Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Nguyễn Tri Phương (1800-1873) và Nguyễn Duy (1810-1861)   31-12-2014
Nguyễn Tri Phương và Nguyễn duy là những danh tướng nhà Nguyễn thời cận đại. Họ nguyên là hai anh em ruột sinh trưởng trong gia đình làm ruộng và thợ mộc, song thân là Nguyễn Văn Đảng và Nguyễn Thi Thể, quê làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

nguyentriphuong.jpg

Nguyễn Tri Phương tên thật là Nguyễn Văn Chương. Thuở thiếu thời, ông là người có tài trí và thông minh nên được trọng dụng ở quê nhà. Sau khi được sung vào bộ máy triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Tri Phương đã tỏ rõ là một người mưu trí lược, xứng đáng là một trong những bậc danh thần của triều đình. Ông được cử đi kinh lược và dẹp loạn khắp trong Nam ra Bắc. Năm 1850, vua Tự Đức cải tên ông là Nguyễn Tri Phương, ý lấy câu “Dòng thả tri phương” nghĩa là dũng mãnh và lắm mưu chước. Năm 1853, ông được thăng chức Điện hàm Đông các đại học sĩ và lãnh chức kinh lược xứ Nam Kỳ, ông có công lập đồn điền, khai hoang lập ấp ở các tỉnh Nam bộ và từng làm Khâm sai đại thần Tổng thống quân vụ kiêm Tổng đốc các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên…

Năm 1858, khi Pháp nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho mưu đồ xâm lược nước ta, triều đình lâm nguy, tổng quân vụ đại thần Lê Đình Lý tử trận, Nguyễn Tri Phương đã nhận lãnh trách nhiệm chống giặc, ông cho nhân dân đắp lũy từ Hải Châu đến Phúc Ninh, Thạch Giám và lãnh đạo nhân dân địa phương tham gia đẩy lùi bước tiến của quân thù.

Trong khi đó, Nguyễn Duy, em ông nhờ có học vấn, đậu đến tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Hàn Lâm viện biên tu và Hàn Lâm viện tu soạn. Sau đó, ông làm tri phủ Tâm An-Gia Định (1845) và từng làm việc ở Tập hiền viện Sung khai kinh diên khởi chú (là cơ quan văn hóa và chính trị của triều đình). Năm 1852, Nguyễn Duy làm Ất phó sứ cùng với chánh sứ Phan Chi Hương tả lang thị bộ Lễ trong phái sứ bộ nhà Nguyễn sang tiến cống nhà Thanh đề cầu an cho dân tộc.

Khi Pháp xâm lược, Nguyễn Duy tình nguyện đi quân thứ Quảng Nam - Đà Nẵng cùng với Đào Trí Phú lập đồn Trấn Dương trên núi Sơn Trà, đắp lũy cắm chông để cản phá sự tấn công của giặc Pháp. Năm 1858, tình thế Đà Nẵng trở nên nguy nan, quan quân hoảng loạn bỏ ngũ nhưng Nguyễn Duy đã cương quyết ở lại và tuyên bố: “Đã là yêu nước thì không có luận văn võ” làm cho cả triều đình sững sờ, ngạc nhiên và khâm phục trước tinh thần văn nhân võ dũng của ông. Ở trận địa này ông cùng một số tướng lãnh đã làm cho giặc Pháp phải nhiều phen khốn đốn. Tháng 02 năm 1859, thành Gia Định bị Pháp tiến đánh, vua Tự Đức phái Nguyễn Duy cùng với Tôn Thất Cáp và Phan Tịnh vào ứng cứu cho Nguyễn Tri Phương. Hai anh em ông đã cùng với quân dân lại tổ chức đắp lũy đóng đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa) để phòng thủ thành Gia Định. Ngày 25-02-1861, thế giặc Pháp mạnh như vũ bão, chúng tấn công đại đồn Chí Hòa, quân triều đình chống trả dũng cảm nhưng không kháng cự nổi với những vũ khí tối tân của Pháp. Quân ta bị tổn thất lớn, đại đồn thất thủ, Nguyễn Duy tử trận. Thi thể của ông thật thảm thương, người ta không còn nhận được hình hài mà chỉ tìm thấy qua mảnh đai lưng và gấu áo. Xác ông được đem về chôn cất tạm tại cửa đông thành Biên Hòa, sau đó cải về quê an táng. Trận này, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và phải rút về lập đồn cản phá ở sông Đồng Nai - Biên Hòa. Trên sông Đồng Nai, Nguyễn Tri Phương cho đắp “cản” bằng đá ong để ngăn tàu địch. Chỗ đắp cản quan trọng nhất là khúc sông Long Đại, độ phân nửa đường sông Nhà Bè - Biên Hòa. Hễ dưới sông có đá cản thì trên bờ có đồng lũy, đại bác. Hiện nay phía trước đền thờ Nguyễn Tri Phương còn có một số cản bằng đá dưới sông tương truyền đó là dấu tích của việc lập cản ngăn tàu Pháp của ông trước kia.

Năm 1862, sau khi triều đình Huế ký hòa ước, Nguyễn Tri Phương được cử ra Bắc làm Tổng thống Hải An quân vụ và xem xét việc quân sự ở Bắc Kỳ. Năm 1873, nhân tên lái súng Jean Depuis hoành hành ở Bắc, Soái phủ Nam kỳ phái Francir Garnier đem quân ra đánh úp thành Hà Nội. Chiến sự xảy ra quyết liệt, con trai ông là phó mã Nguyễn Lâm tử trận, phần ông lại bị trọng thương và một lần nữa thảm cảnh khốn cùng “nạn nước đã trở thành tang gia tộc Nguyễn”. Vị tướng già trong cơn nước lửa sức cùng lực kiệt đã từ chối được cứu chữa để khảng khái tuyệt thực suốt gần một tháng và mất ngày 20-11-1873 (tức ngày 01 tháng 11 âm lịch) thọ 73 tuổi.

Cái chết của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm biểu trưng cho tinh thần bất khuất, nghĩa khí can trường, là gương sáng soi chung. Uy danh cũng như công trạng các ông còn sống mãi với nhân dân Việt Nam. Ở Biên Hòa, nơi chỗ đắp cản dưới sông, phía trên bờ người dân làng Mỹ Khánh đã xây dựng một ngôi đình và đưa linh vị ông vào thờ (đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia). Hằng năm nhân dân tổ chức lễ Kỳ yên từ ngày 16 đến 17-10 âm lịch với những lễ và hội gắn liền với tinh thần yêu nước oai phong bất diệt của Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và dòng họ ông.

      Nước ta nhiều kẻ tôi trung

      Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương

      Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương

     Cùng thành còn mất, tấm gương muôn đời

                                                     (Hồ Chí Minh - Lịch sử nước ta)

Theo sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.