Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Bùi Văn Bình, người anh hùng bất tử (Anh hùng liệt sĩ Bùi Văn Bình)   11-03-2014
Từ hội trường Thành đoàn Thanh niên cộng sản thành phố Biên Hòa, sau buổi nói chuyện thời sự quốc tế Bùi Văn Bình về thẳng nhà mình ở phường Quang Vinh, anh lặng lẽ ngồi xuống bộ ván giữa nhà.

Chị Tư Khánh, hỏi Bình:

- Có chuyện chi không chú? Coi bộ chú suy nghĩ dữ lắm?

- Không có chi, thưa chị.

- Trời đất, chị đi chợ gặp ai cũng nói rần rần đó: Bọn Pôn Pốt cho lính tấn công chúng ta trên cả trăm cây số vùng biên giới phía Tây Nam!

- Em biết, quân ta kiên cường đánh trả....Rồi đây lịch sử sẽ nghiêm khắc xét họ, bọn lang sói mang lốt cộng sản!

Bình nhớ lại sáng nay ở Thành đoàn, diễn giả truyền đạt phân tích...

Từ giữa năm 1976, đường lối chính trị của giớI cầm quyền Pônpốt- Iêngxari ngày càng bộc lộ rõ bản chất phản động, thông qua những chính sách chia rẽ, gây hận thù dân tộc và đối đầu với Việt Nam, chúng ngang nhiên tiến hành các hoạt động xâm lấn chủ quyền Việt Nam ở biên giới Tây Nam, ngay sau khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng.

Quân Pônpốt đã đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích thăm dò, dọn đường cho cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới bằng cuộc đột nhập vào kho vũ khí của ta ở Tây Ninh tăng cường trinh sát, tuần tiễu dọc theo biên giới, đồng thời cho lực lượng nhỏ (cấp tiểu đội, trung đội) bí mật thọc sâu vào đất ta để gài mìn, lùa bắt trộm trâu bò, giết hại cán bộ , chiến sĩ ta. Thậm chí quân Pônpốt còn đào và dời cả cột mốc biên giới tại các khu vực Gò Dầu, Cà Tum, rồi đưa dân Campuchia sang xâm canh tại các vùng Mộc Bài, Khuốt, Vát Xa, Tà Nốt, Tà Đạt (thuộc tỉnh Tây Ninh). Nghiêm trọng hơn trong hai ngày 25-2 và 3-3- 1976, quân Pônpốt bất ngờ tấn công vào đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Buphtrăng. Số vụ xâm lấn ngày càng tăng trên địa bàn Quân khu 7, năm 1975 18 vụ, năm 1976 tăng gấp 9 lần, 171 vụ trên 82 điểm vào sâu trong lãnh thổ của ta đối diện với quân khu 203, còn gọi là Quân khu Đông của Pônpốt!

- Giờ chú tính sao, chú Bình?

- Em tình nguyện nhập ngũ, thưa chị!

Chị Tư Khánh hỏi vậy thôi rồi xuống bếp lấy cho em chồng ly nước, chị biết Bình đã quyết thì khó mà cản, lát sau đã nghe anh hát vang:

Ơi những đỉnh núi mây mù xa tắp

Ta sẽ đến nơi đâu còn giặc

Ta chưa về khi Tổ quốc chưa yên!

Nghe Bình hát, chị Tư Khánh cầm ly nước trên tay run run xúc động nhớ lại... mới đó thôi mà 21 năm đã trôi qua. Năm 1957 chị về làm vợ anh Tư Khánh thì Bình mới được hai tuổi và ngày đó anh Tư Khánh cũng mới vượt ngục trung tâm huấn chính Biên Hòa chưa đầy năm. Hồi nhỏ Bình lớn nhanh, mập mạp và trắng như vắt bột làm bánh ít. Khuôn mặt Bình tròn, đôn hậu, rất hiền, chỉ có cái miệng của em bị khuyết tật nhỏ, hơi méo một chút, nhưng cười rất có duyên. Chị thường ôm chặt Bình trong vòng tay to khỏe, ấm áp của người lao động và chẳng biết “ầu ơ” ru em theo lời ru Nam bộ. Thay vào đó chị hát ru: Con cò, con vạc... khế chua, đào ngọt... trong lời ru đồng bằng Bắc bộ của quê nhãn Hưng Yên. Năm 1965 vào cuối tháng 10, ông Bùi Văn Thôn-cha chồng chị-mất trong đêm đánh sân bay Biên Hòa, Bình mới 10 tuổi, cậu em út lại càng được cả nhà thương yêu nhiều hơn. Những năm đầu đi học, Bình học trường Nguyễn Du, đến năm gần giải phóng, cậu học sinh trung học Ngô Quyền Bình đã cao lớn và mạnh mẽ như một chàng trai độ tuổi bẻ gẫy sừng trâu. Một lần giỡn chơi như thiệt, 6 cảnh sát không rượt đuổi bắt nổi Bình. Mẹ và chị Tư Khánh rất lo cho Bình, nhưng em chỉ cười, nói vui luyện tập mai mốt trốn lính khỏe re. Và đến hôm nay, em đã 23 tuổi, là cán bộ Đoàn thanh niên, đối tượng Đảng ở Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Chị Tư Khánh trao ly nước cho Bình và hỏi: “Em sao không hát nữa đi". Bình nói: "Em nằm nghỉ một chút rồi đi kiếm thằng Thu bên Sở Văn hóa thông tin, rủ nó cùng đi bộ đội đợt này". Chị Tư thấy vui trong lòng bảo: "Em ngủ đi". Bình cười nói: "Chị ru em đi, nếu không còn khuya em mới chịu ngủ. Chị Tư nhìn cái lưng ở trần của em cuồn cuộn những bắp thịt săn chắc. Ờ thì chị ru như hồi em còn bé nghe...

Cái cò đậu cọc cầu ao

Ăn sung, sung chát

Ăn đào, đào chua....

Ngày ngày lên đứng cổng chùa...."

Nghe tới đó Bình quay lại. "Bài khác đi chị, bài đó con nít quá, để mai mốt chị ru cháu ngoại hay cháu nội".

Và chị Tư ứng tác một bài ru theo điệu cò lả:

"Con cò bay lả bay la

Bay từ ruộng lúa, bay ra cánh đồng... "

Bình xúc động ngồi lên, nắm tay chị dâu:

- Chị ơi, em quí chị biết chừng nào, chị là chị ruột của em!

- …Thì chị cũng đã làm việc ấy ngay từ năm 1957 khi về làm dâu ba, mẹ....

- Chị muốn em bay cao, bay thiệt xa không? Bây giờ em bay đây nè, em bay đi tìm thằng Thu....

- Còn tập giấy của em ở trên bàn...

- Bản tin mật của Việt Nam thông tấn xã đó, em đọc chị nghe nhé...

Bình đọc:

"0 giờ 30 phút sáng ngày 25-9- 1977, Khơ me đỏ sử dụng hai trung đoàn 155 (sư đoàn 4) và 182 (sư đoàn 3) cùng 7 tiểu đoàn địa phương đồng loạt tấn công các chốt của ta trên tuyến biên giới thuộc 3 huyện: Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành (Tây Ninh) với 3 mục đích:

- Đánh chiếm tuyến biên giới bờ phía Tây sông Vàm Cỏ. Nếu thuận lợi sẽ phối hợp với sư 4 bộ binh (Quân khu Đông), từ hướng Bắc đánh xuống Thiện Ngôn, sau đó chiếm thị xã Tây Ninh.

- Thực hiện ba sạch: đốt sạch, phá sạch và giết sạch (kể cả trẻ em sơ sinh).

- Phá hoại kinh tế, cướp lương thực, trâu bò và tài sản của nhân dân ta. Khơ me đỏ tập trung lực lượng đánh vào dân, chỉ dùng lực lượng nhỏ đánh với lực lượng vũ trang ta, cốt để kiềm chế, giữ chân. Vì vậy hậu quả của địch gây ra rất nặng nề: dân chết, bị thương, mất tích cả trên ngàn người, 300 trâu bò bị cướp đi, gần 500 ngôi nhà bị thiêu hủy... "

- Chị thấy đó, Tổ quốc chúng ta bị xâm lăng, máu đồng bào ta đã đổ....Em đi đây!

Đầu tháng 5-2000, được sự hướng dẫn của Hội cựu chiến binh Đồng Nai, cục chính sách Quân khu 7, tôi người ghi lại truyện kể về anh hùng Bùi Văn Bình đã gặp anh Tư Khánh (anh của Bình là cán bộ Sở giao thông về hưu), chị Ngọc Thanh (cháu ruột của Bình hiện đang công tác tại Ban dân vận Tỉnh ủy), chị Tư Khánh (chị dâu của Bình) , trung tá Thu (Ban tác chiến tỉnh đội người đi bộ đội và cùng được phong hàm thiếu úy một đợi với Bùi Văn Bình).

Sáng thứ bảy trong phòng trực tác chiến, trung tá Thu vui vẻ bắt tay tôi:

- Em nhận được điện thoại của anh và đang chờ anh đây... Thành tích của Bình anh đọc rồi, bây giờ em kể những kỷ niệm về Bình rất đời thường và rất lính...

Bùi Văn Bình sinh năm 1955, nhập ngũ tháng 10 năm 1978, lính Nam bộ rất thích ra đánh địch ở biên giới phía Bắc, nhưng đơn vị của Bình được bổ sung cho Quân khu 7, tham gia thành lập tiểu đoàn 14, bộ đội địa phương Tây Ninh. Trong đơn vị có nhiều chiến sĩ mang tên Bình (thí dụ anh Nguyễn Văn Bình, hiện đang công tác ở Quân khu 7, cấp hàm trung tá, được phong danh hiệu anh hùng ngày 29/8/1985) bởi vậy đồng đội yêu quí Bùi Văn Bình gọi anh là Bình méo, Bình lực sĩ... Bình to con rất khỏe, nhưng rất hiền, vui tính đến độ hài hước. Một lần ở huyện Ba Rài, trên đất bạn lính vui nhộn cá độ chơi, Bình đã vật ngã một con bò mộng nặng cả trăm kí. Năm đó lính ở tuyến sau ăn độn 50% hạt bo bo. Đêm lạnh đi tuần tra, Bình có sáng kiến rang hạt bo bo trong mũ sắt, giã hạt bo bo thành bột bằng trái lựu đạn lép trong mũ sắt....Từ đó có thêm thú vui mỗi khi đến hầm của Bình: Tiệm cafê bo bo Bình méo! Bình rất nhộn, dũng cảm, một lần thu được chiếc xe 90 màu đỏ của địch, Bình chạy thử với tốc độ như trên xa lộ Biên Hòa, không may gặp xe tải quân ta chạy ngược chiều. Để tránh chiếc xe tải có thể bị lật vì đường hẹp, Bình bay xuống ruộng. Đổ nợ cho đám lính tếu phải đem xe bò hai con kéo, mới lôi được xe và thiếu úy Bình lên khỏi vũng sình. Bình lại còn tập làm thơ, có những bài rất chuẩn, chẳng hạn bài tặng đồng chí đại đội trưởng quê Long An hy sinh trong trận đánh Bắc Ba Rài:

Ngày mày chết tao không thấy mặt.

Má mày đau không tiền bạc thuốc thang

Đã bao năm Người chịu cảnh cơ hàn,

Nuôi mày lớn dâng cho Tổ quốc!

Bình nói rất thông thạo tiếng Campuchia, rất rành phong tục tập quán làm công tác dân vận xây dựng làng chiến đấu khá giỏi, bởi vậy các trưởng fum, sóc ở Ba Rài, San Túc quí Bình như con em ruột thịt. Có đồng đội còn kể rằng Bình còn có cô bạn Campuchia tên là Chăn Thu con bà Xiêng Phên biết hát dân ca bằng tiếng Việt Nam.

Bùi Văn Bình về mặt trận 779, đúng vào dịp Quân khu 7 đã tham gia 15 tháng chiến đấu lập chiến công rực rỡ (25-9-1977 đến 20-12- 1978) đẩy lui quân Pônpốt-Iêng xari sang bên kia bên giới hàng chục cây số, giải phóng hoàn toàn 3 huyện Tà Nung, Mimết, Snoul thuộc Kông Pông Chàm mở ra vùng giải phóng đầu tiên của "Mặt trận giải phóng dân tộc cứu nước Campuchia" rộng 1.300 km2” làm điểm tựa cho bước phát triển mới của cách mạng Campuchia. Sáu năm làm lính tình nguyện giúp bạn Campuchia, Bùi Văn Bình đã tham gia 5 chiến dịch, có những trận đánh trong đội hình phối hợp binh chủng cấp sư đoàn. Xin kể lại một vài trận đánh và hành quân mang phong cách rất lính Nam bộ, lực lượng nhỏ, thọc sâu thắng lớn.

Trận Sông Pốt, tháng 5-1980. Mười lăm chiến sĩ cùng với Bùi Văn Bình tham gia truy đuổi và tiêu diệt một trung đội lính Pônpốt. Trang bị của tiểu đội Bình 1 B40, 1 M79, 15 khẩu AK, riêng đạn và lựu đạn xài thoải mái theo sức có thể đem theo. Chẳng hạn trận này đã bắn hết 2 thùng đạn M.79 (120 quả), 4 quả B. 40 (theo định mức gặp từ l trung đội và bộ binh địch có thể tặng chúng một trái B40, nhưng khi gặp tổ đại liên 3 thằng có ưu thế độ cao và lấp ló ăng ten máy bộ đàm cũng sẵn sàng thui cháy chúng bằng một trái B.40)....Khi đến đúng tọa độ ven sông báo có địch, lại chẳng có thằng chết tiệt nào. Nóng quá, lính phóng xuống sông. Từ những bụi cây trên bờ, AK nổ ran tằng tằng hai phát một điểm xạ. Bình hô đồng đội nằm xuống và ra lệnh:

- Này các cậu cẩn thận, điểm xạ kiểu đó chắc bọn này được ông bạn lớn cho súng, dạy cách xài thiệt bảnh! Mình đánh vỗ mặt, các cậu thọc sườn xé tan đội hình tụi nó.

Truy đuổi bọn chúng khoảng 2 cây số, trời sụp tối rất nhanh, Bình cho anh em làm công sự qua đêm mai đánh tiếp. Sáng hôm sau theo hướng cũ sục tìm, chín giờ gặp địch, cài răng lược đánh nhau đến một giờ chiều. Khí thế tiến công hăng hái, lính ta nổ súng như bắp rang. Bình vui quá, tếu cho vui luôn:

- Đm xài đạn vừa phải thôi! Bắn thủng mẹ hết vải và thuốc xamít, về phum già làng không chịu đổi rượu đâu!

Đánh tiếp 100m nữa thấy kho gạo, muối và cứt người ỉa đầy rừng. Bình gọi máy bộ đàm về chỉ huy sở:

- Có lẽ chúng tôi đụng độ với một trung đoàn, gạo muối rất nhiều, bọn chúng mất vệ sinh lắm, ỉa đầy rừng!

Đầu máy bên kia:

- Không phải có lẽ mà các cậu đụng với 600 thằng lộ đuôi rồi, chúng bọc hậu các cậu đấy. Lệnh cho rút. Bên ta thế nào.

- Báo cáo anh, bắn gần hết đạn, nhẹ cả người, quân số còn đủ, vài đứa bị thương như bị gai mắc cỡ thôi!

Bình cùng đồng độì phá kho gạo, muối rồi rút theo bờ sông về căn cứ. Ta diệt 20 tên và 60 tên bị thương.

Trận đánh Biển Hồ, môi ghe 3 chiến sĩ. Ta đánh sông nước không quen. Đạn cối 8l bắn 3 quả, sàn gỗ mũi ghe đã sập. Đại liên bắn, ghe giật lùi, nòng súng gếch lên như bắn cò. Bình cho lui binh, tìm chỗ qua đêm. Thân hình hộ pháp của Bình không ngủ trên ghe được. Anh leo lên cây máng võng dưới ánh sao đêm. Vừa ấm lưng, Bình kể chuyện tiếu chọc quê hậu cần phát áo lục cộc tay để lính làm mồi cho muỗi, chân 40 phát giầy số 42... Bất ngờ cành khô gãy, đứt vòng, Bình té xuống hồ. Anh em cười vang:

- Bình méo ơi, cá sấu thịt mày chưa!

Bình trả lời:

- Tao định bắt mấy con nhậu chơi mà kiếm không ra.

Sáng hôm sau, Bình leo lên cây gỡ đầu võng còn lại Từ hốc cây một con hổ mang khè chơi, như trong chuyện cổ tích. Bình ra lệnh "đưa tao khẩu B.40”. Anh em tưởng Bình đùa, ném cho khẩu A.K đã dương lê. Lát sau Bình tụt xuống với con rắn hổ dài 2 m đã bị lưỡi lê xọc vô miệng:

- Ráng mang về tụi bay, đủ chơi thùng đạn đại liên rượu thốt nốt đó!

Đời lính của Bình theo đồng đội kể lại cũng có chuyện đầy tình nghĩa. Hồi Bình công tác trong một phum ở Ba Rài giúp huấn luyện quân sự cho dân quân bạn, gặp dì XinPhên. Chồng dì là thầy giáo trên huyện bị bọn Pônpốt đập chết. Tám mẹ con dắt nhau về quê ngoại. Dì buôn bán trên Biển Hồ với bà con Việt Nam nên dì và con dì nói tiếng Vìệt rất sõi. Mến bộ đội Việt Nam, dì Phên bảo Bình:

- Cậu Bình giỏi trai quá, biết trèo thốt nốt lấy mật ngọt....khi nào hết chiến tranh ở lại Ba Rài thôi... Dì cho cậu con Chăn Thu, da nó sáng đẹp như con gái Việt Nam vậy!

Bình trả lời:

- Cám ơn dì Phên. Hết chiến tranh, dân quân Campuchia biết giữ phum sóc là Bình lại về Việt Nam hái dừa thôi!

Đấy là người mẹ, còn Chăn Thu gặp Bình giặt áo ngoài suối, thì con tim biết nói lời đẹp hơn.

- Anh Bình nhớ Việt Nam không?

- Nhớ lắm, nhưng khi nào Pônpốt- Iêngxari hạ vũ khí đầu hàng thì Bình mới về được.

- Chăn Thu hát bài dân ca bằng tiếng Việt cho anh Bình nghe, vui không.

- Hôm nay Chăn Thu bắn tập giỏi Bình vui lắm.

- Chăn Thu không thích súng, chỉ muốn nghe suối reo và chim hót thôi.

- Thế thì con chim Chăn Thu hát đi.

Chăn Thu hát bài dân ca Thái.

Noọng ơi. noọng về cùng ta

Cùng chung mái nhà. Noọng về cùng ta.

Ta tắm chung dòng suối

Nghe sáo diều vi vu

ú ù ú u

Ta về noọng ơi

Chăn Thu kéo cao váy bước xuống suối:

- Chúng mình tắm đi.

- Không được đâu, Chăn Thu!

- Bộ đội Việt Nam hy sinh cuộc sống cho người Khơ me, mà sao không tắm được với con gái ăng Ko.

- Được chứ, nhưng anh Bình đã có một bông hoa rừng, rồi Bình cũng có chung mái nhà....

- Chị ấy đẹp lắm phải không. Hoa gì vậy, hoa chăm pa, hay hoa pơlang?

- Hoa phong lan.

- Thế thì anh Bình cho Chăn Thu làm em gái anh Bình.

- Được thôi.

- Đặt cho em tên Việt Nam đi.

- Tên Chăn Thu cũng quá đẹp rồi, tiếng Việt Nam Chăn Thu là chị Hằng Nga. Bình đặt cho ChănThu tên Việt Nam là Bùi Thị Thu Hằng.

- Anh Bình đừng quên Thu Hằng nhé.

- Anh Bình nhớ mãi phum này, nhớ già làng, nhớ dì Phên và nhớ cả mặt trăng mùa thu của các anh bộ đội Việt Nam.

Thu Hằng - Chăn thu mong anh Bình cao như cây thốt nốt tắm mình trên dòng suối...

Mong ước của Chăn Thu là mong ước của hàng triệu người dân Campuchia có nền Văn hóa ăng Ko rực rỡ. Mong ước trở thành huyền thoại, khi hai tháng sau gần lễ Chôn chơ nan thơ nây anh lính tình nguyện Bùi Văn Bình đã đi vào huyền thoại để tiêu diệt bọn diệt chủng Pônpốt Iêng xari!

Trận đánh bất tử.

Trung tá Thu, Ban tác chiến Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai, kể lại trong niềm thương tiếc vô hạn... Ban chỉ huy ra lệnh cho chúng tôi đến tọa độ X nơi hai nhánh sông chảy về hai tỉnh khác nhau. Bùi Văn Bình khi đó đã là trợ lý tham mưu tác chiến của tiểu đoàn 14. Anh dẫn 12 chiến sĩ Việt Nam và 5 dân quân Campuchia đi về nhánh sông bên phải. Bên chúng tôi có 19 người đi về nhánh sông đối diện. Mỗi nhóm trang bị gọn nhẹ và một bi đông rượu già phum tặng lúc lên đường. Chúng tôi hẹn nhau hoàn thành nhiệm vụ sẽ về ngã ba sông có 5 cây thốt nốt uống rượu mừng chiến thắng.

Qua máy bộ đàm, Bình nói không gặp địch và anh lại nói vui: "Tết đến nơi rồi, chắc chẳng có thằng Pônpốt nào chịu chết đâu. Bọn tao uống nửa bi đông rượu đây. Sau đó 3 lần, chúng tôi bật máy đều không bắt được sóng của Bình. Những vùng điếc không có từ trường trong khu vực địa hình phức tạp thường hay gặp. Chúng tôi trở về ngã ba sông đợi Bình. Hôm đó ngày 25.1.1984".

Chiến sĩ mang máy bộ đàm bị thương nặng đã chứng kiến những giây phút anh hùng của Bùi Văn Bình...

…Không phát hiện ra địch, Bình cho bộ đội đi tiếp 500 mét nữa thì phát hiện dấu vết 6 người rẽ lên bờ vô rừng. Bình nhanh chóng ra lệnh tấn công, ngay phát đầu tiên gặp địch các anh đã tiêu diệt 3 tên. Bọn địch cụm lại bắn rất mạnh bằng nhiều loại vũ khí. Lúc này một nửa đơn vị đã hy sinh và bị thương. Lợi dụng các gò mối, các cây đổ, Bình và đồng đội tiếp cận địch, bằng điểm xạ chính xác Bình tiêu diệt thêm 3 tên nữa. Bình quay lại, đạn đại liên, B40 của địch đã đốt cháy phát quang cả vạt rừng. Phía sau anh chỉ còn duy nhất chiến sĩ bộ đàm bị thương nặng đang lết theo anh. Bình ném liên tiếp 3 trái lựu đạn, lăn mấy vòng trở lại, anh nói với chiến sĩ bị thương:

- Đưa vũ khí cho tôi. Bằng mọi cách đồng chí phải trở về đơn vị.

- Anh Bình, em không thể, em ở lại với anh...

- Thiếu úy Bùi Văn Bình trợ lý tác chiến tiểu đoàn ra lệnh: Đồng chí quay trở về, đó cũng là nhiệm vụ chiến đấu.

Bình tiến lên sau gò mối, bình tĩnh sử dụng 3 loại vũ khí: B40, AK, RPD và ném lựu đạn về phía hàng trăm tên địch đang xông tới. Biết chỉ còn một mình Bình, bọn địch đợi anh bắn hết đạn và kêu gọi đầu hàng bằng tiếng Việt Nam. Bình đứng dậy khỏi gò mối, với khẩu AK đã giương lê anh từ bước tiến về phía địch. Một vài tên địch đứng xựng lại. Bình dõng dạc:

- Hỡi bọn diệt chủng, hỡi bọn làm nhục nhã nền văn hóa Ăng Ko vĩ đại! Hỡi những kẻ đã quên ân nghĩa xương máu của nhân dân Việt Nam. Chúng bay phải đầu hàng!

Nhiều tên lính Pônpốt, buông vũ khí bỏ chạy, chỉ có tên chỉ huy mặc áo bà ba đen khăn rằn quấn trên đầu, đoạt khẩu AK bắn chết những tên lính bỏ chạy rồi hướng nòng súng về phía Bình nhắm mắt sợ hãi nghéo cò cho nổ những viên đạn còn lại...

Bùi Văn Bình khựng người lại, lưỡi lê khẩu AK cắm xuống đất, một tay anh nắm băng đạn đã hết đạn, tay kia đặt trong vòng cò súng, lồng ngực đẫm máu tựa trên báng súng. Bọn địch bỏ chạy. Những đồng đội đi tìm anh vẫn thấy anh đứng vững trong tư thế ấy.

Đó là ngày 25/1/1984 tại phum Bông Sang Khao, giáp ranh huyện Ba Rài và San Túc. Nơi ấy bây giờ là vùng biên giới bình yên, trẻ em Campuchia đến trường học chữ như đi hội té nước Chôn chơ nan thơ nây. Nơi ấy có một người con gái Campuchia mang tên Việt Nam Thu Hằng vẫn ngắm cây thốt nốt cao lồng lộng in bóng xuống dòng suối trong xanh.

Anh Bùi Văn Khánh, anh ruột Bùi Văn Bình vẫn nhớ lễ truy điệu Bình ở Thành phố Biên Hòa, lời điếu văn vẫn văng vẳng bên tai anh: "đồng chí Bùi Văn Bình sinh năm 1955 tại xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nhập ngũ tháng 10 năm 1978. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy trợ lý tham mưu tiểu đoàn 14 anh hùng, thuộc Đoàn 7702, Mặt trận 779, Quân khu 7, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhớ lại chuyện cũ, chị Tư Khánh cứ ân hận sao không cố học cho được lời ru Nam bộ cho Bình "ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh... "

Cô Phong Lan cũng đến chịu tang Bình, cô nói với anh Tư Khánh: Bây giờ và mãi mãi về sau trong trái tim cô vĩnh viễn chỉ có Bùi Văn Bình.

Trung tá Thu, nghẹn ly trà tiếp tôi và bảo rằng hồi tập đội ngũ, anh và Bình đi dọc theo đường Đồng Khởi khu vực trường Cao đẳng sư phạm và đài phát thanh truyền hình bây giờ. Tháng phụ cấp binh nhì đầu tiên hai anh ghé quán nước vệ đường, ăn hai cục kẹo đậu phộng, hai ly trà đá và hai điếu Sài Gòn xanh.

Bây giờ đoạn đường ấy rất đông người, họ là sinh viên, học sinh trường cao đẳng sư phạm, trường chuyên Lương Thế Vinh... Tôi gặp họ hàng ngày và muốn nói với họ rằng anh lính binh nhì Bùi Văn Bình đã từng đi con đường này để đến trang sách của bạn, ghi nhớ một Bùi Văn Bình, người anh hùng của nghĩa vụ quốc tế cao cả.

 Nguyễn Duy Thinh (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.