Vùng hồ Trị An
Ông Nguyễn Nguyễn Du, chủ nhiệm dự án cho biết, xu hướng hiện nay, bảo tồn đi đôi với phát triển. Đây là cách tiếp cận hiệu quả, vì vừa đáp ứng được các mục tiêu phát triển xã hội, vừa đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn. Vì thế, nghiên cứu này sẽ tổng hợp và rà soát tất cả các kết quả của những nghiên cứu trước đây và kết hợp với thu thập số liệu bổ sung để đánh giá hiện trạng, đánh giá các tiềm năng phát triển thủy sản khu vực hồ Trị An kết hợp các mô hình phát triển du lịch. Đây là cơ sở khoa học vững chắc cung cấp cho các nhà quản lý để hoạch định và sử dụng nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững.
Dự án tập trung nghiên cứu 4 nội dung gồm: nghiên cứu điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến nguồn lợi và đa dạng sinh học thủy sản; nghiên cứu đa dạng thành phần loài và đặc điểm sinh học, sinh trưởng, dinh dưỡng và sinh sản các loài cá ở các vùng đất ngập nước thuộc hồ Trị An; hiện trạng kinh tế, xã hội vùng đất ngập nước hồ Trị An và nghiên cứu xây dựng đề xuất quy hoạch phân khu chức năng để bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản các vùng đất ngập nước hồ Trị An.
Theo kết quả nghiên cứu, hồ Trị An là hồ chứa lớn nhất của Việt Nam với diện tích vào thời điểm lớn nhất là 32.440 ha, thể tích 2,7 tỷ m3. Khí hậu vùng hồ thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt. Chủ nhiệm dự án cho hay,Theo số liệu thủy văn hồ Trị An, trung bình tháng từ năm 2011-2017, do theo chế độ vận hành thủy điện, ghi nhận mức nước trung bình trong hồ thấp nhất vào tháng 6 hàng năm và mức nước hồ bắt đầu tăng dần vào các tháng 7,8 và đạt cao nhất vào tháng 10-12. Đây là cơ sở cho việc đề xuất các phân khu chức năng của hồ Trị An.
Điều kiện tự nhiên, khí hậu và thủy văn của khu vực lòng hồ Trị An phù hợp cho sự phát triển tự nhiên của loài thủy sản. Sự thay đổi mực nước trong hồ diễn ra theo mùa và được điều tiết của sự vận hành của nhà máy thủy điện nên việc kiểm soát mức nước trong hồ khá dễ dàng cho việc phân khu chức năng đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản..
Trong nghiên cứu này đã xác định được tổng cộng có 106 loài cá, trong đó có 89 loài được xác định thông qua việc thu mẫu và định loại trực tiếp, 75 loài được xác định từ việc theo dõi sản lượng mẻ khai thác của ngư dân thuộc 25 họ và 8 bộ. Trong tổng số 106 loài cá này có 14 loài cá nằm trong danh mục các loài quý hiếm và nguy cấp, chiếm tỷ lệ 13,2%; có 12 loại cá ngoại lai xuất hiện, chiếm 11,3%, 56 loài cá có giá trị kinh tế, chiếm 52,8%. Các loài cá bản địa có giá trị kinh tế nhất hiện nay là cá Thát lát, cá Còm, cá Mè vinh, cá He, cá Lăng, cá Bống tượng, cá Lóc và cá Rô.
Ước tính, tổng sản lượng thủy sản khai thác tự nhiên trong hồ đạt trên 6.525 tấn/năm, trong đó, sản lượng cá đạt trên 5.472 tấn. Có 1.116 hộ ngư dân thuộc 11 xã hiện sống xung quanh hồ liên quan mật thiết đến việc sử dụng nguồn nước trong hồ để khai thác và nuôi trồng thủy sản. Hoạt động khai thác thủy sản trong hồ rất đa dạng và phong phú về ngành nghề khai thác cũng như khu vực đánh bắt nhưng hầu hết vẫn còn hoạt động dưới dạng quy mô nhỏ và tập quán canh tác độc lập.
Trên cơ sở điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc điểm sinh thái học của khu hệ cá và yếu tố kinh tế, xã hội hồ Trị An, nhóm nghiên cứu đã xây dựng các phân khu chức năng sau: Phân khu chức năng bãi cá đẻ - bảo vệ nghiêm ngặt tại khu vực Sa Mách với diện tích 3.054 ha; Phân khu chức năng nuôi cá lồng bè tại 4 khu vực gồm khu vực thác Trời, thị trấn Vĩnh An, Mã Đà và Suối Tượng; Phân khu chức năng hành chính, dịch vụ và du lịch khu vực Mã Đà.
Đặc biệt, dự án đã đề xuất các giải pháp quản lý phân khu chức năng. Đó là, rà soát lại hoạt động của tất cả các ngành nghề khai thác, đánh giá tác động của các loài ngư cụ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và đang dạng sinh học ở hồ Trị An làm cơ sở cho việc phân khu vực khai thác, thời gian khai thác, các ngành nghề được khai thác theo không gian và thời gian. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa Khu Bảo tồn, Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương về công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản và có biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời đưa ra các quy định và các biện pháp ngăn chặn, tuyên truyền đến người dân không khai thác và nuôi trồng thủy sản trong các khu vực eo ngách vào mùa khô dưới bất kỳ hình thức và loại hình nào. Cần sớm có nghiên cứu thực địa để xây dựng khu vực cấm khai thác, khu vực bảo vệ bãi đẻ của cá thông qua các pano và áp phích. Một giải pháp nữa là xây dựng mô hình đồng quản lý nghề cá, chia sẻ lợi ích, sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn lợi thủy sản trên hồ. Khảo sát đánh giá lại hiện trạng nghề nuôi lồng bè một cách khoa học về mặt kỹ thuật và quy hoạch, điều chỉnh lại mật độ lồng bè cho từng vùng nuôi cụ thể nhằm giảm thiệt hại rủi ro xảy ra trong quá trình nuôi và làm tăng vẻ mỹ quan trong vùng nuôi của lòng hồ.
L.H