Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Kết quả hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng KH&CN. Bài 2: Nhiều đề tài, dự án được đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả cao   30-10-2018
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong thời gian qua đã hướng về phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cơ sở, nhất là vùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn và phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
IMG_3438.jpg
Sở KH&CN giám định dề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi trồng nấm thực phẩm bạch hương (Lentinula platinedodes) phát hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên”
*Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thị Hoàng cho biết, các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra được nhiều nhân tố mới tích cực, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ các loài thực vật có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu đầu tư khoa học công nghệ vào cây, con chủ lực có lợi thế phát triển của địa phương như nghiên cứu giống cây trồng, biện pháp thâm canh, biện pháp phòng trừ, quy trình kỹ thuật cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…Trong đó đề tài “Nghiên cứu các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và thị trường để xác định hệ thống cây trồng, vật nuôi chủ lực phục vụ phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa bền vững tại Đồng Nai” đã đạt được các mục tiêu cơ bản như: xây dựng cơ sở khoa học và phương pháp luận để xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực cho ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai; xác định nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực và nhóm cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư nhằm phát huy tối đa tiềm năng sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời đề xuất hệ thống giải pháp để các nhóm cây trồng, vật nuôi kể trên phát triển một cách bền vững: ổn định diện tích, tăng chất lượng và giữ gìn tính đa dạng sinh học quần thể cây trồng.
Đề tài “Hoàn thiện chuỗi giá trị bưởi Tân Triều, Đồng Nai” đã đề xuất phương hướng và  giải pháp phát triển (từng khâu) và hoàn thiện chuỗi giá trị bưởi Tân Triều theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của trái bưởi; giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; Nâng cao giá trị, thương hiệu, độ phủ thị trường của bưởi Tân Triều; đảm bảo phân phối lợi nhuận công bằng và phát triển hài hòa, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Không những thế, đây còn là đề tài cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện nghiên cứu trên, đề tài “Xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu”, giúp tỉnh Đồng Nai xác lập được quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển sản phẩm của địa phương, phát triển “tài sản quốc gia”, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Sau khi được cấp giấy chứng nhận  Chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều, giá trị sản phẩm quả bưởi được tăng lên 20-40% đây là yếu tố tạo nên sự gia tăng về giá trị kinh tế cho sản phẩm.

 

IMG_27102017_080947_0.png
Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hồ sơ án hình sự tại Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai
“Nâng cao giá trị sử dụng, giá trị gia tăng trái ca cao Đồng Nai” là đề tài nghiên cứu khoa học do Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai và Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện đã tiến hành các bước nghiên cứu cải thiện quá trình lên men hạt cao cao; nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh nhằm lên men định hướng và ổn định cho quá trình lên men hạt ca cao; phát triển sản phẩm rượu ca cao và nước ca cao lên men có hương vị đặc trưng từ phụ phẩm dịch ép cơm nhầy.
PGS.TS. Phan Tại Huân, chủ nhiệm đề tài cho biết, kết quả nổi bật của đề tài là đã xây dựng được quy trình lên men ca cao sử dụng vi sinh vật. Trong đó đã phân lập và định danh được các vi sinh vật: Saccharomyces cerevisiae, Acetobacter pasteurianus NH6 và Lactobacillus fermentum 3872 thích hợp dùng làm giống khởi động trong lên men ca cao Đồng Nai, giúp cho quá trình lên men được ổn định và kiểm soát tốt. Đề tài cũng đã nâng cao được giá trị sử dụng của trái ca cao Đồng Nai bằng cách chế biến rượu vang ca cao và nước ca cao lên men từ dịch ép thịt quả ca cao, được thu nhận từ quá trình tách ép 10% thịt quả.
 “Có thể nói, vấn đề duy trì chất lượng cho hạt cacao đặc biệt là hạt cacao sau lên men trong chuỗi giá trị là điểm chủ chốt giúp ngành cacao Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển bền vững, có tính cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới, đồng thời góp phần hướng đến sự phát triển sản xuất khép kín” – chủ nhiệm đề tài nói.
* Phục vụ thiết thực đời sống
Nhằm giúp lãnh đạo nhà trường và phụ huynh học sinh, giáo viên, học sinh nâng cao hiệu quả trong việc dạy và học, trao đổi thông tin hỗ trợ cho công tác quản lý học sinh, quản lý nội dung học tập cũng như công tác liên lạc giữa nhà trường và gia đình, Đề tài: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động và hỗ trợ học tập trực tuyến của Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Biên Hòa đã được triển khai nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được hệ thống mạng máy tính, hệ thống điều khiển thu phát video, hệ thống camera giám sát đến các lớp học; Phần mềm hỗ trợ học tập trực tuyến và cơ sở dữ liệu 100 bài giảng Elearning theo chuẩn SCORM cho các môn: Toán, Lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Tin học, Lịch sử, Giáo dục công dân và Địa lý. Đặc biệt là phần mềm quản lý trường học dạng web bao gồm các chức năng quản lý của 11 phân hệ, đã đảm bảo được tính tương thích đối với các phần mềm đã có. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục triển khai ứng dụng.
Hay đề tài: "Nghiên cứu xây dựng quy trình chẩn đoán yếu tố V Leiden và khảo sát tỉ lệ yếu tố V Leiden trên bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch” đã đưa ra kết quả khuyến cáo ngành y tế không cần thiết phải xét nghiệm tìm yếu tố V Leiden trên các bệnh nhân Việt Nam bị các bệnh lý liên quan đến tình trạng tăng đông máu nói chung và huyết khối tỉnh mạch sâu nói riêng và phát hiện ra đột biến gen Proc C có khả năng là yếu tố gây huyết khối tĩnh mạch. Kết quả đề tài đã chuyển giao và được triển khai ứng dụng hiệu quả tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và bệnh viện Đa Khoa khu vực Thống Nhất ứng dụng.
Đề tài: “Xây dựng mô hình hoạt động Tâm lý học học đường tại các trường phổ thông ở Đồng Nai” do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai thực hiện đã giúp tỉnh Đồng Nai và ngành Giáo dục và Đào tạo có cơ sở xây dựng các chủ trương, chính sách đối với việc tổ chức và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm lý trong trường học một cách phù hợp với địa phương và theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng nhà trương thân thiện. Đồng thời có cơ sở để xây dựng các chủ trương và chính sách về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài của tỉnh trong thời gian tới. Kết quả tác động của đề tài đã góp phần vào việc giúp cho học sinh, cha mẹ và nhà trường có mối quan hệ thân thiện. Phòng ngừa những vấn đề về tâm lý và xã hội mà học sinh hiện nay hay mắc phải. Điều này tác động lớn đến sự phát triển con người và ổn định tình hình an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hoá của người dân nói chung, học sinh nói riêng.
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thị Hoàng cho hay, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN nhằm tăng dần các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu KH&CN bức xúc của các ngành, các địa phương trên địa bàn, có nhiều khả năng nhân rộng và kết quả nghiên cứu được chuyển giao nhanh, có hiệu quả vào sản xuất và đời sống.

 

L.Hương

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.