Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Đoàn Văn Cự (1835-1905)   31-12-2014
Sau khi thực dân Pháp xâm chiếm các tỉnh Nam Kỳ, nhiều nơi đã nổi dậy chống lại chính quyền thuộc địa. Nhiều phong trào chống Pháp đã nổ ra khắp cả Nam kỳ lục tỉnh. Từ phong trào chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp của Trương Công Định, lập căn cứ ở Gò Công. Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp trên vàm Nhật Tảo… cho đến các nhà thơ, văn sĩ cũng dùng ngòi bút của mình để đả phá thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai như Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…

doanvancu.jpg

Lăng mộ Quốc công Đoàn Văn Cự

Ở Đồng Nai, phong trào chống Pháp vẫn diễn ra liên tục, lúc thì ở giai đoạn cao trào, lúc lại hoạt động âm thầm nấp dưới dạng hội kín của tôn giáo. Trong số các hoạt động âm thầm chống Pháp ở Đồng Nai vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có phong trào hội kín của Đoàn Văn Cự. Đây là một trong những phong trào chống Pháp dưới hình thức của Thiên Địa hội ở Biên Hòa, Đồng Nai do nhà yêu nước Đoàn Văn Cự trực tiếp lãnh đạo.

Đoàn Văn Cự sinh năm 1835, quê tại Bình An, Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định cũ, trong một gia đình nho học khá giả. Cha ông là nhà nho uyên thâm, có tinh thần yêu nước nhưng không gặp thời vận. Vì vậy, ông cụ ôm hận tuổi già rời bỏ quê nhà đưa gia đình sống tha hương để tránh tai mắt bọn giặc Pháp theo dõi.

Nối chí cha, cụ Đoàn Văn Cụ đưa vợ con đến cư ngụ tại rừng chồi Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa cũ (nay thuộc phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tiếp tục hoạt động chờ thời cơ chống Pháp. Tại đây, Đoàn Văn Cự ẩn mình trong bộ quần áo tu hành ngầm hoạt động văn nghệ dạy học, coi bói và bốc thuốc gia truyền. Trong điều kiện đó, cụ đã tuyên truyền khơi dậy lòng yêu nước và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hội kín (thiên địa hội) nhưng thực chất là nghĩa binh chống Pháp.

Trong vòng ba năm (1902-1905) lực lượng của Đoàn Văn Cự rất đông đảo, ở đâu cũng tín đồ của hội. Từ Bình Đa, chợ Chiếu Hiệp (Hiệp Hòa) đến núi Rứa (Bà Rịa) nhất là các tay anh hùng hảo hớn đã được cụ thu phục từ khắp các nơi. Để chuẩn bị cho đại cuộc, cụ tích trữ lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn gương giáo… và thường xuyên dao dượt binh pháp cho lực lượng nghĩa quân. Lực lượng ngày một hùng hậu và lớn mạnh, sự hoạt động cũng từ chỗ ẩn náu ra nơi công khai ở rừng Bưng Kiệu. Vì vậy, hoạt động của cụ Đoàn đã không qua được sự theo dõi của thực dân Pháp.

Ngày mùng 8 tháng 4 (âm lịch) năm 1905, thực dân Pháp lệnh cho một viên sĩ quan (“săn đấm”) chỉ huy môt tiểu đội lính mã - tả có vũ trang đầy đủ đến bao vây thôn Vĩnh Cửu. Như có linh tính cảm thấy sắp có biến cố lớn xảy ra, cụ Đoàn chỉ huy cho Hoàng Mẻ, Hoàng Giáp triệu tập hàng năm nghĩa quân bố trí lực lượng, chuẩn bị đối phó. Phục binh suốt một ngày tới tối mà vẫn không thấy quân Pháp động tĩnh, nên cụ lầm tưởng chúng đã hoàn kế bèn cho nghĩa binh giải tán về ăn cơm. Nhưng nghĩa binh vừa rút, quân Pháp kéo tới rầm rộ do một viên địa úy Pháp chỉ huy. Chúng mai phục từ bờ suối Linh đến suối cầu Khỉ bao vây khu căn cứ của cụ. Sau khi siết chặt vòng vây, viên đại úy cùng tên thông ngôn và hai bên lính tiến thẳng vào nhà cụ. Tới ngưỡng cửa, chúng thấy cụ Đoàn trong bộ trang phục oai nghi: đầu chít khăn lụa điều, mình thắt dây lưng vải màu hồng có giắt đoản dao đầu hổ… đang đứng trước bàn thờ Tổ. Thấy địch vào, không nói lời nào, cụ liền rút dao chém xả vào đầu viên đại úy Pháp. Cụ chém liền hai nhát nhưng hắn né kịp nên chỉ bị đứt mép tai và bị thương tay trái. Tên này thoát chết, hắn lập tức rút súng bắn vào cụ mấy phát, cụ gục chết trước bàn thờ Tổ. Cụ Đoàn hy sinh khi đã ngoài 70 tuổi nhưng tướng mạo vẫn còn phương phi, oai phong lẫm liệt. Cụ ngã xuống với vẻ hiên ngang của một trang võ tướng.

Sau khi hạ cụ Đoàn, bọn Pháp xả súng vào doanh trại, đốt phá căn cứ, kho lương thực… Súng nổ vang trời, khói lửa cháy sáng rực cả một khoảng rừng. Đến tận khuya, một toán lính khác đến thay thế, yểm trợ và canh giữ “hiện trường” cho đến sáng.

Trong lúc bị Pháp bao vây bắn phá, gần 100 nghĩa binh vẫn thoát được vào rừng bằng đường hậu cứ và chỉ còn 16 người bị chết thiêu trong lửa đạn khủng bố.

Sáng sớm hôm sau, quân Pháp bắt dân làng đào tất và khiêng xác cụ Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa binh chôn xuống một ngôi mộ chung ở gần căn cứ. Hiện nay, ngôi mộ nằm gần quốc lộ 1 bên dòng suối Linh Tuyền, thuộc phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa. Để tưởng nhớ uy linh cụ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã hy sinh anh dũng, năm 1956 nhân dân địa phương đã xây dựng một đền thờ tại xã Tam Hiệp bên quốc lộ 15 để tôn thờ những anh linh tử nghĩa vì đất nước. Hàng năm vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, nhân dân nơi đây tụ tập về đền để thiết lễ giỗ cụ Đoàn Văn Cự và nghĩa binh của ông.

Theo sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.