Với 476/477 đại biểu
tham gia biểu quyết tán thành, sáng 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu
trí tuệ để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các
thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc tăng cường sử dụng
và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực
tiễn và thông lệ tiến bộ của thế giới.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển
mạnh mẽ và toàn cầu hóa đang trở thành xu thế, cần sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu
trí tuệ cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở
hữu trí tuệ là dự án luật khó, nội dung chuyên môn sâu, đòi hỏi các kiến thức
liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực tiễn áp dụng và sự am hiểu về cam
kết quốc tế liên quan đến sở hữu trí tuệ; đảm bảo sau khi ban hành đưa Luật
tiệm cận thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo
quyền, lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp.
Hiện nay, tài sản trí tuệ đóng góp lớn cho
nền kinh tế các quốc gia, vì vậy, cần có những quy định chặt chẽ về quyền sáng
chế, bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để
thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động, tích cực ứng dụng các thành tựu
của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc tăng cường sử dụng và bảo vệ
quyền sở hữu trí tuệ, giúp hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và
thông lệ tiến bộ của thế giới.
Các nội dung chính của dự thảo Luật sửa đổi,
bổ sung tập trung vào các điều khoản liên quan quan đến quyền sở hữu trí tuệ
đối với sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân
sách Nhà nước; nhóm vấn đề liên quan đến nhóm quyền tác giả, quyền liên quan; quyền
sở hữu công nghiệp; quyền với giống cây trồng…
Đặc biệt, đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong
thực tế xã hội thời gian vừa qua, Luật bổ sung vào khoản 2, Điều 7 quy định về
quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca với nội dung
"Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ,
Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ,
Quốc huy, Quốc ca".
Luật Sở hữu trí tuệ được hoàn thiện sẽ khuyến
khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều
cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản
phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp
của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày
1/1/2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Quy định về
bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022.
Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi
hành từ ngày 14/1/2024.
Diệu Linh (Theo Báo Chính phủ)
Liên
kết nguồn tin: https://baochinhphu.vn/sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-so-huu-tri-tue-10222061609391233.htm