Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng quýt xen ổi tăng gần 33% so với mô hình trồng thuần quýt
Xin giới thiệu với bạn đọc về các biện pháp kỹ thuật đã được nghiên cứu, áp dụng trong mô hình.
1. Chuẩn bị đất trồng:
Tiến hành dọn cành cây và cỏ dại trước khi cày và san đất. Đào mương lên líp với kích thước líp sâu 1,2m, rộng 1m, khoảng cách 7m/lip.
Trên mỗi líp đào hố trồng quýt với kích thước hố 60 x 60 x 60 cm; giữa 2 hàng quýt trồng xen 1 hàng ổi theo hình nanh sấu với khoảng cách cây x cây là 3 x 3 m; kích thước hố 40 x 40 cm.
2. Bón lót:
Đối với hố trồng quýt: rải 2 kg vôi bột/hố lúc đào hố, sau 1 tuần tiến hành bón phân bò đã ủ hoai mục 15kg + phân lân 1kg + thuốc xử lý đất 20g (thuốc trừ mối Vibasu 10 GR).
Đối với hố trồng ổi: rải 2kg vôi bột/hố lúc đào hố, sau một tuần tiến hành bón phân bò đã ủ hoai mục 5kg + phân lân 0,5kg + thuốc xử lý đất 20g (thuốc trừ mối Vibasu 10 GR).
Sau khi bón lót 30 ngày mới trồng.
3. Chọn giống:
Giống trồng là giống quýt đường và giổng ổi Lê Đài Loan
4. Kỹ thuật trồng:
Trước khi trồng tiến hành đào một hố nhỏ ở giữa, hố đã được lấp trước đó với kích thước: sâu 30-35 cm và rộng hơn bầu đất.
Dùng dao cắt túi bầu một vòng theo chiều ngang gần đáy bâu; sau đó cắt một đường thẳng đứng để lấy bầu đất cùng cây con ra, cắt rễ đuôi chuột bị cong ở đáy bầu. Khi đặt cây xoay mắt ghép hướng về chiều gió chính để tách chồi, nén chặt đất vừa phải quanh gốc tạo mô cao khoảng 10-20 cm so với mặt đất.
Cắm cọc để buộc cố định thân cây vào cọc.
Sau khi trồng được 1 tháng thì móc hố và trồng lại những cây đã chết.
5. Phân bón:
- Đối với cây quýt:
+ Lượng bón (dạng phân đơn g/cây/năm)
Năm thứ nhất bón: 200g Urea + 240g super lân + 200g Kcl + 40g DAP.
Năm thứ hai: 350g urea + 420g super lân + 350 Kcl + 60g DAP + 1kg vôi + 15kg phân bò hoai/cây/năm.
Năm thứ ba: 500g urea + 600g super lân + 550g Kcl + 60g DAP + 1kg vôi + 15kg phân bò hoai/cây/năm.
Lượng phân bón được chia đều làm 4 lần trong năm, riêng DAP được bón 2 tháng/lần pha với liều lượng 40g/lít nước để tưới cho cây vôi và phân bò bón 1 lần vào đầu mùa mưa (tháng 6 dương lịch).
+ Cách bón: Đối với phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh mép tán lá rộng 30cm, sâu 25cm, sau đó bón phân và lấp đất lại. Đối với phân vô cơ thì rải quanh tán ở vị trí cách gốc từ trong ra là 2/3 tán cây (chỉ bón phân khi đất đủ độ ẩm để phân tan).
- Đối với cây ổi:
+ Lượng bón (dạng phân hỗn hợp g/cây/năm):
Năm thứ nhất: 200g NPK Việt Nhật 16-16-8 + 50g urea + 50g Kcl. Lượng phân bón được chia đều làm 4 lần trong năm.
Năm thứ hai: 500g NPK Việt Nhật 16-16-8 + 100g urea + 100g Kcl + 1kg vôi + 1kg phân bò hoai mục. Lượng phân bón được chia đều làm 4 lần trong năm, riêng vôi và phân bò bón lót 1 lần vào đầu mùa mưa.
Năm thứ 3: 500g NPK Việt Nhật 16-16-8 + 200g urea + 100g Kcl + 1kg vôi + 1kg phân bò hoai mục, trong đó: bón thúc ra hoa: 300g NPK Việt Nhật 16-16-8 + 100g urea, được chia đều làm 2 lần bón; bón nuôi quả được bón sau từ 1 đến 1,5 tháng khi bón nuôi hoa với lượng bón: 200g NPK Việt Nhật 16-16-8 + 100g urea + 100g Kcl. Lượng phân bón được chia đều làm 10 lần bón và bón 15 ngày/lần. Riêng vôi và phân bò bón 1 lần vào đầu mùa mưa.
+ Cách bón: đối với phân hữu cơ: đào rãnh xung quanh mép tán lá rộng 30cm, sâu 25cm, sau đó bón phân và lấp đất lại. Đối với phân vô cơ: rải quanh tán ở vị trí cách gốc từ trong ra 2/3 tán cây (chỉ bón phân khi đất đủ độ ẩm để phân tan).
6. Biện pháp sử dụng thuốc hóa học:
Thường xuyên thăm vườn, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại quýt đường. Chỉ phun thuốc khi cần và thường xuyên thay đổi các loại thuốc, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”:
- Đối với sâu vẽ bùa: phun thuốc ngay giai đoạn ra lá non bằng Actara 25 WG, Reasgant 3.6EC, dầu khoáng SK Enpray 99EC.
- Đối với nhện đỏ: vào mùa khô, mật độ số nhện cao định kỳ phun 1 tháng/lần các loại thuốc Reasgant 3.6EC, FM-TOX 50EC, Fier 500SC để phòng trừ.
Đối với bệnh loét: tiêu hủy các cành, lá và trái bị bệnh, dư thừa thực vật trên vườn. Phun thuốc định kỳ với các loại thuốc gốc đồng Norshield 86.2WG, Kocide 53.8DF, Coc 85 để phòng ngừa bệnh theo các đợt đọt non.
- Đối với bệnh nấm hồng: cắt cành, tiêu hủy cành bệnh. Dùng thuốc gốc đồng Champion 77WP quét lên thân cây 2 lần/năm vào đầu và cuối mùa mưa để phòng ngừa. Khi cây bị bệnh thì dùng thuốc Validacin 5L, Rovral 50WP, Anvil 5SC để phun.
7. Các biện pháp canh tác khác:
Giữ ẩm trong mùa khô: dùng rơm để tủ gốc, tủ cách gốc 20 cm; tưới nước theo chu kỳ 2-3 ngày/lần với lượng nước tưới khoảng 40-60lit/cây/lần đối với phương pháp tưới bét (tưới phun dưới tán). Vệ sinh vườn 4 lần/năm, làm cỏ 6 lần/năm. Thường xuyên tỉa bớt những cành bị che bóng, bị sâu bệnh, chồi vượt.
L.H