Trang chủ nền tảng dữ liệu dịch vụ thông tin sở hữu công nghiệp (Bộ KH&CN)
Danh sách nền tảng số quốc gia bao gồm các nền tảng số, hệ thống thông tin, ứng dụng do Bộ, ngành đầu tư, triển khai sử dụng toàn quốc từ Trung ương đến các địa phương, như: Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…
Theo danh mục nền tảng, hệ thống thông tin triển khai trên toàn quốc đến địa phương cập nhật đến ngày 3/7/2024, có 103 nền tảng số được công bố, trong đó: Bộ Tài chính có 31 nền tảng, hệ thống thông tin; Bộ Công an có 11 nền tảng, hệ thống; Bộ Xây dựng có 10 nền tảng, hệ thống; Bộ Giao thông vận tải có 8 nền tảng, hệ thống; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 7 nền tảng, hệ thống thông tin; Bộ Giáo dục và Đào tạo có 7 nền tảng, hệ thống; Bộ Nội vụ có 9 nền tảng; Bộ Tư pháp có 9 nền tảng….
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có 02 nền tảng, hệ thống thông tin: Hệ thống thông tin KH&CN (Cung cấp các thông tin KH&CN bao gồm: Thông tin về nhiệm vụ KH&CN, Thông tin về công bố KH&CN Việt Nam, Thông tin về các Tổ chức KH&CN, do Cục Thông tin KH&CN quốc gia vận hành) và Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Hỗ trợ khai thác miễn phí thông tin sở hữu công nghiệp do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ vận hành).
Các nền tảng số quốc gia này là nền tảng phục vụ nghiệp vụ, chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, ngành tại địa phương; là công cụ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc; hỗ trợ cung cấp thông tin, chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ địa phương cập nhật thông tin, báo cáo, thống kê cho Bộ, ngành.
Văn bản số 2765/BTTTT-CĐSQG cũng đưa ra một số đề nghị với các Bộ, ngành chưa công bố nền tảng triển khai toàn quốc cần khẩn trương rà soát và gửi Bộ Thông tin và Truyền thông công bố. Đồng thời đề nghị các địa phương tích cực khai thác, sử dụng các nền tảng do các Bộ, ngành triển khai; chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số của mình; tránh triển khai chồng lấn, trùng lặp với các nền tảng số do các Bộ, ngành đã công bố.
P.Hương