Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Huề   11-03-2014
Anh hùng Nguyễn Văn Huề sinh năm 1931, dân tộc Kinh, quê ở xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ đặc công thuộc đại đội 250 đặc công chủ lực Miền. Ngày 7 tháng 7 năm 1954, phân đội đặc nhiệm gồm 6 người, trong đó có Nguyễn Văn Huề, nhận nhiệm vụ đánh Mỹ đầu tiên tại Biên Hòa. Với sự yểm trợ của một số tổ tự vệ, các anh nghiên cứu tình hình địch, nhằm đúng ngày Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên ghế thủ tướng. Tổ chiến đấu cải trang như một toán lính tuần tiễu từ Gò Me đi thẳng vào cư xá, các chiến sĩ đặc công nhanh chóng áp sát cư xá đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG). Tổ của Nguyễn Văn Huề chia thành 3 nhóm; Huề và 1 đồng đội mang mìn theo lối cửa hông, đặt vào trong phòng. Đèn bật sách, sợ lộ, các anh phải hành động gấp. Không để địch kịp phản ứng, đối phó, Nguyễn Văn Huề đã dũng cảm chấp nhận hy sinh, lệnh cho bạn “chập điện”. Tiếng nổ mạnh làm rung chuyển khu vực cư xá, nhiều tên địch phải đền tội. Nguyễn Văn Huề hy sinh, 5 đồng đội của anh quét tiểu liên vào chỗ có tiếng kêu gào rên la của Mỹ, rồi rút an toàn. Phối hợp nhịp nhàng với tổ đánh cư xá, bên ngoài các đồng chí khác nổ súng kìm chân địch, bảo vệ các chiến sĩ đặc công. Trận đánh diễn ra không đầy 15 phút, làm địch không kịp trở tay. Tiếng súng diệt Mỹ nơi đây đã cổ vũ và thúc đẩy phong trào cách mạng miền Nam phát triển rộng khắp. Đồng thời, đây là đòn cảnh báo bọn can thiệp Mỹ nếu chúng lấn sâu can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Người dân Biên Hòa vô cùng tiếc thương và cảm phục hành động quả cảm của người chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Huề. Ngày 28 tháng 4 năm 2000, Nguyễn Văn Huề được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

TIẾNG SÉT BÁO HIỆU

 “KỶ NGUYÊN VIỆT NAM ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN MỸ”

 Kho lưu trữ Trung ương 2 thành phố Hồ Chí Minh hiện còn giữ một bức điện, màu giấy đã ố vàng trong phông phủ tổng thống, do bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần của chế độ Sài Gòn gửi đại sứ Mỹ ngày 9 tháng 7 năm 1959 về việc “chia buồn” của tổng thống Ngô Đình Diệm sau trận tiến công của ta vào cư xá cố vấn quân sự MAAG của Mỹ ở Nhà Xanh (Biên Hòa) tối 8 tháng 7 năm 1959 làm chết hai tên là thiếu tá Dale. R. Buis và trung sĩ Chester M. Ovand, đại úy Boston bị thương.

 Ở nghĩa trang Arlington (thủ đô Washington) người ta dựng bức tường đá hoa cương đen lớn đủ danh sách hàng ngàn nhân viên quân sự Mỹ chết do dính líu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Hai cái tên khắc đầu tiên trên tấm bia khổng lồ này chính là hai cố vấn quân sự trong điện văn “phân ưu” của tổng thống chế độ Sài Gòn đương thời. Theo sách báo Mỹ, cái chết của hai người này mở đầu “kỷ nguyên Việt Nam đối với chính quyền Mỹ”. Tại sao họ chết mở đầu cho một trang sử ám ảnh lương tri của người Mỹ suốt nửa cuối thế kỷ 20 gây ra cái gọi là “hội chứng Việt Nam”?

 Trưa ngày 7 tháng 7 năm 1959.

 Năm Huề nằm ngoài thềm ngôi miễu nhỏ lọt giữa vạt rừng chồi rộng vài mẫu xóm Gò Me, ấp Lân Thành, ngay giữa tỉnh lỵ Biên Hòa. Mây trắng bay lãng đãng, liên tục thay hình đổi dạng, lúc là những cụm bông xốp, lúc xơ tơi tả. Con chim cu cườm đậu đâu đó trong bụi tre rìa xóm cất vài tiếng gáy gọi bạn tình. Hồi nãy, bóng một bà già thấp thoáng ở bìa vạt chồi trao giỏ bánh mì cho anh Năm Hoa khiến anh nhớ tới mẹ. Anh nghĩ nếu bả còn sống chắc cũng trạc tuổi bà đưa giỏ bánh cho bọn anh. Anh không sao hình dung nổi khuôn mặt người mẹ thân yêu, cha anh chỉ để lại vài kỷ niệm nhạt nhòa trong ký ức tuổi thơ. Anh chợt nhớ đứa con gái đầu tên Rõ, hai tuổi. Khi anh ra đi theo anh Tư Văn, nó còn nhỏ xíu, bây giờ gặp lại chắc sẽ nghe bi bô những tiếng “ba, ba... ” ngọt ngào, cái nấm lũm đũm biết đi sà vào lòng anh sao thân thương đến thế ! Anh miên man thả hồn theo đám mây trôi về nơi chôn rau cắt rún ở tít phía Bắc bên kia sông Đồng Nai trong xanh.

 Nơi anh ra đời là đồng Trường làng Chánh Hưng (tổng Chánh Mỹ Hạ, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ) nằm từ vàm Sông Bé ngược lên, sát bìa rừng già chiến khu Đ. Hồi trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 làng có 6 xóm. Nếu những xóm làng phía hạ lưu sông Đồng Nai đông vui, trù phú thì làng anh thuộc nơi sơn cùng thủy tận, khỉ ho cò gáy heo hút. Mỗi xóm chẳng qua chỉ là nơi đồng bào dân tộc Chơro cùng một số ít người Việt đến móc lõm. Cha mẹ anh làm rẫy và ăn rừng, đều qua đời từ khi anh còn nhỏ xíu. Anh trai là Tư Thưởng (Nguyễn Văn Thưởng) chỉ nhỉnh hơn em một chút, gồng mình làm lụng nuôi thân và em nhỏ trong sự cưu mang bao bọc của bà con lối xóm. Thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, thì lính commăngđô bót Suối Tre và pactidăng bót Cây Gáo mở nhiều cuộc càn quét chà xát làng này. Dân cư tránh địch, lùi lên thượng nguồn lập các ấp mới: Rạch Bùn và Cây Sung. Năm 1950-1951, hai anh em Tư Thưởng, Năm Huề và dân xóm bị quân giặc càn bố, dạt ngược lên ấp Rạch Bùn sinh sống. Năm 1950-1951, xã Chánh Hưng nhập vào xã Lạc An, từ đó đối với nhiều người địa danh Chánh Hưng chỉ còn trong tâm trí một số đã lớn tuổi từng sống hoặc hoạt động lâu năm ở đây.

 Năm Huề 15 tuổi, vào du kích ấp đúng một năm thì hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết (tháng 7 năm 1954).

 Anh không thể hiểu nổi: hòa bình vừa lập lại, chiến tranh từ nay chấm dứt mà có những người từ miền Bắc xa lắm lại ùn ùn kéo vào đây sinh sống ? Sao họ không làm ăn yên lành ở quê họ ?....Anh đem thắc mắc đó hỏi anh Tư Văn (Văn Công Văn), ủy viên thường vụ chi ủy xã Lạc An phụ trách binh vận và công tác di cư, thì được nghe giải đáp: đó là những đồng bào miền Bắc bị Mỹ– Diệm dụ dỗ cưỡng ép di cư vào Nam nhằm ý đồ tạo hậu thuẫn chính trị tiêu diệt lực lượng cách mạng bám trụ...

 Cuối năm 1955, một tiểu đoàn Bình Xuyên bị lính quốc gia đánh, từ Rừng Sác kéo về chiến khu Đ lập căn cứ chống Diệm. Đơn vị này được bổ sung một số thanh niên yêu nước, có cán bộ ta lồng vào chỉ đạo. Chi bộ An Lạc huy động khoảng 10 ghe xuồng của nhân dân địa phương thỉnh thoảng thay phiên nhau mua gạo, thực phẩm, thuốc men....về tiếp tế cho quân Bình Xuyên và số cán bộ bám trụ. Quen sống ngoài vòng cương tỏa ở vùng chiến khu Đ, nay đôi ba lần được cử di làm nhiệm vụ chèo ghe (mua bán do người khác đảm nhiệm), lúc về Năm Huề cằn nhằn với anh Tư Văn, người cán bộ gần gũi thân thiết còn hơn anh Tư Thưởng về hành động của một số người miền Bắc di cư:

– Tôi lên xuống, họ làm khó làm dễ đủ thứ, hạch sách, xét hỏi tùm lum...

– Thì mình đi ghe, cứ biết chèo ghe, mắc mớ gì !

– Nhưng tôi ghét bọn nó lắm, tôi không đi nữa...

– Ờ, không đi thì thôi...

 Một số người nghĩ Năm Huề là người Chơro hoặc lai dân tộc vì da anh đen nhẻm, cả đời đầu trần, to con, hơi lùn, tính tình gan lì, bộc trực, nóng nảy, có sao nói vậy, cộc cằn.

 Năm 1955, địch theo dõi khu vực nông trường Bác Hồ ở vàm Sông Bé ngược lên một đoạn. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp cơ quan Tỉnh ủy Thủ Biên khai phá đất ven sông, tăng gia sản xuất tự cấp tự túc một phần. Một y tá bộ đội Lam Sơn cũ, tên Kỳ chẳng hiểu sao không đi tập kết cùng đồng đội. Vợ con anh ta ở dưới Lạc An, tại sao cha này cứ lảng vảng hoài ở đây ? Theo dõi một thời gian, thấy dáng điệu người lạ này lấc láo, dòm ngó không đàng hoàng, Năm Huề đánh giá anh ta là gián điệp của địch. Chi ủy xã Lạc An cũng đặt vấn đề: ở trên này không có ai quen mà sao thằng này lên xuống liên tục ? Ít bữa sau, hai tàu sắt chở hai trung đội lính quốc gia bót Lạc An trang bị súng to súng nhỏ ngược sông Đồng Nai lên Rạch Bùn rồi quay về. Chúng chưa bắt bớ ai vì cán bộ, đảng viên ta tránh né hết. Như vậy có vấn đề gì đây ? Năm Huề vô tình biết nội dung cuộc họp ngắn của chi bộ Lạc An. Anh Ba Nhiêu, bí thư chi bộ nói:

– Phải thủ tiêu thôi, chớ không để !

– Chém thì chưa có chủ trương, làm như vậy không nên....– anh Tư Văn, thường vụ chi ủy phát biểu. Sau đó anh Tư Văn về dưới Lạc An công tác. Năm Huề gặp hai bí thư và phó bí thư báo cáo nhận xét về tên Kỳ:

– Cái thằng gián điệp nó lên, nếu mấy ông không làm thì tôi cũng đâm chết, không cho nó phá...

 Về gia đình ở Lạc An, anh Tư Văn hỏi tình hình chung và Kỳ có ở nhà không, thì được biết anh ta đi vắng. Ba bữa sau lên Rạch Bùn, anh nghe xầm xì: Kỳ bị thủ tiêu rồi. Chiều hôm đó anh gặp Năm Huề:

– Mấy hôm rày có đi làm cỏ rẫy không ?

– Em có đi làm cỏ rẫy. Hôm trước mấy anh bảo thủ tiêu thằng Kỳ, em làm hai bữa nay rồi...

– Làm làm sao ?

– Em bắt trói lại, đập chết rồi đút vào trong ụ ở suối Rạch Bùn.

– Làm gì ghê vậy ?

– Có gì ghê, không làm vậy ở đây sao yên !...

 Sau vụ này, Năm Huề còn xử lý một vụ tương tự. Một tên trước kia là bệnh binh chuyển sang sản xuất từ lâu, ép một cô rất xinh, họ hàng với Năm Huề có chồng đi bộ đội, phải lấy y. Nếu không y hăm sẽ giết rồi ra Thành sống. Thằng chó đẻ này để nó sống gây tội ác làm chi. Anh lựa một bữa nó vào nhà cô nọ, trói gô lại, cho mấy nhát cuốc rồi kéo xác ra vùi ven suối Cây Sung. Nếu sau này anh không nói thì chẳng ai biết. Không phải đảng viên nên anh không bị ai kiểm thảo vì khuyết điểm manh động, phạm tinh thần chỉ đạo chung lúc đó là đấu tranh bằng phương pháp hòa bình.

 Tháng 7 năm 1956, địch mở chiến dịch Trương Tấn Bửu đánh phá ác liệt phong trào cách mạng miền Đông Nam Bộ. Hàng trung đoàn lính chủ lực Sài Gòn tiến hành càn quét, bắt bớ số cán bộ đảng viên nằm vùng và cơ sở cách mạng. Dân Rạch Bùn cũng như cả xã Chánh Hưng cũ bị dồn về Lạc An hoặc lùa qua sông về Đại An, Trị An. Lính công binh Cao Đài của Trịnh Minh Thế về đây mở đường chia cắt địa bàn chiến khu Đ. Năm Huề tròn 18 tuổi, vừa cùng gia đình về Lạc An đã tìm gặp anh Tư Văn với vẻ mặt rầu rầu:

– Em thấy mấy thứ lính này là em không chịu được, anh tính sao với em ?

– Thì ở nhà với vợ con chớ sao. Tao đây Đảng còn chưa cho đi, biểu tao tạo điều kiện ra sống hợp pháp; ở trong không được, làm sao rước mày đi ?

– Anh không cho đi, ở nhà ít ngày em thấy chúng nó kỳ cục thế nào em cũng đâm, cũng chém nó rồi cũng bị chúng bắt, chúng giết thôi !

– Khi nào tao đi thì tao rút mày cùng đi...

 Chi bộ Lạc An rất đông, tới gần 70 đảng viên, cấp ủy có 5 người. Sau vụ phá ngục Tân Hiệp, địch càn bố Lạc An, Chánh Hưng càng mạnh hơn, nhiều đồng chí và cơ sở yêu nước bị bắt, bị giết. Năm Huề mất liên lạc với các cán bộ địa phương một thời gian dài. Anh Tư Văn có lần nhắn tin qua vợ anh Năm:

– Nói với Năm Huề, có gì thì liên lạc với tôi.

 Anh tự ái, tránh không gặp anh Tư, nói với vợ:

– Anh Tư cho đi thì tôi đi, chớ biểu gặp lỡ nó bắt thế nào tôi cũng chửi rồi nó bắn tôi chết...

 Năm 1959, địch ban bố luật 10-59 đánh phá cách mạng càng ác liệt hơn. Đây đó đã có một số đồng chí, đồng bào yêu nước rơi đầu vì máy chém của Mỹ– Diệm kéo lê đi các địa phương. Năm Huề gặp anh Tư Văn lúc anh sắp chuyển đi công tác ở tỉnh Phước Thành mới lập:

– Nếu anh đi thì cho tôi theo, anh để tôi ở lại không chết thì cũng bị thương...

 Anh Tư Văn bàn với anh Ba Tình (tức thầy giáo Thuấn) bí thư huyện ủy Tân Uyên:

– Cho cậu này về làm liên lạc cũng tốt, làm bảo vệ là tốt nhất, cậu này người dân tộc.

– Đồng chí nói vậy, tôi nhận về làm bảo vệ. Thế cậu ta có Đảng không ?

– Trời ơi, đảng viên bây giờ, xin lỗi, có người chưa chắc đã trung kiên. Lòng trung thành của cậu này tôi bảo đảm với anh...

– Đồng chí rút lên đây cho tôi.

 Năm Huề lên huyện ủy gặp Ba Sắc, người Mỹ Lộc chống quân dịch đang ở đây. Tiếng là đi thoát ly lên cơ quan huyện ủy song mỗi người một hóc, ít gặp nhau. Anh chưa được giao việc gì chỉ giăng võng nằm nghỉ hoặc vào rừng kiếm rau quả....buồn quá mới nói với anh Ba Tình:

– Anh không cho tôi đi theo anh Tư đánh giặc, tôi sẽ trốn. Anh cột tôi ngoài rừng sao được !

– Em đừng có buồn, thôi ở đây làm bảo vệ đi. Anh Tư không đánh giặc mà làm công tác chính trị.

– Thôi, cứ cho tôi theo anh Tư hay đi bất cứ chỗ nào có đánh giặc...

 C. 250 thành lập đầu năm 1957, thoạt đầu làm nhiệm vụ võ trang tuyên truyền và bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Biên Hòa. Năm Huề và Ba Sắc theo giao liên lên tới bưng Tre ở tuốt trong rừng sâu Mỹ Lộc thì gặp chỉ huy là đại đội trưởng Năm Hoa. Lúc này C. 250 đã chuyển thành lực lượng vũ trang của liên tỉnh miền Đông, quân số non hai trung đội, vũ khí còn hẻo. Đơn vị có chừng 20 khẩu súng mút (súng trường), tiểu liên và trung liên do anh em tù chính trị phá khám Tân Hiệp (chiều 2 tháng 12 năm 1956) lấy mang ra và vài khẩu khác thu trong những lần võ trang tuyên truyền. Nghe anh em trong đơn vị kể chuyện, Năm Huề phát ham. Thỉnh thoảng C. 250 lại phái một, hai tiểu đội ra chặn xe đò trên đường 8 và đường 16, tuyên truyền vạch tội ác của Mỹ– Diệm bắn giết đồng bào miền Nam ở nhiều nơi, phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, chống lại việc hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước bằng phương pháp hòa bình. Anh em bố trí chặn hai đầu đường, nếu có xe nhà binh đi tới thì nổ súng để mấy anh làm nhiệm vụ tuyên truyền kịp rút. Chưa lần nào ta đụng độ lớn và tổn thất, vài lần, một số lính quốc gia đi trên xe đò có súng mà ngồi chịu trận im re. Anh em ta không làm gì họ, chỉ khuyên họ bỏ ngũ, đừng chống lại nhân dân kẻo có ngày bị cách mạng trừng trị. C. 250 nhiều lần chống địch càn vào khu vực căn cứ Tỉnh ủy, có lần chúng mới nghe súng ta nổ đã rút lui. Năm Huề vừa gia nhập đơn vị đã được đồng đội có mặt từ buổi đầu thành lập đơn vị kể lại: anh Năm Hoa là chỉ huy đội biệt động Biên Hòa đánh nhiều trận nổi tiếng: hạ bót Long Điềm không tốn viên đạn, phối hợp đánh yếu khu Trảng Bom diệt hàng trăm địch, đốt hãng dầu Phước Lư hàng triệu lít cháy rực trời Biên Hòa....Ảnh là thị đội phó Biên Hòa hồi cuối thời kỳ chống Pháp rồi thị ủy viên thị xã Biên Hòa sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7 năm 1954. Hoạt động nội ô gần ba năm, đầu năm 1957 anh được tỉnh rút lên làm đội phó C. 250....Ảnh gan dạ, vui tính, hòa đồng táo bạo, đi đầu trong điều nghiên chiến trường và sau đó dẫn anh em đi đánh là chắc thắng: đánh trận Bến Sắn để lấy thuốc men và dụng cụ y tế, đánh Bù Đăng lấy nhiều gạo trong lúc đơn vị và một số cơ quan đang thiếu đói, đánh Bến Củi và Dầu Tiếng thu hàng triệu đồng nộp lên cấp trên...

 Nhưng Năm Huề thích nhất là nghe kể chuyện trận đánh trại be Hiếu Liêm khoảng giữa tháng 4 năm 1958. Lúc ấy địch mở con đường Trần Lệ Xuân đi tới suối Bà Hào. Chúng mở dinh điền ở hai bờ sông Bé ở khu vực Hiếu Liêm, cài cắm bà con di cư để một công đôi việc vừa phá quang địa hình, vừa khai thác gỗ làm giàu cho chúng. Dinh điền có đội nhân dân tự vệ trang bị súng Mã Lai, ban ngày số đội viên này đi làm, súng bỏ vào kho, chỉ có vài khẩu cất ở nhà bọn chỉ huy. Liên tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành cuộc võ trang tuyên truyền để ngăn chặn việc phá rừng, giữ địa bàn. Hàng ngày khoảng 8 giờ sáng, hàng chục xe be tập trung ở Bà Hào chở gỗ ra cửa rừng. Sáng hôm đó, C. 250 phối hợp với một bộ phận lính giáo phái Bình Xuyên– có nhiều anh em rành lái xe– bất ngờ đột nhập bãi xe, yêu cầu số tài xế tập trung về một chỗ. Ta dùng vài xe chở hai tiểu đội C. 250 về dinh điền Hiếu Liêm, tiến hành tuyên truyền chớp nhoáng, thu hơn chục súng. Anh em C. 250 rút sang bờ nam Sông Bé, còn anh em lính giáo phái quay xe về Bà Hào tuyên truyền trong số lái xe rồi về căn cứ. Sau trận này, dân di cư ở hai bờ Sông Bé nháo nhác sợ, đấu tranh bỏ không ở đó nữa....Bị cuốn hút vào câu chuyện, Năm Huề ao ước được tham gia cùng đồng đội. Anh sẽ chứng tỏ cho các bạn biết mình là người thế nào.

 Năm Huề thấy Hưng, người Tân Tịch đi biền biệt, thỉnh thoảng mới có mặt hai, ba bữa rồi lại mất tăm. Anh Năm Hoa cũng không thường ở bưng Tre với anh em, vẻ mặt rạng rỡ, song giấu kín điều gì đó, chỉ động viên mọi người ráng luyện tập vì sắp được ra trận. Anh đã có lần tiết lộ ra: bọn Mỹ nhảy vào giúp Diệm ngày càng đông, cấp trên chỉ định cho bọn này một đòn dằn mặt nhớ đời. Anh kể:

– Tao theo anh Năm vào nằm ở xã Bình Hòa xem bọn Mỹ mở rộng sân bay Biên Hòa như thế nào. Nó đuổi hết dân mấy làng Bửu Long, Tân Phong quanh đó, máy móc rần rần ủi phá địa hình suốt ngày đêm...

 Năm Huề là dân gốc vùng căn cứ không tọc mạch cấp trên là cấp nào, hàng ngày cùng anh em mải miết tập bắn, tập ném lựu đạn. Tiếc là đạn dược hiếm hoi nên anh không thể kiểm tra ngay kết quả học tập, chớ khi giương súng ngắm, gân tay anh như thép không hề run. Trái lựu đạn nặng khoảng nửa ký, anh ném xa bốn chục mét vẫn đúng hướng. Lâu lâu anh Ba Sắc lại được cử về Mỹ Lộc ban đêm, lấy gạo ở nhà má Ba Sắc hoặc ông Tư Nhơn. Những chuyến đi này không gây lo lắng hồi hộp vì đây là địa bàn các anh quen thuộc từng khúc đường, từng mảnh vườn, bụi cây, từng gia đình cô bác lối xóm. Tự vệ hương thôn ngủ ở trụ sở xã, chẳng dại gì mò mẫm tuần tra, lỡ đụng Việt cộng thì toi mạng...

 Cách nay đúng một tuần, anh Năm Hoa triệu tập năm người: Bé, Phú, Sắc, Hưng, Năm Huề ra một góc bưng Tre truyền đạt chỉ thị của lãnh đạo liên tỉnh miền Đông chỉ bằng một câu ngắn:

– Chúng ta sắp đánh Mỹ.

 Như có luồng điện giật, Năm Huề nóng ran cả cơ thể: đánh thằng thầy lũ tay sai thì đã quá ! Anh vọt ra câu hỏi:

– “Uýnh” Mỹ thiệt hả anh Năm ?

– Tôi vừa công bố chỉ thị của lãnh đạo mà ! Các đồng chí nghe đồng chí Hưng trình bày kế hoạch...

 Hưng thong thả vừa nói vừa vẽ sơ đồ mục tiêu lên mặt đất:

– Nhà Xanh nằm cách ngã ba Máy cưa Tân Mai khoảng nửa cây số, trước kia là văn phòng nhà máy cưa BIF, rộng hơn một mẫu. Thời chín năm đây là sở chỉ huy của trung đoàn 22 (22 ème RIC). Khi quân Pháp rút về nước, Nhà Xanh sửa sang thành nơi ăn ở của nhóm gần chục tên cố vấn quân sự Mỹ huấn luyện cho sư đoàn 7 đóng ở trại Trần Quốc Toản gần Bình Đa. Trụ sở này rào mấy lớp kẽm gai; đứng từ xóm Gò Me có thể nhìn rõ căn lầu quét vôi xanh. Đêm đêm, đèn điện sáng trưng toàn bộ khu vực. Nhà Xanh có cổng chính từ ngã ba Máy cưa chạy thẳng vào, lính thay phiên nhau gác suốt ngày đêm và một cổng phụ bên hông để bọn bảo vệ ra vô, đến đêm khóa lại. Mỗi tốp lính gồm vài ba tên đi tuần liên tục phía ngoài rào. Nhà Xanh nằm giữa vòng bảo vệ của trại gia binh trung đội lính bảo vệ, cư xá Trung Dũng cạnh nhà máy giấy Tân Mai có hàng chục sĩ quan ngụy, ngoài ra còn nhan nhản mật vụ, chỉ điểm, thanh niên chiến đấu các ấp Lân Thành, Tân Mai, Vĩnh Thị. Vòng ngoài có bộ tư lệnh sư đoàn 7, bộ chỉ huy quân đoàn 3, sân bay Biên Hòa, ty cảnh sát, tỉnh đoàn bảo an, ty đặc cảnh miền Đông PSE....không nơi nào xa quá 4km đường chim bay. Vì vậy địch đánh giá Nhà Xanh là nơi cư trú bảo đảm an toàn tuyệt đối cho số cố vấn Mỹ. Phục vụ tại đây có một người bếp, một anh bồi, một người làm vườn, hồ sơ lý lịch công an Diệm đã thẩm tra kỹ. Đánh Mỹ đã khó, nhưng đánh xong rút ra còn khó gấp bội vì khi súng nổ, địch sẽ nhanh chóng chặn mọi ngả đường bằng xe cơ giới, bằng đội lính kỵ mã....Chúng ta chỉ có thể đánh địch bằng lối đánh đặc công phân đội nhỏ, đánh nhanh rút nhanh, chấp nhận hy sinh khi cần thiết...

 Sắc thắc mắc:

– Tôi không sợ chết, nhưng xin hỏi làm sao vô được mà đánh ?

– Tất nhiên lãnh đạo đã dự kiến có đánh chắc ăn mới đánh.– Năm Hoa trả lời.

 Bé có ý kiến:

– Từ đây xuống Biên Hòa mấy chục cây số, làm sao đi đánh rồi về chỉ nội một đêm ?

– Đồng chí yên tâm, đường đi nước bước đã được cấp trên thông qua, tôi là dân thổ công Biên Hòa bảo đảm đưa anh em vô rồi ra an toàn...

 Tổ đặc công bàn bạc trao đổi kỹ kế hoạch thực hiện rồi hạ quyết tâm: dù phải hy sinh anh em cũng ráng hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

 Chiều ngày 5 tháng 7 năm 1959, đồng chí Lâm Quốc Đăng, Phó ban quân sự liên tỉnh miền Đông tới gặp trực tiếp giao nhiệm vụ đánh bọn cố vấn Mỹ ở Nhà Xanh máy cưa Biên Hòa cho phân đội, ôm hôn từng người, chúc anh em thắng lợi lớn. Anh Năm Hoa phát biểu ngắn hứa nhất định làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao. Năm Huề cũng như bốn anh em khác không nói lời nào, song cảm nhận đầy đủ trách nhiệm nặng nề đặt trên vai họ. Lần ra đi này có thể có người không bao giờ trở về song quyết tâm thì tràn đầy tim óc họ. Trời vừa sụp tối, sáu anh em trang bị mi Mát, riêng Năm Huề đeo ngang sườn túi đựng trái thủ pháo gần 1 ki-lô-gam, lặng lẽ từ bưng Tre ra tới bờ sông Đồng Nai đã có chiếc xuồng đợi sẵn. Nước sông lóc bóc vỗ vào be xuồng, chỉ vài phút đã cập bờ bên kia. Nếu ai thính tai mới nghe tiếng chân bước nhẹ trên mặt đất ẩm đường làng vì trận mưa không lớn lúc xế chiều. Năm Huề chỉ đoán mình vừa đi qua Thiện Tân lúc vượt con lộ đá tráng nhựa. Phân đội đi theo đường đất cắt ngọn đồi thấp nhắm hướng có quầng sáng ánh điện trước mặt.

 Quá nửa đêm một chút, chuôi sao Bắc Đẩu chổng ngược cán gáo ở phương Bắc thì Năm Hoa cho anh em nghỉ ở một vạt rừng. Anh và Sắc gác cho anh em trải miếng nilon ngủ trên bãi cỏ. Bốn chàng trai chìm vào giấc ngủ say rất nhanh.

 

 Mờ sáng ngày mùng 6, Năm Huề chợt tỉnh dậy sau cái lắc vào chân và câu gọi của Bé: dậy gác ! Anh vươn vai ngồi bật lên. Hưng đang đứng ngó về vùng trũng lãng đãng sương sớm. Năm Huề hỏi nhỏ: Đây là đâu ? Hưng ghé tai đáp: Gò Trâm Muối, ấp Bàu Hang. Vạt rừng ở đây quá nhỏ so với bưng Tre quen thuộc. Có vài cây cầy cao cao, còn toàn là cây bụi với cành và tán xòe um tùm. Mấy chú chim lích chích gọi nhau trên cành bỗng vụt bay lên rồi mất hút vào lùm cây đằng xa. Trời sáng dần, màn sương vén nhanh, những tia nắng sớm soi rõ mọi vật. Toàn cảnh vùng trũng hiện ra trước mắt Năm Huề, mấy chiếc ô tô và xe ủi nhỏ xíu như đồ chơi của con nít nằm rìa vệt đất đỏ au chạy dài theo hướng đông tây giữa vùng trũng, mấy dãy nhà mái tôn sáng lóa trong nắng....Hưng chỉ tay về phía ấy:

– Sân bay Biên Hòa đó. Nó đuổi hết dân ở trỏng cho Mỹ mở rộng, cái vệt đỏ là đường băng đang ủi, nghe nói dài hơn 3 cây số, máy bay cỡ nào cũng lên xuống ngon lành. Trước đây mấy ổng tính “uýnh” sân bay rồi lại thôi. Tụi này ở Sài Gòn, sáng lên đây làm, chiều lại dông về dưới...

– Thế bọn cố vấn Nhà Xanh thì sao ?

– Bọn nó khoảng chục tên, ăn ngủ luôn ở đó. Sau tết vừa rồi, anh Năm Hoa dẫn mình về gặp anh Ba Lễ, bí thư thị xã Biên Hòa. Anh Ba gởi mình ở cơ sở là nhà má Bảy Vết xóm Máy cưa cách bọn đó mấy trăm mét. Bả bán cá, chị ruột anh Tám Bi đó. Địch tuần tra canh gác ngặt mà cũng có chỗ lỏng, sơ hở. Mỗi tối không mưa, nó cho dân vô xem chiếu phim ở sân. Mình trà trộn theo dân vô, kín đáo nắm tình hình hoạt động của nó mấy tháng liền, thỉnh hoảng lại về cứ báo cáo tình hình...

– Nó không xét giấy sao ?

– Ban ngày lạ mặt đi lại thì lòi ngay, nó túm liền. Mình phải ở lì trong phòng phía sau như bà đẻ, tối đi xem phim chưa thấy nó chặn xét giấy lần nào. Này, mình gặp một bà dũng cảm không thua cánh đàn ông.

– Bà nào ? Mà dũng cảm sao ?

– Bữa đó mình và anh Ba hí húi vẽ sơ đồ Nhà Xanh và bàn cách đánh ở phòng trong nhà má Sáu Tơ để chuẩn bị mang lên căn cứ thì bất chợt bả vô kiếm thứ gì đó. Bả hỏi anh Ba: “Chúng nó ở nhà lầu, bọn bay không có súng làm sao đánh ?”. Anh Ba nói thiệt là sẽ dùng mìn. Bà nói: “Tụi bay để tao đánh cho, tao là đờn bà lại dân ở đây chúng nó quen mặt không nghi, dễ đánh hơn tụi bay”. Anh Ba phải lựa lời khuyên bả coi nhiệm vụ nuôi giấu anh em cũng là góp phần trực tiếp đánh giặc, bấy giờ bà mới thôi. Mà cậu biết không, bả năm con lận! Ngon không !

 Năm Huề thầm kính phục người phụ nữ chưa biết mặt bằng tuổi mẹ mình mà gan dạ khí phách quá trời!...

 18 giờ ngày 7 tháng 7 năm 1959.

 Mặt trời đỏ lừ chìm nhanh xuống sau rặng cây bên kia Cù lao Phố. Mây chân trời phía tây rực hồng. Huề liên tưởng đến màu cờ Tổ quốc tung bay sau chiến thắng. Sáu anh em phân đội đặc công qua một ngày căng thẳng ngay sát nách địch. Các tốp tuần tra địch có lần vô xóm nhưng chưa lần nào đặt chân tới vạt chồi nhỏ Gò Me. Tự vệ mật địa phương đã đào hầm phòng hờ, song phân đội không sử dụng đến. Nếu hôm nay địch bất chợt mò vào sẽ có trận tao ngộ chiến. Nhà máy giấy Tân Mai im ắng, thợ thuyền nghỉ lễ kỷ niệm “đệ ngũ chu niên Ngô tổng thống chấp chính”. Mọi bữa, máy chạy rầm rầm suốt đêm ngày, đèn sáng trưng mấy phân xưởng, thợ áo xanh sáng tấp nập đến làm rồi chiều tan sở ùn ùn ra về. Những cuộn giấy báo nặng hàng tạ chất lên dòng xe tải hôm nay ngưng không chạy ra ngã ba Máy cưa về Sài Gòn như mọi ngày.

 Anh Năm Hoa mở bọc vải bạt lớn, mấy bộ đồ lính kaki vàng với một xếp nón bánh tráng rộng vành cùng mấy đôi giày lính lộ ra:

– Các đồng chí thay đồ lính, chuẩn bị chiến đấu !

 Hưng vừa trở về sau khi cùng Năm Lũy, cơ sở mật Gò Me ra tận Nhà Xanh quan sát tình hình địch lần chót:

– Báo cáo anh Năm, hiện ở sân Nhà Xanh có sáu xe ô tô các loại. Cổng trước một tên lính gác như thường lệ, cổng bên hông mở, lính trại gia binh đang nhậu.

– Các đồng chí vũ khí sẵn sàng, đội hình hàng một theo tôi. Năm Huề chú ý trái thủ pháo. Ba Sắc yểm trợ phía sau theo đúng phương án tác chiến !

– Rõ ! Tất cả đồng loạt trả lời khẽ.

 19 giờ kém 7 phút. “Tiến !”. Mệnh lệnh ngắn gọn phát ra.

 Tốp sáu người lính lặng lẽ đi hàng một từ vạt rừng chồi Gò Me, theo bờ ruộng nhỏ tiến về phía Nhà Xanh. Màu kaki sẫm hòa vào bóng tối. Đất dưới chân họ mềm nên giày đinh không phát ra tiếng cồm cộp thường thấy. Năm Huề ước lượng mục tiêu chỉ cách chưa đến 300 mét. Đèn sáng làm nổi rõ vóc dáng to cao của người chỉ huy với bước đi chắc nịch. Anh không cảm thấy hồi hộp chút nào, tim vẫn đập nhịp bình thường. Đánh trận mà như vậy đánh hoài được à ! Chỉ hiềm đèn điện hơi sáng, muốn ẩn nấp hơi khó. Anh đã nghe rõ tiếng : “Dzô ! dzô! Trăm phần trăm !” từ phía trại gia binh ồn ã chen tiếng nhạc “chát chát xình, chát chát bùm” và tiếng hát ẽo ợt của cô ca sĩ nào đó phát ra từ một chiếc radio. Tầng lầu Nhà Xanh sáng đèn, nhưng sao tầng trệt lại tối thui ?

 Họ tiến vào cổng Nhà Xanh. Sân rộng chỉ có ô tô đậu, đằng cổng chính tên lính gác cầm ngang cây cacbin day mặt hướng ra phía ngã ba. Năm Huề chỉ nhìn thấy lưng y. Bên ngoài hàng rào, người đi đường và các loại xe đạp, xích lô qua lại như thường lệ. Sân banh ở phía đông kề ngoài hàng rào thấp thoáng hai bóng người vóc dáng cao to đánh tennít, tiếng vợt và bóng nện xuống mặt sân vang bồm bộp. Từ căn bếp, tiếng xèo xèo và mùi thịt chiên xào tỏa ra thơm nức mũi. Chắc bồi bếp đang chuẩn bị tiệc tùng đây ! Năm Hoa khoát cao cánh tay: hiệu lệnh nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đúng vị trí quy định. Anh và Phú áp vào cửa sổ tầng trệt hé mở, chĩa súng vào trong. Hưng chạy sau Bé về phía cửa ra vào. Năm Huề và Sắc tiến đến cửa hông ăn thông xuống nhà bếp. Cả sáu người vừa đi dưới ánh đèn, áp sát căn phòng lớn tầng trệt– dùng làm phòng ăn và nơi chiếu phim– thấy làn ánh sáng xanh và tiếng “xè xè” của chiếc máy chiếu phim phát ra. Bỗng căn phòng tràn ngập ánh sáng, cuốn phim vừa hết, một tên mở công tắc để thay phim. Năm Huề tay cầm trái thủ pháo gần 1 ki-lô-gam nhảy lên bậc tam cấp cửa hông tiến vào phòng. Anh đụng phải tên bồi người Việt hốt hoảng lao ra. Sau lưng y, một tên Mỹ to cao trườn theo. Không cho bọn Mỹ thoát, Năm Huề tung trái thủ pháo về phía trước. Một quầng lửa sáng lòe kèm tiếng nổ như sét làm rung chuyển cả Nhà Xanh. Đèn trong phòng chiếu phim vụt tắt. Khẩu súng trong tay Năm Hoa rung lên, nháng lửa kèm tràng tiếng nổ vang. Rồi súng trong tay Hưng, Phú, Bé nhịp đồng loạt ngắn. Ngoài cổng chính, lác đác vài tiếng súng...

 Báo chí Sài Gòn như các tờ Buổi Sáng, Chuông Mai, Dân Nguyện, Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Tin Tức, Tự Do....liên tục đưa tin về trận tập kích tối ngày 7 tháng 7 năm 1959.

 Báo Buổi Sáng, số ra ngày thứ bảy, ngày 11 tháng 7 năm 1959 đăng “tin giờ chót”:

 “Danh sách nạn nhân đã được công bố.

 Hôm qua nhà chức trách ở Washington đã tiết lộ danh sách nạn nhân trong vụ Việt cộng tấn công trụ sở của cố vấn quân sự Mỹ ở Biên Hòa.

 Hai người tử nạn là thiếu tá Buis, hạ sĩ nhất Ovmand. Người bị thương là đại úy Boston.

 Ngoài ra, theo Thông tấn xã ngoại quốc thì cuộc tấn công xảy ra giữa lúc vừa chiếu xong một phim và đổi cuốn khác... ”

 Tạp chí International Herald Tribune (Diễn đàn thông tin quốc tế) ra ngày 11 tháng 7 năm 1959 có bài của nhà báo Staley Karnod nhan đề “Không biết những người chết đầu tiên nói gì”:

 “Sáng hôm sau tôi đến thu thập tin tức. Sáu trong số những cố vấn Mỹ đóng ở đó sau bữa ăn tối đã ngồi lại xem phim “Cái áo rách” do diễn viên Kanne Grain đóng. Khi một người trong số họ đứng dậy thay phim thì du kích xuất hiện ở cửa sổ dùng súng tự động nã vào căn phòng giết chết Buis và Ovmand...

 Buis và Ovmand là những người đầu tiên chết trong kỷ nguyên Việt Nam... ”

 Đôi điều nói thêm về trận tập kích tối 7 tháng 7 năm 1959

 Đầu năm 1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời nhưng chưa được triển khai ở miền Nam. Đánh bọn cố vấn Mỹ một đòn dằn mặt là ý định táo bạo của một số đồng chí lãnh đạo liên tỉnh miền Đông, nhất là số cán bộ quân sự. Liệu Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương có tán thành việc này không ? Một số lãnh đạo liên tỉnh ủy nhất trí đã đến lúc phải đánh Mỹ. Nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Biên Hòa nói riêng chắc chắn nhiệt tình ủng hộ. Đồng chí Tám Kiến Quốc (Trung tướng Nguyễn Hữu Xuyến) phụ trách tỉnh Biên Hòa, lúc đầu chọn mục tiêu đánh bọn nhân viên kỹ thuật Mỹ đang mở rộng sây bay Biên Hòa thành sân bay chiến lược. Tháng 2 năm 1959, anh Năm Hoa chỉ huy đơn vị vũ trang chủ lực C. 250 của liên tỉnh miền Đông được cử về liên lạc với Thị ủy Biên Hòa. Đồng chí Ba Lễ (Trương Văn Lễ), Bí thư Thị ủy, là anh rể của Năm Hoa khi bàn bạc công tác phối hợp điều nghiên đã góp ý: “Ở Biên Hòa có một điểm bọn Mỹ tập trung, ta đánh nơi đó tốt hơn. Đó là cư xá quân sự MAAG ở Nhà Xanh hãng cưa Tân Mai, bọn này đang huấn luyện cho sư đoàn 7 bộ binh ngụy”. Trước khi Năm Hoa trở lên căn cứ báo cáo, đồng chí Ba Lễ dặn: “....Cậu phải nói cấp trên, nếu đồng ý thì ra văn bản để có cơ sở tụi mình phối hợp làm, sau này khỏi lôi thôi... ” (1)

 Cuối tháng 2, anh Năm Hoa lại về, trao cho đồng chí Ba Lễ mảnh giấy viết mực tím có chỗ bị nhòe do ướt, chữ rất to, nội dung: “Yêu cầu Thị ủy phối hợp với lực lượng vũ trang liên tỉnh nghiên cứu, điều tra để tiến hành đánh bọn cố vấn Mỹ ở BIF. Đánh xong Thị ủy không cần báo cáo. Ký tên: Tám Kiến Quốc”.

 Số người được biết về trận đánh này rất ít, sau này trong lần đồng chí Tám Kiến Quốc về Biên Hòa, đồng chí Hai Danh, nguyên Phó ban Tuyên giáo kiêm Trưởng ban lịch sử Đảng– Tỉnh ủy Đồng Nai hỏi kỹ thì được trả lời đại ý: Chưa xin ý kiến Xứ ủy Nam Bộ nên chúng tôi “đánh chui”, cũng lo bị kiểm điểm, không ngờ mình làm đúng tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương.

 Đồng chí Năm Huề đánh địch bằng vũ khí gì ? Nhiều sách báo, phim tài liệu, truyền hình thường nói anh ôm trái mìn điện. Song cuốn hồi ký “Sinh ra từ vùng địa linh” của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Huệ ghi tình tiết sau đây:

 “Tôi may được anh Ba Sắc, một trong sáu chiến sĩ đặc công đánh trận Nhà Xanh. Mặt anh còn nám đen vì ảnh hưởng thuốc nổ. Anh kể vắn tắt:

– Huề cầm trái thủ pháo chạy trước, tôi bám ngay sau cách vài mét. Có thằng Mỹ từ trong phòng địch chạy ra, Huề ném trái vào bọn nó; vì ở quá gần nên bị sức nổ ép dội ngược, hy sinh tại chỗ. Tôi chỉ bị thương, miểng còn găm trong người, mặt nám thuốc.

 Anh Ba Dao (Nguyễn Ngọc Ánh) cán bộ quân giới, người chế trái thủ pháo bổ sung:

– Đây là trái thủ pháo vỏ chế bằng hai lon sữa bò hàn lại, nhồi gần ký thuốc nổ, gắn kíp MK. 2. Thủ pháo cỡ này đánh trong nhà kiên cố phát huy uy lực sát thương mạnh... ”

 Người viết gặp đồng chí Hai Báo, cán bộ hưu trí hiện cư ngụ tại xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, Bình Dương giữa tháng 1 năm 2001. Đồng chí cho biết hồi đó đang công tác ở huyện ủy Tân Uyên, gặp ngay Ba Sắc là em ruột, được đồng đội dìu về, mặt nám đen bị thương do thủ pháo trong trận Nhà Xanh, chữa hàng tháng mới lành...

 Trong chiến thắng Nhà Xanh, Thị ủy Biên Hòa góp phần hỗ trợ quí báu mọi mặt. Đồng chí Ba Lễ (Trương Văn Lễ), Bí thư Thị ủy, quê Cù lao Phố, từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn liên tục bám trụ địa bàn dù địch truy lùng ráo riết. Đồng chí xây dựng hàng loạt cơ sở nội ô, trong đó có một số là họ hàng xa gần gốc xã Hiệp Hòa như bà Ba Xuân (Nguyễn Thị Xuân) ở xóm Gò Me, bà Sáu Tơ (Huỳnh Thị Tơ) và bà Bảy Vết (Phạm Thị Vết) ở xóm Máy cưa....là người am hiểu tường tận tỉnh lỵ Biên Hòa, đồng chí đã gợi ý cấp trên đánh bọn cố vấn quân sự Mỹ sẽ gây tiếng vang lớn. Đồng chí đích thân cùng anh Hưng vào tận sào huyệt Nhà Xanh điều nghiên mấy tháng liền, vạch kế hoạch chiến đấu tỉ mỉ; đó là cơ sở để cấp trên duyệt phương án tác chiến. Tối 7 tháng 7 năm 1959, theo gót phân đội Năm Hoa, anh Sáu A (Nguyễn Văn A) người xóm Gò Me và vài tự vệ mật đã nhanh chóng khống chế kho súng, kềm chân số lính ở trại gia binh. Anh Nhái, một tự vệ mật khác, cải trang làm người chạy xích lô, đứng ở ngã ba Máy cưa, dưới nệm xe là khẩu tiểu liên và trái lựu đạn, sẵn sàng chặn đánh địch đến ứng cứu. Anh Nguyễn Thành Long, thợ sửa chữa điện tử ở tiệm radio Minh Tuyến ở chợ Biên Hòa kịp thời nổ súng diệt tên lính gác cổng chính Ngô Văn Chiến. Còn phải kể thêm một số cơ sở giúp đánh lạc hướng truy tìm của địch bằng việc vứt dép, cơm nắm, vờ gọi đò sang sông sau khi nổ súng....Tất cả đã phối hợp nhịp nhàng, theo kịch bản soạn trước rất chi tiết. Không có cán bộ và cơ sở địa phương hỗ trợ, không thể có trận Nhà Xanh đạt hiệu suất cao, tổn thất ít như thế.

 Báo chí Sài Gòn và Mỹ đều đăng tải trận đánh vào tối 8 tháng 7 năm 1959. Nhưng đồng chí Ba Lê nhớ rõ ngày N là ngày mùng 7 tháng 7 năm 1959, giờ G là đúng 7 giờ tối (tức 19 giờ) vì hôm đó là ngày địch kỷ niệm 5 năm Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền. Vào ngày lễ lớn này của chế độ Sài Gòn, địch sẽ có nhiều sơ hở: từ quan đến lính lo tiệc tùng, nhậu nhẹt....19 giờ tối là lúc lính gác cổng đổi phiên, bọn đi tuần phía ngoài cũng đổi tua, bọn cố vấn Mỹ tập trung ăn uống hoặc xem phim; đây là lúc sơ hở nhất của chúng. Đánh vào thời điểm này là đúng lúc nhất. Đánh vào ngày khác, giờ khác sẽ khó khăn gấp bội mà chưa biết kết quả sẽ ra sao.

 Chiến công “mở kỷ nguyên Việt Nam” đối với đế quốc Mỹ của trận Nhà Xanh ghi vào lịch sử đất nước một nét son sáng ngời. Từ nhiều năm trước, tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho anh Năm Huề. Một số cơ quan phái cán bộ đi tìm quê quán, thân nhân của liệt sĩ, song đáy biển mò kim. Công việc giậm chân tại chỗ. Cả sáu đồng chí trong phân đội đều qua đời trong kháng chiến chống Mỹ, biết ai mà hỏi ? Hai năm trở lại đây, Ban Thi đua thành phố Biên Hòa được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ khó khăn này. Cuối cùng, nhờ đồng chí Tư Văn (Văn Công Văn), người đưa anh Năm Huề đi thoát ly, nay nghỉ hưu ở đường Võ Thị Sáu, thành phố Biên Hòa chỉ dẫn, từ đó phăng thêm nhiều mối khác, chúng ta mới có tư liệu hiếm hoi về tiểu sử người thanh niên hai mươi mốt tuổi chỉ trong phần nhỏ một giây đã hóa thành tia sét đầu tiên giáng vào bọn xâm lược hung bạo nhất thời đại, để đề nghị Chủ tịch nước truy tặng sau hơn ba mươi năm hy sinh oanh liệt.

 Liệt sĩ Nguyễn Văn Huề được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào đúng tháng cuối cùng của năm cuối thế kỷ 20 (tháng 12 năm 2000). Tấm gương hy sinh dũng cảm của anh xứng đáng để thế hệ trẻ noi gương, học tập.

 TRỌNG PHỦ (Nguồn: http://www.dongnai.gov.vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.