Kiểm định viên Trung tâm Khoa học và Công nghệ Đồng Nai thực hiện kiểm định phương tiện đo
Đề án 996 nhằm phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển bộ ngành, địa phương. Đồng thời tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp. Xây dựng và áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đo lường…
Cụ thể, đến năm 2025, phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường. Phát triển ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp… Định hướng đến năm 2030, phát triển được ít nhất 250 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu bảo đảm đo lường chính xác cho doanh nghiệp...
Sau khi nghiên cứu Đề án 996, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND ban hành Kế hoạch số 10979/KH-UBND ngày 25/9/2019 triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, Huỳnh Minh Hậu cho biết, để có cơ sở thực tiễn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp theo Đề án 996 đối với các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm, Sở đã phối hợp Cục Thống kê tỉnh thực hiện hoạt động điều tra, thống kê tình hình quản lý đo lường trong doanh nghiệp trong năm 2020. Qua kết quả thống kê, điều tra tại 500 doanh nghiệp đóng trên địa bàn 9 huyện, thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh cho thấy các doanh nghiệp đã ý thức trong việc kiểm soát hoạt động đo lường trong sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường (chiếm tỷ lệ 99%).
Đồng thời, Sở đã chuẩn hóa, duy trì và đầu tư phát triển năng lực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn của Trung tâm Khoa học và Công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và điểu kiện phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.
Trong năm 2020, phối hợp cùng các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ ngươi tiêu dùng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu hướng dẫn và gửi các doanh nghiệp đăng ký việc triển khai Chương trình đảm bảo đo lường.
Sở đã chuẩn hóa, duy trì và đầu tư phát triển năng lực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn của Trung tâm Khoa học và Công nghệ
Để tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2021.
Theo đó, năm 2021, Sở sẽ tổ chức các khóa đào tạo về: Kiểm tra định lượng hàng đóng gói sẵn và cách thể hiện đơn vị đo; Kiểm tra, hiệu chỉnh, hiệu chuẩn phương tiện đo dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp; Kiểm tra phép đo trong thương mại bán lẻ cho cán bộ công chức của UBND huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các tổ chức quản lý chợ. Đồng thời biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn hoạt động quản lý đo lường trong doanh nghiệp.
Thực hiện hỗ trợ xây dựng và triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp, Sở sẽ rà soát và lựa chọn 02 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hoạt động có sử dụng số lượng phương tiện đo lớn để xây dựng và triển khai Chương trình; hướng dẫn tại 02 doanh nghiệp về cách thức xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp.
Đồng thời thực hiện công tác rà soát, đánh giá năng lực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường của tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để xác định thực trạng về điểm mạnh, điểm yếu và hạn chế của các tổ chức từ đó làm cơ sở cho việc đề xuất các nhiệm vụ để phát triển năng lực cho các tổ chức.
P.Hương