Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Phát triển đồng bộ, hiện đại, bền vững hạ tầng kinh tế Đồng Nai   09-07-2024
“Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” là đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh triển khai năm 2023 do GS.TS.Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm. Đây là một trong 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai theo Kế hoạch số 186 ngày 31/8/2022 của Tỉnh ủy Đồng Nai nhằm nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, để từ đó đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc trên cơ sở khoa học, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
 

Đại biểu tham dự hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, định hướng 2050”

GS.TS. Nguyễn Xuân Vinh cho biết, việc phát triển hạ tầng kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trở nên vô cùng cấp thiết trong bối cảnh tình hình mới, khi mà tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng. Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Nam, do đó việc đầu tư vào hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước và xử lý chất thải là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.

Mục tiêu của đề tài là tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các nội dung tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015-2024, từ đó đề xuất các giải pháp đầu tư trong tình hình mới. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ. Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hội nhập và kết nối hạ tầng kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường... Đồng thời, tháo gỡ điểm nghẽn cản trở, thúc đẩy các dự án trọng điểm, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, vừa qua, Viện nghiên cứu kinh doanh, UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng và giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, định hướng 2050”. Tại hội thảo các cơ quan chức năng liên quan, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp phát triển hiệu quả.

Báo cáo tham luận của các sở, ngành tại hội thảo cho thấy, trong những năm gần đây, hệ thống giao thông của tỉnh đã có những bước tiến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu vận tải. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông chưa được hoàn chỉnh, chưa đáp ứng kịp thời tốc độ tăng trưởng kinh tế, yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân. 

 
GS.TS.Võ Xuân Vinh, chủ nhiệm đề tài phát biểu tại hội thảo 

Đối với hạ tầng thông tin và truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tạ Quang Trường chia sẻ, trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng thông tin và truyền thông đóng vai trò then chốt, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định, trong đó đầu tư hạ tầng chuyển đổi số và hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động còn gặp nhiều khó khăn; hạ tầng công nghệ thông tin của các ngành còn thiếu đồng bộ và hiệu quả khai thác chưa cao; chuyển đổi số chưa đạt thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng.

Về phát triển hạ tầng cấp thoát nước đô thị, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay, với tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với việc sức hút của sân bay Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, hình thành và phát triển các đô thị sân bay, các trung tâm công nghệ cao, trung tâm logistics…dẫn đến hệ lụy là áp lực về hạ tầng, nhất là vấn đề cấp thoát nước, môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị quá tải, đầu tư không đồng bộ, dẫn đến tình trạng ngập úng, thiếu nước sạch, thiếu nước dự trữ, dự phòng phục vụ sản xuất. 

Là một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước về sản xuất công nghiệp, cùng với sự gia tăng dân số, quá trình phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng áp lực nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, phát sinh lượng chất thải lớn, gây áp lực đến môi trường…

GS. TS. Võ Xuân Vinh cho rằng, các vấn đề chính sách về hạ tầng kinh tế của Đồng Nai đã chỉ ra những thách thức và cơ hội đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Từ vấn đề ùn tắc giao thông đến cần thiết phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, chính sách hạ tầng cần được thiết kế sao cho phù hợp và hiệu quả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Từ chính quyền địa phương đến doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, việc hợp tác chặt chẽ giữa các nhóm đối tượng này sẽ giúp tạo ra những giải pháp hiệu quả và bền vững cho việc cải thiện hạ tầng kinh tế của tỉnh Đồng Nai. Do đó, trong quá trình nghiên cứu đề tài, đơn vị rất cần sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong thu thập thông tin, phân tích số liệu cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, Quyền chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng những thách thức về hạ tầng trong tương lai đối với Đồng Nai là rất lớn. Không chỉ là tính đồng bộ, chất lượng mà hạ tầng còn cần phải thông minh, gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Do đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành trên cơ sở đề cương nghiên cứu của đơn vị thực hiện cần cung cấp đầy đủ, chính xác số liệu, thực tiễn trong lĩnh vực mình quản lý; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án giải quyết. 

Tỉnh cũng đề nghị đơn vị thực hiện đề tài thu thập các thông tin, nghiên cứu lý luận, thực tiễn một cách toàn diện, sâu sát, khoa học để có đề tài nghiên cứu chất lượng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới được thuận lợi và đạt kết quả cao hơn.

P.Hương


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.