Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật
với các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp về dự Đại hội liên hoan
Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và đổi công toàn quốc (23/5/1957).
(Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Không chỉ đề cao vai trò, tầm quan trọng của
người lãnh đạo: “Một người lo bằng kho người làm”, triết lý người Việt còn nhắc
nhở những ai ở cương vị đó phải biết giữ gìn nhân cách, bởi “nhà dột từ nóc”.
Lại có câu ca dao: “Người trên ở chẳng chính
ngôi/ Để cho bề dưới chúng tôi hỗn hào” là chân lý cũng là đạo lý, vì người
lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao không chỉ phải “lo” đường lối chiến lược,
hoạch định chính sách... mà còn phải là mẫu mực nhân cách có ảnh hưởng lớn
trong cộng đồng.
Thế nhưng vừa qua, có không ít vị lãnh đạo cấp
cao lại “nhúng chàm” để rồi đang ở đỉnh cao quyền lực rơi xuống đáy thân phận
bị cáo, trở thành “tấm gương mờ” để người đời bêu riếu... “Tài” và “đức” là hai
phạm trù cơ bản cấu thành nhân cách người lãnh đạo. Họ có thể có “tài” nhưng
còn thiếu “đức”. Bác Hồ từng dạy người cách mạng phải lấy đức là nguồn, là gốc:
“Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức
cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1).
Những “tấm gương mờ” kia còn thiếu đạo đức cách mạng nên sức yếu, không “gánh
được nặng” và chẳng “đi được xa”.
Bốn cái cột chống vững chắc của ngôi nhà đạo
đức cách mạng, theo Bác Hồ là “cần, kiệm, liêm, chính”. Ngày Quốc khánh
2/9/1947, Người viết bài "Cán bộ và đời sống mới" giải thích rõ vấn
đề, đặc biệt nhấn mạnh đến sự “thực hành”: “Muốn được dân tin, dân phục, dân
yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết
kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được
lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”(2). Câu nói mang ý nghĩa thời sự sâu
sắc, như là nói với hôm nay!
Một phẩm chất hàng đầu của người lãnh đạo là
uy tín. Tham ô, đục khoét tức “vô liêm”, không trong sạch thì làm sao “được
lòng dân”. Người xưa rất coi trọng chữ “liêm”. Cụ Khổng Tử mỉa mai: “Người mà
không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử trăn trở: “Ai cũng tham lợi, thì
nước sẽ nguy”. Bác Hồ kế thừa các tinh hoa tư tưởng ấy và minh họa một trường
hợp cụ thể. Trong "Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch bốn tháng sang
Pháp", Người có nói về “tấm gương” của Napoléon “đại tài nhưng tham lam”,
từ một anh lính làm đến tổng tư lệnh rồi hoàng đế, vẫn chưa thấy đủ, ông còn
muốn làm chúa cả thế giới: “Nếu ông Napoléon mà biết dè dặt, không tham muốn
quá chừng, thì chắc nước Pháp lúc đó không đến nỗi vì chiến tranh mà chết
người, hại của. Mà ông Napoléon cũng giữ được địa vị thiên tử trong một nước
giàu mạnh ở Âu châu. Nhưng ông Napoléon đã làm con giời lại muốn làm cả giời,
kết quả bị rơi xuống đất... Xưa nay đã nhiều người vì không “tri túc” (chừng
mực) mà thất bại”(3). Là người có tài, lại ở vị trí lãnh đạo cao nhất nhưng
“kết quả bị rơi xuống đất”, theo Bác Hồ có 3 lý do là “tham lam”, “không khiêm
tốn”, “không biết lượng sức mình”. Vì thế mà ông ta mắc bệnh cuồng vọng “đã làm
con giời lại muốn làm cả giời”. Hậu quả do người lãnh đạo gây ra, không chỉ
mình người đó mà còn cả cộng đồng phải gánh chịu, có khi rất nặng nề.
Soi vào một vài trường hợp cán bộ lãnh đạo cấp
cao vừa rồi bị kỷ luật, không thể so sánh về tài năng, nhưng về nguyên nhân và
“kết quả” thì thấy họ cũng gần giống như Napoléon vậy!
Phật giáo coi tính “tham” là nguyên nhân đầu
tiên dẫn con người đến “bể khổ”. Khổng Tử coi sự “tham lợi” chỉ có ở kẻ “tiểu
nhân”. Bác Hồ dạy cán bộ phải biết: “Ít lòng tham muốn về vật chất”! Mọi cán bộ
đều phải thế, cán bộ lãnh đạo càng phải thế!
Về giải pháp ngăn chặn, căn cứ vào tư tưởng
biện chứng của Lênin từ “trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”, đối chiếu
với quan niệm về đặc trưng tâm lý người lãnh đạo mới nhất của thế giới hiện
nay, thì lời Bác Hồ dạy vẫn là bài học đúng đắn, thiết thực. Cụ thể nhất là lấy
gương người tốt-việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau. Đây là một truyền
thống văn hóa phương Đông mà chính Bác Hồ giải thích: “Nói chung thì các dân
tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống còn có giá
trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Ở phương Tây, một số vị tổng thống
khi nhậm chức thường đặt tay lên cuốn Kinh Thánh là một cách “hứa” sẽ làm theo
những lời dạy mẫu mực, tức cũng coi đó là tấm gương. Vấn đề ở chỗ “làm gương”
như thế nào, bằng cách nào?
Ở ngay lĩnh vực giáo dục cán bộ, đảng viên,
Bác Hồ đã là nhà giáo dục lớn với tư tưởng và các biện pháp mang tính hệ thống,
toàn diện, phù hợp. Theo Người, lấy những tấm gương “đảng viên đã vì Đảng, vì
giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú,
Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai,
cùng trăm nghìn đồng chí khác... Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc
rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa
ngày càng rực rỡ”(4). Hình tượng ẩn dụ “cây” Đảng ta tươi tốt là nhờ “gốc rễ”
được “thấm nhuần” máu xương của các bậc tiền bối thật giàu ý nghĩa biểu cảm này
được Người nhiều lần nhắc lại. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên ấy đã hy sinh trọn vẹn,
tuyệt đối cho dân tộc, xứng đáng là tấm gương cho mọi thế hệ kế tục học tập,
noi theo.
Bác Hồ từng nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt,
cấp cao phải tiên phong trong việc nêu gương. Trong "Bài nói chuyện tại
phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963", Người nhắc nhở: “Một
điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh
đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách
mạng: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn
đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang
chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng
miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm
gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất
định làm được”(5). Không chỉ là lời dạy về nội dung, còn là vấn đề phương pháp
luận: Phải lấy tấm gương sáng nhất, cụ thể mà gần gũi để giáo dục. Thời điểm
ấy, với các bộ trưởng, thứ trưởng... thì có tấm gương nào “sáng” hơn “đồng bào
miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng”.
Một số cán bộ lãnh đạo mắc khuyết điểm vừa qua
có nguyên nhân là phai mờ lý tưởng cộng sản, nhạt phai tinh thần tự nguyện cống
hiến, hy sinh vì cách mạng, vì dân nên sa vào chủ nghĩa cá nhân, đúng như Bác
nói, họ “coi Đảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài”(6). Xa dân nên
thành “quan cách”, không đoái hoài đến đời sống của dân, không chỉ không “cần
kiệm” mà còn xa hoa, lãng phí. Do vậy quy trình bổ nhiệm cán bộ cấp cao cần hết
sức chặt chẽ. Nhất thiết cán bộ đó phải kinh qua những cương vị lãnh đạo gần
với dân, hiểu dân. Bởi có vậy họ mới thấm thía “một hột gạo, một đồng tiền, tức
là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào” nên có ý thức chi tiêu, sử dụng bất cứ
cái gì cũng phải nghĩ đó là của dân. Chỉ khi nghĩ được như lời Bác dạy “hoang
phí là một tội ác” thì mới biết trân trọng, giữ gìn tài sản của dân và danh dự
của mình.
Những vụ việc ấy cho thấy bài học là còn nhiều
cơ quan, tổ chức đảng coi nhẹ công tác tự phê bình và phê bình. Điều ấy có lý
do từ căn tính tiểu nông cả nể đã ngàn xưa, với cán bộ chủ chốt thì sự cả nể
càng tăng lên nhiều. Lại thêm tâm lý “chín bỏ làm mười”, “xuê xoa”, “an phận
thủ thường”, “đấu tranh là... tránh đâu”... nên lãnh đạo mắc khuyết điểm ngày
thêm nặng mà không được góp ý, chỉ ra, ngăn chặn.
Rất nhiều lần Bác Hồ nhắc cán bộ phải “gương
mẫu”, “nêu gương”, phải là “đầu tàu”... Không ít lần, Người mượn lời Khổng Tử
dạy cán bộ mình có đứng đắn, trong sáng mới tề được gia, trị được quốc, bình
được thiên hạ... Những lời dạy ấy không chỉ đúng với đạo lý mà còn là khoa học,
biện chứng. Để có uy tín, để là tấm gương sáng, với người lãnh đạo - theo lời
Bác dạy là phải “thực hành trước” các nguyên tắc “Cần, kiệm, liêm, chính”, “chí
công”, “vô tư” . Một phương pháp sư phạm đã trở thành chân lý: Cách tốt nhất để
giáo dục, thuyết phục người khác là giáo dục, thuyết phục bằng chính nhân cách
mình!./.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú
_______________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.
Chính trị quốc gia, H, 2002, t.9, tr.283.
(2) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.5, tr.208-209, 548.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.4, tr.358.
(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.11, tr.186, 374.
Nguồn: tuyengiao.vn