Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Ông vua của vùng đất Hưng Lộc (Anh hùng Lê Văn Lập)   11-03-2014
Những năm đầu sau giải phóng, ông Lê Văn Lập đã là một nông dân sản xuất giỏi, có nhiều thành tích xuất sắc ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Ngay từ hồi đó, bà con mến phục đã tặng cho ông nhiều danh hiệu Vua: Vua cao lương, Vua khoai lang, Vua rau cải...

Qua phong trào làm ăn tập thể nông nghiệp, ông càng có dịp đóng góp công sức, trí tuệ và cả tấm lòng được nhiều hơn. Từ vụ lúa Đông Xuân 1978-1979 đầu tiên đến năm 1984 ông đã 05 năm liên tục được bình chọn là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, liên tục là đại biểu Hội đồng Nhân dân ba cấp.

 Khi tỉnh bàn chuyện đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho ông, Ban nông nghiệp Tỉnh ủy cử đồng chí Trần Thị Minh Hoàng cùng nhiều cán bộ của tỉnh về gặp bà con trong HTX. Cùng đi có nhiều cán bộ lãnh đạo của huyện Thống Nhất và của xã Hưng Lộc. Không chịu báo trước, mời trước như huyện đã chỉ đạo. Đợi khách đến, ông Ba Lập mới cho người đi mời. Hơn ba chục xã viên đến họp, ngồi chật nhà, chen chúc cả ra ngoài hàng ba...

 Sau khi biết yêu cầu của đoàn, muốn được trực tiếp nghe bà con xã viên nói về ông phó chủ nhiệm Hợp tác xã Lê Văn Lập, không khí buổi họp nhộn nhạo hẳn lên, ai cũng muốn giành phần nói trước.

 Anh Năm Lai còn đang tuổi thanh niên, xin mở đầu, nói giọng từ tốn: "Chuyện ông Ba Lập, đêm ngày lặn lội, lo toan cho tập đoàn, rồi cho cả hợp tác xã Hưng Nhơn ở đây, già trẻ, nam nữ ai cũng đều biết rõ. Việc khen thưởng cho người làm giỏi, người có công với dân với nước, là chuyện rất hợp với lòng bà con. Tỉnh đã khen cho ổng nhiều lần, nhiều năm. Việc xét khen thưởng cao hơn của trên, chưa rõ sao, chớ ở địa phương này, đã làm bầm dập ổng quá lắm rồi! Từ lâu bà con ở đây, nhất là những người nghèo khó chịu ơn ổng nhiều, đã coi ổng như người anh hùng của mình.

 Xin đừng xét tặng anh hùng chi nữa, đây rồi lại đưa ổng đi nơi khác, bà con tui thiệt thòi!"

 Mọi người còn đang bàn tán về ý kiến của Năm Lai, ông Năm Nê đã xin tiếp lời:

- Tôi là lính chế độ cũ, từ nơi khác đến đây. Nghèo khó không nhà, phải ở nhờ, không đất đai, phải mượn đất, phải đi làm mướn kiếm thêm tiền mua gạo nuôi vợ nuôi con.

 Nói tới đây, ông Năm Nê xúc động, nghẹn ngào, nước mắt ròng ròng, mãi sau mới tiếp lời:

- Ân tình của ông Ba Lập đối với gia đình tôi lớn lắm! Ngày mới lập tập đoàn, ông Ba đến nhà vận động. Tôi từ chối, viện cớ còn nghèo quá, để thêm vài vụ khấm khá hơn sẽ vô. Ổng nói: Vì nghèo quá mới vận động vô tập đoàn cho khá hơn. Ổng còn hứa: nếu thua thiệt, sẽ lấy lúa nhà đền bù!

 Ông Hai Thông, tuổi đã ngoài 60, giọng oang oang, xăng xái tiếp lời:

- Bà con tui thương ông Ba Lập nhiều lắm! Ổng dốc toàn tâm, toàn sức để lo cho tập thể, lấy cả máy bơm, ống tưới của nhà để lo cho việc tập đoàn. Có đám mía gần nhà, bận bịu việc chung ổng bỏ thí, không chặt. Tôi phải tự mình rủ thêm anh em, chặt mía giúp ông.

 Nhiều bà, nhiều chị giành nhau kể chuyện:

 Bà Sáu nhắc chuyện ông Ba Lập cứu đám mạ, vụ đầu tiên của tập đoàn 3 Hưng Nhơn.

- Gieo mạ Đông Xuân xong, ai cũng lo chuyện ăn tết của nhà mình. Ai đời, bên cạnh suối Mủ, nước chảy ào ào, mà đám mạ khô ran. Việc này đâu phải của Ba Lập? Ba Lập chỉ làm thủ kho, theo sự chỉ đạo của xã. Còn chuyện điều hành lao động, là do ông Truyện, tập đoàn trưởng, luôn được lòng chủ tịch xã. Ông tập đoàn trưởng vốn là thợ làm cửa sắt ở Chợ Lớn.

 Chẳng lẽ phải chờ đến sau tết? Như vậy còn gì là đám mạ?

 Nghĩ vậy Ba Lập đã mượn thùng, xách nước đổ vào ruộng mạ. Đủ nước mạ lên xanh tốt. Vụ làm ăn chung đầu tiên thắng lợi. Cả tập đoàn ai cũng mừng.

 Bà Sáu vừa sụt sùi, vừa kể tiếp:

- Vụ đầu tiên được mùa nhưng mấy ai biết được chuyện chiều và đêm 30 tết năm đó, mỗi mình Ba Lập hì hục xách nước chống hạn cho đám mạ của tập đoàn được tốt tươi mà chẳng có công điểm nào!

 Chị Mười kể tiếp chuyện ông Ba vận động trồng mía, ép nấu đường cho bà con ăn tết. Khi giao khoán đất và vận động khai hoang phục hóa, ông Ba hướng dẫn cho bà con trồng mía ngoài kế hoạch. Mía ít hay nhiều là tùy vào hoàn cảnh gia đình, tùy điều kiện đất đai, vốn liếng. Ráng trồng, có mía sẽ có đường. Tới hồi thu hoạch mía. Mỗi nhà chỉ có đôi ba xe bò, đâu bõ bèn cho lò đường của ông Năm Sum trong ấp ép mía, nấu đường...

 Ông Ba Lập vô rẫy nhà mình, cưa cây mít lớn, làm cặp che ép mía. Có che nhưng không có trâu bò, không có máy nổ để kéo che. Ông Ba Lập kề vai kéo che, vận động bà con cùng làm. Không có cháo đựng, không có thợ nấu đường, qua nhà người em ở Bàu Hàm mượn chảo đụng đem về, kiếm thợ trông coi nấu đường.

 Tưởng vậy là xong. Ai dè quản lý thị trường của chợ tới nơi, ặm ọe bắt dẹp, bắt gom mía ra lò đường của ấp cho dễ bề quản lý.

 Ông Ba ra rả trình bày, đủ tình, đủ lý. Sau cùng, xã cung phải chấp thuận cho cái lò đường bất đất dĩ này tiếp tục hoạt động.

 Tết năm đó. Tập đoàn 3 Hưng Nhơn, mỗi nhà chia nhau cả chục ký đường, ngọt ngào hơn ở mọi tập đoàn khác trong xã Hưng Lộc.

 Được trớn, vụ sau Ba Lập lên huyện, xin vay ngân hàng 40.000 đồng để mở rộng thêm 10 ha mía cho 40 hộ trong tập đoàn. Đến mùa thu hoạch, Ba Lập lại ủng hộ tập đoàn mấy chục cây tre; dựng trại làm lò đường bề thế hơn trước.

 Ông Bảy Quang, chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Nhơn vốn là trung tá quân đội, đã nghỉ hưu nói như phân trần:

- Tôi làm chủ nhiệm theo sự phân công của cấp ủy xã. Là người lính, tôi quen cầm súng, đâu quen cầm cuốc, lại càng không quen chuyện quản lý. Mọi việc làm được ở HTX là do ông Ba Lập.

 Buổi họp mặt chưa kịp kết thúc, cơn mưa như trút xối xả, bất chợt ập tới. Chỉ một loáng sau cơn mưa chợt đến chợt đi đó, đã dứt hẳn. Bầu trời lại xanh ngắt, chẳng gợn chút mây. Mặt trời đủng đỉnh lên cao. Nắng rọi qua vòm lá xanh quanh nhà. Những hạt mưa còn nấn ná, càng long lanh tỏa sáng.

 Trong buổi gặp gỡ hôm đó, ai cũng bộc bạch, chân tình, xúc động. Người nghe cảm thông với nỗi lòng người nói, cùng đầm đìa nước mắt như nhau...

 Giờ đây là ủy viên Trung ương Đảng, với cương vị là Bí thư tỉnh ủy, đồng chí Trần Thị Minh Hoàng vẫn còn nhớ mãi những giọt nước mắt của mình hôm đó, như một kỷ niệm đẹp của 16 năm về trước...

 Ông Ba Lập đốt tiếp điếu thuốc, vuốt mớ tóc bồng bềnh, lao xoăn, rồi hề hà kể tiếp:

- Nè! Chuyện Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lao động kèm tấm Huân chương lao động hạng nhì cho Lê Văn Lập năm 1985, nay đã được tròn 15 năm rồi đó! Mấy ai biết được Ba Lập có tới hơn chục cái tên. Ngay cái tên Lê Văn Lập cũng là tự chọn khi bỏ xứ Tương Bình Hiệp ở Thủ Dầu Một theo cha đến xứ Hưng Lộc này lập nghiệp đó!

 Hồi mới cưới nhau, cha mẹ Ba Lập nghèo lắm. Nhà không có ruộng, cha phải lam lũ theo con nước ròng, lai quần không ráo, vạt áo chẳng khô, như thân cò đêm ngày lặn lội bờ sông, kiếm con cá con tép, bán lấy tiền độ nhật. Mẹ phải ở đợ theo mùa, ngồi che ép mía cho nhà giàu trong làng, lam lũ hái từng cọng rau mót về muối dưa bán lấy tiền phụ cha mua gạo. Đẻ con ra mà không tiền làm giấy khai sinh, không nồi chè cúng mụ nên không đặt tên con. Sẵn thấy bàn chân có tật ngón cái quẹo qua bên, nên gọi luôn là thằng Quìu.

 Hồi đầu kháng chiến, bộ đội Cụ Hồ về làng. Thấy các má, các chị góp tiền làm bánh, thêu khăn ủng hộ. Quìu thương mấy ảnh lắm. Mới 8 tuổi đã leo cau giỏi không thua người lớn, Quìu bẻ cau lấy tiền ủng hộ bộ đội. Số tiền không nhiều. Nhưng các anh thương Quìu lắm, cõng trê cổ. Vì không có tên, nên giới thiệu chẳng trọn lời:

- Đây là em... đây là em...

 Cõng tới đâu bà con hoan hô rần rần tới đó. Và cũng từ đó, Quìu có thêm cái tên ngồ ngộ: Ba Em.

 Hồi nhỏ Quìu mê coi hát giữ lắm! Gánh hát của Bầu Keo về làng, diễn vở Phạm Công Cúc Hoa. Quìu đòi riết, bà nội phải cho theo. Cô đào Nết nhập vai dì ghẻ Tào Thị xuất thần, hành hạ con chồng Nghi Xuân, Tấn Lực quá ác. Ai coi cũng giận. Ngồi cạnh bà nội ở hàng ghế hạng nhì, Quìu nghiến răng trèo trẹo, hai mắt giựt giựt. Chịu hết nổi, chạy mấy bước, đã tới sân khấu. Bất chấp mấy hàng ghế đầu dành cho mấy ông hương, ông cả, bất kể mấy ông trống kèn đờn ngồi sát sân khấu, Quìu vẹt ngang, nhảy cái ruột đã lên sàn diễn. Túm ngay được mụ Tào Thị độc ác, sẵn cái ống quết trầu bằng đồng của bà nội, quơ theo lúc nào không biết, Quìu phang túi bụi vào đầu Tào Thị. Bị đòn đau quá, sợ hãi mụ la chói lói....

 Mọi người ngỡ ngàng. Pu lít thỏi còi tu huýt inh ỏi Khi kéo được Qùiu ra, cây đèn măng xông đã bể nát, sân khấu tối thui.

 Bà nội đứng cười, chỉ biết kêu trời, lặng nhìn Quìu bị trói, dắt về nhà làng đóng trăng như những người thiếu thuế thân.

 Sáng sớm hôm sau, ông nội phải chạy đầu này đầu kia, vay mượn tiền, rồi khăn đóng áo dài, ra làng nộp phạt. Thời đó nhiều người nghèo, không có một đồng để đóng suất thế thân bị bắt bớ, đánh đập đóng trăng ở nhà làng khổ sở, vậy mà ông nội phái nộp tiền làng phat tới 1 đồng 2 cắc.

 Nhà quá nghèo, Qùiu không được cha mẹ cho đi hoc. Nhưng rắn mắc, gan lì thông minh đáng nể, bạn bè cùng trang lứa khó bì. Mới 8 tuổi, Quìu đã dám leo cây dừa cao trật ót nhà ông nội. Chờ mãi nhiều ngày mới thấy cặp chim trống mái tha cục mồi nhỏ hơn. Như vậy lúc này cưỡng con đã bể bọc cứt, dễ nuôi, Quìu mới làm cái nài để leo lên bắt chim. Leo tới đọt dừa, ổ cưỡng lớn bằng cái nơm, miệng ổ kéo dài như cái vòi, thấy bắt ham. Thọc tay vào ổ, cưỡng con không thấy, chỉ đụng cái cổ rắn nhám càm mà tay Quìu chưa giáp. Hoảng lắm chớ! Nhưng Quìu còn đủ gan và thông minh, xiết chặt cổ rắn hơn. Con rắn còn quậy mạnh đuôi, phá nát ổ cưỡng. Quìu mài đầu con rắn hổ vào thân cây dừa, vừa mài vừa tuột lần xuống đất. Gần tới nơi, quá mệt và quá căng thẳng. Quìu thả mình, rớt ùm xuống mương, ông chú Năm Hằng chạy ra vớt lên. Lúc này Quìu đã hết biết trời đất, tay còn nắm chặt con rắn hổ mang dài cả sải, đã mất tiêu cái đầu.

 Sau trận này, ông chú Năm Hằng qua nhà, nói với cha Quìu:

- Thằng này được. Gan dạ và thông minh lắm! Ráng cho nó đi học. Có thêm cái chữ, sau này ấm thân nó, lại giúp được cho xóm làng, quê hương. Bây nghèo, chuyện tiền bạc để tao lo.

 Nhờ đó mà tuổi thơ của Quìu được cắp sách đến trường, hết bậc tiểu học. Năm 15 tuổi Quìu đã tận mắt thấy được thế nào là tội ác của giặc Tây, nung đúc thêm lòng căm thù ngay từ buổi niên thiếu. Lúc này Quìu đã có thêm 3 đứa em. Cha Qùiu kéo chài trên sông, bắt cá tép không đủ nuôi vợ con, phải lãnh ruộng của bà Phó Phán trên cánh đồng giữa sông Lưu và rồng Gừa. Sông Lưu và rồng Gừa là hai đoạn sông phân nhánh của sông Sài Gòn khi chảy tới đầu cánh đồng này của 2 xã Trung An, thuộc tỉnh Gia Định và xã Tương Bình Hiệp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.

 Mỗi khi có Tây càn, bà con 2 xã thường chạy vô cánh đồng có nhiều gừa, lau, sậy, đưng, bàng để lánh giặc.

 Hôm đó cha mắc công chuyện, từ sáng sớm, Quìu phải một mình vô đồng thăm lúa. Thăm lúa và thả mấy tay lưới bén xong Quìu vô rồng Gừa lá xanh um tùm, rễ mọc chằng chịt kiếm ổ cưỡng và sáo. Quìu thích nhất là vô đây vừa nghe chim cu gù vừa làm một giấc cho đã...

 Chưa kịp làm gì đã nghe súng giặc nổ ran khắp cánh đồng.

 Trời đất! Hai chiếc tàu sắt đen trùi trũi đang nằm núp trong rồng Gừa. Có lẽ từ đêm khuya, lợi dụng nước lớn, 2 chiếc tàu sắt đã tắt máy thả trôi vào ém kín ở đây. Quìu nghĩ: như vậy lần này thì chết rồi! Thu mình trốn trong đùm rễ gừa rậm rịt Quìu thấy rõ cảnh bắn giết tàn bạo trên khắp cánh đồng. Tiếng súng nổ, tiếng kêu cứu lạc giọng, tiếng hò hét say máu man rợ của bọn giặc. Chúng sục vào các chòi lúa giữa đồng, gặp trâu bắn trâu, gặp người bắn người, gặp rẫy mía chúng quăng lựu đạn vô đốt, gặp đống lúa mới đập chúng cào hết xuống ruộng. Khói lửa mịt mù, mùi ngọt của mía pha lẫn mùi thịt người cháy khét lẹt. Lúc đầu Quìu sợ thót ruột. Sau đó nỗi căm thù đã làm tan biến dần sự sợ hãi. Mãi tới chiều 2 chiếc tàu sắt mới hả hê nổ máy chở bọn giết người trở về chợ. Giặc rút, tiếng súng ngưng bặt. Tiếng khóc than thảm thiết khắp cánh đồng. Mãi tới khuya hôm đó bà con vẫn đốt đuốc đi tìm xác người thân. Giờ đây Tương Bình Hiệp và Trung An vẫn còn đám giỗ cùng ngày của gần 300 người chết vì trận càn năm ấy. Để ghi nhớ lại mối hận thù này, có ai đó đã đặt mấy câu thơ:

 Sông Lưu đẩm máu.

 Rồng Gừa vênh râu.

 Qua năm 16 tuồi, Quìu đã dám làm chuyện động trời.

 Tây về xây bót Tương Bình Hiệp. Thằng Tây xếp bót Lơ-ri, bà con quen gọi là Tây Điên, đã gây biết bao tang tóc ở vùng này. Nó nghe và nói tiếng Việt khá rành, có lối chơi quái ác, Qùiu còn nhớ mãi không quên. Cạnh bờ sông trước bót có 4 cây trụ. Nó bắt Quìu trèo, đặt cái vỏ đạn garăng lên đầu trụ. Chưa kịp rút tay về.

- Đoàng!

 Tiếng súng nổ chát chúa. Gió mát lạnh bên tai. Cái vỏ đạn vừa đặt đã văng mất tiêu. Còn đang ngơ ngác sợ hãi, đã nghe tiếng cười hô hố:

- Ban gioi lam! ê, thằng nhỏ, ang co!

 Một tên lính patidăng cầm súng bước ra, đưa vỏ đạn khác, biểu leo lên đặt tiếp.

- Thú thiệt - ông Ba Lập kể, ánh mắt còn nguyên vẹn vẻ hãi hùng - lần đầu leo lên chưa biết nó làm gì nên chưa sợ nhiều, lần sau leo lên..... Trời ơi, Muốn té đái té cứt lận!

 Phải làm cái trò chơi chết người đó nhiều lần, về nhà Quìu nằm liệt giường, bịnh gần cả tháng. Sau đó thằng Tây Điên chuyển sang trò chơi khác. Nổi hứng, nó xách súng kiếm người chèo xuồng trên sông tập bắn mục tiêu di động. Một ngày mưa gió lê thê. Thím Ba của Quìu chèo xuồng qua sông, mua thuốc tán cho con. Hôm đó thím được chọn làm mục tiêu, trúng đạn té sấp trên xuồng, chết mà mắt vẫn trừng trừng. Trong căn nhà nát, dột bốn bề, đứa em gái ngồi vuốt mắt cho mẹ, nước mắt nhòe nhoẹt, câm lặng...

 Giữa ban ngày mà Quìu thấy toàn đom đóm. Sau suốt mấy ngày bẻ cau mướn cho Hương thân Tỏ, Quìu lầm lì chẳng nói một lời. Vác cau vô nhà, thấy cây lao bén ngót, chủ nhà vẫn dựng ở góc buồng, Qùiu lén lấy cắp đem giấu sẵn ở bụi lá ven sông...

 Hôm sau. Mặc kệ đàn muỗi háu đói. Trời sáng dần. Quìu căng mắt chờ. Kia rồi, cái dáng kềnh càng của thằng Tây Điên đang bước tới đám lá. Hai chục sải.

 Nỗi hận thù dồn cả vào cây lao bén ngót. Quìu tung người, nhảy lên, lụi thẳng vào ngực hắn. Thằng Tây Điên ở trần trùi trụi dướn người, cặp mắt xanh lè trên gương mặt đỏ au, lạ lẫm nhìn Quìu, miệng há hốc. Máu đỏ từ miệng hắn ồng ộc trào ra, phun cả vào tay áo đen bạc màu của Quìu. Chiếc lao dài gần hai sải. Trổ qua sau lưng, tới gần lút cán.

 Qua trận này, Quìu có thêm một cái tên mới, nghe rất anh chị: Quìu lút cán.

 Sau vụ đâm chết thằng Tây Điên, Ba Em phải trốn về Sài Gòn. Lúc đầu Ba Em học nghề quấn mô tơ điện ở nhà bà con xa, tại xóm Bàn Cờ. Hồi đó con nhà nghèo đi học nghề, đồng nghĩa với chuyện đi ở đợ không công phải ngoan ngoãn phục dịch nhà chủ nhiều năm, chủ có thương mới dạy cho cái nghề.

 Ba Em siêng năng, luôn cố gắng làm vui lòng chủ nhà. Suốt ngày lo dọn dẹp phục dịch cho nhà chủ.

 Ông chủ là một tay nghiền thuốc phiện. Sáng sáng, sai Ba Em ra quán mua cà phê. Gặp bữa quán đông khách, phải chờ lâu, đem cà phê về trễ, không kịp cho ổng chiêu một hớp sau cữ hút, ổng chửi không tiếc lời, có khi còn co giò đạp thẳng vào mặt.

 Ba Em đi học nghề ở Sài Gòn nhưng nhớ lắm cha mẹ và mấy đứa em. Nhớ cả con sông Sài Gòn nhiều kỷ niệm êm đềm chảy qua xứ Tương Bình Hiệp. Nhớ những buổi trưa hè cùng mấy đứa bạn trèo cây bắt cưỡng, sáo...

 Nhớ mãi lời cha: nhẫn nhịn để học cho được cái nghề .

 Vì vậy đến đây học nghề có cơ cực cách mấy, có bị mắng chửi đánh đập đến mấy, Ba Em vẫn bậm môi, nhớ lời cha dặn ráng nhẫn nhịn.

 Ông chủ thường biểu Ba Em ngồi trước đe dùng hai tay chấm hai đầu dây để ổng ngồi bên cầm đèn khò hàn nối lại. Một hôm cơn ghiền kéo tới, ngáp lên ngáp xuống, run tay, cây đèn khò không thổi lửa vào chỗ mối hàn mà thổi vào tay Ba Em. Nóng quá, giật tay ra. Chưa kịp nói gì, cây đèn khò đang phun lửa xanh lè đã mổ vào đầu, tóc cháy khét lẹt.

- Đ. mẹ, bộ mày đui hả?

 Chịu hết nổi, Ba Em đứng thẳng người co giò đạp mạnh vào đầu ông chủ, mặt đập xuống đe, máu me xối xà. Còn Ba Em, đã nư rồi, phóng ra khỏi nhà, trốn biệt.

 Sau đó, Ba Em xin vào làm cho Đốc tờ Triệu. Nói tiếng làm cho oai, chớ thực tế là tiếp tục đi ở đợ, lo chuyện nấu kim và ống chích. Sau đó chuyển qua Đốc tờ Tạo, rồi Đốc tờ Chương.

 Thấy Ba Em siêng năng lại thông minh, ham học hỏi, chủ đã cho theo lớp vừa học vừa làm ở trung tâm kỹ thuật học đường Chợ Quán, có được bằng cấp y tá trung cấp.

 Năm 1952 Ba Em là người giúp việc đắc lực cho cả vợ chồng Đốc tờ Oanh. Lúc này Ba Em đã thành chàng trai hào hoa, ăn diện bảnh bao, đi chiếc BW 250 phân khối. Ba Em ca cải lương thiệt mùi, thi bơi lội ở sông Thị Nghè, và ở bến Lăng Tô cột cờ Thủ Ngữ, thường được nhiều giải nhất nhì. Ba Em còn làm thơ, gửi đăng báo Sài Gòn mới, được bà Út Trà gửi quà thưởng.

 Ba Em được nhiều cô gái giúp việc trong nhà mến mộ, còn được nhiều nữ sinh con gái nhà giàu ở trường Gia Long ghé mắt.

 Cô Phan Thị Phấn cháu gái của bà chủ, quê ở miệt ruộng Gò Đen, Long An được Ba Em để tâm nhiều nhất. Cô gái hiền thục, có mái tóc đen huyền tha thướt. Mỗi lần chải đầu, phải đứng trên ghế mà đuôi tóc còn phủ dài trên nền gạch. Điều mà Ba Em cảm động nhất là cô gái này không hề sảnh sẹ với kẻ ăn người ở. Cô lại rất kính trọng và chăm chút từng miếng ăn chỗ ngủ cho mẹ của Ba Em, mỗi khi bà từ Thủ Dầu Một về Sài Gòn thăm con. Kể cả mấy chục năm sau, khi đã thành vợ thành chồng, những lúc Ba Em phải trốn lính chui nhủi, bị đưa ra quân trường, bị giam trong nhà tù, cô Phấn vẫn hiếu thảo với cha mẹ, thủy chung với chồng, bảo bọc nuôi dưỡng cả đàn con vừa đủ chục.

 Giúp việc cho vợ chồng Đốc tờ Oanh, Ba Em có nhiều dịp tiếp xúc với những người giàu có, làm ăn lớn ở Sài Gòn lúc đó. Sẵn có tấm lòng hướng về kháng chiến, hiểu biết về thuốc men, lại có chiếc xe máy BW 250 phân khối, Ba Em đã nhiều lần đem thuốc Tây vào bưng điền trót lọt. Một lần chở bọc thuốc Tây lớn, có nhiều thuốc kháng sinh và thuốc sốt rét rừng, Ba Em bị lính Tây đen chặn bắt ở cầu Bình Lợi, đem về giam ở bót Giếng nước quận 3, đưa sang điều tra ở bít Catina, rồi đem giam trại giam Chí Hòa. May nhờ có hiệp định Giơ- ne- vơ, Ba Em mới được thả về.

 Năm 1954 Ba Em cưới vợ. Chưa được giáp tháng đã được lệnh động viên, gọi đăng lính quân y. Bàn kỹ với vợ: Không thể đi lính, cũng không thể ở lại Sài Gòn. Chỉ còn nước trốn về Trương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một.

 Vuốt lại mái tóc tài tử, loăn xoăn bồng bềnh, thả mắt mơ màng theo làn khói thuốc, ông Ba Lập tâm sự:

- Nói thiệt, tôi không ngờ đây là buổi mở đầu cho cuộc trốn lính đầy sóng gió, dằng dặc suốt cả hai mươi mốt năm.

 Năm 1955 đẻ con gái đầu lòng, đặt tên là Lê Kim Liên. Vợ chồng Ba Em muốn luôn nhớ đến đến công ơn Cụ Hồ kính yêu, qua cái tên làng quê đã sinh ra Người.

 Trở lại quê nhà. Không ruộng đất cấy cày. Mượn được công đất bỏ hoang ven sông. Ba Em đổ ra biết bao công sức. San gò lấp trũng, đào mương lên líp, hốt phân trâu bò về ủ với tro, đào cả giếng nước để trồng rau cải.

 Một mình đào giếng, nhảy xuống giếng đào đất, xúc vô giỏ, leo lên kéo đất đem đổ. Rồi lại tiếp tục thâu đêm. Gần sáng mới về. Vợ vẫn bồng con, chong đèn thức đợi...

 Nhà nghèo, nhìn con thương đứt ruột. Không tiền mua vải. Ba Em biểu vợ đem chiếc áo dài cưới bằng gấm Thượng Hải, cắt may quần áo cho con.

 Công sức và tài ba của Ba Em đã được đền bù xứng đáng: đám cải xanh tốt bời bời. Cho dù Ba Em chỉ mới trồng được một lứa cải, chủ đất đã tối mắt, thúc hối bán cải nhanh nhanh để trả lại ruộng.

 Ba Em mượn tiếp đám ruộng khác. Lại tốn biết bao công sức để có được đám cải xanh tốt hơn. Lần này chủ đất cũng học theo cách làm y chang như chủ trước.

 Ông Lê văn Trọng, cha của Ba Em đã tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu. Chính quyền Ngô Đình Điệm kéo lê máy chém, lập danh sách khủng bố người kháng chiến cũ ở Tương Bình Hiệp. Nghe tin có tên mình trong danh sách, ông bỏ trốn về Sài Gòn, làm nghề hớt tóc dạo.

 Năm 1959, ông Trọng theo anh em về Hưng Lộc phá rừng lập rẫy. Cũng thời gian này, ở quê nhà Ba Em sống chật vật nhưng vẫn đào hầm nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Anh em quen biết nhau từ lúc còn ở Sài Gòn, qua chuyện tiếp tế thuốc men vào bưng biền.

 Lúc đó ở Tương Bình Hiệp giặc ráo riết lùng sục, bắt bớ đánh đập, bắn giết người kháng chiến cũ như cơm bữa. Hương thân Lập đã lập nhiều chiến công với giặc, bắt giết ông Nguyễn Tấn Đạt, ông Tư Đôi....Được làm xã trưởng, hắn càng thêm hung hãng.

 Ba Em đã giúp các anh nắm rõ đường đi nước bước của giặc để tránh né, sau đó đã khử được tên Lập có nhiều nợ máu.

 Vợ Ba Em lại có bầu đứa thứ 5. Ruộng đất không có lấy gì để nuôi gia đình? Hơn nữa cũng không thể sống ở đây với sự bao bó, rình rập đêm ngày của giặc. Ba Em đành chia tay với mẹ, vợ con và các em, theo cha đi Hưng Lộc.

 Nhấp chung trà đậm vừa châm, ngón út điệu nghệ gạt nhẹ tàn thuốc, cặp mắt mơ màng nhớ lại chuyện xưa, ông Ba Lập kể tiếp:

- Mấy ảnh thương lắm! Việc cách mạng bám trụ được trong dân và việc khử được tên chó săn Lập là có công Ba Em đóng góp không nhỏ. Mấy ảnh còn làm giấy létxe phế năm ngón tay (giấy thông hành có giấy lăn tay 5 ngón) ghi luôn cái tên Lê Văn Lập, cho xài.

 Anh Ba Nhỏ là người nằm hầm bí mật trong nhà lúc đó. Sau ngày giải phóng là cán bộ của tỉnh Sông Bé đã về Tương Bình Hiệp hỏi thăm gia đình Ba Lập. Biết gia đình đang ở Hưng Lộc, mừng lắm. Tội nghiệp, chưa kịp đi thăm hỏi đã bị tai nạn giao thông, chết ngay hôm đó.

 Năm 1959, Ba Em cùng cha đến Hưng Lộc phá rừng lập rẫy, vừa để tránh né giặc, vừa tạo dựng cơ nghiệp với cái tên thứ tư. Lê Văn Lập.

 Lúc mới đến, rừng cặp theo mặt lộ đã có người giành khai phá trước rồi. Thấy cách lộ còn đất rừng. Cả hai cha con lội giáp mấy lần, cùng gật đầu ưng ý, ông Ba bèn vác cái bảng cấm có dòng chữ: "Rừng cấm số 13" đem tuốt vô rừng sâu hơn nữa, cắm xuống đất:

- Cho mày cấm từ đây!

 Hồi đó rừng này còn nhiều cây lớn, cỡ cái thùng phi. Đốn hạ cây xong, đoạn ra từng khúc, bán cây, bán củi mua gạo, mắm muối để phá rừng dọn rẫy tiếp. Trên cây cao hai ba chục thước, ong mật đóng đặc khừ, thấy bắt ham. Ba Lập dùng thế, đóng cọc vào thân cây, từng bước leo lên tới ngọn ăn ong, bán lấy tiền gửi về cho vợ và mẹ nuôi em với đàn con ở quê nhà.

 Trong rừng hồi đó còn nhiều cọp beo, heo, khỉ, cá sấu, rắn rết....Ngay trước sân nhà đang ở hiện nay, cọp đã vật chết ông Bái người Thượng. Chung quanh đây có bốn năm cái mả chôn người chết vì cọp vồ, toàn là bà con xứ khác tới phá rừng lập rẫy.

 Dọn đất xong. Vụ đầu tỉa bắp. Đất rừng mới khai phá, bắp xanh tốt mượt mà. Lúc bắp có trái, khỉ bầy hàng mấy trăm con kéo tới bẻ phá. Ba Lập tìm cách đánh bẫy. Bắt sống được hơn ba chục con. Trói thúc ké, cột phơi nắng, chúng la hét inh ỏi. Đám còn lại sợ hãi, dạt mất tiêu. Sau đó đem bán bọn "tù binh" khỉ này, mua được mấy tạ gạo.

 Ba Lập tự hào nhiều lắm về dòng họ Lê của mình. Dòng họ oai hùng có nhiều người tài giỏi, nhiều công trạng với dân với nước. Thời xưa có Lê Đại Hành, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Qúi Đôn, Lê Quang Bình....ThờI nay có Lê Hồng Phong, Lê Duẩn...

 Ba Lập là con nhà nòi.

 Ông nội là Lê Văn Tễ, đã từng vác dao theo Thiên địa hội chống Tây, anh ruột của ông nội là Lê Văn Hằng cũng ghét Tây nhưng theo Đảng Cộng sản, hoạt động cách mạng, bị giặc đày ra Côn Đảo. Năm 1945, cách mạng thành công mới được anh em rước về đất liền. Hiện nay ở thị xã Thủ Dầu Một có con đường mang tên Lê Văn Hằng.

 Ba Lập hận giặc Tây nhiều lắm chớ. Chỉ muốn đi theo con đường các ông và cha đã ra đi.

 Khi còn nhỏ đã đâm chết thằng Tây Diên để rửa hận cho mình và thím ruột. Lớn lên, Ba Lập khi ở Sài Gòn đã nhiều lần tiếp tế thuốc Tây vào bưng biền, ủng hộ kháng chiến, đã bị giặc bắt bớ, giam cầm nhiều lần.....

 Suy nghĩ nát óc: cảnh nhà không đi kháng chiến được, phải ở lại làm ăn nuôi mẹ, nuôi em và vợ con. Nhưng ở lại nhà, làm sao sống yên được với giặc?

 Lúc này mẹ, các em cùng vợ con đã trở về ở chung tại Hưng Lộc. Ba Lập đã cùng người em kế ]à Tư Lanh trốn lính mút mùa. Ba Lập đã chịu tốn lần lượt hơn cả chục cây vàng lo lót cho thầy chú để làm 5 căn cước giả. Xài bốn căn cước đầu, cả bốn lần bị phát hiện bắt giam. Xài tiếp tấm căn cước thứ 5, giặc chưa kịp bắt, đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Tấm căn cước sau cùng mang tên Lê Văn Hải, hiện đang nằm ở nhà Bảo tàng Đồng Nai.

 Còn chuyện trốn lính và nơi trốn lính của Ba Lập nhiều lắm, kể sao xiết!

 Nhờ cái dáng tròm ròm, trên môi có bộ râu cá chốt quảnh lên, dưới cằm, râu rậm rì thả dài tới ngực. Ba Lập lại hay đội cái nón cối bằng nhựa rộng vành, nên dễ có bề thế xưng ông xưng bác với đám lính trẻ.

 Cái khó ló cái khôn.

 Trốn lính ở Hưng Lộc, sống ngay tại nhà cùng vợ con, nhưng trong tờ khai gia đình và tấm hình chụp chung cả nhà để làng xã kiểm soát đều không có tên, cũng không có hình của Ba Lập. Lúc cần, Ba Lập ngồi nhậu ngất ngưởng cả buổi cùng thầy chú cỡ cảnh binh, hội đồng xã, trưởng ấp. Có lúc trốn biệt trong nhà. Nghe đài phát thanh Mặt trận giải phóng. Có lúc thấy mòi không êm, phóng cái rột, Ba Lập đã vô tới rây, ở cạnh mé rừng. Khi ở Hưng Lộc động quá, Ba Lập lội rẫy băng rừng dạt qua xã Bàu Hàm. Lúc này cha mẹ và các em đã vô đây phá rừng lập rẫy mới. Đây là khu dinh điền của bà con người Hoa - Nùng do chính quyền Diệm đưa từ Móng Cái vô năm 1945. Có lúc Ba Lập được ông Năm Tiêu làm việc ở trại Thực Nghiệm Hưng Lộc cho vạch rào chui vô trốn lính. Đất trại rộng mênh mông, công nhân đông cả trăm, giặc chỉ càn bắt lính ở ngoài rào. (Sau ngày giải phóng mới biết ông năm Tiêu là đảng viên nằm vùng). Chính trong thời gian trà trộn vào công nhân của trại để trốn lính – Ba Lập - con người luôn ham mê cái mới đã học hỏi được nhiều kỹ thuật nông nghiệp mà các chuyên gia nước ngoài thực nghiệm ở đây. Cũng từ nơi đây Ba Lập đã lấy cắp được nhiều giống bắp, cao lương, khoai lang qúi Trốn lính mà vẫn lo gầy giữ giống, lòng vẫn mong chờ một ngày mai...

 Có khi cả Hưng Lộc, Bàu Hàm giặc càn bố mạnh, Ba Lập lại trốn lính ở vùng công giáo Hố Nai. Phụ vợ đem bán sầu riêng, mít, chuối ở chợ Thái Bình. Nghe chuyện linh mục che chở cho thanh niên trong giáo xứ trốn quân dịch, cảnh sát ruồng bố cũng khó bề bắt lính ở đây. Ba Lập lân la làm quen với gia đình ông Vũ Văn Giang ở giáo xứ Ngọc Bồng. Lần hồi Ba Lập được vào làm thợ cưa xẻ gỗ, được ở luôn trong trại cưa của gia đình. Có lúc cùng con chủ nhà theo xe đi Long Khánh mua cây gỗ. Hiền lành, khéo léo, tận tình giúp đỡ mọi người trong gia đình và cả bà con chòm xóm. Ba Lập còn được gia đình giúp cho cây gỗ làm chuồng trại nuôi hơn 600 con thỏ. Chuyện quan trọng nhất là được trốn lính an toàn, khỏe ru gần ba năm cho đến ngày giải phóng.

 Thật vậy, không khỏe sao được khi sống trong tình yêu thương, che chở của gia đình, bà con chòm xóm. Cha xứ vừa dặn dò con chiên ở nhà thờ: Thanh niên không ra đường vì có cảnh sát ruồng bố bắt quân dịch. Ba Lập biết tin liền ngay sau đó, khi có lính đến gần nhà, Ba Lập chui vô thùng phi, bên ngoài đã có mấy cậu em che đậy chu toàn không thua ở hầm bí mật.

 Mới đây thôi, mùa chôm chôm năm 2000 chín đỏ vườn. Cậu con trai của gia đình công giáo ở Hố Nai vừa đưa cả vợ con, dâu rể, em út, cháu nội ngoại gần 30 người ngồi chật chiếc xe Labô vận tải nhỏ đến thăm. Ba Lập vui vẻ nhìn đàn cháu nhỏ ríu rít dưới gốc Sơri, chôm chôm chín đỏ, xà sát đất, vừa ăn vừa hái ôm ra xe. Nghe nhắc đến tên Ba Thỏ, Ba Lập ngậm ngùi nhớ đến ông bà cụ năm xưa đã cưu mang mình trong những ngày trốn lính cơ cực...

 Ông Ba đã bị đưa ra tòa tiểu hình ở Biên Hòa về tội trốn lính, sau lại ra tòa đại hình ở bến Bạch Đằng Sài Gòn với can tội: Bất phục tùng, vượt ngục, bốn lần sử dụng căn cước giả, qua mặt nhà chức trách.

 Tòa tuyên án: 8 năm tù giam!

 Ba Lập nói ngay tại tòa:

- Tòa xử, tòa ở!

 Mà thiệt, bắt giam Ba Lập như bắt cóc bỏ dĩa. Lần đầu, giam ở phòng thông tin xã Hưng Lộc, có cả trung đội dân vệ gác bên ngoài, Ba Lập khoét ngách trốn dễ ợt. Lần sau, giam xong, đưa ra quân trường Vạn Kiếp, Ba Lập rủ thêm một người cùng trốn. Lần sau cùng, ở trại giam lao công đào binh Sư đoàn 18 của tướng ngụy Lê Minh Đảo, Long Khánh. Vợ đến thăm nuôi nhìn chồng mặc áo tù có sọc, đầu cạo trọc, có lính cầm súng dí trước ngực, dí sau lưng, thương quá, khóc ròng. Ba Lập giả đò cúi xuống xách giỏ đồ ăn thăm nuôi, nói nhỏ vừa đủ nghe:

- Về đi, vài bữa tôi về!

 Ba Lập đã nói là làm, chưa hết tuần sau đã tìm cách đánh gục tên lính áp giải, lột bỏ quần áo tù, trần trụi băng rừng cao su, bỏ trốn về nhà với vợ con.

 Sau hiệp định Paris giặc càng o ép mạnh, việc trốn lính của Ba Lập càng thêm gian nan, vất vả. Nhưng càng nung đúc cho Ba Lập thêm khôn khéo, nhanh nhẹn, nhất là cái tánh thẳng mặt chống đối với cái ác, cái bất công đã có sẵn trong máu từ buổi còn ấu thơ.

 Năm 1972 Ba Lập lại làm thêm chuyện động trời.

 Sau nhiều ngày trốn biệt ở đám rẫy mới khai phá ở Bàu Hàm, Ba Lập lén về nhà thăm mẹ. Thấy con thương đứt ruột, người mẹ vẫn thúc hối đi ngay vô rẫy vì cảnh sát đang lùng sục bắt lính. Chưa kịp đi, đã nghe tiếng súng nổ gần nhà. Tiếp đó là tiếng kêu khóc thảm thiết của người vợ. Bà con xúm lại ngày càng đông. Cạnh hàng rào dâm bụt, anh thanh niên người Nùng nằm sóng xoài bất động trên vũng máu, mắt mở trừng trừng. Người vợ tóc tai rũ rượi, thai đã vượt bụng, đang ôm xác chồng gào thét thảm thương.

 Nhớ chuyện năm xưa ở quê nhà. Hình ảnh đứa em ôm xác mẹ, đầm đìa máu, Ba Lập lại thấy mắt giựt giựt, hàm răng nghiến chặt. Quên mất thân phận đang trốn lính, bước lại gần tên giết người, Ba Lập nạt lớn:

- Tội gì, bắn chết người ta?

- Trốn lính!

 Hai tiếng trốn lính làm cho Ba Lập nổi ôn. Chân bước tới, một tay gạt văng khẩu súng, tay kia đấm thẳng vào sau gáy, tiếp đó là cú đá như trời giáng vào hạ bộ. Hắn chắng kịp kêu tiếng nào, ôm bụng đổ nhào xuống vũng máu người vừa bị chính hắn giết hại.

 Vừa quay đầu chạy, thấy ông Chu Việt Thiêm, người dân tộc Nùng đánh xe bò chở chuối vô nhà. Kéo tay ông trở lại, Ba Lập chỉ tay vào tên trung úy đang nằm bất động:

- Tôi vừa đập, vì nó bắn chết đồng bào sắc tộc của anh!

 Thấy Ba Lập bỏ chạy đã xa, bà con mới hô hoán:

- Thằng già có râu đánh chết ông cảnh sát trưởng rồi!

 Lính tráng kéo tới đông nghịt. Trực thăng đáp xuống chở tên trung úy đi luôn. Sau đó không thấy trở lại.

 Ông Việt Thiêm cũng có bộ râu cá chốt, lại có mặt sớm ở đó, nghe bà con hô hoán như vậy, phải lánh mặt cả tháng sau thấy êm mới trở về. (Sau ngày giải phóng, Ba Lập mới biết ông Chu Viết Thiêm là đảng viên nằm vùng xã Bàu Hàm).

 Sau đó chi bộ Đảng đã vận động bà con vác biểu ngữ có cả máy cày chở xác người bị nạn lên xã đấu tranh đòi bồi thường, đòi phải chấm dứt bắt lính và đàn áp....

 Giờ đây xã Bàu Hàm đã đổi tên là xã Sông Thao. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu là xã Anh hùng.

 Cũng chính vì việc Ba Lập đánh gục tên trung úy trưởng cục cảnh sát Bàu Hàm mà khi tỉnh xét và đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, ở địa phương đã rộ lên chuyện: Ba Lập là nhân viên CIA.

 Sau giải phóng, có lần một cán bộ đến tận nhà hỏi Ba Lập về chuyện này. Nghe xong, ông ta vừa hỏi, vừa vỗ bàn: .

- Đánh nguc thằng trung úy của giặc giữa ban ngày, sao nó không bắt anh bỏ tù? Sao anh vẫn còn? Vẫn được yên lành?

 Đã bị bầm dập quá nhiều về chuyện này, công biến thành tội, Ba Lập không trả lời mà lớn giọng hỏi ngược lại:

- Vậy sao chiến sĩ cách mạng đi đánh giặc, hết đồn này tới đồn khác, giặc rào kẽm gai, kể cả hàng rào điện tử mà cũng cứ đánh hoai, đánh hoài. Sao vẫn còn? Như ông đây nè! Còn tôi là dân, đánh nó rồi trốn riết trong rẫy trong rừng. Sao lại không còn? Sao lại không yên lành được?

 Nói xong, Ba Lập vỗ bàn cái rầm, mạnh hơn bình trà văng xuống đất, bể nát.

 Cha đang bệnh, nằm trên võng bên cạnh, chỉ biết kêu trời...

 Sau ngày giải phóng, Ba Lập thôi sống cuộc đời trốn lính, tù đày, cất mặt làm ăn với đời.

 Mà thiệt, nhờ làm ăn giỏi, lại hay giúp đỡ người gặp khó khăn, cơ nhỡ nên ngay từ những ngày đầu giải phóng, Ba Lập đã được bà con mến mộ, tặng cho nhiều danh hiệu vua.

 Đang lúc thiếu đói, kiếm được giống cao lương có năng suất cao, trồng được gần 2 mẫu, đi qua ai cũng thấy ham. Ba Lập rủ rê, hướng dẫn cách trồng, cho luôn cả hột giống nên được tặng danh hiệu: Vua cao lương.

 Nhớ câu: Có ăn lai rai, nhờ khoai nhờ củ.

 Có ăn no đủ, nhờ củ nhờ khoai!

 Ba Lập gây và nhân giống khoai Tài Nung. Đây là giống khoai lang ngon năng suất cao mà khi trốn lính ở trại Thực nghiệm Hưng Lộc, đã lén ăn cắp dây giống, đem trồng ở rẫy nhà. Ba Lập thường tự hào về bàn tay vàng, cùng với cái đầu chịu quan sát, học hỏi của mình.

 Thật vậy, đám khoai lang Tài Nung rộng cả mẫu, đạt năng suất trên 40tấn/ha, đang lúc thiếu đói. Nhiều người xin giống về trồng. Việc này đã giúp cho Ba Lập có thêm cái tên mới: Vua khoai lang. Sau đó, Ba Lập nhân một số đậu xanh, đậu nành giống mới cho Viện nghiên cứu Nông nghiệp Nam bộ. Nhờ có phương tiện, nhất là nhờ nắm vững kỹ thuật, lại chăm sóc kịp thời nên giống của Ba Lập lại rất tốt. Viện đã mời về dự tổng kết và tặng bằng khen. Bà con nông dân địa phương lại có dịp tặng thêm tên mới: Vua nhân giống đậu.

 Chuyện làm kinh tế của gia đình Ba Lập mới nghe qua cũng chẳng giống ai. Đã có không ít cán bộ quản lý tập đoàn, hợp tác xã lợi dụng cương vị để vun vén cho mình. Với Ba Lập thì ngược lại. Chẳng những dồn hết sức lực, trí lực, Ba Lập còn đem cả tài sản đắp bồi cho tập thể. Chỉ riêng khoản chi phí tiếp khách, có đoàn gần cả trăm, giúp đỡ cho sinh viên ăn uống trong thời gian thực tập và chi phí cho việc đi học nghiệp vụ nhiều tháng ròng rã, Ba Lập đều không đụng đến quỹ của tập thể, chỉ tự mình gồng gánh, quả là con số không nhỏ.

 Nhiều người xuýt xoa khen ngợi vườn tiêu sai trái của Ba Lập, có nọc tiêu hái tới 26kg, có nhiều nọc tiêu không mặc quần tà lỏn vì trái xòa sát đất. Nhưng mấy ai đã nghĩ tới chuyện Ba Lập vì lo việc chung mà vườn tiêu của nhà xơ xác lụi tàn?

 Thấy kinh tế gia đình sa sút, Ba Lập đã trồng rau cải mùa mưa. Thông thương giá rau cải mùa mưa tăng gấp rưỡi, có khi gấp đôi so với rau cải mùa khô nhưng ít người trồng vì mùa mưa khó trồng, lại có nhiều sâu bệnh.

 Có lần đến tận nơi, nhìn thấy tận mắt đám rau cải của Ba Lập đều chằn chặn lúc nhổ bán, một cây nặng từ 1-1,5kg, mới thấy được cái khéo léo, cái tài hoa của Ba Lập. Rau cải mùa mưa khó trồng mà có đợt Ba Lập thu hoạch gần 20 tấn. Lần này bà con lại phong tặng: Vua rau cải mùa mưa.

 Nghe báo chí giới thiệu, có mấy tập đoàn trồng rau ở Củ Chi, Hốc Môn đã đến trao đổi, học tập. Ba Lập phải để cả ngày trời để tiếp đón, dùng tiền túi đãi cơm trưa cho cả đoàn gần đến trăm người.

 Ở mỗi vùng sản xuất nông nghiệp đều có những khó khăn khác nhau. Nhưng có lẽ ít nơi nào lại nhiều khó khăn như ở Hưng Nhơn. Ở đây thuộc vùng bán sơn địa, thế đất vặn xa, chỗ cao chỗ trũng, như chảo úp chảo ngửa, chó vá da beo. Cả ruộng và rẫy đều có đủ đá trồi đầu, lẫn đá chìm trong đất, trong đất có cả sỏi đỏ xen lẫn đá xanh. Ở đây thế đất ương điền. Cấy lúa thì thiếu nước, trồng bắp khoai mì thiếu khô vì oi nước.

 Vụ đầu tập đoàn ba chỉ có 3, 8ha, vụ kế xã giao thêm 8ha đất vắng chủ. Với số diện tích này, làm sao có đủ lương thực để ăn, nói chi đến chuyện làm giàu, đóng góp cho nhà nước? Ba Lập suy nghĩ mãi: Đất hoang hóa, cỏ mọc lút đầu, chuối cỗi lơ thơ phải được khai phá cho lúa màu mọc lên. Không chịu kiểu đi làm kẻng, chấm công theo buổi. Chỉ có con nít, người già ra đồng làm sao khá nổi? Ba Lập đã nghiên cứu và áp dụng theo kiểu khoán việc cho từng hộ gia đình. Sau đó chuyển sang khoán sản phẩm cuối cùng, dựa theo kế hoạch chung định mức có vật tư, định mức công lao động, có quy trình kỹ thuật. Rõ ràng cách khoán mới đã kích thích niềm hăng say lao động của mọi người, gắn liền trách nhiệm với quyền lợi, bỏ hẳn tư tưởng ỷ lại cha chung không ai khóc. Nhờ cách khoán này mà bà con hăng hái rủ nhau đi....đẻ đất. Đẻ đất là cách nói vui ở tập đoàn 3 Hưng Nhơn. Trên diện tích nhận khoán có nhiều chỗ trước đây không sản xuất được, nay bà con tự làm hoặc vần công với nhau xeo đá, phá gốc, vác đá ra đắp bờ ruộng bậc thang. Chỗ thấp giữ được nước để cấy lúa. Chỗ cao đào mương vét rãnh cho đất ráo nước, rỏ phèn để trồng khoai, bắp, mía. Nhiều đám ruộng pháo đài có bờ đá chất cao và rộng 1-2 m. Đổ thêm công sức để có thêm đất cấy ìúa, thêm đất trồng màu, phần sản lượng vượt trội này, người lao động hưởng trọn, ai mà không ham!

 Việc giao khoán đã thổi luồng gió phấn khởi vào tập đoàn và hợp tác xã. Lúc này ở miền Bắc đã có chuyện khoán chui (lén giao đất cho từng hộ gia đình). Một số cán bộ ở huyện và ở tỉnh biết chuyện Hưng Nhơn khoán sản phẩm nhưng vẫn cứ lờ đi. Nhờ đó khi Ban Bí thư trung ương Đảng vừa ra chỉ thị 100 về khoán sản phẩm đến người lao động, thì báo Đồng Nai cơ quan ngôn luận của tỉnh đã có ngay bài báo: Khoán sản phẩm ở xã Hưng Lộc.

 Có lẽ không nơi nào trong tỉnh, đất đai lại manh mún như ở Hưng Nhơn. Nhờ làm khoán mà tập đoàn 3 Hưng Nhơn mở ra được 36 ha nhưng lại có đến 619 miếng ruộng. Miếng rộng nhất chưa quá 1. 000m2, hẹp nhất chỉ vừa bằng tấm chiếu đôi. Vùng đất phát quanh vùng rừng U Minh, Cà Mau, Rạch Giá làm ruộng khó khăn, phải dùng cây nọc thọc lỗ để cấy lúa. Ở đây đá lớn xeo bẩy, đá nhỏ hốt đem ra bờ, khi cáy cũng phải dùng nọc thọc lỗ, bàn tay cầm mạ còn phải quấn kín giẻ vào đầu các ngón tay, vậy mà gốc lúc xanh vẫn chan hòa máu đỏ. Sỏi đá sắc lẻm vẫn còn trong ruộng, làm sao hốt sạch? Từng người làm ruộng đã cực, Ba Lập là người luôn sâu sát, quản lý 619 miếng ruộng đó còn cực đến chừng nào?

 Đất đai ở Hưng Nhơn như vậy nên trước đây năng suất lúa chỉ 1- 2tấn/ha, khó lòng vượt qua 3tấn/ha. Nhờ làm ăn tập thể, đặc biệt là nhờ cách giao khoán, tuy giao mức cao đến 5- 6tấn/ha lúa nhưng có nhiều gia đình đổ thêm nhiều công, nhiều phân bón, trong vụ Đông- Xuân đã đạt tới 9-10tấn/ha lúa là bình thường.

 Ba Lập là người luôn say mê với cái mới. Thấy vợ chồng kỹ sư Nguyễn Đăng Khoa làm đám lúa thí nghiệm giống mới. Lúa tốt thấy ham. Tuy là chỗ thân tình mà hỏi mua không bán, hỏi xin cũng không cho. Vì đây là nguyên tắc thí nghiệm. Ngày gặt lúa còn có cả người cầm súng canh giữ. Ba Lập thoáng nghĩ nhưng không dám tính chuyện ăn cắp như đã từng làm khi còn trốn lính. Suy tính mãi: Chỉ còn nước đi mót.

 Lật đống rơm vừa tuốt xong, thấy không còn sót hột lúa vì làm quá kỹ. Đành bó tay sao? Bỗng thấy đàn bồ câu nhà ai lượn một vòng rồi đáp xuống ruộng lúa thí nghiệm vừa gặt xong. Đúng rồi! Chim bồ câu không ăn lúa đám mà chỉ mổ lúa rụng trên ruộng. Bất chợt, Ba Lập nhớ chuyện mót lúa rụng bằng cách dùng khăn ướt chấm từng hột.

 Giữa trưa nắng. Ba Lập đi như chạy về nhà cha ở gần đó. Vô nhà chỉ kịp chào hỏi mấy câu, ra ngay nhà tắm, quơ vội chiếc khăn cũ, nhúng ướt rồi chạy nhanh ra đám ruộng thí nghiệm. Đã mấy ai biết được giữa buổi trưa nắng gay gắt hôm đó, ông Lê Văn Lập - Phó chủ nhiệm hợp tác xã Hưng Nhơn đã kiên trì dùng khăn chấm từng hột lúa rơi? Đem về tự tay phơi khô, quạt sạch còn được 2,2kg. Ba Lập cho mời ông Tư Bình ở đội đến bàn bạc và hướng dẫn cách làm ruộng giống gieo mạ thưa, cây lúa một dảnh, chăm sóc đặc biệt. Vụ đó từ 2,2kg lúa giống đi mót, làm đúng theo sự hướng dẫn cấy trên một sào, ông Tư Bình gặt được 460kg lúa, bung rộng giống mới ra cả HTX vụ kế tiếp. Qua vụ sau nữa, nhiều tập đoàn trong xã huyện, tỉnh đã đến đổi hơn 40 tấn lúa giống. Trong đó có cả tập đoàn l xã Hiệp Hòa, con chim đầu đàn của tỉnh cũng đến đổi 1,5 tấn. Mãi 4 năm sau nhà nước mới công nhận và đưa rộng ra đồng ruộng giống lúa mới này, với cái tên IRI13. 240536.

 Giờ đây tuổi đã vào loại xưa nay hiếm, sức khỏe ông Ba Lập đã sút giảm nhiều. Vợ con phải đổ hồ trợ sức như pha sữa, quậy bột sắn dây, nấu cháo, nấu lá thuốc nam, kể cả chưng mấy lát sâm cao ly. Vậy là Ba Lập vẫn dành phần với người con trai đang độ tuổi thanh niên để leo cao, mé nhánh mấy cây điều già lão. Ông phân bua:

- Nó mạnh khỏe, vai u thịt bắp đó, nhưng sợ chưa đủ kinh nghiệm leo trèo, mình còn đang ráng được, làm luôn cho yên tâm.

 Không chỉ thương yêu con mình, gặp chuyện, Ba Lập dám xả thân để kịp thời cứu đứa con người khác khi gặp nạn.

 Đó là chuyện gần 30 năm trước. Thằng Tài mới 3 tuổi, con bà Sáu Lãnh ở ấp Hưng Nghĩa té xuống giếng sâu trên 13 sải, miệng giếng rộng bằng cái nia vừa nghe tiếng la Ba Lập đã phóng ra tới cạnh giếng. Không kịp suy nghĩ, buông tay nhảy ào xuống. May sao đụng liền thằng nhỏ, xốc nó lên vai ngay trong lòng giếng cho nước ọc ra. Trên miệng giếng, bà con xối nước xuống ào ào cho dễ thở. Dây thòng xuống, cột vào ngang hông, ôm nó cùng lên. Tới bờ giếng, Ba Lập sải tay, ngất lịm. Sau này có lần đi ngang, nhớ chuyện cũ, ghé mắt dòm xuống mọc óc cùng mình, sợ nguội. Ba Lập tự hỏi không biết sao lúc đó mình dám làm như vậy? Giờ này thằng Tài năm xưa đã quá 30 tuổi nhưng vẫn còn nhớ mãi. Gặp vợ chồng Ba Lập chỉ một điều: ba ba, má má.

 Ba Lập có tánh hay thương người gặp cảnh ngộ khó khăn. Nhà có bụi tre trồng từ hồi mới lên đây lập nghiệp chiếm đất gần cả sào, mỗi năm nhảy mụt có thêm hàng trăm cây. Ba Lập chớ hề có bán cho ai, chỉ để giúp bà con lối xóm. Từ cây tre sửa nhà, Iàm vạt giường cho vợ đẻ, cây ăngten cho tivi mới sắm, kể cả Ba Lập treo bóng đèn công cộng....cũng đến nhờ ông.

 Mấy năm đầu tập đoàn Ba Lập Hưng Nhơn còn biết bao khó khăn. Có 5 gia đình nghèo khó nơi xa cùng rủ nhau đến ấp Hưng Nhơn trú ngụ. Nói trú ngụ chớ họ làm gì có nhà cửa. Đùm túm nhau vào các chòi giữ rẫy để ở. Họ làm gì có tiền bạc để mua gạo, khoai, bắp. Quá đói, đào trộm khoai, bẻ trộm bắp, lén chặt cả chuối, mít non nấu ăn tại rẫy. Chủ rẫy bắt được, nhiều người thông cảm bỏ lơ. Có người giận dữ bắt tróí, đem mấy đứa nhỏ giao cho Ba Lập, ông bàn bạc với tập thể giao cho họ những chỗ rẫy còn hoang hóa, giúp đỡ gạo bắp cho ăn, hướng dẫn và đưa cả phân bón, giống má cho họ làm ăn như người trong tập đoàn. Vì không có hộ khẩu, lại bị thưa gửi về tội trộm cắp vặt trong rẫy, có nhiều gia đình là binh lính, sỹ quan chế độ cũ, công an xã ra lệnh đuổi. Ba Lập đứng ra can thiệp. Trong số này có gia đình Ngô Bá Tứ là sĩ quan lái máy bay thám thính L.19, chuyên chỉ điểm cho giặc đánh phá xóm làng. Ba Lập cảm động vì thấy Ngô Bá Tứ còn mẹ già, chăm sóc mẹ rất đỗi hiếu thảo nên càng ra sức bảo bọc. Sau này có nhiều người làm ăn khấm khá, mua thêm ruộng rẫy, có người về làm ăn ở thành phố....vẫn nhớ mãi ân tình của Ba Lập.

 Nắng chiều cuối xuân dìu dịu. Con đường đất đỏ chạy sâu vào ấp Hưng Nhơn giờ đã thẳng tắp, phẳng lỳ. Hàng cột điện chạy dài mút mắt. Ông Ba Lập tiễn chân người cháu gái sắp theo chồng sang Thụy Sỹ vừa ghé thăm ra tận cổng. Cô gái nắm chặt mãi cánh tay ông, tha thiết:

- Năm sau về nước cháu ghé thăm bác Ba. Giờ đây Hưng Nhơn đổi thay nhiều quá! Đúng như bác Ba đã nói: Đất lành chim đậu!

 Giọng cô chùng hắn xuống, tiếp lời:

- Nhưng phải có người lành nữa Bác ạ.

 Ông Ba Lập chớp chớp mắt, nhớ lại chuyện năm xưa tập đoàn 3 ãã cưu mang 5 gia đình nghèo đói đến đây trong đó có gia đình cô gái này. Lúc ấy cô còn là đứa bé 8-9 tuổi gầy yếu xanh xao. Cô bé bị bắt đưa tới nhà ông vì tội bẻ trộm chuối xanh nấu ăn tại rẫy ông Mười..

Trương Bá Tuấn (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.