Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Ưu tiên triển khai các đề tài, dự án phục vụ tam nông   06-12-2018
Quan điểm phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2008-2018 là rất xem trọng sự nghiệp phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để góp phần thực hiện thành công mô hình xây dựng nông thôn mới, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) Đồng Nai trong giai đoạn này đã có vai trò đóng góp quan trọng.

 Uu tien cac de tai phuc vu tam nong H1.jpg
 
Nghiên xứu xây dựng được quy trình nhân giống vô tính bưởi Đường lá cam bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro
 

Sở KH&CN đã chủ động phối hợp cùng các Sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh cho phép triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án triển khai ứng dụng góp phần xây dựng nông nghiệp, nông thôn Đồng Nai phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao. Hàng năm Sở tổng hợp đề xuất nhiệm vụ KH&CN của các ngành và tổ chức Hội đồng KH&CN cấp tỉnh để tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành danh mục các đề tài dự án nghiên cứu khoa học công nghệ triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà trọng tâm là các đề tài, dự án phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Ông Trương Văn Trai, Trưởng phòng Quản lý khoa học cho hay, các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu về các giống cây, con như: bưởi,  sầu riêng, cà phê, mít, mãng cầu, xoài, hồ tiêu, điều, các giống lan, bò thịt, bò sữa, dê Boer; nghiên cứu về các nguồn lợi thủy sản, các giải pháp chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt….
*Nghiên cứu, chọn tạo những giống ưu thế nổi bật
Những đề tài nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần bảo phát triển và bảo tồn những nguồn gen quý, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ về tăng năng suất, chất lượng và ổn định sản lượng, giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam theo hướng triệt tiêu hạt bằng biện pháp xử lý đột biến nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của giống bưởi đặc sản tỉnh Đồng Nai” được triển khai từ năm 2007-2014 đã xây dựng được quy trình nhân giống vô tính bưởi Đường lá cam bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro và quang tự dưỡng; kỹ thuật gây tạo đột biến ở bưởi Đường lá cam sử dụng phối hợp kỹ thuật nuôi cấy in vitro và bức xạ gamma. Với kết quả nghiên cứu này đã tuyển chọn dòng bưởi Đường lá cam theo hướng triệt tiêu hơn 90% số hạt/trái, trái có chất lượng ngon, năng suất cao đáp ứng tiềm năng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp tăng khả năng cạnh tranh giống bưởi đặc sản của tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập.
Với mong muốn góp phần xây dựng vùng nguyên liệu mía ổn định và phát triển, giúp ngành mía đường đứng vững trong tình hình khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tương lai, từ năm 2011-2015, Đồng Nai đã thực hiện đề tài “Tuyển chọn giống mía có năng suất và chất lượng cao cho vùng mía Đồng Nai”. Kết quả đã chọn bộ giống mía có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện sinh thái của tỉnh, chín rải vụ có hiệu quả sản xuất cao, cung cấp đủ nguyên liệu, kéo dài vụ ép của các nhà máy đường trong vùng, đó là: giống mía : KK3, LK92-11, K95-156.
* Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng
Cùng với đầu tư nghiên cứu về giống, Đồng Nai cũng cho triển khai các đề tài nghiên cứu ngăn chặn nhiều mầm bệnh lây lan trên các loại cây trồng, vật nuôi khác nhau đem lại hiệu quả kinh tế xã hội mà vẫn giữ môi trường sạch và xanh. Trong đó, đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh ức chế độc tố nấm mốc aflatoxin trong thức ăn chăn nuôi” đã giúp xác định được 5 chủng Bacillus và 5 chủng nấm men Saccharomyces được định danh đầy đủ và chính xác, có khả năng ức chế độc tố aflatoxin an toàn sử dụng cho vật nuôi, có chất lượng tương đương với sản phẩm ngoại nhập mà giá thành thấp hơn sản phẩm nhập ngoại ít nhất 25 %, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm nấm mốc và độc tố nấm mốc trong nguyên liệu và trong sản phẩm chăn nuôi, góp phần tạo ra các sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm của đề tài thì Đồng Nai là một tỉnh có ngành chăn nuôi heo và gia cầm phát triển mạnh nhất cả nước. Để tăng lợi nhuận, người chăn nuôi có khuynh hướng chuyển dần sang sử dụng thức ăn trộn. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng thức ăn tự trộn sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc. Aflatoxin gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi cho vật nuôi. Ở liều cao, aflatoxin có thể làm cho vật nuôi bị tiêu chảy, phá hủy gan, thận và trong nhiều trường hợp gây chết cấp tính. Ở liều thấp và kéo dài thì aflatoxin gây ngộ độc mãn tính như gây viêm gan, ung thư gan, giảm hiệu quả chuyển hóa thức ăn, giảm tăng trưởng, ức chế miễn dịch. Do đó, đề tài được thực hiện nhằm chọn lọc các chủng Bacillus và nấm men Saccharomyces, hai loại vi sinh vật có lợi được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi, thú y và nhân y, có khả năng làm giảm sự sinh sản cũng như giảm tác hại của độc tố aflattoxin từ nấm mốc, từ đó xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm có thể ứng dụng trong chăn nuôi.
Uu tien cac de tai phuc vu tam nong H3.jpg
Mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn Global GAP tại Cẩm Mỹ
Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai hàng loạt các đề tài, dự án nghiên cứu về các biện pháp, quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Một trong số đó là đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quản lý một số sâu bệnh hại chính giai đoạn ra hoa đậu trái và nâng cao hiệu quả kinh tế vườn Điều ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai”. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được mô hình quản lý bọ xít muỗi, bệnh thán thư giai đoạn ra hoa đậu trái trên vườn điều, giúp  giảm 20-30% mức độ gậy hại, hiệu quả kinh tế tăng 15-20%; mô hình xử lý ra hoa tập trung trên vườn điều giai đoạn kinh doanh đã giúp tăng tỷ lệ đậu trái và năng xuất từ 15-20%; mô hình cải tạo vườn điều già cỗi bằng giống điều cao sản năng suất cao; mô hình thâm canh tổng hợp vườn điều giai đoạn kinh doanh cho năng suất và hiệu quả kinh tế tăng từ 20-25%...Các kỹ thuật này đã được nhóm nghiên cứu tổ chức tập huấn cho 240 lượt nhà vườn và chuyển giao cho các hộ dân trên địa bàn huyện Thống Nhất.
Ông Trần Tân Phong, Trưởng phòng Quản lý khoa học cơ sở cho biết, nhờ tham gia vào dự án, người nông dân đã từng bước ý thức được việc tuân thủ theo quy trình sản xuất hồ tiêu bền vững để tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn đáp ứng cho thị trường tiêu thụ, giảm tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của người sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.
* Nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp 
Nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng giá trị, lợi nhuận cho nông dân, Đồng Nai đã và đang quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong xuất nông nghiệp. Hàng loạt các đề tài, dự án trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất măng cụt tăng năng suất, chất lượng và đạt chứng nhận VietGap tại xã Bình Sơn và Bình An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ”; dự án::“Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất quýt đường theo tiêu chuẩn Việt GAP ở  huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai”; dự án “Xây dựng mô hình sản xuất Sầu Riêng theo tiêu chuẩn GloBal GAP tại huyện Cẩm Mỹ”; đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất trái cây theo qui chuẩn ASEAN GAP đối với xoài hàng hóa tại tỉnh Đồng Nai”…Nhờ kết quả nghiên cứu thành công của các đề tài mà các sản phẩm nông nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Dự án: "Xây dựng mô hình sản xuất – tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai"  đã thành lập được 1 tổ hợp tác với 10 hộ gia đình tham gia và xây dựng được 5 quy trình sản xuất rau an toàn. Được biết, doanh thu sau 21 tháng dự án thực hiện thu về được 2,439 tỷ đồng, gấp 3 lần tổng kinh phí thực hiện dự án. Xét về hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, dự án đã thành công, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm. Dự án đã thiết kế được logo, bao bì sản phẩm và đăng ký độc quyền nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng được quy trình sản xuất 12 loại rau ăn lá an toàn trồng trong nhà lưới, nhà màng.
Được triển khai thực hiện từ năm 2013, đến năm 2015, đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất một số loại rau ăn lá và rau gia vị trên giá thể theo hướng công nghệ cao tại tỉnh Ðồng Nai” do Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai thực hiện đã xây dựng quy trình trồng 4 loại rau ăn lá (rau muống, mồng tơi, xà lách multi, húng quế ) trên giá thể trong nhà màng. Đồng thời xây dựng được mô hình trồng 4 loại rau ăn lá rộng 1000m2 mỗi loại đạt năng suất cao và an toàn thực phẩm VietGAP, trong đó rau muống đạt năng suất 1,9 tấn/1000 m2; rau mùng tơi đạt 2,5 tấn/1000m2; rau xà lách đạt 2 tấn/1000m2 và rau húng quế đạt 2,5 tấn/1000m2. Kết quả của đề tài đã góp phần phổ biến ngành trồng rau an toàn trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu.
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, kết quả các đề tài dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra được nhiều nhân tố mới tích cực, tạo ra được những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, bảo vệ các loài động, thực vật có lợi thế so sánh, có giá trị kinh tế. Đó là sự chuyển mình của công nghiệp chế biến nông sản, sự phát triển của ngành dịch vụ nông nghiệp, cung cấp các sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp tới từng hộ dân và cuối cùng là chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân và thực hiện phát triển bền vững.
L.Hương

 

 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.