Quần thể vọoc được ghi nhận tại núi Chứa Chan, huyện Xuân Lộc.
Ghi nhận một quần thể
vọoc gồm 7 đàn với gần 200 con
Theo
kết quả điều tra, giám sát của dự án cho thấy, đã xác định một quần thể voọc
Chà vá chân đen tại núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) gồm 7 đàn với khoảng 159-192
con. Tại khu vực này, voọc Chà vá chân đen được phân bổ ở độ cao từ 180 -
800 m. Các con voọc phát triển khá tốt, đang trong thời kỳ gia tăng số lượng.
“Trong
2 năm điều tra (2020 và 2021), cho thấy các đàn này tăng tổng cộng 35 cá thể,
trong đó đàn tăng nhiều nhất là 10 cá thể, ít nhất là 1 cá thể. Mỗi đàn đều ghi
nhận con đực và cái trưởng thành, bán trưởng thành, con non loại 1, 2 và con mới
sinh. Quá trình nghiên cứu cũng ghi nhận hiện tượng tách, nhập đàn”, báo
cáo của Dự án nêu rõ.
Ngoài
ra, các nhà nghiên cứu cũng xác định được 154 loài thực vật là thức ăn của chà
vá chân đen, chiếm 48,7% tổng số loài thực vật trong khu vực điều tra. Không
ghi nhận voọc ăn vỏ cây, động vật và côn trùng...
Kết
quả của Dự án cũng cho thấy, đã xây dựng được cơ sở dữ liệu và nghiên cứu về tập
tính di chuyển, kiếm ăn, giao phối, ngủ, nghỉ… của Chà vá chân đen; đồng thời
xác định được các dạng sinh cảnh, phân bố theo sinh cảnh và vùng hoạt động,
hành lang di chuyển của các đàn vọoc Chà vá chân đen tại đây.
Voọc
Chà vá chân đen nằm trong nhóm động vật
nguy cấp quý hiếm (thuộc nhóm 1B) cần được đặc biệt ưu tiên bảo
vệ. Để bảo tồn loài voọc Chà Vá chân đen tại núi Chứa Chan, ngành chức năng tỉnh
Đồng Nai đã đề ra các giải pháp cấp thiết. Trong đó, xây dựng mục tiêu kế hoạch
bảo tồn giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với các nhiệm vụ cụ thể
về quản lý, bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực.
Phát hiện, kiên trì
điều tra giám sát và bảo vệ
Từ năm 2017, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực núi Chứa Chan, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc – Long Khánh đã phát hiện loài linh trưởng mới tại đây, nghi là loài
vọoc Chà vá. Chi cục Kiểm lâm đã cử phòng chuyên môn phối
hợp với Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc – Long Khánh tiến hành điều tra thực tế khu vực núi Chứa Chan. Kết quả điều tra ban
đầu ghi nhận tại khu vực núi Chứa Chan có 02 quần thể voọc Chà vá chân đen đang sinh sống. Quần
thể thứ nhất phân bố tại phía Nam núi Chứa Chan,
với số lượng ghi nhận khoảng 15-20 cá thể, trong đó có cá thể đang mang bầu, cá thể con. Quần thể thứ hai
phân bố tại khu vực phía Tây núi Chứa Chan, với số lượng trên 15-30 cá thể.
Theo những người dân
có rẫy dưới chân núi Chứa Chan, thỉnh thoảng họ vẫn bắt gặp có một bầy voọc
xuất hiện ở lưng chừng núi. Thậm chí có lúc chúng còn xuống tận các mô đá dưới
chân núi để kiếm ăn. Ông Lê Văn Hiên, Chủ rẫy điều ở núi Chứa
Chan cho hay: “Thỉnh thoảng bầy voọc hay xuất hiện để kiếm ăn, tôi nhìn thấy
chúng có nhiều con lắm, nhưng không rõ số lượng cụ thể là bao nhiêu con”.
Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, việc phát hiện loài Chà vá
chân đen là tín hiệu vui và hết sức quan trọng cho khoa học và công tác bảo tồn
các loài linh trưởng tại tỉnh Đồng Nai. Thông tin này sẽ bổ sung về bản đồ phân
bố, giá trị, tình trạng của loài trên bản đồ thú linh trưởng không những của
tỉnh Đồng Nai mà còn cho cả nước.
Núi Chứa Chan (còn gọi là núi Gia Ray hay
núi Gia Lào, thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) là ngọn núi cao thứ
hai ở Đông Nam bộ (sau núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh) với độ cao 837m so với mực
nước biển, sườn dốc 30-35 độ, đôi chỗ là vách dựng đứng. Đây là một trong những
thắng cảnh hữu tình, độc nhất vô nhị ở Đồng Nai và hiếm gặp ở Nam Bộ, là địa
điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Núi được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 2012.
|
Thanh Cảnh