Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Xây dựng bản đồ dịch tễ giám sát dịch bệnh trong chăn nuôi   14-12-2018
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tình hình chăn nuôi trên địa bàn, diễn biến dịch bệnh nhằm đề ra các biện pháp phòng chống dịch khả thi và hiệu quả nhất, Chi cục chăn nuôi và thú y Đồng Nai đã triển khai nghiên cứu đề tài “Điều tra khảo sát hiện trạng chăn nuôi trang trại làm cơ sở xây dựng bản đồ dịch tễ giám sát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Đề tài do Bác sĩ thú y Thân Văn Cẩn và ThS. Trần Văn Quang đồng chủ nhiệm. Đề tài vừa được Hội đồng khoa học công nghệ đánh giá tổng kết nghiệm thu.

Giam sat dich benh trong chan nuoi H2.png

Giao diện lớp bản đồ trang trại chăn nuôi

*Điều tra hiện trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh
Đồng Nai là tỉnh có ngành chăn nuôi heo, gà đứng đầu cả nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện việc quản lý trang trại trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các trang trại chăn nuôi phát sinh tự phát và địa bàn Đồng Nai rộng nên khó khăn cho việc quản lý. Do đó, việc điều tra khảo sát tình hình chăn nuôi trang trại trên địa bàn làm cơ sở để xây dựng bản đồ dịch tễ nhằm giám sát quản lý và phòng chống dịch hiệu quả là vấn đề vô cùng cấp thiết, nhất là trong thời kỳ phát triển trang trại quá nhanh và tốc độ phát sinh dịch bệnh cũng ngày càng phức tạp như hiện nay.
Theo kết quả nghiên cứu hiện trạng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh của đề tài, tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn tỉnh, tổng đàn heo nuôi hơn 2 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm 93,78%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 6,22% tổng đàn. Tổng đàn trâu, bò khoảng  trên 75 ngàn con, trong đó có khoảng 10 trang trại, chiếm khoảng 8,34% tổng đàn. Tổng đàn gà khoảng 19,4 triệu con, đàn vịt, ngan, ngỗng khoảng 1,2 triệu con và tổng đàn cút khoảng 5,1 triệu con.
Về chăn nuôi trang trại, tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn tỉnh có 1.427 trang trại chăn nuôi heo, 407 trang trại gia cầm, 10 trang trại chăn nuôi gia súc khác. Do có sự đầu tư trong việc phát triển chăn nuôi hàng hóa ở quy mô chuyên nghiệp, nhiều trang trại còn đầu tư chuồng trại tiên tiến, có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ giúp gia súc, gia cầm phát triển ổn định, cho năng suất cao. Nhiều trang trại còn đầu tư phát triển theo chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín giúp an toàn với dịch bệnh, bền vững trong chăn nuôi. Các trang trại chăn nuôi đã và đang tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, đảm bảo yêu cầu cung cấp sản phẩm chăn nuôi vào thị trường này. Hiện toàn tỉnh có khoảng 540 trang trại đã được chứng nhận an toàn dịch, chiếm 30%. Có 2 huyện Thống Nhất và Trảng Bom được công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với các bệnh cúm gia cầm Newcastle. Những trang trại đã được chứng nhận an toàn dịch, trong những năm qua đều không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn thì tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều. Điển hình trong chăn nuôi nhỏ lẻ là ở các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Long Thành nên hạn chế trong công tác phòng chống dịch.
* Ứng dụng hệ thống GIS xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý chăn nuôi, dịch tễ
Trên cơ sở điều tra và định vị tọa độ 1.934 trang trại chăn nuôi, đề tài đã nghiên cứu, thiết kế xây dựng cơ sở dữ liệu GIS, xây dựng các lớp bản đồ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, lớp bản đồ cơ sở giết mổ và xây dựng lớp bản đồ ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ứng dụng hệ thống GIS để xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn tỉnh.
Phần mềm quản lý chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được xây dựng với các chức năng cho phép người sử dụng có thể đăng nhập, đăng xuất, quản trị người dùng và đọc được các hướng dẫn sử dụng phần mềm; cho phép người sử dụng thêm, sửa, xóa thông tin trang trại, cơ sở giết mổ, hiển thị các trang trại bị dịch trên bản đồ, khoanh vùng ổ dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm với bán kính chỉ định, thể hiện các trang trại nằm trong vùng và bật, tắt các lớp bản đồ và xem các chú giải, ký hiệu bản đồ. Phần mềm này cũng cho phép người sử dụng thực hiện thống kê, báo cáo tình hình chăn nuôi, số lượng trang trại, những thông tin cần thiết theo từng địa phương như: đặc điểm, loại hình chăn nuôi, chứng nhận…Phần mềm còn cho phép người sử dụng có thể tìm kiếm thông tin, vị trí đối tượng theo tên hoặc mã số cần tìm.
Nói về hiệu quả của phần mềm, ThS. Trần Văn Quang cho biết, đây là công cụ đắc lực cho cán bộ phụ trách lĩnh vực chăn nuôi, dịch tễ các cấp thực hiện công tác chuyên môn nhanh chóng, thuận lợi, chính xác. Đồng thời giúp cán bộ lãnh đạo dễ dàng nắm bắt thông tin, tình trạng chăn nuôi, dịch tễ để từ đó có thể định hướng và đề xuất, chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ.
Giam sat dich benh trong chan nuoi H1.jpg
Việc chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến hạn chế trong công tác phòng chống dịch
Không những thế, hệ thống phần mềm này còn hỗ trợ kết xuất các biểu mẫu báo cáo, thống kê theo đúng yêu cầu đề ra. Các báo cáo thống kê, báo cáo được tự động tính toán tổng hợp bảo đảm số liệu đầy đủ, phân tích chính xác và dễ dàng in ấn nhờ các định dạng xuất file word, excel, pdf… giúp cán bộ phụ trách bảo vệ và chăm sóc chăn nuôi, dịch tễ tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức trong công tác tổng hợp báo cáo thống kê hàng năm.

 Theo Bác sĩ thú y Thân Văn Cẩn, kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng ban đầu trong việc thực hiện quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng như việc xây dựng các chính sách quản lý, quy hoạch chăn nuôi, xây dựng các chương trình phân tích dịch tễ, dự báo, kiểm soát dịch bệnh gia súc gia cầm trong tương lai. “Sau khi UBND tỉnh có văn bản công nhận nghiệm thu đề tài, chúng tôi sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Chi cục thú y đưa vào vận hành từ cấp tỉnh đến cấn huyện và cấp xã. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 30 cán bộ thú y khối văn phòng cấp tỉnh về việc sử dụng và quản lý phần mềm chăn nuôi, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho 252 cán bộ thú y cấp huyện, xã nên việc triển khai ứng dụng phần mềm sẽ rất thuận lợi” - Bác sĩ thú y Thân Văn Cẩn cho hay.

L.Hương

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.