Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Phân lập, tuyển chọn một số vi khuẩn probiotic phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng   14-12-2018
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nói riêng và ngành nuôi tôm nói chung, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và ứng dụng, trường Đại học Lạc Hồng đã triển khai nghiên cứu đề tài “Phân lập, tuyển chọn một số vi khuẩn probiotic phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai”.

Tom the chan trang H1.jpg
Đồng Nai có khoảng 500 ha nuôi tôm thẻ chân trắng

Thạc sĩ Đoàn Thọ Tuyết Lê, chủ nhiệm đề tài cho biết, tôm thẻ chân trắng là một trong những đối tượng mới được ngành nuôi trồng thủy sản đặc biệt quan tâm phát triển. Song cũng vì là đối tượng nuôi trồng mới nên cũng chưa có nhiều nghiên cứu giúp người nuôi tôm tránh được khó khăn khi nuôi loại tôm này, nhất là điều kiện khí hậu của nước ta dễ dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh. Chế phẩm sinh học (probiotic) được xem như là một “nhân tố sinh học thân thiện” được sử dụng trong môi trường nuôi thủy sản nhằm kiểm soát và cạnh tranh với các tác nhân gây bệnh từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của vật nuôi. Tuy nhiên, với mục đích tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi đã lạm dụng các chế phẩm sinh học không rõ nguồn gốc, dẫn đến ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây hiện tượng tôm cá chết hàng loạt. Mặt khác, nhiều người nuôi chưa nhận thức được mức độ nguy hại của việc sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi tôm, cá dẫn đến hiện tượng nhiễm chất kháng sinh hàm lượng cao ở nhiều loại sản phẩm, làm giảm chất lượng, hàng hóa không xuất khẩu được...
Tỉnh Đồng Nai có khoảng 500 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi tôm tập trung chủ yếu ở huyện Nhơn Trạch với các hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, bán thâm canh. Tháng 2/2018, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án “Quy hoạch chi tiết khu nuôi thủy sản tập trung tại huyện Nhơn Trạch giai đoạn 2017-2020, hướng đến 2030” nhằm giải quyết vấn đề công nghệ, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo môi trường thu hút doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư nuôi tôm thẻ phát triển bền vững. Chính vì thế, Trung tâm Nghiên cứu khoa học và ứng dụng, trường Đại học Lạc Hồng  đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng những vi sinh vật hữu ích để tạo ra các chế phẩm sinh học trong nước có hiệu quả cao nhằm tăng sức đề kháng và khả năng sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, giảm sử dụng thuốc và hóa chất, hướng tới sự phát triển ngành thủy sản bền vững ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
“Mục tiêu mà chúng tôi đặt ra khi thực hiện đề tài này là khảo sát tình hình sử dụng chế phẩm probiotic tại các hộ nuôi tôm ở huyện Nhơn Trạch; phân lập, tuyển chọn một số chủng lợi khuẩn từ ao nuôi tôm ở đây và xây dựng quy trình nuôi cấy các chủng lợi khuẩn đã phân lập, tuyển chọn” – chủ nhiệm đề tài nói.

 

IMG_7088.jpg
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Nhơn Trạch
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tình hình sử dụng probiotic cho tôm tại huyện Nhơn Trạch; phân lập, tuyển chọn các chủng vi khuẩn có khả năng kháng bệnh trên tôm thẻ chân trắng; tuyển chọn một số chủng vi khuẩn có hoạt tính enzyme cao.
Cụ thể, đề tài đã xây dựng được quy trình phân lập, tuyển chọn chủng Bacillus và chủng Lactobacillus. Cụ thể, đối với chủng Bacillus tiến hành tiền chọn lọc bằng cách sốc nhiệt ở 800C trong 20 phút, chọn lọc trên môi trường NA dựa vào hình dạng khuẩn lạc đặc trưng, tuyển chọn dựa vào khả năng sinh enzym ngoại bào. Còn đối với chủng Lactobacillus tiến hành tăng sinh mẫu trên môi trường tiền chọn lọc (MRS Broth + 50mg/l Nystatin), chọn lọc trên môi trường MRS agar bổ sung 0,5% CaCO3 và định tính acid lactic bằng thuốc thử Uffelman; tuyển chọn dựa vào khả năng kháng chủng Vibrio parahaemolyticus.
Từ 24 mẫu nước ao nuôi và 24 mẫu nội tạng tôm thẻ chân trắng tại huyện Nhơn Trạch, đề tài đã phân lập được 8 chủng Bacillus subtilis có khả năng tiết enzyme ngoại bào, trong đó chủng Bacillus subtilis BVIITA3.2.3 (Bacillus subtilis LH) có khả năng tiết ezyme ngoại bào cao và 3 chủng: Lactobacillus salivarius LIITA1.2.2; Lactobacillus reuteri LIVTA2.4.1 và Lactobacillus plantarum LVIITA3.3.9 (Lactobacillus plantarum LH) có khả năng kháng Vibrio parahaemolyticus và E.coli ở mật độ gây bệnh 105 cfu/ml đến 107 cfu/ml.
Chủ nhiệm đề tài cho hay, các chủng Bacillus và Lactobacillus phân lập có khả năng sống trong môi trường pH dao động từ 1 đến 9, độ mặn từ 0‰ đến 50‰ phù hợp với điều kiện ao nuôi tôm nước ta, đáp ứng yêu cầu sản xuất chế phẩm.
Đề tài cũng đã chọn lọc và tối ưu hóa thành phần môi trường lên men cho 2 chủng vi sinh vật để sản xuất probiotic là Lactobacillus plantarum LHBacillus subtilis LH, đồng thời xác định các thông số thích hợp cho quá trình lên men từng chủng trên quy mô pilot.
Kết quả nghiên cứu này là bước đệm để nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện giai đoạn hai là thực nghiệm tại ao tôm bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ đó đưa vào sản xuất chế phẩm probiotic quy mô công nghiệp, dùng để bổ sung vào thức ăn hoặc xử lý môi trường ao nuôi trên diện rộng.

 

L.Hương

 

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.