NHẬN DIỆN GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH
Dựa trên 5 tiêu chí đánh giá thực trạng (Chính phủ và môi trường pháp lý, nguồn nhân lực, mật độ, văn hóa, vốn đầu tư) và 7 cấp độ phát triển (Sơ khởi, thiết lập nền tảng, Tăng tốc, Đã hình thành, Hoạt động hiệu quả, Phát triển, Triển vọng), hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định có thể được nhận diện như sau:
Chính phủ và môi trường pháp lý
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách cho hoạt động khởi nghiệp
Bình Định đã ban hành các văn bản quan trọng làm cơ sở cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm:
- Quyết định Số 3043/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025”;
- Quyết định Số 1735/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Định;
- Quyết định Số 3853/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025”;
- Quyết định Số 4149/QĐ-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bình Định.
Hình thành các tổ chức mới về hỗ trợ khởi nghiệp
Nhằm triển khai và có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị trong tổ chức các thức hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh, Bình Định đã thành lập: Ban chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định; Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp tỉnh; Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục cải tạo, nâng cấp khu không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp Bihub thành nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp của cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bình Định.
Hoạt động kết nối hợp tác xây dựng mạng lưới của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định
Sở tổ chức 3 sự kiện Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Bình Định, thu hút hơn 1500 người tham dự là lãnh đạo các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể, các trường đại học và cao đẳng của tỉnh, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhóm dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sinh viên, học sinh. Bên cạnh đó, Sở kết nối và tham gia các hoạt động với hệ sinh thái khởi nghiệp Vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, sự kiện SURF Đà Nẵng, Khởi nghiệp Quảng Nam và các hoạt động của Techfest Quốc Gia, kết nối và hợp tác với hệ sinh thái khởi nghiệp miền Nam.
Ở tiêu chí này, Bình Định còn một số yếu kém như: sự liên kết và hợp tác với các sở ngành khác trong việc phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp chưa rõ nét; thiếu sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, cũng như thiếu các hội thảo liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là tài chính và đầu tư để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển ban đầu; thiếu các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp mới, các chương trình hợp tác công tư, chương trình ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp còn qui mô nhỏ lẻ; và sự tham gia của doanh nhân trong hoạt động khởi nghiệp chưa thường xuyên, chưa nhiều về số lượng và chất lượng.
Nguồn nhân lực
Công tác đào tạo, tập huấn khởi nghiệp
Bình Định đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn kỹ năng và phát triển hoạt động khởi nghiệp cho nhân lực nguồn và đối tượng học sinh, sinh viên, doanh nghiệp khởi nghiệp trong toàn tỉnh tham gia. Cụ thể, Bình Định tổ chức được 9 đợt đào tạo, tập huấn kỹ năng cho các cán bộ nguồn cho cán bộ thuộc các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và cử 3 cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện các hoạt động khởi nghiệp nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của tỉnh trong những năm đến, thu hút hơn 400 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, Bình Định triển khai 5 chương trình đào tạo tại tỉnh thu hút gần 500 lượt người tham dự thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng như “Phương thức quản lý và vận hành các hoạt động khởi nghiệp ĐMST”, “Nâng cao năng lực xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp”, “Nâng cao năng lực huấn luyện viên khởi nghiệp”, Khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cô vấn khởi nghiệp, Khóa bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm nhà đầu tư thiên thần sáng tạo cho doanh nhân.
Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phối hợp với Trường Đại học Quy nhơn, Tỉnh Đoàn gởi cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp tham gia 4 đợt đào tạo số lượng 14 lượt người tham dự đào tạo tại các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (SiHub); Khu công nghệ phầm mềm đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ITP).
Như vậy, các nhóm khởi nghiệp trẻ ngày càng đa dạng, dễ xác định, đến từ các lĩnh vực, một số trường đại học lớn như Đại học Qui Nhơn đã có chương trình đào tạo và tổ chức hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thường xuyên, có hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hoạt động nguồn nhân lực có phần cải thiện hơn từ cuối năm 2021 đến năm 2022 nhờ thúc đẩy nhiều chương trình đào tạo và tập huấn cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cộng đồng, bước đầu nâng cao được nhận thức, kết nối các nguồn lực, hình thành từng bước mạng lưới nguồn lực cho phát triển.
Tuy nhiên, ở tiêu chí này, Bình Định còn một số yếu kém như: thiếu các hoạt động kết nối, đào tạo, hợp tác các tổ chức về công nghệ, lập trình; các chương trình giáo dục khởi nghiệp ở các trường triển khai chưa đồng bộ và mạnh mẽ từ các trường Phổ thông trung học, Cao đẳng và đại học; và hoạt động ở các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp các trường cao đẳng, đại học còn mờ nhạt.
Mật độ
Cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp
Sở khoa học và công nghệ Bình Định đã triển khai xây dựng không gian dành riêng cho khởi nghiệp và sáng tạo BIHUB (Binhdinh Innovation Hub) - BIHUB hướng đến việc phát triển cộng đồng khởi nghiệp và thúc đẩy ĐMST. Kết quả khảo sát cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại tỉnh Bình Định của đề án 844 năm 2021 do Songhan incubator thực hiện cho thấy chỉ có 10% cán bộ được khảo sát cho biết họ có không gian làm việc chung và có tới 88% không có cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Như vậy, có thể thấy cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, mới hình thành và xây dựng được một không gian làm việc chung.
Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp
Năm 2021, Bình Định có quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn và đầu tư khởi nghiệp, tổ chức đào tạo nhóm cố vấn cho khởi nghiệp. Mạng lưới cố vấn đang ở giai đoạn đầu để hình thành và phát triển.
Văn hóa
Công tác truyền thông về khởi nghiệp
Công tác thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã cung cấp kịp thời những nội dung, thông tin bổ ích cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời lan toả thông tin liên quan đến quá trình tạo dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, cụ thể các hoạt động như:
- Duy trì website khởi nghiệp ĐMST (http://bihub.vn/);
- Cập nhật các bài viết, hình ảnh nội dung về hội thảo, khóa học như: Phát động Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định hàng năm và quảng bá về sự kiện Ngày hội khởi nghiệp ĐMST từ năm 2019-2022;
- Đăng tải các bài viết với nội dung kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nhân thành đạt, các startup trong nước và thế giới; các mô hình khởi nghiệp thành công, các dự án khởi nghiệp tại địa phương như: Cơ sở nấm An Nhơn, Rượu vang nếp, mô hình hỗ trợ và phát triển kỹ năng sống,…
- Phối hợp với Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Tạp chí Khoa học và Công nghệ để hỗ trợ đưa tin và phát sóng về Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định qua các năm.
Công tác tố chức cuộc thi khởi nghiệp
Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các sự kiện trọng điểm như: Chương trình Tuyển chọn và Ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST. Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST: Đã thu về 91 hồ sơ hợp lệ đăng ký tham dự (năm 2019: 26 hồ sơ, năm 2020: 42 hồ sơ, năm 2021: 23 hồ sơ) trong đó, lĩnh vực Nông nghiệp, công nghệ thông tin và dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất. Tổng số giải thưởng đã trao là 21 giải (năm 2019: 05 giải; năm 2020: 10 giải; năm 2021: 06 giải).
Nhìn chung, việc tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thu hút nhiều dự án tham gia với lĩnh vực dự thi đa dạng, áp dụng công nghệ mới. Đa số các dự án đều hoàn thiện sản phẩm mẫu, có dự án đã có sản phẩm bán ra thị trường và bước đầu thu hút sự quan tâm của khách hàng. Trong đó có một số dự án tiềm năng như: Dự án “Hợp tác xã nấm Anvies” - tác giả Phan Kim Nhật Quỳnh đạt giải đặc biệt vào năm 2019 và nhận được sự tài trợ từ CLB Đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bình Định hay dự án “Xưởng sản xuất đồ chơi bằng gỗ, an toàn cho trẻ em” - Nhóm tác giả: Trần Nhật Thiên Thanh, Võ Thị Bích Ty, Trương Văn Thành, Phạm Như Nhật Huy đạt giải Nhất vào năm 2021 và đã đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên năm 2022.
Ở tiêu chí này, Bình Định còn một số yếu kém như: các sự kiện khởi nghiệp hỗ trợ cho startup đến từ các tổ chức cộng đồng, tổ chức tư nhân chưa nhiều, tần suất thấp, không liên tục và thiếu đa dạng, thiếu hợp tác và liên kết để gia tăng chất lượng tri thức đổi mới sáng tạo và công nghệ; hầu hết chưa có các hoạt động liên kết ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp toàn diện các dịch vụ giúp startup phát triển dễ dàng hơn.
Vốn
Nguồn tài chính cho hoạt động khởi nghiệp
Theo số liệu khảo sát năm 2021 của đề án hệ sinh thái khởi nghiệp do SHi thực hiện, có thể thấy nguồn vốn cho phát triển hệ sinh thái đến chủ yếu từ Nhà nước, các đề tài, chương trình của Nhà nước.
Theo kết quả khảo sát, nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ ngân sách của đơn vị, tài trợ của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước và từ các Đề án, Chương trình của Nhà nước. Trong đó, nguồn tài chính cho hoạt động khởi nghiệp chiếm 53% ngân sách Nhà nước, 38% từ đề án, chương trình của Nhà nước, 33% ngân sách của đơn vị, 25% từ tài trợ doanh nghiệp, còn lại 5% từ các tổ chức Chính phủ và nguồn khác.
Từ kết quả khảo sát trên có thể thấy, nguồn ngân sách chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Bình Định chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã huy động thêm nguồn từ đề án, chương trình của Nhà nước. Phần ngân sách của Nhà nước và đề án cũng không nhiều, rất ít so với kỳ vọng phát triển đổi mới sáng tạo của tỉnh.
Vốn đầu tư thiên thần
Đa phần các dự án khởi nghiệp sử dụng vốn cá nhân và bạn bè, nguồn vốn cho đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần chưa có. Hoạt động xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần còn tổ chứ lỏng lẻo. Các mạng lưới cho đầu tư khởi nghiệp mới ở mặt chủ trương, văn bản hành chính.
Để thêm thông tin dữ liệu về nhận diện giai đoạn phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, có thể tham khảo thêm dữ liệu khảo sát hệ sinh thái được thực hiện theo đề án 844 năm 2021 như hình bên dưới.
Theo kết quả khảo sát, tất cả các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đều được đánh giá trên mức 3,90. Trong đó, tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân được các cán bộ tham gia khảo sát đánh giá cao nhất gần 4,30. Tiếp theo là Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với hoạt động khởi nghiệp ĐMST đánh giá ở mức 4,11 và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp địa phương đối với hoạt đông khởi nghiệp ĐMST ở mức 4,08. Cơ sở vật chất hỗ trợ khởi nghiệp được các cán bộ tham gia khảo sát đánh giá ở mức thấp nhất chỉ được 3,92. Qua đó, chúng ta có thể thấy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh Bình Định đang có quan tâm đến khởi nghiệp ĐMST.
Từ những phân tích và số liệu trên, có thể nhận diện hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Định đang ở Cấp 2 (thiết lập nền tảng) theo tiêu chí xếp loại.
CÁC GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP BÌNH ĐỊNH
Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của quản lý nhà nước thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương phát triển giai đoạn đầu.
- Sở KHCN cần giữ vai trò tham mưu, tiên phong mạnh mẽ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực đa dạng, thu hút sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tăng cường hợp tác công tư đặc biệt Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trường địa học, thúc đẩy xã hội hóa, liên kết, hợp tác cùng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp;
- Nghiên cứu, học hỏi và tham mưu ban hành các cơ chế chính sách đa dạng, sát với thực tiễn hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đặc biệt hình thành các tổ chức đổi mới sáng tạo mới, như trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ, các chương trình ươm tạo, tăng tốc, xây dựng đa dạng mạng lưới kết nối trong nước và ngoài nước;
- Lựa chọn 1 số lĩnh vực khởi nghiệp khác biệt, có tính chiến lược như du lịch cộng đồng sáng tạo, logictics, công nghiệp chế biến, kinh tế biển...để xây dựng thương hiệu khởi nghiệp riêng biệt;
- Thu hút thêm nguồn lực tài năng, nhiệt huyết từ các sở ngành khác, các tổ chức chính trị xã hội tham gia vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, lực lượng tiên phong này sẽ có nhiệm vụ tiếp thu tri thức đổi mới sáng tạo và công nghệ nhanh nhất có thể để chuyển giao lại cho cộng đồng trên địa bàn, hình thành nhiều đề án, chương trình cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu co-working space, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp các cơ sở vật chất cho khởi nghiệp.
- Sớm hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo Bình Định tiêu biểu, giúp khởi nghiệp có cơ sở vật chất, điều kiện ban đầu thuận lợi cho phát triển, ươm mần các tài năng trẻ tương lại dễ dàng hơn.
- Có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các trường Đại học, cao đẳng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, ươm tạo, các hoạt động khởi nghiệp diễn ra thường xuyên hơn.
- Có cơ chế thu hút, hợp tác công tư, hoặc thu hút các nhà đầu tư FDI vào Bình Định có chính sách hỗ trợ, đầu tư khởi nghiệp địa phương, có các không gian đổi mới sáng tạo liên kết.
Phát triển nguồn nhân lực toàn diện
- Đẩy nhanh hơn các chương trình giáo dục khởi nghiệp từ các trường PTTH, Cao đẳng và đại học thông qua các đối tác liên kết, tập đoàn, đối tác quốc tế với các hình thức offline và online;
- Liên kết với Techfest, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín trong nước để thúc đẩy sự chuyển giao trị thức, công nghệ, kết nối nguồn lực cho phát triển nhân lực địa phương như đào tạo mentor, nhà đầu tư, kết nối các Làng công nghệ, chuyên gia và đối tác công nghệ. Năm 2023 UBND tỉnh Bình Định nên đề xuất hợp tác với Bộ KH&CN và BTC Techfest để làm sự kiện lớn Techfest khu vực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La .. ;
- Có chính sách thu hút startup, nhân tài đóng góp cho phát triển đổi mới sáng tạo.
Nguồn vốn
- Đầu tư cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là đầu tư cho con người, cho tương lai, nhằm hình thành đội ngũ doanh nhân văn hóa, chất lượng mang tầm quốc gia và quốc tế cạnh tranh bằng tri thức, công nghệ mang lại thịnh vượng cho quốc gia và làm giàu cho địa phương phát triển. Vì vậy địa phương cần có nguồn ngân sách phù hợp làm vốn mồi, thu hút thêm các nguồn lực vốn các bên để gia tăng nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp;
- Sớm lập ra quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân từ các doanh nhân Bình Định thành công, tạo ra cầu nối kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho địa phương
Kết nối các mạng lưới nguồn lực đa dạng, hình thành văn hóa khởi nghiệp năng động hiêu quả
- Tăng cường kết nối các nguồn lực là các công ty, tập đoàn, doanh nhân cho hỗ trợ khởi nghiêp như tư vấn, đầu tư và kết nối thị trường. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động truyền thống, hỗ trợ phát triển marketing và thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp;
- Kết nối hệ thống mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các trung tâm đổi mới sáng tạo. Đưa nhiều chuyên gia khởi nghiệp quốc gia về địa phương để tạo sự chuyển biến nhanh về tư duy và tri thức khởi nghiệp.
Sử dụng mô hình mới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở: nhằm thúc đẩy cung cầu thị trường giải quyết các thách thức lớn cho địa phương, doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu, trao nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo cho các startup và các tổ chức trung gian đổi mới sáng tạo thực thi.
KẾT LUẬN
Khởi nghiệp ĐMST là công cụ hiệu quả để tạo ra thế hệ doanh nhân mới có sự sáng tạo, công nghệ tạo ra sự đột phá lớn cho phát triển kinh tế ở địa phương và quốc gia. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp chính là phát triển hạ tầng tri thức, công nghệ để doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời ngày càng nhiều về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, khoa học và quyết liệt của chính quyền địa phương với cách làm đúng, tư duy đúng ngay từ đầu, thì hiệu quả cho một hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ phát huy để có thể tạo ra nhiều doanh nhân chất lượng phát triển kinh tế.
Theo: vista.gov.vn