Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Anh Trí |
Tôi đọc rất kỹ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Đây là bài viết rất sâu sắc và cũng rất dễ hiểu, giải đáp nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào dưới cả góc độ lý luận và thực tiễn. Bài viết cũng chỉ ra những ngộ nhận, lầm tưởng rằng việc chúng ta bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa là chúng ta phủ nhận sạch trơn những giá trị, những thành tựu của chủ nghĩa tư bản. Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ việc chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa là chúng ta bỏ qua những khuyết tật, những tồn tại, những thói hư tật xấu của chủ nghĩa tư bản và chắt lọc, phát huy những thành tựu về khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội… của chủ nghĩa tư bản để xây dựng đất nước ngày càng phát triển hơn.
Tôi rất tâm đắc khi Tổng Bí thư khẳng định: chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chỉ bằng mệnh đề rất ngắn đó thôi nhưng người đứng đầu Đảng ta đã làm rõ một vấn đề căn cốt: đất nước ta không thể trì trệ, lạc hậu mà phải đi lên, phải phát triển kinh tế nhưng không được xa rời mục tiêu bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Đấy chính là cốt lõi của chủ nghĩa xã hội vì bản chất của chủ nghĩa xã hội là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Định hướng phát triển này cũng thể hiện rất rõ tính nhân văn, sự khác biệt và sáng tạo trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta nhằm đưa đất nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. |
Kiện toàn bộ máy nhà nước thực sự vững mạnh
- Hiện nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đang tổng hợp, rà soát kết quả bầu cử để xác nhận và công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng lịch trình. Từng là một đại biểu Quốc hội và cũng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, ông kỳ vọng gì vào kết quả bầu cử?
- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tổ chức rất thành công. Tôi tin rằng, những người được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nhiệm kỳ mới sẽ xứng đáng với niềm tin của cử tri, làm tròn trọng trách của người đại biểu của Nhân dân, đóng góp tích cực để Quốc hội thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân.
- Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV dự kiến sẽ khai mạc cuối tháng 7 tới. Theo ông, Quốc hội khóa mới cần dành ưu tiên cho những vấn đề, nhiệm vụ nào?
- Ngay trong kỳ họp đầu tiên, Quốc hội Khóa XV có nhiệm vụ rất hệ trọng là kiện toàn nhân sự chủ chốt trong bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026: Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước; bầu các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nhiệm kỳ mới... Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Đất nước có đi lên hay không phụ thuộc vào bộ máy nhà nước mạnh hay không. Do đó, ngay tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội Khóa XV phải tập trung kiện toàn cho được những nhân sự lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước thực sự vững mạnh, có tầm nhìn chiến lược, quyết liệt, sáng tạo để lãnh đạo đất nước vững bước vượt qua khó khăn, phát triển bứt phá trong giai đoạn 2021 - 2026, tạo tiền đề cho những thập kỷ tiếp theo như mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Nhân dân và cử tri cả nước đang rất mong chờ, tin tưởng và với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất cao ngày 23.5 vừa qua đã cho thấy cử tri đặt sự tín nhiệm, sự kỳ vọng lớn lao ở các đại biểu Quốc hội Khóa XV.
Là đại biểu Quốc hội Khóa XIV và tham gia ứng cử Khóa XV, tôi tin tưởng, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu “kép”: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt nhiệm vụ này. Nhưng làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 từ đầu tháng 5 đến nay đang đặt ra rất nhiều thách thức. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch.
Do đó, việc Quốc hội đồng hành với Chính phủ, cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân tiếp tục chung sức, đồng lòng trong thực hiện mục tiêu “kép” có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cuộc chiến này. Nếu không kiểm soát, đẩy lùi được đại dịch Covid-19, mọi hoạt động xã hội sẽ đảo lộn. Mặt khác, nếu không hài hòa giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, xã hội thì nền kinh tế sẽ bị suy kiệt.
Tập trung trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm cao nhất
- Mới đây trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục tiêu“phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”. Theo ông, Quốc hội có vai trò như thế nào trong thực hiện mục tiêu này?
- Thời gian qua, chúng ta cũng vẫn luôn thực hiện nhất quán mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thể hiện trong đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã đề ra. Sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhưng thực tiễn phát triển và bối cảnh quốc tế cũng như trong nước hiện đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc thực hiện mục tiêu "phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội".
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền lực của mình, Quốc hội không chỉ có vai trò quan trọng mà thậm chí còn đóng vai trò cao nhất trong thực hiện mục tiêu này. Bởi lẽ, muốn đạt được nền kinh tế phát triển, muốn đạt được sự tiến bộ, công bằng xã hội thì phải có khuôn khổ pháp lý, có chính sách cụ thể. Quốc hội xây dựng luật như thế nào, quyết định các chính sách, dự án phát triển kinh tế, xã hội ra sao, giám sát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan trong bộ máy nhà nước thế nào... sẽ quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển mà Đảng đã đề ra.
- Vậy theo ông, để thực hiện được vai trò đó có những yêu cầu nào đặt ra với Quốc hội?
- Tôi cho rằng Quốc hội phải thực sự là nơi tập trung cao nhất trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu này thì chất lượng đại biểu Quốc hội vô cùng quan trọng. Tôi có niềm tin rằng, càng ngày chất lượng đại biểu Quốc hội càng được nâng lên vì ngày càng có nhiều người có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có rất nhiều nội dung mới, tiến bộ theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và chất lượng của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, nền tảng xã hội, kinh tế, chính trị, dân trí ngày càng được nâng lên. Đó chính là điều kiện, là mảnh đất màu mỡ để bồi đắp, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Đại biểu nhân dân