Huyện Xuân Lộc có nhiều tiềm năng để phát triển cây hồ tiêu phục vụ xuất khẩu.
Định hướng sản xuất hồ tiêu sạch
Đồng Nai là một trong 3 tỉnh có diện
tích hồ tiêu lớn nhất cả nước, diện tích toàn tỉnh năm 2019 vào khoảng trên 18 ngàn ha, được trồng tập
trung nhiều ở các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc, Thống Nhất và Trảng
Bom. Riêng tại huyện Xuân Lộc, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn huyện, diện tích hồ tiêu toàn huyện tính đến năm 2019 là khoảng 3.540,3 ha, được trồng khá tập trung ở 6 xã Suối Cao, Xuân Thọ, Lang
Minh, Xuân Bắc, Xuân Trường và Xuân Hiệp. Năng suất hồ tiêu ở huyện Xuân Lộc bình quân
cao đạt 26,27 tạ/ha, cao hơn so với các vùng trồng hồ tiêu khác như Cẩm Mỹ
(22,8 tạ/ha), Thống Nhất (14,1 tạ/ha). Sở dĩ hồ tiêu ở huyện Xuân Lộc có năng
suất cao do mật độ trồng thường dày (1.600 - 2.200 trụ/ha), người dân được tập
huấn canh tác và có kinh nghiệm trồng, chăm sóc hồ tiêu. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Xuân Lộc tổ chức sản xuất hồ tiêu theo
tiêu chuẩn GlobalGAP, phục
vụ xuất khẩu.
Ông Trần Cao Thắng, ấp Chà Rang, xã Suối Cao là 1 trong những hộ tham gia
dự án cho biết, gia đình có 2,2 ha hồ tiêu 8 năm
tuổi. Sau gần 3 năm tham gia mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn
GlobalGAP, ông nhận thấy, để sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP có nhiều tiêu
chí rất khắt khe và tốn nhiều công hơn so với phương pháp sản xuất truyền
thống. Tuy nhiên, ông rất tâm huyết với phương pháp sản xuất này, bởi làm
GlobalGAP không chỉ đảm bảo an toàn cho người lao động, thân thiện với môi
trường, mà còn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo được chất lượng.
“Trong bối cảnh giá hồ tiêu xuống
thấp suốt một thời gian dài, các nhà vườn bắt buộc phải sản xuất theo tiêu chuẩn
sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng mới mong tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và nâng
cao thương hiệu hồ tiêu Việt Nam”, ông Thắng chia sẻ.
Cơ sở để nhân rộng mô hình
Dự án “Xây
dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển hồ tiêu đạt tiêu chuẩn
GlobalGAP tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai”
do Sở Khoa học và
Công nghệ phối hợp với UBND huyện Xuân Lộc, cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát
triển nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thực hiện. Dự án được thực hiện từ tháng 7/2019 tại 2 xã
Suối Cao và Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc). Sau gần 3 năm triển khai, đến nay dự án
cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, dự án đã xây dựng được các mô
hình đối chiếu với
các tiêu chí GlobalGAP; xây dựng 10 ha hồ tiêu được cấp giấy chứng nhận
GlobalGAP, sản phẩm đảm bảo an toàn, năng suất tăng hơn 15%, hiệu quả kinh tế
tăng hơn 10% so với đối chứng; đồng thời nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất hồ
tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho cán bộ kỹ thuật và hộ nông dân trồng hồ tiêu
trên địa bàn huyện.
Huyện Xuân Lộc tổ chức tổng kết dự án.
Theo ThS. Lê Văn Cửa, Phó trưởng ban, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ
cao (Chủ nhiệm dự án), đến nay diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Xuân
Lộc vẫn duy trì khoảng 3 ngàn ha, tập trung ở 6 xã Suối
Cao, Xuân Thọ, Lang Minh, Xuân Bắc, Xuân Trường và Xuân Hiệp. Do đó, trên cơ sở
quy trình sản xuất GlobalGAP đã có và sổ tay hướng dẫn thực hiện, địa phương
hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình.
Ông Đoàn Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, mong muốn
lớn nhất là dự án sau khi kết thúc sẽ được tổ chức nhận rộng để các nhà vườn
trồng tiêu trên địa bàn tỉnh áp dụng quy trình sản xuất tiêu sạch, phục vụ tốt
cho nhu cầu xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Lành, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, một dự án
nghiên cứu khoa học luôn phải bảo đảm 2 yêu cầu, đó là giá trị về mặt khoa học
và giá trị thực tiễn. Trên cơ sở quy trình sản xuất
GlobalGAP, huyện sẽ chỉ đạo và phối hợp để nhân rộng mô hình. Đồng thời kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ
xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương để có
nhiều cơ hội tiêu thụ và tham gia phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế
cho người dân.
Lê
Văn