Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Nội dung tin

 
Những điểm mới quan trọng về quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP   26-10-2023
Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và một phần của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung).
 

​​Một số sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại sự kiện chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới ở Đồng Nai

Nghị định này quy định chi tiết và biện pháp thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp. Việc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nghị định này áp dụng cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Một số điểm mới nổi bật của Nghị định này như sau:

- Các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ (VBBH) và hướng dẫn khai tờ khai được quy định tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định (thay thế các mẫu tờ khai, mẫu VBBH và hướng dẫn tương ứng theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN).

Ngoài ra, lần đầu tiên, mẫu “Đơn đề nghị xác nhận thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm lần đầu bị chậm” và “Tờ khai yêu cầu đền bù do chậm cấp phép lưu hành lần đầu đối với dược phẩm sản xuất theo bằng độc quyền sáng chế” được ban hành để chủ bằng sáng chế có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét đền bù vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm được quy định tại Điều 131a Luật SHTT năm 2022.

Mẫu tờ khai “nhãn hiệu” cũng có sự thay đổi khi nhãn hiệu âm thanh, một loại nhãn hiệu phi truyền thống lần đầu tiên được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu theo Luật SHTT năm 2022.

- Thủ tục kiểm soát an ninh đối với sáng chế được quy định tại Điều 14 và Phụ lục VII của Nghị định. Các thủ tục này thiết lập quy trình nghiêm ngặt để xác định và kiểm soát các sáng chế có khả năng tác động đến quốc phòng và an ninh. 

- Thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 16 của Nghị định. Cơ chế này giúp đơn giản hóa quy trình sửa đổi đơn, giảm gánh nặng hành chính và đẩy nhanh quá trình ghi nhận sửa đổi thông tin cho chủ đơn, theo đó, có khả năng khuyến khích chủ đơn thực hiện các sửa đổi đơn của họ một cách kịp thời và chính xác.

 

Ảnh minh họa 

​-Tách đơn, rút đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; yêu cầu thẩm định nội dung, chuyển đổi đơn đăng ký sáng chế được quy định tại Điều 17 của Nghị định.

Việc tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cho phép chủ đơn tách các khía cạnh (phần) khác nhau của đơn đăng ký ban đầu thành các đơn tách mới. Cơ chế này tạo thuận lợi cho chủ đơn khi một hay một số khía cạnh (phần) nào đó của Đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ, hoặc bị phản đối hoặc phù hợp với chiến lược riêng của chủ đơn trong việc bảo hộ tài sản trí tuệ của họ. Việc tách đơn cũng giúp tinh gọn quá trình thẩm định đơn. 

- Ghi nhận thay đổi người nộp đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được quy định tại Điều 18 của Nghị định.

- Các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có nguồn gốc Việt Nam và có chỉ định Việt Nam được quy định từ Điều 22 đến Điều 24 của Nghị định.

- Các yêu cầu đối với Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ và quy định về các tài liệu phải nộp nếu lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ (khoản 3, Điều 26 của Nghị định).

- Các thủ tục liên quan đến sáng chế mật được quy định tại Điều 48 đến Điều 52 của Nghị định.

Ngoài ra, một số nội dung về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP và toàn bộ nội dung Thông tư số 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/02/2008 của Bộ KH&CN hướng dẫn việc cấp, thu hồi Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp và Giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp cũng đã được đưa vào Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 8 năm 2023.

P.Hương


In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.