Sản phẩm Robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời đã được ra thị trường từ tháng 11-2020.
Những ngày đầu gian
khó
Theo
nghiên cứu của thầy trò Trường đại học Lạc Hồng, sau khoảng 1-2 tháng, trên bề
mặt hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ bị đóng bụi và làm suy hao hiệu suất
phát điện từ 15-20%.
Để
làm sạch lớp bụi, doanh nghiệp Việt Nam hoặc thuê nhân công hoặc nhập Robot vệ
sinh pin năng lượng mặt trời. Mỗi robot có giá khoảng hơn 1, 4 tỷ đồng. Tuy vậy,
nhập robot, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong vấn đề bảo trì, sửa chữa. Để khắc phục,
một doanh nghiệp ở Đồng Nai đã bắt tay với Trường Đại học Lạc Hồng để sản xuất robot.
Thầy
Lê Hoàng Anh, Phó trưởng khoa Cơ điện – điện tử, Trường Đại học Lạc Hồng chia sẻ,
thực tế nhu cầu vệ sinh hệ thống pin năng lượng mặt trời tại các nhà xưởng của
Việt Nam là rất lớn. Và doanh nghiệp “nhìn thấy” được nhu cầu của thị trường.
“Họ có nguồn vốn nhưng lại thiếu nguồn lực nghiên cứu chế tạo. Do đó, họ đặt
hàng cho chúng tôi để sản xuất thành phẩm” – thầy Hoàng Anh nói.
Tuy
nhiên, đây là thiết bị mới chưa có mặt tại thị
trường Việt Nam do đó nhóm nghiên cứu không thể đánh giá và đưa ra các so sánh
về kết quả nghiên cứu. Để giải quyết vấn đề này nhóm đã phải tìm hiểu nhiều tư
liệu hình ảnh và video các sản phẩm tương tự ở nước ngoài để từ đó chế tạo một
sản phẩm mới khắc phục được các nhược điểm đang tồn tại.
Theo thầy Hoàng Anh, điều khó khăn hơn là một số linh kiện để
chế tạo thiết bị không sản xuất được ở Việt Nam do sự phát triển các ngành sản
xuất phụ trợ của nước ta chưa đầy đủ. “Chúng tôi đã phải gửi thiết kế và các
yêu cầu kỹ thuật qua các công ty ở nước ngoài để chế tạo. Do đó, chi phí chế tạo
thử nghiệm, thời gian giao hàng mẫu kéo dài và nhiều khó khăn khác khi thay đổi
và chỉnh sửa thiết kế” – thầy Hoàng Anh chia sẻ.
Khi sản phẩm hoàn thành, việc thử nghiệm sản phẩm ở thực địa trên hệ thống pin thực
tế tại Bình Thuận đã để lại cho nhóm kỷ niệm khó quên. Robot được thiết kế và
chế tạo xong nhưng chỉ được chạy thử nghiệm trên mặt sàn vì chi phí đầu tư bộ
khung và khoảng 10 tấm pin để thử nghiệm cũng rất cao so với khả năng tài chính
của nhóm. Do vậy, khi khách hàng cho phép thử nghiệm trên mái xưởng thì cả nhóm
rất háo hức.
“Vấn
đề xảy ra khi nhóm vận chuyển robot lên mái nhà xưởng cao khoảng 20m, thầy trò
cũng toàn là những người quen làm việc trong phòng máy lạnh, khi leo lên đến
mái thì cảm giác chân đứng không vững, sợ độ cao. Lúc
đó, chúng tôi mới thấy sự nguy hiểm đang rình rập thật sự cho các công nhân thực
hiện vệ sinh bằng tay tại các vị trí rìa mép mái” – thầy Hoàng Anh nhớ lại.
Robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời trình diễn để khách hàng lựa chọn.
Cũng khi đó, cả thầy và trò mới thấy được hết ý nghĩa của sản
phẩm họ làm. Nó sẽ giúp cho việc vệ sinh an toàn và hiệu quả hơn rất nhiều. Sau
khi thử nghiệm được hoảng 3 tiếng với cái nóng trên mái nhà, cả nhóm đều bị say
nắng và không thể leo xuống từ độ cao 20m bằng thang bộ. “Em và mọi người đã phải
ngồi nghỉ trên mái nhà và lấy hộp đồ ăn buổi trưa vẫn còn ra… ăn mừng vì thử
nghiệm thành công hơn 90% so với dự kiến. Sau
lần leo mái nhà xưởng đó, chúng em đã có nhiều kinh nghiệm hơn khi leo trèo thử
nghiệm ở các công trình khác” – bạn Nguyễn Phan Xuân Khương, thành viên nhóm chế
tạo robot nhớ lại.
Robot ra thị trường
Em
Nguyễn Phan Xuân Khương là sinh viên năm cuối của khoa Cơ điện tử, Trường Đại học
Lạc Hồng. Ngay khi dự án chế tạo robot vệ sinh hệ thống năng lượng mặt trời bắt
đầu, Xuân Khương là một trong những thành viên tham gia đầu tiên vào nhóm
nghiên cứu và chế tạo. Các sản phẩm robot có sẵn trên thị trường hầu như chỉ nhập
khẩu là chính. Do sản phẩm mới nên cả nhóm phải khảo sát kỹ thực tế để chỉnh sửa
sao cho phù hợp với khí hậu của Việt Nam. Họ cũng đã gặp nhiều khó khăn và qua
nhiều lần sửa lỗi sản phẩm ngoài ý muốn.
Hơn
nữa, người tiêu dùng tại Việt Nam chưa có lòng
tin vào các sản phẩm về lĩnh vực robot do các công ty trong nước sản xuất. “Do
vậy, ngay khi đơn hàng đầu tiên được bán ra thị trường, em đã rất vui. Các đơn
hàng tiếp tục tăng lên làm em cảm thấy công sức cả nhóm bỏ ra được đền đáp xứng
đáng. Nhất là những ngày đầu làm dự án, rất nhiều điều còn mới mẻ, cả nhóm phải
thức xuyên đêm để lắp ra, tháo vào các chi tiết của robot và chỉnh sửa từng chi
tiết” – Xuân Khương tâm sự.
“Trời
không phụ người có lòng”, họ đã tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và bán được ra thị
trường. Đây là thành quả của việc thay vì chỉ học lý thuyết đơn thuần, nhà trường
đã để sinh viên áp dụng vào thực tế ngay trong môi trường học tập.
Thầy
Lê Hoàng Anh nhớ lại, ngày khi nhận được “đề bài” mà doanh nghiệp đưa ra, cả thầy
và trò của khoa đã cùng nhau mày mò, nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu
các sản phẩm tương tự và cải biến vật liệu, linh kiện để tạo ra con robot phù hợp
với thực tế của nước ta. Họ đã cùng nhau tham khảo các thiết bị tương tự khi chạy
trên góc nghiêng và tính toán hệ số kỹ thuật.
Sau
hơn 1 năm, con Robot chính thức được hoàn thành, chuyên vệ sinh các tấm pin áp mái nhà xưởng. Sản phẩm đã chạy được
trên mặt tấm pin dù có độ dốc cao mà không bị trơn trượt. Ngoài phần chổi đánh bụi
bẩn như các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, nhóm đã sáng tạo thêm cần gạt nước
để vừa lau và lấy phần nước dư trên bề mặt tấm pin.
Việc
kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp đã tạo tiền đề tốt cho cả 2 bên, nhất
là doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Thực tế, các doanh nghiệp vừa, nhỏ hay siêu nhỏ
không có đủ điều kiện về tài chính để nuôi đội ngũ chuyên nghiên cứu sản phẩm mới.
Nhưng họ lại có khả năng nắm bắt được xu hướng thị trường, trong khi chúng tôi
thì không. Khi 2 bên kết hợp sẽ tạo được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị
trường” – thầy Hoàng Anh chia sẻ.
Ngoài
ra, nhà trường cũng bàn giao lại cho doanh nghiệp trình tự sản xuất, công nghệ
sản phẩm. Với sự phối hợp này, nhà trường cũng có lợi là biến nhà trường thành
đội nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới cho các doanh nghiệp nhỏ.
Tháng
11-2020, Công ty TNHH viễn thông Chí Thanh (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã đưa sản
phẩm ra thị trường. Đến nay, họ đã nhận được hơn 40 đơn hàng ở khắp cả nước. Họ
đã giao hơn 20 sản phẩm. Số sản phẩm còn lại thì thầy trò Trường đại học Lạc Hồng
vẫn tiếp tục sản xuất. Anh Bùi Hữu Chí, giám đốc Công ty cho hay, 1 con robot
này cùng 2 công nhân có thể vệ sinh sạch sẽ 6.000m2 tấm pin năng lượng mặt trời
chỉ trong một ngày, trong khi hiện nay cần đến 6 công nhân làm trong 5 ngày.
Mô
hình doanh nghiệp cùng nhà trường chế tạo các sản phẩm công nghệ cao phục vụ
cho các nhu cầu thiết thực của cuộc sống mang lại nhiều cái lợi. Sinh viên thì
không còn chỉ học lý thuyết, hay trên mô hình. Kết quả học tập được chứng minh
bằng việc thị trường chấp nhận thế nào về sản phẩm mà các em tạo ra. Ngoài ra,
sinh viên làm dự án còn được doanh nghiệp trả lương và nhận vào làm việc ngay
khi ra trường.
Mặt
lợi đối với doanh nghiệp là tận dụng được đội ngũ trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo
để tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường.
Là một trong những
doanh nghiệp mua robot vệ sinh pin năng lượng mặt trời này, anh Lê Khánh
Toàn, Giám đốc Công ty TNHH điện Đại Toàn Phát (ở Bình Dương) chia sẻ, trước
đây, hệ thống pin năng lượng mặt trời của công ty phải thuê công nhân rửa hoặc
sử dụng dụng cụ lau chùi đơn sơ. Nhưng từ đầu năm 2021, anh Toàn bắt đầu sử dụng
robot sau vài tháng đặt hàng. Sản phẩm gọn gàng, trọng lượng nhẹ hơn các sản
phẩm cùng loại khác trên thị trường. Đặc biệt, giá thành sản phẩm cũng rất thấp
vì trước đây đã có đơn vị chào mời sản phẩm tương tự do nước ngoài sản xuất
nhưng với giá hơn 1 tỷ đồng. “Quan trọng hơn, sản phẩm này do người Việt chế
tạo và sản xuất nên việc bảo trì, bảo dưỡng cũng thuận tiện hơn. Còn nếu là
các sản phẩm của nước ngoài, khi có vấn đề về kỹ thuật cần sửa chữa, mình phải
gửi hàng tận sang đó sửa cũng mất vài tháng mới xong. Giá thành rẻ, hoạt động
khá ổn định suốt nửa năm qua nên tôi thấy sản phẩm này đáng “đồng tiền bát gạo”
– anh Toàn đánh giá.
|
Lê Hoàng Anh Thư