Hội thảo có sự tham gia của ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học
và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục TCĐLCL; bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và
hợp quy; Lãnh đạo Chi cục TCĐLCL, Chi cục QLCL Nông Lâm Thủy sản (Sở
NN&PTNT Thừa Thiên Huế) cùng hiệp hội doanh nghiệp và đại diện doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hồ Thắng – Giám đốc Sở
KH&CN nhấn mạnh, việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế
biến, xây dựng và vận hành hệ thống TXNG sản phẩm là một trong những định hướng
quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu,
nâng cao giá trị, tăng khả năng thương mại hóa sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh
nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị,
tăng khả năng tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như nâng cao
thương mại hóa sản phẩm.
Song song đó là xây dựng cũng như ban hành các Kế hoạch triển
khai hàng năm theo quy định về việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống
TXNG trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, đã hỗ trợ 30 doanh nghiệp/cơ sở
áp dụng Hệ thống tem truy xuất thông qua ứng dụng mã Qr-Code (trung bình
10.0000 tem/DN). Triển khai Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 quy
định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công
nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn
2021 – 2030, đã hỗ trợ 05 doanh nghiệp triển khai áp dụng hệ thống truy xuất
nguồn gốc cho các sản phẩm: trà sen Huế, trà rau má, tinh dầu tràm Lộc Thủy,
Nước nắm, ruốc Huế (đã hỗ trợ 20.000 tem/doanh nghiệp).
·
Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục TCĐLCL trình bày định hướng của Chính phủ về hoạt động TXNG tại hội
thảo.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục
TCĐLCL, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch
đối với sản phẩm hàng hóa như lương thực, thực phẩm …việc TXNG được coi là chìa
khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm có nguồn
gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi
gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam,
đồng thời tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh
tế 4.0.
Việc sử dụng công nghệ nhận diện TXNG giúp kiểm soát được thông
tin trên toàn chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời của số liệu khi xảy ra sự
cố và quản lý tập trung trên quy mô lớn. Đồng thời, một hệ thống TXNG cần có sự
liên kết giữa các mắt xích, các đơn vị trong chuỗi để mang lại lợi ích cho các
bên tham gia, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên
thị trường. Nếu doanh nghiệp không chủ động trong việc TXNG sẽ đem lại nhiều
khó khăn, thách thức trong việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, nhất là
trong thời kì hội nhập về kinh tế – thương mại như hiện nay.
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp
dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100) do Bộ KH&CN chủ trì triển khai.
Qua 3 năm, Bộ KH&CN đã xây dựng hơn 20 tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và
dự kiến đưa vào vận hành “Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hoá quốc gia” trong
năm 2022. Ngày 21/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ
sung thêm quy định quản lý về TXNG sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số
74/2018/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh quản lý Nhà nước về hoạt động TXNG sản phẩm, hàng
hóa.
Tuy vậy, để thông tin liên quan đến TXNG của sản phẩm đầy đủ
nhất theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, chủ động đáp ứng được yêu cầu thông tin TXNG
từ các thị trường khác nhau một cách nhanh chóng, định hướng trong thời gian
tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về TXNG
sản phẩm hàng hóa; Xây dựng triển khai, ứng dụng hệ thống TXNG thống nhất trong
cả nước; Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động
TXNG; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TXNG; Thiết lập, xây dựng vận
hành Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.
·
Ông Bùi Bá Chính- Phó GĐ phụ trách Trung
tâm Mã số mã vạch Quốc gia tổng quan về tình hình triển khai TXNG và chia sẻ
kinh nghiệm triển khai TXNG ở một số địa phương.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính – Phó Giám đốc phụ trách
Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) cho biết, TXNG
những năm gần đây đã từng bước góp phần chuyển đổi số trên thực tế doanh
nghiệp, hỗ trợ quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động, nâng cao năng
suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cơ sở dữ liệu được cập nhật và bổ sung theo thời
gian thực giúp thống kê báo cáo chính xác phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng và
thực thi chiến lực, chính sách, kế hoạch. Bên cạnh đó, TXNG còn giúp doanh
nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay, dữ liệu TXNG còn phân tách do chưa kết nối,
chia sẻ giữa các bộ ngành, địa phương và các đơn vị cung cấp giải pháp. Thông
tin TXNG chưa đáp ứng “các nguyên tắc TXNG ” như: Không đủ các bên tham gia
chuỗi cung ứng, thông tin không chính xác…. Ngoài ra, người dùng có thể phải
cài đặt cùng lúc nhiều phần mềm do đơn vị cung cấp giải pháp chỉ cho phép dùng
phần mềm nội bộ truy cập được thông tin.
Với mục tiêu kết nối – chia sẻ và bảo đảm quyền lợi người tiêu
dùng, Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa Quốc gia đang được Trung tâm mã số
mã vạch Quốc gia triển khai xây dựng, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2022.
Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò
trung tâm của hệ sinh thái TXNG, với sự tham gia của tất cả các bên tham gia
trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn
vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp TXNG và cơ quan quản
lý Nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động
TXNG phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm,
hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
·
Toàn cảnh Hội thảo.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Minh – Trung tâm Mã số, mã
vạch Quốc gia thông tin về việc áp dụng mã số mã vạch GS1 “hộ chiếu thông hành
cho hàng hóa” trong TXNG sản phẩm. Với mã số mã vạch GS1 trên sản phẩm, người
tiêu dùng sẽ biết được thông tin về chủ thương hiệu và các thông tin thuộc tính
quan trọng về sản phẩm đã được đăng ký. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể so
sánh cùng một loại sản phẩm giữa nhiều nhà sản xuất khác nhau, nắm bắt nhiều
thông tin xác nhận hàng thật, chính hãng giúp phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, việc áp dụng mã số mã vạch GS1 có thể nâng cao hiệu
quả của việc trao đổi thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng với cơ sở
dữ liệu chính xác và luôn được cập nhật. Các tiêu chuẩn GS1 sẽ cung cấp cho tất
cả các bên tham gia chuỗi cung ứng khả năng kỹ thuật để phân định, theo dõi và
xác định nguồn gốc sản phẩm, địa điểm xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hội thảo là diễn đàn mở để các doanh nghiệp chia sẻ những thông
tin và kinh nghiệm trong việc xây dựng, quản lý các hệ thống TXNG có khả năng
liên thông với nhau, việc áp dụng những công cụ để số hóa chuỗi giá trị nông
sản và sử dụng các ưu thế về TXNG để xúc tiến thương mại với các thị trường
trong và ngoài nước.
Các giải pháp được
đưa ra hội thảo là:
– Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ DN áp dụng hệ thống TXNG, MSMV, xây dựng và
phổ biến tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh
– Chuẩn hóa thông tin TXNG, tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng
tương tác, tăng tính minh bạch.
– Có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ 3 trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra
sản phẩm, có nhật ký điện tử; Xây dựng quy định chứng nhận hệ thống TXNG đạt
chuẩn đảm bảo kết nối thông tin
– Áp dụng mã định danh, xây dựng hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn quốc tế GS1…
|
Theo: tcvn.gov.vn