Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030   08-04-2021
Theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 mới được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt vào ngày 24/12/2020, mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
 

Sở KH&CN Đồng Nai tổ chức hội thảo nhãn hiệu chứng nhận tôm càng xanh Trà Cổ
* Hiệu quả từ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.
Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã thực sự lan tỏa, được các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học hưởng ứng, chủ động triển khai. Bên cạnh việc tham gia Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành cơ chế, chính sách, triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh, cộng đồng của địa phương mình.
Riêng trong năm 2020, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, góp phần giúp doanh nghiệp quản lý và khai thác tốt nguồn tài sản trí tuệ, nhiều mô hình và đã và đang được thực hiện tại các doanh nghiệp và đang dần phát huy hiệu quả như mô hình quản trị tài sản trí tuệ tại Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam...). Việc Chương trình tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng khẳng định quan điểm của Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ và các Bộ, ngành, địa phương lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực phát triển.
Bên cạnh đó, Chương trình  đã hỗ trợ bảo hộ sáng chế quốc tế cho các nhà khoa học Việt Nam, hỗ trợ khai thác, áp dụng sáng chế cho tổ chức KH&CN, qua đó đã góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị tài sản trí tuệ cho xã hội. Nhiều sáng chế trong số đó đã được thương mại hóa thành công, được người tiêu dùng trong nước đón nhận và tin tưởng. Chương trình cũng  đã tăng cường hỗ trợ bảo hộ, quản lý tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, gồm có 20 sản phẩm chủ lực, đặc thù địa phương như: Cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; Bưởi năm roi Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; Tôm sú Cà Mau, tỉnh Cà Mau….
Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, những năm qua, Đồng Nai cũng đã lồng ghép cơ chế hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ trong Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áo dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Giai đoạn 2016-2020, đã có 225 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình và được hỗ trợ về bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng website. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ của mình.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, thời gian qua, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã được triển khai khẩn trương theo đúng mục tiêu, nội dung, kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động sáng tạo, từng bước đặt nền móng, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ từ phía các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; qua đó khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của ngành khoa học và công nghệ nói chung, sở hữu trí tuệ nói riêng trong đời sống kinh tế, xã hội.
* Đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Theo Chương trình, đến năm 2025 thực hiện đạt mục tiêu: 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. 
 
Nhãn hiệu bưởi da xanh Bình Lợi
Đến năm 2030: số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%; Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chương trình đưa ra các nội dung cần thực hiện bao gồm: Tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, điều hành, quản lý và tổ chức triển khai hoạt động chung, thường xuyên của Chương trình; hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình.
Theo ông Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 sẽ được thực hiện với quy mô lớn, triển khai sâu rộng hơn nhằm thực thi hiệu quả Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp về bảo hộ, khai thác, quản trị và phát triển tài sản trí tuệ. Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tham mưu cho Bộ KH&CN ưu tiên, tập trung hỗ trợ hoạt động truy soát nguồn gốc, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chuỗi giá trị, tăng cường hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ của Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới.
P.Hương

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.