Gần đây, ông Võ Hồng Châu còn bỏ rượu, bỏ thuốc lá và bỏ cả
cà phê, không còn thích trò chuyện, trao đổi với ai. Thế nhưng khi nghe hỏi
chuyện anh hùng Đỗ Văn Thi thì ông già có vẻ lụm khụm vì thương tật của đòn tra
khảo ở các nhà tù Mỹ ngụy trước đây dường như hùng hồn, sôi nổi hẳn lên. Và con
người có vẻ bức xúc về các mối quan hệ xã hội đang có nhiều sự phân hóa này
bỗng nói về chiến hữu của mình với sự trang trọng kính nể lạ thường: Thực ra
anh Một (Đỗ Văn Thi) lớn hơn tôi đến 3 tuổi. Tuy cùng ở chung một làng là Cù
Lao Hiệp Hòa, nhưng anh là lớp đàn anh của tôi.
Không phải chỉ có ông Châu mà sau đó gặp thêm những người
từng quen biết, thậm chí từng là kẻ cựu thù của anh hùng Đỗ Văn Thi, tôi đều
nghe cái giọng kính nể khi nói đến. . . anh "Một", ông
"Một". Mà đã là nhân vật anh hùng thì chuyện người đời kính nể là
phải thôi. Lớp người trên 70 tuổi còn khá ít ở Biên Hòa, còn nhớ cách đây
khoảng 60 năm, vào ngày lễ quốc khánh nước Pháp 14/7/1941, chính quyền tỉnh
Biên Hòa có tổ chức nhiều trò vui và đua tài ở khu nhà mát đối diện với Tòa Bố.
Người đoạt được giải nhất bơi lội là một thành viên cao lớn tên Đỗ Văn Thi. Tên
tỉnh trưởng người Pháp vừa trao giải thưởng, Thi ngậm vào miệng phóng cái ào
xuống sông Đồng Nai lội luôn một hơi về nhà ở Cù Lao Hiệp Hòa. Đỗ Văn Thi là
người bơi lội giỏi có tiếng ở Biên Hòa mà cho đến nay chưa ai thực hiện được
không chỉ nổi tiếng vì lội giỏi, cậu con trai út của gia đình ông Cả Nhượng
giàu có nhất nhì ở ấp Bình Tự trên Cù Lao Phố, Hiệp Hòa còn là người "có
học" và sớm tỏ ra là bậc đàn anh, thủ lĩnh đối với đám trai trẻ trong
làng. Có đến 12 anh chị em, Đỗ Văn Thi là con thứ 11 nên được gọi là út Một và
được cho sang Bình Trước để học ở cái trường duy nhất thời bấy giờ tại Biên
Hòa là Ecole Pritare Complemenlaire (Nay là trường Nguyễn Du). Cha của Thi, ông
Đỗ Văn Nhượng tuy đứng ra làm Hương Cả trong làng nhưng rất thương người nghèo
và tích cực ủng hộ Việt Minh bằng cách giao trâu bò đưa vào vùng kháng chiến.
Bà Cả (Nguyễn Thị Giàu) mẹ của Thi thì tiếp tế gạo, nếp . . . Riêng Út Thi lại
tập họp nam nữ thanh niên trong làng để dạy chữ quốc ngữ và truyền bá lối sống
mới lành mạnh. . .
Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân Biên Hòa đứng lên
giành chính quyền, được sự dìu dắt của các đồng chí Ba Ký (Nguyễn Văn Ký), Ba
Thu (Nguyễn Văn Thuận), Đỗ Văn Thi tham gia vào lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc.
Nhờ có uy tín của một đàn anh thủ lĩnh, tổ chức quốc gia tự vệ cuộc do Một Thi
lãnh đạo đã thu hút đông đảo thanh niên hăng hái tham gia, luyện tập và Đỗ Văn
Thi nhanh chóng trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã Hiệp Hòa
rồi lan mạnh ra khắp quận Châu Thành (một phần Biên Hòa, Tân Uyên, Dĩ An ngày
nay). Sau khi Pháp tái chiếm Biên Hòa, được sự chỉ đạo của Xứ Ủy Nam Kỳ để
chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, các lực lượng cách mạng của tỉnh tạm thời
rút dần ra chiến khu Bình Đa và Tân Uyên. Riêng các lực lượng cách mạng của
quận Châu Thành vẫn đứng chân tại Hiệp Hòa. Quận ủy và ủy ban cách mạng lâm
thời quận Châu Thành họp bàn và giao Đỗ Văn Thi đứng ra tổ chức đội tự vệ để
làm nhiệm vụ bảo vệ các đoàn thể kháng chiến, đồng thời diệt ác trừ gian, ngăn
cản kế hoạch lập tề của giặc.
Thế là ngay trên đất Cù Lao Phố, nơi giặc Pháp vừa tái chiếm
xong thị xã Biên Hòa và đang mở rộng việc chiếm đóng các vùng phụ cận, một tiểu
đội tự vệ gồm toàn những thanh niên dũng cảm, sục sôi lòng yêu nước ra đời,
thực hiện mệnh lệnh của Trung ương là gây rối địch, kìm chân chúng, để đồng bào
miền Bắc, miền Trung có đủ thời gian chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến. Đồng
chí Nguyễn Bình - Khu bộ trưởng khu 7 đưa ra chủ trương: Mở đợt hoạt động quân
sự ngay tại nội ô thị xã Biên Hòa để khích lệ tinh thần kháng chiến của nhân
dân. Đêm 1 rạng sáng ngày 2/1/1946, tiểu đội tự vệ của Đỗ Văn Thi phối hợp cùng
lực lượng quốc vệ đoàn bí mật lội qua sông Đồng Nai tràn lên thị xã Biên Hòa
đồng loạt nổ súng vào các chốt lính, tháp canh... đặc biệt bắn cháy chợ Biên
Hòa.
Trận đầu tiên đánh Pháp ở Nam bộ sau khi chúng tái chiếm
Việt Nam tuy không gây cho bọn xâm lược sự thương vong nào đáng kể nhưng làm
nức lòng đồng bào cả nước và tên tuổi của tiểu đội tự vệ "ông Một"
nổi lên như tấm gương sáng về lòng gan dạ, dũng cảm. Và nhờ thế “đội tự vệ ông
Một" được vinh dự chọn bảo vệ cuộc bầu cử Quốc hội của chế độ nhà nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên được tổ chức tại vùng giải
phóng tỉnh Biên Hòa vào ngày 6/1/1946. Còn những tên tay sai của giặc Pháp rất
sợ "tự vệ ông Một" sẽ bất ngờ xuất hiện, nên chúng có phần co cụm
hoạt động.
Thực hiện sắc lệnh số 23/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc
thành lập Nha Công an vụ, tháng 4/1946, quốc vệ cuộc Biên Hòa được đổi tên
thành Ty Công an Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Ký được Khu ủy miền Đông chỉ
định làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm trưởng Ty Công an. Ty Công an Biên Hòa rút đồng
chí Đỗ Văn Thi về giao nhiệm vụ thành lập đại đội Quốc vệ. Đội Quốc vệ đội của
Một Thi quy tụ được 30 thanh niên dũng cảm, nhưng chỉ có 4 súng mút và một ít
lựu đạn, còn lại là gậy gộc, dây thừng. . . Đơn vị được đưa về đóng quân ở ngọn
sông Buông trong chiến khu Bình Đa. Thế nhưng bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ các đoàn
thể kháng chiến, bảo vệ chiến khu... Một Thi còn chỉ huy Quốc vệ đội đi diệt ác
trừ gian bằng những hành động xuất quỷ nhập thần, làm cho địch không còn dám ra
vùng tự do. Cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Ký, Đinh Văn Nay, Một Thi đã vận
động được một thân binh Pháp ở bót Tân Vạn đem khẩu trung liên FM đầu bạc ra
hàng. . .
Vào cuối năm 1946, trong một lần đi về Cù Lao phố, Một Thi
bị bọn lính ở bót Hiệp Hòa bắt được. Mừng rỡ, bọn giặc liền đưa “Ông Một” ra bờ
sông Đồng Nai định bắn chết rồi thả trôi sông. Không ngờ, Một Thi nhảy xuống
sông trốn thoát. .
Tiếp đó, bằng mưu trí hết sức độc đáo của mình, Một Thi đã
phối hợp với Chi đội 16 biến 2 hàng binh người Đức giả làm 2 sĩ quan pháp vừa
bắt được Việt Minh đem giao cho xếp bót Đờ La ở Tam An (huyện Long Thành), để
rồi bất ngờ bắt sống được cả 12 tên giặc trong bót, tịch thu 13 khẩu súng trang
bị thêm cho Quốc vệ đoàn. Giữa năm 1947, nhận được lệnh của lãnh đạo Ty Công an
Biên Hòa là phải trừng trị bọn thân binh Cao Đài ở đồn Bến Gỗ, thường giả dân
chài để đi cướp bóc, Một Thi cho Quốc vệ đội phục kích tại ngã ba Tắc Mậu. Lọt
vào ổ phục kích của Quốc vệ đội, bọn thân binh Cao Đài phải bỏ xuồng nhảy xuống
sông trốn. Quốc vệ đội lại thu được 12 khẩu súng, trong đó có 3 tiểu liên
Militel.
Có nhiều vũ khí, quân số Quốc vệ đội nhanh chóng tăng lên
đến 50 người, nên phải chia thành 2 trung đội. Trung đội 1 do Một Thi chỉ huy
lại nhận thêm nhiệm vụ nặng nề hơn là phối hợp với bộ đội Lam Sơn và bộ đội Chi
Lăng đánh địch trên địa bàn trải rộng: Biên Hòa, Vĩnh Cửu và Xuân Lộc.
Lính “Ông Một" đánh đâu thắng đó. Giặc Pháp thua đau, giận dữ tung bọn
mật thám, tề điệp truy lùng Đỗ Văn Thi ráo riết, chúng còn tăng cường khủng bố
gia đình "ông Một' đang sinh sống tại Cù Lao Phố. Sau khi biết Một Thi lại
vừa đánh bót Helena và thọc cả vào bót ngã ba Máy cưa - trung tâm đóng quân của
bọn Pháp ở thị xã Biên Hòa, bọn giặc liền qua Cù Lao Hiệp Hòa bắt người anh thứ
tám của Một Thi là Tám Ní (tên thật là Đỗ Văn Phú - vốn cũng là công an mật nằm
vùng) để tra khảo mọi tung tích Một Thi. Người chiến sĩ công an này chắng một
lời khai báo, nên bị bọn giặc giận dữ đem nhốt trong bót miếu Thành Hưng rồi
nửa đêm (8/12/1947) đâm anh lòi ruột và quăng xác xuống sông Đồng Nai.
Thêm nỗi thù nhà, Một Thi càng đánh hăng. Quốc vệ đội của
“Ông Một" hết phá đồn Bến Gỗ lại đánh bót Tân Ba, diệt cả tên trung úy
người Pháp sếp bót và 4 tên thân binh người Miên nổi tiếng hung ác... Đêm 30
Tết năm 1948, tên Nhái - người Pháp lai sếp bót Hiệp Hòa đóng ở cạnh cầu Rạch
Cát - dẫn lính tuần tra đến nhà mẹ Một Thi. Thấy bà Cả Nhượng đang nấu nồi bánh
tét, sếp Nhái liền hỏi:
- Nè bà Cả, có phải bà nấu bánh tét để tiếp tế cho “Ông
Một" phải không?
Vừa hỏi, tên Nhái vừa xông vào nhà và kêu người anh thứ mười
của Một Thi là Đỗ Văn Danh mà tên sếp bót này biết rõ không có làm gì khác
ngoài việc cày bừa, trồng tỉa nuôi cha mẹ già. Tên Nhái lấy giấy tờ của Đỗ Văn
Danh và bảo ngày mai ra trình diện ở bót. Nại cớ là mồng một, mồng hai Tết
không ai làm việc, đến sáng mùng ba, ông Danh mới ra bót Hiệp Hòa trình diện.
Tên Nhái giận dữ bắt ông Danh nhốt luôn, không ngờ đêm ấy có nhóm du kích về Cù
Lao bắn phá, sếp Nhái nói là “Ông Một" về cứu anh trai nên đem ông
Danh, đang ở tuổi 30, chưa có vợ con, ra sân đồn cắt cổ rồi thả xác xuống sông
Đồng Nai.
Lo sợ, bà Cả Nhượng liền tìm cách cho đứa cháu nội trai duy
nhất là Đỗ Văn Tiền (con trai ông Đỗ Văn Phú) trốn vào chiến khu. Sau đó Tiền
được đưa ra miền Bắc học tập, công tác, mãi đến năm 1976 mới trở về miền Nam.
Hiện nay ông Tiền đã nghỉ hưu, đang sống ở Cù Lao Phố. Chuyện Một Thi đánh giặc
thì nhiều vô kể, nhưng chuyện kết thúc cuộc đời anh hùng ngang dọc của chàng
trai Biên Hòa ở tuổi 32 này đang giữ cương vị Đoàn trưởng đoàn vũ trang tuyên
truyền của thị xã Biên Hòa (gọi tắt là VT3) thật đáng thương tâm. Vào đầu
những năm 50, giặc Pháp được tăng viện đã phản kích ác liệt. Một số cán bộ lãnh
đạo của thị xã Biên Hòa dao động tinh thần, đã nhảy ra hàng giặc. Trong đó có
trưởng công an thị xã Nguyễn Trung Chánh. Tên Ba Chánh đã khai báo và chỉ đường
cho giặc bắt rất nhiều cán bộ và rún ép làm cho nhiều người khác phải lần lượt
ra đầu hàng. Bọn Pháp đã tập họp những tên phản bội lại thành toán biệt kích đồ
đen (Groupe Noir) và giao cho tên Hoàng – nguyên là xạ thủ súng máy của bộ đội
Lam Sơn làm trưởng toán.
Sau nhiều lần cùng bọn Groupe Noir bám sát “Ông Một" -
người đang được giặc Pháp treo thưởng 5.000 đồng tiền Đông Dương cho ai bắt
hoặc giết được. Đêm 14/4/1965, Hoàng súng máy đã đột nhập vào được quán dân
quân “trong rừng sớ ông Tà" (nay là khu vực phía sau của phòng cánh sát
giao thông đường bộ) bắn chết Một Thi. Những tên Groupe Noir cùng có mặt lúc đó
nhìn thấy ông Một Thi bị trúng nguyên tràng đạn, té từ võng xuống đất.
Không kể đứa con gái nhỏ vừa ra đời đã chết ngay trong trận
lụt năm Thìn, bà Đỗ Duyên - con gái duy nhất còn lại của anh hùng Đỗ Văn Thi
năm nay đã đúng 50 tuổi. Bà đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa ở Cù Lao Phố.
Ông Ngô Văn Đa (tự Trường) năm nay 68 tuổI đang sống ở
70/15A, khóm l, phường Thống Nhất, Biên Hòa là cựu đội viên công an xung phong,
cựu đội viên võ trang tuyên truyền thị xã Biên Hòa. Người mà giữa năm 1947,
lúc mới 15 tuổi, đã dám vào trại lính Tây ở khu công hãng BIF giả vờ làm bồi để
lấy cắp khẩu súng trốn vào chiến khu Bình Đa. Sau đó gặp Một Thi chuyển sang
làm đội viên VT3. Đêm 26/4/1952, chính Ngô Văn Đa cùng Lê Văn Cơ - một chiến sĩ
đặc công tăng phái được Một Thi chỉ huy đã dùng mìn tự tạo đánh cháy kho xăng Biên
Hòa là kho nhiên liệu lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ với 2 bồn chứa 10 triệu lít
xăng gây tiếng vang khắp cả nước. Ông Đa bây giờ rất già yếu, đặc biệt là đôi
mắt luôn mờ đỏ vì đòn roi tra tấn của quân thù, lại cũng bất ngờ phấn chấn và
sôi nổi như ông Võ Hồng Châu khi nhắc về người đồng đội cũ của mình:
- Tôi thuộc vào loại gan dạ, dũng cảm nên đi đâu Ba Cơ hoặc
anh Bùi Thiện Ngộ (lúc ấy là thư ký của Ty công an Biên Hòa). . . Còn anh Một
mà có chuyện gì dữ là kéo tôi theo. Nhưng so với anh Một thì tôi thua xa, ảnh
gan lì lắm. Tay không vậy chớ gặp Tây cũng
đánh, đi công tác mà không có ghe cũng lội đại qua sông...Tôi chưa thấy ai ngon
lành, anh hùng như anh Một.
Bùi Thuận (Nguồn:
http://www.dongnai.gov.vn)