(Ảnh
minh hoạ)
1. Mỗi kỳ đại hội Đảng toàn quốc, công tác
cán bộ luôn là một trong những vấn đề quan trọng được xem xét, bàn thảo kỹ
lưỡng, về những thành tựu, hạn chế cũng như nguyên nhân của hạn chế, yếu kém.
Đặc biệt, trên cơ sở tổng kết 10 năm đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 về “Chiến lược cán
bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp
tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.
Những năm gần đây, Ban Chấp
hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều nghị
quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác cán bộ. Trong đó
phải kể đến Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy
mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và
những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa XII) về “Tập trung xây dựng
đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy
tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Sau 23 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TW,
đội ngũ cán bộ các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển nhiều mặt. Sự trưởng
thành, phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý các cấp nói riêng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, giúp đất nước ta có được cơ đồ,
tiềm lực, vị thế và uy tín lớn mạnh nhất từ trước đến nay.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, Đảng đã
tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, lấy phòng ngừa làm trọng,
lấy xây là chính; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi
phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu
gương mẫu trong cuộc sống với mục đích “trị bệnh cứu người”. Đảng kiên quyết xử
lý những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng,
đến sự phát triển của đất nước. Rõ nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay,
BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã
thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; một số cán
bộ đã bị xử lý hình sự…
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào
việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề cần
được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”
chỉ rõ yêu cầu, nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành. Qua đó khẳng định
mục tiêu là phải lựa chọn được những đồng chí thật sự tiêu biểu của Đảng về bản
lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; kiên quyết không bỏ sót
những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn. Đồng thời không để lọt vào
BCH Trung ương khóa XIII những người có một trong 6 nhóm khuyết điểm đã được
chỉ ra. Đó là những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực,
xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ; thiếu chính kiến, thấy đúng
không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; kê khai tài sản không trung thực, có
biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải
trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương
mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…
Để có được nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu,
nhiệm vụ công tác, đặc biệt từ khi có Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH,
HĐH đất nước, nhiều văn bản của Đảng về công tác cán bộ được ban hành. Trong đó
nổi bật là Quy chế đánh giá cán bộ, công chức (ban hành theo Quyết định số
286-QĐ/TW ngày 8/2/2010 của Bộ Chính trị khóa X). Tiếp tục đổi mới, nâng cao
chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, Bộ Chính trị (khóa XII) có Quy
định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung
tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định số 90-QĐ/TW ngày
4/8/2017 về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban
Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tiêu chuẩn cán bộ
và khung tiêu chí đánh giá từng loại cán bộ được ban hành theo Quy định số
89-QĐ/TW, Quy định số 90-QĐ/TW đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới,
nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đấu tranh không khoan nhượng với tình
trạng suy thoái đạo đức, lối sống, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh
đạo, quản lý. Đây cũng là công cụ để Đảng kiểm soát quyền lực cán bộ, nhân dân
giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong việc sử
dụng quyền lực được giao.
Việc thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nghị quyết các kỳ đại hội; nghị
quyết, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đã đạt được những kết quả đáng ghi
nhận. Đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng không ngừng được kiện toàn, được đào tạo
cơ bản và tương đối toàn diện về chính trị cũng như chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc
biệt là đã xuất hiện nhiều cán bộ trẻ tài năng, là nguồn kế cận thế hệ cán bộ
lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược trong tương lai với tư duy, tầm nhìn mới.
2. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy,
công tác cán bộ của Đảng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá cán
bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất. Đội ngũ cán bộ đông nhưng
chưa mạnh. Năng lực chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp. Trước
những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những tác động tiêu
cực của kinh tế thị trường và những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, một bộ
phận cán bộ của Đảng đã bị thoái hóa, biến chất, tình trạng ngại phấn đấu, rèn
luyện đã xuất hiện trong số cán bộ trẻ.
Điều đáng quan tâm là một số cán bộ, đảng
viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức tha hóa, biến chất, tham nhũng, vi
phạm kỷ luật, pháp luật, bị khai trừ Đảng, bị xử lý hình sự những năm qua thật
đau xót. Trong đó có những đảng viên 30 - 40 tuổi đảng, cán bộ cấp Trung ương
quản lý, phần đông cán bộ có chức vụ chính quyền và đều tham gia cấp ủy, hoặc
đứng đầu cấp ủy. Nhiều người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, là tiến sĩ, nhiều
người có 2 - 3 bằng thạc sĩ, cử nhân và phần lớn cán bộ các cấp vi phạm kỷ luật
và phạm tội nêu trên đều có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Trong đó, vụ
việc gần đây khi nhiều cán bộ bị bắt liên quan đến Công ty Việt Á hay các
chuyến bay giải cứu công dân trong bối cảnh đại dịch đã gây nhiều bức xúc đối
với dư luận…
Điểm lại như thế để thấy rất rõ không chỉ có
số lượng vụ án tham nhũng, mà hành vi tham nhũng và đối tượng tham nhũng ngày
càng tinh vi, tập trung vào những người có chức quyền, học thức, đã từng có
nhiều đóng góp cho đất nước trên cương vị công tác của bản thân. Điều này một
lần nữa giong lên hồi chuông báo động về tình trạng tham nhũng, tiêu cực, cần
phải kiên quyết, có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn.
Câu chuyện về chống tham nhũng và quan điểm
của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xử lý những cán bộ thoái hóa, biến chất đến
nay vẫn là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị. Bác ví von độc đáo, một
thân cây đã bị sâu đục những lỗ to, chảy hết nhựa, muốn cứu cái cây phải bắt
giết hết những con sâu. Với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải
giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa
còn là một việc làm nhân đạo.
3. Với quyết tâm chính trị cao, vận dụng sáng
tạo và hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào thực
tiễn, Đảng đề ra nhiều biện pháp tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp
ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định:
"Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo
đức, tổ chức và cán bộ”. Đây là lần đầu tiên nội dung “xây dựng, chỉnh đốn Đảng
về cán bộ” được cụ thể, nhắc đến với tư cách là nội dung thứ năm nằm trong mệnh
đề về xây dựng Đảng, nhằm tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh hơn nữa vị trí, vai
trò của cán bộ và công tác cán bộ. Dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng đội
ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên
phát huy năng lực, sở trường trong công tác, ngay đầu nhiệm kỳ XIII, Bộ Chính
trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích
và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Điều này một lần nữa
khẳng định đây là vấn đề được Đảng rất quan tâm, qua đó giúp cán bộ, đảng viên
tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, thách thức, có thêm những cơ hội để
cống hiến cho đất nước, nhân dân. Đây chính là sự cụ thể hóa phương hướng của
nhiệm kỳ Đại hội XIII là xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử
dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám
làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm. Mặt khác, nhằm khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm,
Kết luận 14-KL/TW nêu vấn đề “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không
đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại
thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ
quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Những định hướng này góp
phần tạo niềm tin và động lực để cán bộ, đảng viên dám dấn thân cống hiến vì
lợi ích chung. Việc xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi
mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là giải pháp căn cơ
đối với công tác cán bộ, qua đó thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa
phương và rộng hơn là sự phát triển của cả đất nước. Đây chính là cơ chế tạo
động lực cho sự đổi mới, bứt phá, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát
vọng cống hiến, của cán bộ.
Cùng với sự khuyến khích đột phá, Bộ Chính
trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với
cán bộ, mở đường cho sự tự sàng lọc cán bộ sát với thực tế hiện nay. Quy định
nêu rõ kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức với cán bộ khi có
đủ căn cứ. Việc ban hành Quy định số 41-QĐ/TW là một bước hoàn thiện hơn công
tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng
ta, để việc từ chức của những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực trình độ
dần trở thành nét "văn hóa" trong hoạt động của Đảng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng quyết tâm
xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong đó
tiếp tục xác định cán bộ, công tác cán bộ là vấn đề then chốt của then chốt.
Các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng cùng với việc tổ chức các lớp bồi
dưỡng, tổ chức luân chuyển rèn luyện thực sự là “công việc gốc của Đảng” thường
xuyên “vun gốc, tỉa cành” nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ “có bản lĩnh
chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám
nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó
khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên
phong, gương mẫu” để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: xaydungdang.org.