Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Trảng Bom: ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây cà phê và điều   12-11-2018
Năm 2015, UBND huyện Trảng Bom đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình điểm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây cà phê và điều ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai” nhằm nâng cao năng suất và góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế vườn cà phê và điều trên địa bàn. Sau 3 năm triển khai, đến nay, dự án đã hoàn thành và đạt được các mục tiêu đề ra.

 caphetrnagbom2.jpg
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhà vườn
 kỹ thuật chăm sóc cà phê

*Năng suất, chất lượng chưa cao
ThS. Vũ Thị Minh Châu, chủ nhiệm dự án cho biết, cà phê  và điều là cây trồng chủ lực của huyện Trảng Bom, diện tích khá lớn và trồng tập trung. Điều kiện tự nhiên của huyện Trảng Bom phù hợp cho sự phát triển của cả 2 loại cây này.
Theo báo cáo của UBND huyện, Trảng Bom có khoảng gần 2,9 ngàn ha cà phê.  Trong đó diện tích cà phê tập trung chủ yếu ở các xã: Sông Thao, Cây Gáo, Bàu Hàm. Đa số vườn cà phê trồng ở huyện Trảng Bom già cỗi có độ tuổi trên 15 năm. Đối với cây điều, huyện Trảng Bom có khoảng hơn 3 ngàn ha điều, tập trung  chủ yếu ở các xã: An Viễn, Đông Hòa, Sông Trầu. Đa số vườn điều trồng ở huyện Trảng Bom già cỗi có độ tuổi  trên 20 năm.
ThS. Vũ Thị Minh Châu cho biết thêm, cả cây cà phê và cây điều được nhân giống từ hạt là chủ yếu nên năng suất vườn cây thấp, chất lượng kém. Cây cà phê canh tác chủ yếu theo kinh nghiệm là chính, chưa tiếp cận tiến bộ kỹ thuật kịp thời. Một số biện pháp canh tác áp dụng chưa hợp lý như: bón phân không cân đối, không đúng thời điểm, tỉa cành tạo tán không đúng kỹ thuật; quản lý sâu bệnh hại chưa hiệu quả nên xuất hiện các bệnh mối và sâu đục cành, rệp sáp gây hại, bệnh tuyến trùng, bệnh rỉ sắt, khô cành, khô quả trên cây cà phê.
Còn các vườn điều trên địa bàn thì rậm rạp, ít tỉa cành hoặc tỉa cành, tạo tán không đúng kỹ thuật; xuất hiện sâu đục chồi làm giảm tỷ lệ ra hoa, sâu róm ăn trụi lá điều làm giảm khả năng quang hợp. Bên cạnh đó, các vườn điều còn xuất hiện xén tóc nâu và sâu đục thân; rệp muội, sâu đục trái gây hại trái điều; bọ xít muỗi gây hại trên hoa và trái điều; bệnh thán thư gây hại trên lá điều; bệnh xì mủ trên cây điều.
Theo kết quả điều tra thực trạng của dự án, việc đầu tư sản xuất cà phê và điều ở huyện Trảng Bom tuy có lãi nhưng vẫn chưa cao, thời gian hoàn vốn lâu. Vì vậy cần có biện pháp cải tạo và thâm canh phù hợp để tăng năng suất và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
*Giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả canh tác cà phê và điều
Từ kết quả điều tra thực trạng, dự án đã đưa ra hệ thống các giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây cà phê và điều tại huyện Trảng Bom.
Đối với cây cà phê, tiến hành cải tạo phục hồi vườn cây già cỗi bằng cách cưa đốn phục hồi những vườn già cỗi, năng suất giảm không còn mang hiệu quả kinh tế, nhưng có năng suất cao và chất lượng tốt từ trước để tiếp tục duy trì chăm sóc.
Ông Vũ Xuân Lộc ở ấp Thuận Hòa, xã Sông Thao phấn khởi cho hay: “Vườn cà phê vối của gia đình tôi có diện tích 1ha được trồng từ năm 2003. Tham gia vào dự án, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cải tạo bằng cách cưa đốn và trẻ hóa. Kết quả, sau 1 tháng cưa thân đã có chồi tái sinh cao 20 - 25 cm. Tỷ lệ đậu trái cao. Sau 3 năm cưa đốn phục hồi, vườn cà phê đã cho năng suất đạt 3,23 - 3,4 kg nhân/cây, tăng thêm 24,71 - 42,26%”.
Caphetrnagbom1.jpg
Năng suất cà phê tăntawcao sau khi ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật
Dự án cũng tiến hành ghép cải tạo bằng dòng vô tính chọn lọc TR4 để phục hồi các vườn cà phê già cỗi, năng suất, chất lượng giảm không còn hiệu quả kinh tế do chất lượng giống không tốt từ trước. Tham gia mô hình này, sau 3 năm, vườn cà phê vối diện tích 1ha của ông Trịnh Văn Hơi ở ấp Tân Hợp, xã Bàu Hàm đã cho năng suất đạt 4,33 - 4,4 kg nhân/cây, tăng 89,08 - 100%.
Còn với những vườn trồng mới, thì dự án chọn dòng vô tính TR4. Ông Dường Cá Tiến, ấp Thuận An, Sông Thao thực hiện trồng mới 1ha cà phê dòng vô tính TR4 cho biết, được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chăm sóc, sau 3 năm thực hiện trồng mới cà phê, năng suất thực thu cà phê đạt 1.600 kg nhân/ha.
Đối với cây điều, giải pháp mà dự án đưa ra là: cải tạo vườn cây già cỗi, năng suất thấp và chất lượng kém bằng biện pháp trồng mới thâm canh giống điều cao sản PN1; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh đối với những vườn đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, giai đoạn kinh doanh.
Ông Đỗ Văn Thịnh, đồng chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Áp dụng giải pháp trồng mới bằng giống cao sản PN1 đối với vườn điều già cỗi, sau 3 năm trồng đã cho năng suất đạt 417 kg/ha. Còn với vườn điều giai đoạn kinh doanh, chúng tôi hướng dẫn nhà vườn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên vườn điều; tỉa cành và quét thuốc bảo vệ thực vật lên vết cưa cành; cạo rêu và quét dd bordeaux vào gốc cây điều. Sau 3 năm thực hiện, năng suất thực thu đạt hơn 5 tấn/ha. Lợi nhuận thu được tăng 51,49% so với mặt bằng chung toàn huyện”.
Bên cạnh đó, dự án cũng tiến hành xây dựng các mô hình, hướng dẫn nhà vườn chăm sóc cây điều, cà phê theo hướng GAP để đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương, tổ chức các buổi hội thảo đầu bờ; tạo điều kiện, gắn kết các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và nông dân sản xuất, hạn chế việc tiêu thụ qua nhiều trung gian
“Đến nay, dự án vừa được UBND huyện Trảng Bom tổng kết nghiệm thu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã kiến nghị UBND, Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom tiếp tục duy trì và phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ tổ chức các lớp tập huấn mở rộng cho nông dân theo quy trình khuyến cáo tiến tới sản xuất cà phê và điều theo hướng GAP; đưa các nội dung có liên quan đến cà phê và điều vào các nhiệm vụ thường xuyên của huyện” – ThS. Vũ Thị Minh Châu cho biết thêm.
L.Hương

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.