V.I. Lênin vận dụng sáng tạo
chủ nghĩa Mác vào xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực trong điều kiện cụ thể
của nước Nga _Nguồn: Tạp chí Cộng sản
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm
1991) thông qua đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1).
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đã minh chứng rằng, nhờ có chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng
lợi này đến thắng lợi khác, giành lại độc lập dân tộc và đạt được những thành
tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn cách mạng cũng cho thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư
tưởng Hồ Chí Minh là hai cấu phần hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho
hành động của Đảng và hai yếu tố này có quan hệ hữu cơ với nhau, không thể
thiếu một yếu tố nào.
Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số ý
kiến muốn tách rời chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí còn
tìm cách luận giải cho rằng chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với cách
mạng Việt Nam, còn chủ nghĩa Mác-Lênin là “tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền
thống dân tộc”, không phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và đã bị chối
bỏ ở nơi quê hương của nó, “du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai
lầm lịch sử”(2); do đó chỉ cần nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và đi
đến kết luận võ đoán rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối lập với chủ nghĩa
Mác-Lênin”(?). Đây thực chất là một quan điểm sai trái, xuyên tạc về mối quan
hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác-Lênin.
Quan điểm này tưởng như là sự đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, tưởng như là sự
khẳng định những công lao, cống hiến của Hồ Chí Minh với đất nước và dân tộc
Việt Nam, nhưng thực chất là nhằm tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với
chủ nghĩa Mác-Lênin; âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng
Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin; phủ định thế giới quan và phương pháp luận
khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là
bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Trên thực tế, các thế lực thù địch, phản động
chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng
thế giới, trong đó nổi lên hiện nay là sự chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn
hóa. Rõ ràng, tư tưởng, văn hóa là mặt trận hết sức gay gắt, quyết liệt của
cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, làm thất bại các âm mưu phá hoại của
các thế lực thù địch, phản động. Thực tế cho thấy đang xuất hiện nhiều hơn
những mưu toan kích động, xuyên tạc nhằm “hạ bệ thần tượng”, làm nghi ngờ, gây
hoang mang, dao động, thậm chí gây chia rẽ, hỗn loạn nhận thức về nền tảng tư
tưởng của Đảng trong hàng ngũ những người cộng sản, từ đó dẫn tới mất phương
hướng, mâu thuẫn, rối loạn trong tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đưa
đến những sai lầm, làm mất uy tín, ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân
và do đó đánh mất vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Những mưu toan
này có lúc công khai, trắng trợn, có lúc tinh vi, xảo quyệt. Việc tuyên truyền,
xuyên tạc về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tách rời chủ nghĩa
Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí cho rằng “Tư tưởng Hồ Chí Minh đối
lập với chủ nghĩa Mác-Lênin” là một âm mưu rất tinh vi, xảo quyệt, nằm trong
những mưu toan đó của các thế lực thù địch, phản động và thực chất không có gì
mới. Nhưng vào những dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, đất nước, kỷ
niệm thành lập Đảng, hoặc những sự kiện chính trị đặc biệt, thì những quan điểm
này lại xuất hiện theo kiểu “bổn cũ soạn lại”. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, nhận diện và đấu tranh phản bác, làm thất bại những âm mưu, thủ
đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, trong đó có âm
mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, là công
việc mang ý nghĩa hết sức quan trọng và thường xuyên hiện nay.
Trước hết, cần phải nhận rõ mưu toan cắt xén
và đánh tráo khái niệm của các ý kiến xuyên tạc, tách rời và đối lập tư tưởng
Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Những ý kiến xuyên tạc, âm mưu
tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng, Hồ
Chí Minh là một người yêu nước, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, chỉ mong
muốn làm thế nào để giải phóng đất nước, giành lại độc lập cho dân tộc Việt
Nam. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết về đấu tranh giai cấp, là
hệ tư tưởng chỉ của riêng giai cấp công nhân, nên đối lập với cả chủ nghĩa yêu
nước, chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh theo đuổi. Những ý kiến kiểu này đã cố ý
không thấy một thực tế là Hồ Chí Minh không chỉ muốn giải phóng đất nước, giành
lại độc lập cho dân tộc, mà quan trọng hơn nữa là phải làm thế nào để toàn thể
người dân được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, ấm no thực sự sau khi giành được
độc lập, như Người đã từng tâm sự: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột
bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự
do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).
Bởi trong quan niệm của Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc
tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(4). Người chỉ rõ:
“Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự
do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập
khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5).
Đó chính là lý do để lý giải vì
sao mặc dù đánh giá cao cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và đúc kết được những kinh
nghiệm quý báu từ hai cuộc cách mạng tiêu biểu này trong thời cận đại, nhưng Hồ
Chí Minh đã thẳng thắn nêu lên nhận xét về những cuộc cách mạng đó xét về bản
chất đều là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, chỉ mang lại quyền lợi cho
một thiểu số người trong xã hội, trong khi đại đa số những người dân lao động
vẫn phải chịu cảnh bị áp bức, bóc lột, bất công và vẫn phải mưu tính làm cách
mạng lần nữa. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã quyết định không lựa chọn con đường cứu
nước và phát triển của dân tộc Việt Nam theo hình mẫu của các cuộc cách mạng Mỹ
và cách mạng Pháp. Thực tế, như chúng ta đều biết, qua quá trình nghiên cứu,
khảo sát nhiều trào lưu tư tưởng chính trị trong hành trình bôn ba nước ngoài,
Người đã lựa chọn con đường cách mạng do chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra: con đường
cách mạng vô sản. Đó là con đường thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội, thực hiện ba sự nghiệp giải phóng là giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp và giải phóng con người trong một chỉnh thể thống nhất để thực
sự mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc triệt để cho tất cả người dân, không phân
biệt giàu nghèo, vùng miền, không phân biệt dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số,
có tôn giáo hay không theo tôn giáo, nam hay nữ, .... Nói cách khác, con đường
cách mạng vô sản theo ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã đáp ứng được yêu cầu
giải phóng dân tộc một cách triệt để mà Hồ Chí Minh luôn phấn đấu thực hiện.
Các ý kiến cho rằng tư tưởng Hồ
Chí Minh đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đã đánh tráo khái niệm khi luận
giải Hồ Chí Minh đặt vấn đề dân tộc lên trên hết và trước hết, trong khi chủ
nghĩa Mác-Lênin chỉ coi trọng vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi trọng
bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân. Như vậy, rõ ràng là tư tưởng Hồ Chí Minh
đối lập với chủ nghĩa Mác-Lênin (?).
Đúng là trong quá trình lãnh
đạo cách mạng Việt Nam, khi giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn
đề giai cấp, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc lên trên hết, trước hết và xác
định vấn đề giai cấp phải xếp sau vấn đề dân tộc, phục vụ cho vấn đề dân tộc.
Nhưng đây là sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh đối với lý luận
của chủ nghĩa Mác-Lênin và trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó là sự quán
triệt, vận dụng đúng đắn linh hồn của chủ nghĩa Mác-Lênin - phương pháp luận
duy vật biện chứng, vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa phong kiến như
Việt Nam; là sự vận dụng quy luật chung vào hoàn cảnh cụ thể, đặc thù, hết sức
sinh động, muôn màu, muôn vẻ của những hiện tượng, quá trình lịch sử riêng
biệt. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo đó là cần thiết, đã thể hiện theo đúng
lời dặn của V.I.Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận Mác như là một cái gì đã
xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ
đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển
hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”(6).
Vì vậy, không thể đánh đồng sự vận dụng và phát triển sáng tạo với sự mâu
thuẫn, đối lập.
Thứ hai, Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai
trò, tầm vóc của chủ nghĩa Mác-Lênin
Khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh
không chỉ trăn trở tìm kiếm lời giải bài toán làm thế nào, bằng cách nào để
giành lại nền độc lập của nước nhà, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống
trị ngoại bang, mà còn mong muốn tìm ra một hệ tư tưởng làm nền tảng soi sáng
cho con đường đi của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng xã hội mới,
một triết lý phát triển của dân tộc. Qua những trải nghiệm phong phú trong thực
tiễn, khảo sát, phân tích sâu sắc về những trào lưu tư tưởng, những con đường
cứu nước của các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh nhận thức rõ rằng đường lối
cứu nước, giải phóng và phát triển dân tộc phải được xây dựng trên một nền tảng
tư tưởng nhất định thì mới đảm bảo tính nhất quán và sự thông suốt trong cả tư
tưởng và hành động của lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng lãnh đạo, từ
đó đảm bảo cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Lực lượng lãnh đạo phải
có chủ nghĩa làm cốt và ai cũng phải hiểu, ai cũng
phải theo chủ nghĩa ấy, tức là phải thống nhất quán triệt, vận dụng chủ
nghĩa ấy trong quá trình vận động và tổ chức sự nghiệp cách mạng thì sự nghiệp
đó mới thành công được.
Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, lực lượng lãnh
đạo mà không có chủ nghĩa làm nòng cốt thì cũng giống như người không có trí
khôn, tàu không có bàn chỉ nam (la bàn)(7). Người không có trí khôn
thì đương nhiên sẽ không thể có chủ trương, đường lối đúng đắn được; và tàu
không có la bàn dẫn đường thì cũng sẽ không thể xác định được hướng đi đúng
giữa đại dương mênh mông, bao la.
Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn nữa trong thời
đại của Hồ Chí Minh là Người xác định, phải lựa chọn đi theo chủ nghĩa
nào, học thuyết nào. Bởi lẽ, như Người từng thấy rõ: “bây giờ học thuyết nhiều,
chủ nghĩa nhiều”. Đó là hệ tư tưởng tư sản, hay hệ tư tưởng vô sản, hoặc nhân danh
là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nhưng thực chất đã bị tha hóa, biến
tướng, như chủ nghĩa công liên, nghiệp đoàn vàng, chủ nghĩa xét lại ....? Đi
theo chủ nghĩa nào, tư tưởng nào là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra, buộc phải
có sự lựa chọn, cân nhắc cẩn thận, chính xác. Trong bối cảnh đầy những phức
tạp, tiềm ẩn nhiều “ngõ cụt” đó, Hồ Chí Minh đã biết phát hiện ra và tìm đến
với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất, cách mạng nhất và nhân văn nhất của thời đại, trong khi những
người Việt Nam khác, dù cũng
giàu lòng yêu nước và từng sống nhiều năm ở nước ngoài như nhà chí sĩ Phan Châu
Trinh, luật sư Phan Văn Trường, ... nhưng vẫn không nhìn ra được. Người chỉ rõ:
“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc
chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(8). Đó là sự tổng kết,
đúc rút của Hồ Chí Minh từ thực tiễn nghiên cứu, khảo sát phong phú các trào
lưu tư tưởng, các phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc cách mạng của các dân
tộc khác nhau trên thế giới. Có thể nói chặng đường mà Hồ Chí Minh đã đi để đến
với chủ nghĩa Mác-Lênin là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự
lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”(9).
Sau này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định vai trò hết sức quan trọng của chủ
nghĩa Mác-Lênin đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam. Với nhiều
cách thức diễn đạt khác nhau, Người đã chỉ ra vai trò nền tảng tư tưởng, dẫn
đường của chủ nghĩa Mác-Lênin: “chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc”(10);
“Chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam cho hành động”(11); “Chủ nghĩa
Mác-Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”(12); chủ nghĩa
Mác-Lênin “không những là cái "cẩm nang" thần kỳ, không những là cái
kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi
cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(13)...
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, việc hiểu chủ
nghĩa Mác-Lênin là yêu cầu, điều kiện không thể thiếu để Đảng và mỗi cán bộ,
đảng viên hoàn thành vai trò, nhiệm vụ được giao. Với tổ chức Đảng, Người chỉ
ra rằng: “Đảng ta là Đảng lãnh đạo. Muốn lãnh đạo được phải hiểu chủ nghĩa
Mác-Lênin”(14). Với mỗi cán bộ, đảng viên, Người nêu rõ: “Có học tập
lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng
cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó
cho mình”(15). Người nhắc nhở: “hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin tức là cách
mạng phân công cho việc gì, làm Chủ tịch nước hay nấu ăn, đều phải làm tròn
nhiệm vụ”(16).
Đặc biệt, với trái tim nhân văn sâu sắc, Hồ
Chí Minh đã nêu lên quan niệm hết sức độc đáo về vai trò quan trọng của chủ
nghĩa Mác-Lênin, đó là giúp nhân lên những giá trị tích cực trong mỗi người,
cộng đồng và xã hội: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có
nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là
hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được”(17).
Đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa
Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải
biết vận dụng đúng đắn và phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, tránh căn
bệnh máy móc, giáo điều. Người chỉ rõ: “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập
cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là
học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng
tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực
tiễn”(18).
Thứ ba, Hồ Chí Minh luôn nhất quán khẳng định
bản thân là một người mácxít-lêninnít
Tháng 7-1920, khi đọc Luận cương của
V.I.Lênin, Hồ Chí Minh đã hết sức xúc động. Sau này, Người có tâm sự về thời
điểm đặc biệt đó: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi,
sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong
buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng
bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường
giải phóng chúng ta!". Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc
tế thứ ba”(19).
Trên nền tảng lý luận khoa học, cách mạng của
chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã từ một người yêu nước nhiệt thành trở thành
người cộng sản chân chính, đã tìm ra con đường đi đúng đắn cho bản thân và con
đường giải phóng, phát triển chính xác, phù hợp với lịch sử và thời đại của dân
tộc. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và sức
mạnh đại đoàn kết của toàn thể quốc dân đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ
sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại để đánh đuổi giặc ngoại xâm, đi tới xây dựng một xã hội mới
mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no thực sự cho tất cả mọi người dân, một
xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với
giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội. Đó chính là con đường phát triển khoa học, cách mạng triệt để và
nhân văn sâu sắc. Thực tế lịch sử dân tộc cho thấy con đường này đã được dân
tộc lựa chọn, ủng hộ và tin theo. Đúng như Đảng đã khẳng định: “Với tấm lòng
yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy ở
chủ nghĩa Mác-Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước”(20).
Cũng chính là trên nền tảng lý luận khoa học,
cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là phương pháp luận duy vật biện
chứng, với trí tuệ lỗi lạc và tư duy lý luận sắc sảo, thấm đẫm thực tiễn phong
phú, Hồ Chí Minh đã xây dựng nên hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về
những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó hạt nhân cốt lõi, sợi chỉ
đỏ xuyên suốt là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí
Minh đã hoàn thành xuất sắc không chỉ vai trò là người tìm đường, mà còn cả vai
trò người mở đường và dẫn đường, trở thành vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của
dân tộc Việt Nam, vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Đồng
thời, với những hoạt động, cống hiến hết sức phong phú trên nền tảng phương
pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng trở thành người chiến sĩ
quốc tế lỗi lạc trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân tiến bộ trên thế giới,
đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân
tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. .... những tư tưởng của Người là hiện thân của
những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của
mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”(21).
Tháng 7-1946, ngay tại thủ đô Pari (Pháp),
trên cương vị nguyên thủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang thăm nước Cộng
hòa Pháp, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn trả lời các nhà báo quốc tế: “Tất cả mọi
người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ
nghĩa Các Mác”(22).
Chỉ một thời gian ngắn trước khi qua đời,
trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô (ngày 15-7-1969),
Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Lúc đầu, chính là do chủ nghĩa yêu nước mà
tôi tin theo Lênin. Rồi, từng bước một, tôi đi đến kết luận là chỉ có chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai
cấp công nhân toàn thế giới”(23). Nêu lên những thắng lợi của nhân
dân Việt Nam từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn
mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh Lênin -
chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì
thay thế được là chủ nghĩa Mác-Lênin”(24).
Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đã phấn đấu theo lý
tưởng cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin và là tấm gương mẫu
mực về sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện
lịch sử cụ thể của Việt Nam, đã mang lại những thành công cho cách mạng Việt
Nam và đưa dân tộc Việt Nam đến những thành tựu như hiện nay. Chính trên tinh
thần đó, từ những bài học của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là qua 35 năm đổi
mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
(năm 2021) đã nhấn mạnh một trong những tư tưởng chỉ đạo xuyên
suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là “phải kiên định
và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(25).
Đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với
chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả
nghiêng, dao động.
PGS.TS Lý Việt Quang
Viện
trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật,
H, 1991, tr.21.
(2) GS.TS. Vũ Văn Hiền (chủ biên): Một
số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII
của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2020, t.1, tr.18.
(3) (4) (5) (20) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t. 4, tr.187, 64, 175, 315.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia, H, 2005, t. 4, tr.232.
(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 2, tr.289, 289.
(9) Ho Chi Minh - Notrue camrade, Introduction
historique de Charles Fourniau, editon sociales, Paris, 1970, dẫn theo Phan
Ngọc Liên: Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia,
H, 2008, tr. 178.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, tập 6, tr. 359.
(11) (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 7, tr.1 20, 414.
(13) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 12, tr. 563, 562.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 13, tr. 76.
(15) (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t. 11, tr. 611, 611.
(16) (17) (21) (24) Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Sđd, t. 15, tr. 668, 668, 588, 590.
(22) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban
Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày
9-9-1969.
(23) Nghị quyết số 24C/18.6.5 của Tổ chức
Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về Kỷ niệm 100
năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1987), dẫn theo GS,TS Mạch Quang
Thắng - PGS,TS Bùi Đình Phong - TS Chu Đức Tính (Đồng chủ biên) (2013): UNESCO
với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà
văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.71-72.
(25) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
H, 2021, t.I, tr.33.
Nguồn: tuyengiao.vn