Nghĩa quyết định bỏ học, lên
Sài Gòn làm việc và tìm cách liên lạc hoạt động chống Pháp. Một lần Nghĩa bị
cảnh sát Pháp bắt giam, phải nhờ gia đình bỏ tiền chuộc, anh mới được thả tự
do, sau đó, anh tiếp tục đi làm gây cơ sở liên lạc với cách mạng.
Năm 1930, theo gương của nhà
trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh, Nghĩa đi bán dầu cù là khắp các tỉnh Nam
kỳ và Campuchia để tuyên truyền lòng yêu nước cho đồng bào, đòi tự do dân
chủ, cải tiến thể chế chính trị ở thuộc địa… Đến năm 1931, Nghĩa đã chính
thức bắt kịp guồng máy cách mạng, anh liên tục chuyển truyền đơn, tài liệu
cách mạng, cờ Đảng về Biên Hòa gây phong trào cách mạng ở thị xã, thị trấn
Tân Uyên, ga xe lửa Dĩ An, nhà máy cưa BIF Tân Mai…
Năm 1936, Nguyễn Văn Nghĩa
làm việc cho các tờ báo của Đảng như La Lute (Tranh đấu), L’avangerde (Tiên
phong), Le peuple (Dân chúng)… vận động, tuyên truyền chỉ thị thành lập Ủy
ban Hành động tỉnh Biên Hòa. Hàng ngàn truyền đơn do Nguyễn Văn Nghĩa và
Phạm Văn Khoai cho in và tuyên truyền ở khắp nơi trong tỉnh Biên Hòa tạo
không khí sôi nổi với các nội dung như:
- Tuyên truyền thắng lợi của
mặt trận ở Pháp và việc tổ chức Đông Dương đại hội.
- Phổ biến mục đích của Đông
Dương đại hội là tập hợp lực lượng nhân dân đấu tranh đòi tự do dân chủ, tự
do ngôn luận, tự do báo chí, chống sưu cao thuế nặng, đòi tăng lương, giảm
giờ làm cho công nhân.
- Kêu gọi thành lập Ủy ban
Hành động ở cơ sở, lấy kiến nghị của nhân dân gởi lên Đại hội.
Nguyễn Văn Nghĩa, người đảng
viên Cộng sản của tỉnh Biên Hòa, lần đầu tiên công khai tuyên truyền chủ
nghĩa Cộng sản trong toàn tỉnh. Nghĩa là người đứng ra hô hào, đấu tranh đòi
tự do, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân ở quận Châu Thành một cách công
khai.
Đầu tháng 9-1936, Nguyễn Văn
Nghĩa và đồng chí Dương Bạch Mai được Ủy ban trù bị Đông Dương đại hội cử về
Biên Hòa chỉ đạo phong trào vận động cách mạng. Về tỉnh, Nguyễn Văn Nghĩa
cùng các đồng chí Huỳnh Văn Lũy, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại…
và một số đồng chí khác trong chi bộ Bình Phước - Tân Triều họp bàn tổ chức
thực hiện quyết định của Trung ương.
Mở đầu cho phong trào vận
động đòi dân chủ, tháng 9 -1936, Ủy ban Hành động tỉnh Biên Hòa tổ chức cuộc
mít - tinh tại Gò Dê, xã Bình Ý, quận Châu Thành. Hơn 200 đồng bào đã đến
dự. Nguyễn Văn Nghĩa đại diện Ủy ban đứng lên diễn thuyết, kêu gọi nhân dân
ủng hộ Đông Dương đại hội, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Phong trào đấu tranh cách
mạng thời kỳ 1936-1939 diễn ra sôi động, Tỉnh ủy lâm thời ra đời là sự kiện
có ý nghĩa to lớn. Đội ngũ đảng viên được nâng lên, tạo được uy tín trong
nhân dân. Nguyễn Văn Nghĩa, Trương Văn Bang… đã đi khắp nơi trong tỉnh tuyên
truyền vận động cách mạng, được quần chúng hết lòng tin yêu, mến phục…
Cuối năm 1939, tình hình biến
chuyển bất lợi, Pháp tiến hành khủng bố cách mạng Việt Nam. Tại Biên Hòa,
địch lùng sục, truy bắt các cán bộ lãnh đạo, Ủy ban hành động. Nguyễn Văn
Nghĩa đã bị bọn Pháp bắt và đày đi căng Bà Rá. Năm 1943, Nghĩa ra tù nhưng
bị quản thúc ở Biên Hòa.
- Mùa thu năm 1945, Cách mạng
tháng Tám thành công, Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi trong nước đã giành được
chính quyền từ tay Pháp, Nhật. Với ý chí hành động kiên cường và uy tín sẵn
có trong nhân dân, ngày 26-8-1945, Nguyễn Văn Nghĩa đã tập hợp hàng trăm
quần chúng ở Biên Hòa tiến thẳng vào tòa Bố của tỉnh (nay là trụ sở Ủy ban
nhân dân tỉnh Đồng Nai) treo cờ đỏ sao vàng đầu tiên tại dinh Tỉnh trưởng.
Sự kiện này diễn ra sớm hơn kế hoạch của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa
nhưng nó đã kết thúc thành công, tốt đẹp, chính quyền đã về tay nhân dân.
Người dân Biên Hòa chỉ hưởng
độc lập được hai tháng. Ngày 24/10/1945, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm
tỉnh lỵ. Toàn dân lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn,
thách thức. Tháng 12/1945, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa rút vào hoạt động bí
mật. Nguyễn Văn Nghĩa và các đồng chí địa phương vẫn tiếp tục bám quê hương
để hoạt động. Các đồng chí kiên trì bám cơ sở, xây dựng củng cố Mặt trận
Việt Minh, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, tạo điều kiện để phát
triển lực lượng sau này. Thời gian này, Nguyễn Văn Nghĩa được cử làm Chủ
nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa (đồng chí Huỳnh Văn Lũy làm phó chủ
nhiệm) với mục đích xây dựng mở rộng hệ thống Việt Minh, huy động sức mạnh
toàn dân tham gia kháng chến gian khổ trường kỳ.
Đầu năm 1946, trong một
chuyến công tác vùng ven thị xã Biên Hòa, Nguyễn Văn Nghĩa đã bị giặc
Pháp bắt. Không thể khuất phục được anh, chúng đã đưa anh ra xử bắn tại cầu
Gành. Máu anh loang đỏ cả một khúc sông Đồng Nai. Nguyễn Văn Nghĩa hy sinh
nhưng tinh thần của anh vẫn cổ vũ lớp lớp thanh niên lên đường kháng chiến.
Cuối năm 1949, Tỉnh ủy Biên
Hòa lấy tên Nguyễn Văn Nghĩa đặt cho bộ đội địa phương huyện Tân Uyên, từ
năm 1950 là đại đội đặc công đầu tiên ở Nam bộ.
Theo sách Biên Hòa - Đồng
Nai 300 năm hình thành và phát triển