Chủ tịch Hồ Chí Minh nói
chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa năm 1960 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn (1954
- 1985) (LIV), SLT 1474)
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín đồ các
tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong quần chúng nhân dân, đã cùng với cộng
đồng dân tộc đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Do đó, đoàn kết tôn giáo có tác
động lớn đến việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, một vấn đề
chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
Thực tế cho thấy, khi xâm lược Việt Nam, các
thế lực thực dân, đế quốc đều tìm mọi thủ đoạn lợi dụng các tôn giáo, hòng biến
các tôn giáo ở Việt Nam thành lực lượng đối lập với dân tộc, chống phá cách
mạng. Âm mưu nguy hiểm, thâm độc của chúng là thực hiện chính sách “chia để
trị”, từ đó làm suy yếu lực lượng cách mạng. Chúng lợi dụng sự khác biệt về
nhân sinh quan, thế giới quan cũng như cách thức hoạt động theo những thể chế
và thiết chế văn hóa - xã hội khác nhau giữa những đồng bào có tín ngưỡng, tôn
giáo khác nhau; giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín
ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt là những người có đạo với những người cộng sản, gây
nên những hiểu lầm, mâu thuẫn và xung đột. Trước những luận điệu như: “cộng sản
là vô thần”, “cộng sản nắm chính quyền sớm muộn gì cũng sẽ tiêu diệt tôn giáo”,
“thà mất nước còn hơn mất Chúa”..., Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng Cộng sản
chẳng những không tiêu diệt tôn giáo, mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ
tiêu diệt tội ác người bóc lột người. Bọn đế quốc tuyên truyền bịa đặt, chúng
mong chia rẽ giáo dân với Chính phủ và đồng bào khác. Chúng hòng đạt mục đích
tội ác là chống cộng và chống nhân dân”(1).
Suốt cuộc trường chinh chống thực dân Pháp,
các thế lực tôn giáo phản động cấu kết cùng chủ nghĩa thực dân dùng chiêu bài
“nguy cơ đỏ”, kích động nhân dân bằng luận điệu “cộng sản sẽ tiêu diệt tôn
giáo” nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, tạo căng thẳng giữa chính quyền
cách mạng và một bộ phận nhân dân. Ngay từ năm 1925, trong Bản án chế
độ thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã lên án việc thực dân Pháp cấu kết với một
số giáo sĩ, chức sắc tôn giáo lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm lược Việt
Nam. Người tố cáo những giáo sĩ Pháp làm gián điệp, trực tiếp bắn giết đồng
bào, cả giáo và lương. Với những chứng cứ thuyết phục, Người đã vạch trần một
số tên thực dân khoác áo linh mục, lợi dụng tôn giáo tiếp tay cho giặc Pháp xâm
lược Việt Nam, cùng với việc vơ vét của cải và gây tội ác với đồng bào. Người
viết: “... Mọi đoàn đi khai hoá - dù đến Ăngtiơ, Mađagátxca, Tahiti hay là Đông
Dương - cũng đều có móc theo một đoàn gọi là đoàn truyền giáo... Họ đã lợi dụng
lòng hiếu khách của người An Nam để đánh cắp những bí mật quân sự, vẽ những bản
đồ nộp cho quân đội viễn chinh...”(2).
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ
tuyên truyền “Chính phủ Việt Nam cấm đạo”, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ
và dụ dỗ, lừa bịp bằng thần quyền, đe doạ trắng trợn, dùng vũ lực cưỡng ép đồng
bào vùng Công giáo di cư vào Nam nhằm làm chỗ dựa chính trị, quân sự cho chính
quyền Ngô Đình Diệm, đồng thời cô lập, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá
hoại cách mạng XHCN ở miền Bắc... Một số kẻ đã lợi dụng tôn giáo, khai thác,
bịa đặt yếu tố thần bí của tôn giáo, tâm linh để trục lợi cá nhân nhằm bòn rút
tiền của nhân dân. Ngày 15/6/1957, nói chuyện tại Hội nghị Mặt trận Tổ quốc
tỉnh Hà Tĩnh, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín
bị những kẻ xấu lợi dụng để xoay tiền”(3)…
Rõ ràng trong thời kỳ chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ, các thế lực thực dân, đế quốc luôn lợi dụng tôn giáo dưới mọi hình
thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và tôn
giáo; gây hiềm khích kỳ thị, chia rẽ giữa các tôn giáo để tiến tới mục tiêu
chống phá cách mạng. Hoạt động lợi dụng tôn giáo một cách ráo riết của các thế
lực thù địch ảnh hưởng lớn đến tư tưởng trong quần chúng nhân dân, thậm chí là
cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, có một bộ phận đồng bào tôn giáo, thậm chí một
số cán bộ, đảng viên không hiểu rõ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của
Chính phủ, do đó, trong quá trình thực hiện còn mắc sai lầm, xúc phạm đến tình
cảm của giáo dân gây nên “những vụ đụng độ nhỏ giữa đồng bào với nhau”. Hồ Chí
Minh đã giải thích nguyên nhân tình trạng đó như sau: “Một đàng có những người
Công giáo nhẹ dạ, dễ tin; đàng khác có những cán bộ cấp thấp của Chính phủ
thiếu tế nhị. Nhiều kẻ gây rối lợi dụng khai thác hai yếu tố trên nhằm tạo ra
một bầu không khí không lành mạnh”.
Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra, một số
cán bộ làm công tác tôn giáo đôi khi chưa có phương pháp vận động đồng bào
thích hợp, chưa thực hiện đúng đường lối đại đoàn kết của Đảng nên đã làm cho
tình hình tôn giáo ở nhiều nơi thêm phần phức tạp, tạo cơ hội cho kẻ thù lợi
dụng. “Có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền,
lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi
phá hoại”(4). Trong khi thực hiện công tác, nhất là ở vùng đồng bào Công giáo,
cán bộ chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ; chưa gần gũi học hỏi quần
chúng; chưa hiểu được phong tục tập quán của quần chúng nên đã dẫn tới hậu quả
không tốt. “Không những dân ghét cán bộ, mà còn oán Chính phủ, oán Đảng”(5) .
Lênin cho rằng: “Đấu tranh chống lại các
thành kiến tôn giáo thì phải cực kỳ thận trọng; trong cuộc chiến đấu này, ai
làm thương tổn đến tình cảm tôn giáo, người đó sẽ gây thiệt hại lớn. Cần phải
đấu tranh bằng tuyên truyền, bằng giáo dục. Nếu hành động thô bạo, chúng ta sẽ
làm cho quần chúng tức giận; hành động như vậy sẽ càng gây thêm chia rẽ trong
quần chúng về vấn đề tôn giáo, mà sức mạnh của ta là ở sự đoàn kết”(6). Với
phương châm kiên trì và mềm mỏng nhưng rất kiên quyết trong từng thời điểm nhạy
cảm và bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp khác nhau, Hồ Chí Minh đã từng
bước giải quyết thành công mâu thuẫn, xung đột nảy sinh giữa các bộ phận giáo
dân và chính quyền cách mạng, thực hiện đoàn kết tôn giáo, kịp thời phòng chống
và đấu tranh với những hành động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục nâng cao tinh thần
cảnh giác với âm mưu của địch đối với đồng bào theo các tôn giáo và giáo dục
nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh của những cán bộ làm công tác tôn giáo
là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tăng cường sự đoàn kết tôn giáo,
cũng là góp phần vào cuộc đấu tranh chống lại việc lợi dụng vấn đề tôn giáo.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa II, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “phải ra sức tuyên
truyền chính sách của ta và vạch rõ chính sách chia rẽ của địch”(7) Người khẳng
định: “Phần lớn đồng bào tôn giáo, nhất là các tầng lớp lao động đều yêu nước
kháng chiến, như Công giáo ở nhiều nơi, như Cao Đài kháng chiến, v.v.. Một phần
thì bị địch lợi dụng như ngụy quân Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo ở Nam Bộ. Một số
đồng bào Công giáo tuy bản chất thì tốt, nhưng bị bọn cầm đầu phản động lung
lạc, nên họ hoài nghi chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Các chức sắc tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn
đối với đồng bào tôn giáo. Do đó, Hồ Chí Minh gửi gắm các nhà tu hành, các chức
sắc tôn giáo như linh mục, giám mục khi truyền bá tôn giáo “có nhiệm vụ giáo
dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của công dân, ý thức tôn trọng chính
quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(8).
Bản thân Hồ Chí Minh đã sử dụng các những
phương pháp tuyên truyền rất hiệu quả và phù hợp (bằng chữ viết, bằng lời nói,
bằng nêu gương...) đối với đồng bào tôn giáo. Người giải thích: Người Cộng sản
cũng như đồng bào tôn giáo, đều vì lợi ích chung, mong muốn cuộc sống độc lập,
tự do và hạnh phúc cho mọi người dân trên đất nước. Vì thế, phải kiên quyết
phản bác và lật rõ mưu đồ lừa bịp của thực dân, phong kiến, khiến cho đồng bào
tôn giáo hiểu sai lệch chủ trương, đường lối của Đảng, dẫn đến có những hành
vi, biểu hiện chống lại cách mạng.
Năm 1949, khi nhà báo Mỹ Haron Ixac đặt câu
hỏi: Người Pháp nói “Việt Nam là cộng sản hoặc là do cộng sản chi phối. Theo ý
Cụ thì thế nào?”. Hồ Chí Minh đã trả lời: “Đó là tuyên truyền láo của thực dân.
Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các đảng phái, như tôn giáo, dân chủ, xã
hội, mácxít. Có nhiều bộ trưởng không vào đảng phái nào. Lại có một vị hoàng
tộc. Sao gọi được là cộng sản chi phối”(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với
các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 3/1/1957. (Ảnh: Tư liệu)
Để chống lại việc lợi dụng các tôn giáo của
các thế lực thù địch, cùng với việc tuyên truyền, vận động, Hồ Chí Minh chú
trọng việc tổ chức xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách về tự do tín
ngưỡng, tôn giáo và chăm lo nâng cao đời sống của nhân dân.
Đất nước giành được độc lập là môi trường và
điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển, nhân dân được tự do thực hành
tín ngưỡng, tôn giáo dưới sự đảm bảo và tôn trọng của Nhà nước. Ngày 3/9/1945,
ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị thực
hiện ngay các quyền cơ bản của nhân dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn
giáo. Người viết: “Hiện nay những vấn đề gì là cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có
sáu vấn đề: (...) Vấn đề thứ sáu: - Thực dân và phong kiến thi hành chính sách
chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ
ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”(10).
Quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đã được
hiện thực hóa bằng việc Nhà nước đảm bảo hành lang pháp lý cho nhân dân thực
hiện. Hiến pháp đầu tiên nước ta năm 1946 (do chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng
ban soạn thảo), Chương II, mục B đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự
do tín ngưỡng”. Người cũng yêu cầu cán bộ của Đảng, Nhà nước, đoàn thể và Mặt
trận phải gương mẫu chấp hành chính sách tôn giáo; tận tâm giải thích, hướng
dẫn đồng bào thực hiện đúng chính sách, pháp luật về tôn giáo, đồng thời kiên
quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách tự do
tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Thư gửi các hàng giáo sĩ và đồng bào Công
giáo nhân dịp Lễ Nôen ngày 25/12/1956, Người viết: “Tôi tỏ lòng khen
ngợi các hàng giáo sĩ và đồng bào đã thân ái giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, thực
hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ, như thế là đã
làm theo lời phán của Chúa Kirixitô: “Hỡi anh em, khi có ai mắc sai lầm, anh em
hãy dịu dàng giúp anh em ấy sửa chữa”(11).
Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng
cao trình độ dân trí của đồng bào tôn giáo, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng
xa và những vùng khó khăn là cơ sở quan trọng để chống lại sự lợi dụng vấn đề
tôn giáo của các thế lực thù địch. Hồ Chí Minh cho rằng, “Ở những nơi nào đồng
bào Công giáo đói kém, ta phải hướng dẫn họ tăng gia sản xuất, tôn trọng tự do
tín ngưỡng của họ. Có như thế chúng ta mới thành công trong việc chống di cư,
chớ không phải kẻ khẩu hiệu tầm bậy, không phải ngăn ngừa, mệnh lệnh mà chống
được di cư”(12).
Để bảo vệ lợi ích của dân tộc và nhân dân
trước các thế lực thù địch, Hồ Chí Minh đã ứng xử vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa
kiên quyết, đặc biệt Người không khoan nhượng với những kẻ đi ngược lại với lợi
ích của dân tộc, của đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Người phân
biệt tự do tín ngưỡng, tôn giáo và việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của các
thế lực thù địch, phản động, phân biệt rõ những kẻ chủ mưu lừa bịp với những
người lầm lỡ bị dụ dỗ, lôi kéo. Người viết: “phải xét rõ những phần tử khác
nhau đó, và dùng chính sách khác nhau mà đối phó”(13). Người tuyên bố: “Chính
phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương,
sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn”(14) và “Nếu
giáo hội có người làm tay sai cho đế quốc xâm lược, thì bất kỳ những người đó ở
tôn giáo nào cũng phải chịu pháp luật trừng trị. Không vì trừng trị bọn phản
động trong giáo hội, mà Chính phủ can thiệp đến tín ngưỡng tự do. Cũng không vì
bảo hộ tín ngưỡng tự do, mà Chính phủ dung túng bọn chó săn của đế quốc, để mặc
chúng phá hoại Tổ quốc yêu quý của chúng ta”(15).
Hồ Chí Minh đấu tranh không khoan nhượng với
những kẻ lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, kích động
quần chúng chống lại cách mạng. Điều 7, Sắc lệnh tôn giáo số 234 ký ngày
14/6/1955 nêu rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo
để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh
phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín
ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc làm những việc trái pháp luật”.
Trong Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ năm
1947, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong Hiến pháp ta đã định rõ: Tín ngưỡng tự do.
Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích Công giáo thì sẽ bị phạt. Chắc cụ không
bao giờ tin rằng Việt Minh chống đạo vì cụ thừa biết Việt Nam độc lập đồng minh
là cốt đoàn kết tất cả đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập, chứ không phải để
chia rẽ, phản đối tôn giáo. Mà tôi cũng không bao giờ nghi rằng đồng bào Công
giáo chống Việt Minh, vì hơn ai hết, đồng bào Công giáo càng mong cho Tổ quốc
độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu
hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc. Những sự xích mích nhỏ giữa một số đồng
bào, tuy là đáng tiếc, vì đạo đức giáo hoá chưa được phổ cập, không thể động
chạm đến sự đại đoàn kết của chúng ta”(16).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với
các đại biểu dự Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu tổ quốc, yêu hòa
bình, tháng 3/1955. (Ảnh: Tư liệu)
Đối với những người theo tôn giáo bị kẻ thù mê
hoặc, lợi dụng, Hồ Chí Minh thực hiện quan điểm khoan dung, độ lượng đối với
đồng bào lầm đường lạc lối. Người khẳng định: “Trừ một bọn rất ít đại Việt
gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua
một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay trở về với Tổ quốc”(17).
Người tuyên bố trước quốc dân: “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi
lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời
khôn lẽ phải mà bày cho họ”(18), bởi lẽ: “Trong mấy triệu người cũng có người
thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta.
Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng
thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm
đường, ta phải dùng tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết,
có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”(19).
Hiểu rõ tôn giáo là nhu cầu thiết yếu của con
người, Hồ Chí Minh không phủ nhận vai trò của tôn giáo, không tập trung đi sâu
vào sự khác biệt giữa những tôn giáo khác nhau mà Người đi tìm những giá trị
tích cực, tiến bộ và phù hợp của tôn giáo để cổ vũ và khích lệ đồng bào tôn
giáo phát huy những giá trị đó trong thực hiện mục tiêu chung vì độc lập, tự do
và hạnh phúc... Điều này được Xanhtơny - người không cùng quan điểm với Hồ Chí
Minh, nói: “Về phần tôi, phải nói rằng chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi
có các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dù rất nhỏ, của sự công
kích, đa nghi hoặc chế giễu đối với bất kỳ một tôn giáo nào”(20). Đây chính là
quan điểm có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng khối đoàn kết tôn giáo trong suốt
thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, cũng chính là kháng thể quan trọng
để chúng ta có thể đấu tranh chống lại việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực
thù địch.
Tôn giáo đã, đang và sẽ còn tiếp tục tác động
lớn đến đời sống xã hội của nước ta hiện nay. Trong công cuộc đổi mới toàn diện
đất nước, việc quán triệt, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh
về tôn giáo là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các
nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đặc biệt, trong việc chống lại
những quan điểm sai trái, xuyên tạc vấn đề tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực
thù địch hiện nay, tư tưởng và những bài học kinh nghiệm của Hồ Chí Minh về tôn
giáo lại càng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc./.
TS. Trần Thị Hợi
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
___________________________
(1) (12) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,
2011, t.9, tr.285, 441, 285.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,
t.2, tr.112.
(3) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.10, tr.625, 463.
(4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.8, tr.96, 95.
(6) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb.
Tiến bộ, M, 1977, t.37, tr.221.
(7) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.7, tr.388, 388.
(8) Sắc lệnh số 234 ngày 14/6/1955 về vấn đề
tôn giáo.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.40
(10) (18) (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.4, tr.8, 417, 280-281.
(14) Viện nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí
Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, tr.297.
(16) (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Sđd, t.5, tr.53, 516.
(20) Dẫn theo Trần Tam Tỉnh: Thập giá
và lưỡi gươm, Nxb. Trẻ, TP. HCM, 1988, tr.80.
Nguồn:tuyengiao.vn