Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Chủ động xây dựng cơ chế hỗ trợ KH&CN và đổi mới sáng tạo   01-10-2019
Nằm trong khuôn khổ chương trình Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam bộ lần thứ XV diễn ra cuối tháng 9 vừa qua, tại Tp. Vũng Tàu, Bộ KH&CN phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “KH&CN và đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ”.

Đoàn công tác Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai tham quan các gian hàng startup tại hội nghị giao ban KH&CN Đông Nam bộ lần thứ XV.

* Còn nhiều thách thức

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ” có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với vùng Đông Nam Bộ mà đối với cả quốc gia, vì nếu không có khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) thì Việt Nam sẽ không bắt kịp tốc độ phát triển nhanh của thế giới. Ngày 30/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó khẳng định vai trò của KH,CN&ĐMST được coi như một quốc sách phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, hoạt động KH&CN vùng Đông Nam bộ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng, hoạt động KH&CN địa phương trong vùng vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), đổi mới công nghệ giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, tiết giảm chi phí… từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã và sắp ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, số liệu thống kê trong hồ sơ DN HVNCLC năm 2018 cho thấy, thực tế chỉ có 35,6% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ những năm gần đây và tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài. Đứng đầu cả nước về hoạt động công nghiệp và đóng góp khá lớn cho nguồn ngân sách song TPHCM vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ (ĐMCN). Hơn nữa, ĐMCN trong doanh nghiệp hiện nay mới chỉ chủ yếu mang tính cải tiến, rất ít doanh nghiệp phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới trên thị trường. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay không thể thoát ra khỏi những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ, bà Hạnh cho biết thêm.

Quang cảnh tại hội nghị "KH&CN và đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ”.

Bà Hạnh nêu thống kê của Bộ KH&CN, hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960 – 1970; 75% thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang. Tại TPHCM, doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có 29% dây chuyền sản xuất đồng bộ, còn lại là tương đối và không đồng bộ, thậm chí chắp vá. Phần lớn công nghệ sản xuất có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… chiếm tới 79% nên chất lượng sản phẩm không cao. Thiết bị nhập từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 18%. Đối với doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp – khu chế xuất, có đến 60% doanh nghiệp đầu tư thiết bị đã qua sử dụng trong đó 81% thiết bị có tuổi thọ trên 10 năm.

Tại Đồng Nai, theo Sở KH&CN tỉnh, kết quả khảo sát hiện trạng công nghệ của tỉnh năm 2014 cũng cho thấy, doanh nghiệp có năng lực công nghệ (TCC) đạt mức tiên tiến chiếm 21,5% số lượng doanh nghiệp khảo sát; mức khá là 50%; mức trung bình chiếm 23,7% và còn lại là trình độ công nghệ lạc hậu chiếm tỷ lệ 4,8%. Tuy nhiên trình độ công nghệ tiên tiến trong các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu tập trung nhiều hơn ở khối doanh nghiệp trong nước (chiếm 8,1% số doanh nghiệp được khảo sát so với con số 1,85% ở khối doanh nghiệp nước ngoài). Dù ở khối doanh nghiệp trong nước đã có sự tăng trưởng nhẹ về trình độ công nghệ tiên tiến nhưng song song đó cũng là sự gia tăng của tình trạng lão hoá công nghệ được điều tra lại từ năm 2007 so với năm 2014. Ngoài ra, kết quả khảo sát tại 676 doanh nghiệp trong 13 ngành nghề với 7 ngành chủ lực, so với TCC trung bình của tỉnh thì chỉ có 5 ngành nghề (điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm, dệt may và hoá chất) là có hệ số TCC vượt trội còn lại các ngành khai thác mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng đều có hệ số TCC thấp hơn mức trung bình.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thì chiếm đa số (97%) là doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Mặc dù tăng nhanh về số lượng và chiếm đa số nhưng khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu tập trung hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; lại thiếu quy hoạch định hướng rõ ràng, chủ yếu phát triển tự phát, vốn đầu tư thấp, lao động ít, trình độ công nghệ lạc hậu, lại không nhận thức đầy đủ về thị trường, không chủ động đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý, không có chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh trung và dài hạn, do vậy, giá thành sản xuất cao, sức cạnh tranh yếu và hiệu quả kinh tế thấp.

Hơn thế nữa, bên cạnh sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, đội ngũ doanh nhân tỉnh Đồng Nai - đặc biệt là các doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp nhỏ và vừa - trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp có các mặt hạn chế như thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu sự liên kết; chưa thực sự có chiến lược kinh doanh lâu dài; năng lực tài chính có hạn chế, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm về thương trường”, báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai cho hay.

Đối với TPHCM, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH&CN thành phố cũng nhìn nhận, hoạt động KH-KH &ĐMST trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít thách thức. Điều đó thể hiện ở trình độ công nghệ, ĐMST trong doanh nghiệp có tiến bộ nhưng chậm, chủ yếu ở mức trung bình khá. Hoạt động nghiên cứu, phát triển thương mại hóa sản phẩm chưa tạo ra đột phá để thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp. Các startup Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn còn thiếu được chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các startup thành công khu vực và quốc tế.

Rào cản lớn nhất khiến hoạt động đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo trong vùng chưa đạt được kết quả tương xứng với vị thế, tiềm năng và vai trò là do vẫn thiếu một mạng lưới kết nối hiệu quả và doanh nghiệp hiện vẫn chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ phù hợp từ nhà nước. Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới, sáng tạo thì gặp tình trạng “thiếu đủ thứ”: nhân lực, vốn, chính sách của nhà nước (chính sách ưu đãi, thủ tục kinh doanh…). Nhất là thiếu một hệ sinh thái làm nền cho các thay đổi đầu tư cho kỹ thuật số cho đổi mới công nghệ.

* Xây dựng cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, để KH&CN trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Đông Nam bộ cần có các giải pháp mạnh mẽ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng; cũng như tăng cường đầu tư cho KH&CN từ nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Là đầu tàu kinh tế cả nước, Đông Nam bộ là vùng có số lượng doanh nghiệp chiếm 41% tổng số doanh nghiệp cả nước trong đó có 43% doanh nghiệp khu vực chế tạo, vì vậy, hoạt động KH&CN các địa phương trong vùng phải xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa từ đó xây dựng và tham mưu cho địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngoc Anh phát biểu khai mạc hội nghị "KH&CN và đổi mới sáng tạo - Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ”.

Còn theo ông Dilip Parajuli, chuyên gia Kinh tế - Giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới, để đạt hiệu quả cao nhất, hoạt động ĐMST cần một cái nhìn toàn diện, bao quát, tìm ra điểm ưu tiên giữa cung và cầu; từ đó, mới xác định cụ thể những giải pháp hỗ trợ phù hợp thúc đẩy hoạt động ĐMST phát triển. Các lựa chọn chính sách quan trọng nhằm nuôi dưỡng ĐMST do khu vực tư nhân dẫn dắt bao gồm rào cản bên ngoài đối với doanh nghiệp, năng lực doanh nghiệp, kỹ năng quản lý, kỹ năng xã hội và tài chính của doanh nghiệp.

Chuyên gia Dilip Parajuli cho rằng, chiến lược KH&CN hiện nay cần kêu gọi tái cân bằng đổi mới sáng tạo ở cấp độ doanh nghiệp và áp dụng công nghệ theo hướng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển; tạo dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, thuận lợi. Cùng với đó là cải thiện năng lực doanh nghiệp bằng cách đào tạo nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn với đầy đủ kỹ năng thông qua giáo dục. Cuối cùng là lựa chọn chính sách tăng cường liên kết giữa viện – trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động ĐMST.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, hội nghị khoa học quan trọng này là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó tập trung thực hiện tốt các nội dung như: hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp trong các trường đại học,khu công nghiệp, khu công nghệ cao từ đó làm hạt nhân của hoạt động ứng dụng KH&CN, ĐMST. Đồng thời tăng cường liên kết hợp tác quốc tế về KH&CN, liên kết 3 bên viện – trường – doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu. Vì vậy, hội nghị cần tập trung đánh giá rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách phát triển KH&CN, ĐMST từ thực tiễn từng địa phương để Bộ nắm bắt, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, lồng ghép phát triển KH&CN gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nghị đã nghe 15 tham luận từ các Sở KH&CN, doanh nghiệp trong vùng về các vấn đề như: KH&CN và đổi mới sáng tạo, lựa chọn chính sách nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Đổi mới sáng tạo - thực trạng và vấn đề đặt ra cho các địa phương vùng Đông Nam bộ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế; Những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Thanh An

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.