập ngừng.

– Phần cây con Ba không có người cạo, đúng không? Để đó cho tôi – bà Ngời đón ngay.

– Chị Ba bệnh đột xuất, sáng sớm con nhỏ mới đến báo tôi không kịp điều người nữa cây nghỉ như vậy phí lắm trong khi nông trường chưa hoàn thành sản lượng mủ trong tháng. Có thuận lợi là ở gần phần cây của thím, tôi tính cạo một nửa, nhờ thím một nửa. Song nghĩ thím đã được giám đốc cho nghỉ mà vẫn đi làm đã khó nghĩ lắm rồi. Đằng này...

– Khỏi. Phần đó cứ để tôi. Chút xíu là xong liền mà. – Bà Ngời cười.

Anh Tư đứng bần thần một chút rồi quay đi. Bà Ngời đã bước nhanh lại chỗ cây khác không kịp nghe tiếng chào. Không sao. Bữa nay sẽ về trễ không ra rẫy phụ với ổng được, nhưng chắc ổng cũng đoán biết. Ai mà chẳng có một lần đau bệnh.

K...r...ó...c! K...ó...c

Cả cánh rừng bạt ngàn Hàng Gòn, Cẩm Mỹ, Xà Bang mùa này cùng vang lên tiếng chim hòa tấu. Cùng lúc hàng ngàn đường dao thầm lặng rạch vào thân cây chắt ra từng giọt mủ bạc, mủ vàng cho đất nước. Đường dao của bà Ngời, ông Nghị, của cô Vốn, cô Lời, Lan chị, Lan em, của hàng trăm những người thợ, những cuộc đời thầm lặng khuất trong màu lá cây rừng.

 ĐÀM CHU VĂN (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.