Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) thuộc Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính   25-04-2023
Để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo… Để hiểu hơn về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) thuộc Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.

thtjhyt3.jpg 

Sử dụng các dạng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
 
PV: Thưa ông! Xin ông cho biết những cam kết của Việt Nam nhằm giảm phát thải khí nhà kính?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Do áp lực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên thế giới đang rất quan tâm đến việc kiểm kê giảm phát thải khí nhà kính. Gần đây nhất, tại các Hội nghị lần thứ 26 và 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP26 và COP27), Ủy ban Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã đưa ra rất nhiều các giải pháp để làm sao giảm phát thải khí nhà kính, trong đó một trong các giải pháp là yêu cầu các quốc gia phát triển phải giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính. Với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam chúng ta cũng cam kết thực hiện các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Sự cam kết đó thể hiện trong Luật bản vệ môi trường năm 2020 đã dành một Chương về bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đi kèm là các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giảm 9% phát thải khí nhà kính nếu chúng ta không có sự hỗ trợ từ quốc tế, còn nếu quốc tế hỗ trợ thì chúng ta cam kết giảm 29% về phát thải khí nhà kính. Theo lộ trình, Việt Nam phấn đấu đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (có nghĩa là lượng phát thải ra và lượng hấp thu vào bằng nhau). Để làm việc đó, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện và một trong những nội dung đó là chúng ta cố gắng tạo ra một thị trường carbon để làm sao có thể buôn bán, trao đổi tín chỉ carbon nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cải tiến công nghệ, đổi mới công nghệ để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Về lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính, hiện nay theo quy định của IPCC (Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc) và các quy định của Việt Nam thì chúng ta đang triển khai trên 5 lĩnh vực gồm: Quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; lĩnh vực giao thông; lĩnh vực năng lượng; lĩnh vực xử lý chất thải; lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất khác.

Để giảm phát thải khí nhà kính, trong mỗi lĩnh vực đều có rất nhiều các giải pháp khác nhau. Chẳng hạn ở lĩnh vực công nghiệp có các giải pháp đã áp dụng trong nhiều năm trở lại đây như: thay đổi nguyên liệu, nhiên liệu, các giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu thụ bền vững, tăng trưởng xanh, sản xuất carbon thấp…

Với nhóm ngành giao thông sẽ là các giải pháp về kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông cơ giới; Nghiên cứu khai thác nguồn nhiên liệu sinh học,  sử dụng xăng pha cồn 5% (E5), pha cồn 10% (E10) để giảm phát thải khí nhà kính; Nghiên cứu thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho các phương tiện giao thông cơ giới; Lắp hệ thống đèn LED, đèn năng lượng mặt trời thay thế trong hệ thống chiếu sáng giao thông công cộng…

bven1.JPG
PGS.TS Phùng Chí Sỹ trao đổi tại Hội thảo đề tài: "Nghiên cứu phương pháp định lượng và ước tính phát thải khí nhà kính cho các ngành kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai".

Đối với lĩnh vực năng lượng: Xây dựng các chương trình, dự án về cơ chế, chính sách và pháp luật trong việc thực hiện quản lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích, thúc đẩy hợp tác công tư trong thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo; Thúc đẩy các dự án thực hiện sử dụng năng lượng mới, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Thực hiện các chương trình, dự án về truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính trong các đơn vị cung ứng năng lượng…

PV: Xin ông cho biết vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng năng lượng, nguyên nhiên liệu để tạo ra các sản phẩm... Đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính. Do vậy, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định đến việc giảm phát thải khí nhà kính.

Trong các nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn. Giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Sự tham gia của doanh nghiệp rất quan trọng không chỉ là một trong những đối tượng trực tiếp liên quan đến phát thải khí nhà kính mà còn có khả năng đóng góp nguồn lực tài chính và công nghệ trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

PV: Qua nghiên cứu tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông có khuyến nghị gì đối với chính quyền địa phương?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ: Kết quả nghiên cứu tổng hợp trên địa bàn Đồng Nai cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính có xu hướng giảm trong giai đoạn 2018 – 2020. Tuy nhiên, với mỗi lĩnh vực lại có sự biến động khác nhau. Lĩnh vực năng lượng, giao thông và quá trình công nghiệp sử dụng sản phẩm có xu hướng tăng. Lĩnh vực chất thải và nông nghiệp có xu hướng giảm, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm nhiều nhất.

Từ thực tế đó chúng tôi cho rằng địa phương cần nỗ lực, cùng với các bên liên quan xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ tín dụng, trợ giá sản phẩm tái chế. Một vấn đề nữa là cũng cần phải hình thành và phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Với gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ môi trường, hóa môi trường, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) thuộc Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã chủ trì và tham gia hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. 

Ngoài ra, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ còn tham gia vào nhiều dự án quốc tế về quản lý, bảo vệ môi trường tại Việt Nam như: giám sát môi trường, triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng các mô hình toán để tính lan truyền ô nhiễm trong môi trường không khí, nước; áp dụng công nghệ GIS trong quản lý môi trường, kiểm toán môi trường, xây dựng kế hoạch quản lý môi trường, xây dựng các chỉ số đánh giá nguồn tài nguyên và môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Cảnh (thực hiện)
In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.