Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh bạ
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

Module TinTuc - WebPart ContentNews

 
Trần Công An- Người anh hùng bình dị (Anh hùng Trần Công An)   14-03-2014
Thiếu tướng Phạm Hoài Chương, nguyên chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận, ghi rõ trong hồi ký của mình có đoạn: "Vào khoảng tháng 6- 1952, đồng chí Lê Duẩn trên đường ra Việt Bắc họp, ghé lại Binh Thuận làm việc với Ban cán sự cực Nam Trung bộ và Tỉnh ủy, đồng chí cho nhiều ý kiến quan trọng, trong đó đồng chí nhấn mạnh về cách đánh đặc công rất hiệu quả ở miền Đông Nam bộ.

TranCongAn.jpg
Cố Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (giữa, nguyên U trưởng U1) cùng ông Nguyễn Tấn Vàng (bìa phải) và Lê Minh Soái (nguyên đặc công U1) những người trực tiếp chỉ huy, tham gia trận đánh tổng kho Long Bình ngày 22-6-1966.
(Nguồn hình:http://baodongnai.com.vn/phongsukysu)

Theo yêu cầu cúa Ban chỉ huy Tỉnh đội Bình Thuận, đồng chí Lê Duẩn trước khi tiếp tục ra Bắc họp đã để lại ba đồng chí: Nguyễn Hiếu Liêm - đại đội trưởng và hai cán bộ đặc công Trần Thắng Nê, Nguyễn Hữu Đôi cán bộ tiểu đội. Nhờ có ba đồng chí này huấn luyện khoá đặc công đầu tiên trong hai tháng mà 43 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 812 do đồng chí Lê Văn Luyến làm trung đội trưởng đã tiếp thu rất nhanh về kỹ thuật và chiến thuật đặc công. Nhờ đó mà góp phần đánh thắng những trận tưởng chừng không thắng nổi, như tiêu diệt và bức rút hàng loạt tháp canh, diệt đồn Ngã Hai, Sông Quao, Mương Mán, Mũi Né, Sông Cạn, Pascal, Khách sạn Liên Thành (Phan Thiết) và cách đánh đặc công này đã lan rộng ra trong đánh Mỹ và thắng Mỹ... "

Đặc biệt trận thắng oanh liệt ngày 18-9-1952, đồn Ngã Hai (Phan Thiết) do đồng chí Nguyễn Minh Châu (lúc ấy là Tỉnh đội trưởng Bình Thuận, sau này là thượng tướng, mới qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh) chỉ huy. Các chiến sĩ đặc công đã dùng bộc phá đánh sập các lô cốt, ụ súng, nhà lính và nhà chỉ huy, cùng lúc bộ đội tràn vào đánh diệt địch. Bị đánh bất ngờ, địch hoàn toàn tê liệt. Ta diệt 60 tên, bắt sống 60 tên, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược.

Trận đánh vào tiểu khu Sông Quao đêm 18-1-1953, dưới sự chỉ huy của hai đồng chí Nguyễn Chí Điềm và Nguyễn Lệnh (trung đoàn trưởng và chính ủy 812, sau này đồng chí Nguyễn Chí Điềm là Tư lệnh binh chủng đặc công đầu tiên), cùng với hai đồng chí chỉ huy trực tiếp là Quách Tử Hấp và Lê Van Khuê, trung đội đặc công và đại đội xung kích, sau 30 phút ta diệt một đại đội, bắt sống 30 tên, có 3 tên Pháp, ta thu 1 đại liên Vicker, 9 trung liên, 18 tiểu liên, 120 súng trường, 1 cối 81 ly ... Ta hy sinh 2, bị thượng 3 và hàng trăm trận thắng khác. Trung đoàn 812 hai lần được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lịch sử của trung đoàn 812 luôn khắc đậm câu:

"TIẾP THU CHIẾN THUẬT ĐẶC CÔNG NAM BỘ, ĐÁNH THẮNG GIÒN GIÃ".

Thiếu tướng Phạm Hoài Chương và cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 812 chỉ biết nguồn gốc đẻ ra đặc công là từ Nam Bộ, chứ không biết ai là người có công tạo ra cách đánh đặc công kỳ diệu này. Tôi vẫn cố tìm cho ra ngọn ngành người có công đầu sản sinh ra cách đánh đặc công, lối đánh độc đáo, đúng theo đường lối chiến tranh nhân dân, sử dụng lực lượng ít, đánh địch đông, ta thắng lớn. Chỉ đòi hỏi một điều, lính ta phải dũng cảm, gan dạ và nắm vững kỹ thuật. Tôi ôm ấp mãi gần hai mươi năm sau, giữa những ngày chống Mỹ cứu nước, tôi mới nghe nhiều cán bộ từ chiến khu Đ trên đường công tác về R ghé đoàn 770 kể lại, lúc ấy tôi là trưởng ban tuyên huấn 770, do muốn hiểu nguồn gốc nên tôi ghi chép cẩn thận, đặc biệt là ý kiến của anh Tư Khanh (tức Thiếu tướng Đào Sơn Tây) kể về tấm gương chiến đấu dũng cảm và sáng tạo của anh Hai Cà là người sáng tạo ra cách đánh đặc công đầu tiên ở miền Đông Nam bộ".

Từ đó đến nay, trên 30 năm tôi theo dõi tin tức qua những chiến thắng lớn vang dội, chẳng những trong nước và trên toàn thế giới đều biết, kẻ địch kinh hoàng. Trong thắng lợi rực rỡ của quân dân cả nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, nhân dân ta rất tự hào có thêm một binh chủng mới, đó là "Bộ đội đặc công ngày nay đã có một vị trí xứng đáng, được Đảng công nhận là binh chủng quan trọng trong lực lượng vũ trang ta bên cạnh bộ binh, pháo binh và các binh chủng khác". (Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu trong ngày thành lập binh chủng đặc công 19-3-1967).

Để tìm tư liệu kỹ và chính xác hơn, tôi hỏi nhiều bạn bè cùng chiến đấu với đồng chí Trần Công An kể lại và chính anh đã chân thành kể cho tôi nghe theo yêu cầu của Hội cựu chiến binh và Hội văn học - nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, sau khi anh được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 23-10-1996. Tôi tra cứu trong cuốn "Lịch sử lực lượng vũ trang Đồng Nai" và đặc biệt là sự công nhận của Bộ tư lệnh binh chủng đặc công là "Đồng chí Trần Công An đã tổ chức cho đội du kích Tân Uyên luyện tập đánh tháp canh cầu Bà Kiên vào đầu năm 1948.... Xuất phát từ tình cảm của tôi qua gần nửa thế kỷ, tôi muốn ghi lại về những sự kiện đánh đặc công của anh Hai Cà ở Biên Hoà - Đồng Nai.

Đó là đầu năm 1948, sau khi địch thua đau trên khắp các chiến trường của ba miền, chúng lồng lộn như con thú dữ, trả thù bằng cách tàn sát, đốt phá và hãm hiếp dân lành. Chúng đổi chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt giết người Việt" bình định vùng đã chiếm đóng và tìm cách lấn chiếm vùng tự do. Đối với miền Đông nam bộ, chúng thực hiện chiến thuật Đờ La-tua, xây dựng hàng ngàn đồn bót, tháp canh trên các trục lộ, dọc theo đường 16 từ Tân Ba lên thị trấn Tân Uyên, đến Sở cao su Phước Hoà, dọc lộ 24 từ ấp Cây Đào đến Rạch Đông. Tháp canh còn mọc lên dày đặc ở quốc lộ 13, 14, quốc lộ l, 15 và tỉnh lộ 24. Chiến thuật Đờ La-tua của chúng nhằm mục đích: bảo vệ đường giao thông của chúng trên các lộ giao thông, cắt đứt giao thông liên lạc đường bộ của kháng chiến, đồng thời dùng hệ thống tháp canh như một phương tiện lấn chiếm, kiểm soát vùng du kích và căn cứ của ta.

Mỗi tháp canh chúng xây dựng rất kiên cố, tháp canh hình vuông, có cạnh từ 4 đến 5 mét xây bằng đá hoặc gạch, tường dày 0, 5 đến 0, 8 mét, cao từ 8 đến 10 mét, do một bán đội đóng giữ. Xung quanh tháp canh chúng bao bằng lũy đất dày có đất ken và lỗ châu mai, bên ngoài có hào lũy, chông mìn, kẽm gai, thả chó, ngỗng. Mỗi tháp canh cách nhau 1 km có thể báo hiệu chi viện cho nhau. Giữa từ 5 đến 7 tháp canh có một tháp canh mẹ tạo thành một hệ thống có thể chi viện, hỗ trợ lẫn nhau khi bộ đội ta tấn công. Tháp canh mẹ cao từ 10 đến 12 mét do một tiểu đội đóng giữ. Tháp canh nào chúng cũng bố trí hỏa lực mạnh, có máy truyền tin và các điều kiện hoạt động cần thiết. Hệ thống tháp canh của thực dân Pháp ở miền Đông gây cho kháng chiến bao khó khăn, nhất là về giao liên đường bộ. Tường tháp dày, chiến trường miền Đông Nam bộ bấy giờ lại chưa có vũ khí phá tường tháp từ xa. Bộ chỉ huy khu 7 xác định phá tháp canh, đánh bại chiến thuật Đờ La-tua là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông. Nhiệm vụ này được triển khai trong toàn lực lượng vũ trang các tỉnh thuộc khu 7 trong đó có Tỉnh đội Biên Hoà.

Mặc dù vô cùng khó khăn, phức tạp như vậy, nhưng khi nhận lệnh của Ban chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao phải đánh thắng tháp canh cầu Bà Kiên để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo, đồng chí Trần Văn Kìa (tức Trần Công An) dựng tháp canh giả (từ suy nghĩ địch phòng thủ kỹ lưỡng, muốn đánh tháp canh phải làm sao bí mật vào sát tường tháp, có phải đánh giặc không phải dựng tháp canh giả, mà chọn một cây độc mộc trong căn cứ tạm làm tháp canh), làm hàng rào dây kẽm gai, ta cởi trần bôi trong người loại thuốc hóa trang tự chế, nhanh chóng bí mật bò qua rào, leo lên tháp canh, ném lựu đạn giả ... Việc luyện tập rất công phu, người con anh hùng của chiến khu Đ anh hùng đã phấn khởi đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy một tổ đánh bót cầu Bà Kiên trên lộ 16 - ấp Mỹ Chánh - xã Phước Thành - huyện Tân Uyên (Biên Hòa).

Nhiệm vụ khó khăn này được giao cho tổ du kích do Trần Công An làm tổ trưởng.

Khó khăn lớn nhất lúc đó là ta chưa có một loạI vũ khí nào phá nổi tường tháp canh kiên cố ấy. Muốn thắng được chúng, trước tiên chỉ dùng mưu trí và lòng dũng cảm kết hợp với các loại vũ khí cải tiến, dám đánh và đánh thắng địch để trả thù cho bà con thân yêu của mình là được. Muốn đánh thắng trận đầu tiên diệt tháp canh này, anh Trần Công An phải nghiên cứu rất công phu, dựa vào cơ sở mật tìm hiểu cách bố phòng, cấu trúc tháp canh, quy luật hoạt động và những sơ hở của địch. Trần Công An đã khổ luyện cho toàn tổ Anh chọn một cây độc mộc trong căn cứ, giả làm tháp canh. Một du kích ngồi trên cây rọi đèn pin, bên dưới du kích dùng bùn non hóa trang bò vào, cho đến khi người trên cây rọi đèn không phát hiện được người bên dưới đã tiếp cận gốc cây mới thôi. Qua nhiều đêm theo dõi nghiên cứu thấy sơ hở của chúng là lúc hút thuốc, sau khi pha đèn xong hoặc đổi gác. Mỗi lần điều nghiên về, anh cùng tổ bàn bạc, trao đổi, rút kinh nghiệm và tiến hành thực tập lúc rọi đèn rà soát toàn bộ chung quanh tháp canh và cho tổ bò vô lô cốt giả xem cớ phát hiện được dấu vết gì không, ngụy trang có phù hợp với màu đất, cây cỏ ở đó không? Ngay cả việc nhắm mắt lại khi địch rọi đèn, nếu không kịp nhắm mắt nó phát hiện thì nguy. Quyết tâm của tổ là đánh trận đầu phải chắc chắn thắng.

Sau khi tập luyện khá nhuần nhuyễn, tổ xây dựng phương án thông qua Huyện đội dân quân Tân Uyên, có hai tiểu đội chi viện. Đêm 18 rạng sáng 19 tháng 3 năm 1948, Trần Công An đã chỉ huy một tổ gồm hai du kích huyện Tân Uyên là Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung. Toàn tổ tiềm nhập vào trận địa, tổ chức hai người cảnh giới là du kích Nguyễn Văn Ai và cơ sở mật Trần Văn Hỏi. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ nên cả ba đồng chí đều mang thang vừa bò vào đến tận nơi. Theo sự phân công, Nguyên nhanh chóng leo thang lên tầng tháp trên cùng, Lung leo lên tầng giữa và Trần Công An ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy. Mỗi người thống nhất ném vào lỗ châu mai ba quả lựa đạn, ném xong anh Trần Công An nghi chúng còn sống, leo tiếp lên tầng trên tô thêm một quả ô-ép*, tưởng lép, không ngờ nó nổ nhào anh ngã lăn xuống, bị thương hai anh Nguyên Và Lung vừa gom súng địch vừa khiêng anh An về nơi băng bó và thu dọn chiến trường. Trận đó ta diệt 11 tên, thu 8 súng và 20 lựu đạn.

Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên thắng lợi, Ban chỉ huy tỉnh đội và Huyện đội Tân Uyên đánh giá: “Trận đánh cầu Bà Kiên đã mở ra một hình thức tác chiến mới dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít, đánh lực lượng địch đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp, qua kinh nghiệm này, ta có khả năng đánh phá đồn bót của địch nhiều nơi ở chiến trường miền Đông Nam bộ". Tỉnh đội Thủ Biên phát động thi đua cho dân quân du kích toàn tỉnh học tập và quyết tâm thực hiện.

Với chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên, tổ du kích và bản thân Trần Công An được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 biểu dương, Tỉnh đội Biên Hòa cấp bằng khen, Huyện đội Tân Uyên cấp giấy khen. Nhưng vinh dự lớn nhất của Trần Công An- 28 tuổi - qua rèn luyện, thử thách, ngày 7-5-1948 anh được kết nạp vào Đảng, thề trước Đảng kỳ và chân dung của Bác Hồ kính yêu là: "suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân... " - Lời thề ấy anh giữ trọn và sáng mãi cho đến hôm nay.

Tháng 10 năm 1949, địch tiếp tục thực hiện chiến dịch Đờ La-Tua nhằm kiểm soát, siết chặt bao vây, càn quét và cô lập vùng căn cứ của ta với một mức độ cao hơn, chúng củng cố công sự phòng ngự vững chắc hơn, tháp canh đồn bót kiên cố hơn, tăng quân, rào kẽm gai, mìn, thả chó bẹc giê, gà, vịt, ngỗng, lon bơ, chuông rung... gây khó khăn cho ta nhiều hơn. Nhưng với ý chí kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc của đồng chí Trần Công An và những người con của quê hương Thạnh Phước, Thạnh Hội, Tân Uyên (chiến khu Đ) đối với bọn thực dân Pháp cướp nước và bọn tay sai bán nước. Vốn là một nông dân cày ruộng, nhà nghèo, căm thù bọn giặc Pháp chiếm đóng, khủng bố cướp tài sản của nhân dân, chúng đã bắn gẫy tay phải của mẹ anh, lòng căm thù lại bốc cao, nhất định phải tìm cách diệt địch để trả thù cho gia đình, bà con, thôn xóm. Anh tập luyện đêm ngày, nghiên cứu cách đánh thế nào mà quật ngã được bợn Tây to béo hơn mình. Thế rồi, khi nghe tin có bọn Tây đi lùng bắt heo, gà, vịt và cưỡng bức bà con Thạnh Hội, không ngờ khác hơn những lần trước, lần này (sáng ngày 24 tháng 12 năm 1946) có tên giặc Pháp từ đồn Tân Ba xuống Thạnh Hội, anh tìm cách bí mật, bất ngờ luồn ra phía sau tên Pháp dùng thế đã tập và sức mạnh của tuổi 26 cộng lòng dũng cảm, anh ôm giò tên Pháp quật ngã xuống đất, dùng hai sợi dây thừng trói thúc ké hai tay, trói cổ, lấy khẩu súng trường ăng - Lê với hai trăm viên đạn giao khu quân sự huyện Tân Uyên, vẫn biết rằng việc làm ấy rất mạo hiểm, vì cả gia đình anh nằm trong vùng tạm chiếm gần đồn Tân Ba, nhưng anh vẫn làm miễn giữ được yếu tố bí mật và lòng dân tin tưởng vào cách mạng là được. Khởi đầu việc dám đánh Tây và thắng Tây bằng tay không đánh địch, lấy súng địch, lúc đầu kháng chiến lấy được một khẩu súng là quý vô cùng.

Tháng 9 năm 1946, anh Trần Công An nhập chi đội 10, sau khi được đi học khóa quân chính trở về, anh Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng - cho chuyển anh Trần Công An sang xây dựng lực lượng dân quân tự vệ huyện Tân Uyên, anh phát huy cách đánh mưu trí dũng cảm ấy vào các trận đánh tháp canh đầu tiên. Tháng 11 năm 1949, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 mở hội nghị chuyên đề đánh tháp canh. Đồng chí Trần Công An được báo cáo kinh nghiệm cách đánh tháp canh cho đại diện của các đơn vị chủ lực, Tỉnh đội, Huyện đội Binh công xướng và đại diện cho các lực lượng dân quân du kích các địa phương trong quân khu về dự. Bộ Tư lệnh quân khu kết luận, ta có thể đánh được tháp canh với điều kiện phái làm tốt công tác điền nghiên, áp sát được tháp canh một cách bí mật và có vũ khí có sức công phá mạnh để đánh tháp.

Để thực hiện có kết quả hơn, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh đội Biên Hoà tổ chức biên chế thành 50 tổ gồm 300 du kích ưu tú do đồng chí Bùi Cát Vũ và Trần Công An huấn luyện. Sau khi huấn luyện xong, 50 tổ du kích xây dựng quyết tâm đầy đủ thử mìn chắc chắn, Tỉnh đội Biên Hòa quyết định trận đánh đêm 21 rạng ngày 22 tháng 3 năm 1950 vào 50 tháp canh đóng dọc các lộ 15, 16, 24 và quốc lộ 1. Cả 50 tháp canh không sập tường, tháp nào cũng chỉ thủng một lỗ khoảng 0, 6 mét, chỉ bọn lính ngủ trong tháp chết, có một tên trên sàn gác sống sót dùng súng và lựu đạn chống lại ta. Thua keo này, ta bày keo khác, nghiên cứu lại tính năng tác dụng của vũ khí, đồng thời với việc huấn luyện thực tập đánh tháp canh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chỉ thị cho binh công xưởng nghiên cứu chế tạo một loại vũ khí có sức công phá đánh sập tường dầy. Đồng chí Bùi Cát Vũ và Đặng Sĩ Hùng chịu trách nhiệm chính về chế tạo một loại mìn lõm (gọi là FT và Pêta). Trận đánh thử nghiệm của hai quả mìn FT và Pêta đêm 18 tháng 4 năm 1950 do tổ du kích Tân Uyên dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Công An và sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Cát Vũ đã đột nhập và đánh sập tường tháp canh mẹ tại cầu Bà Kiên lần thứ hai nằm trên đường 16, ta diệt 16 lính trong tháp canh và thu toàn bộ vũ khí, đạn dược.

Trận đánh vào tháp canh mẹ cầu Bà Kiên lần thứ hai này, mặc dù địch phòng thủ kiên cố vững chắc hơn, nhưng vỏ quýt dầy có móng tay nhọn, đồng chí Trần Công An và các đồng chí trong đơn vị Nguyễn Văn Nghĩa gắn quả FT vào đầu một' cây sào cao trên 2 mét áp vào tường tháp, cho nổ xong, bồi thêm quả PêTa thọc vào tháp canh cho nổ, toàn bộ tháp bị sập. Mục đích của ta là rải truyền đơn tuyên truyền làm cho bọn địch tưởng ta có pháo tầm xa, bắn trúng đích và có sức công phá mạnh, địch hoang mang dao động. Sau trận này, hàng trăm tên địch trốn khỏi hàng ngũ của chúng về làm ăn sinh sống. Bọn ác ôn tề điệp ức hiếp nhân dân trong vùng cũng hoang mang ìo sợ. Phải nói rằng trong chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ hai này có sự đóng góp quan trọng của xưởng quân giớI 310 do đồng chí Bùi Cát Vũ làm giám đốc (sau là thiếu tướng). Xưởng thiếu thuốc nổ, phải cử người đi tìm tháo bom đạn địch bị lép, cưa lấy thuốc nổ để chế tạo FT. Đồng chí Bùi Cát Vũ đã nghiên cứu chế tạo trái FT (phá tường) cấu tạo bằng kíp nổ điện. Lúc đầu khốI lượng lớn, không tiện cho việc bí mật, khó chui luồn qua rào, khó vượt chướng ngại vật, được sự giúp đỡ của kỹ sư Lê Hiền - học ở Pháp về đang công tác tại Vụ Quân giới Quân khu 9, chế tạo theo nguyên lý đạn lõm, đánh bằng kíp nổ điện, có sức công phá lớn. FT có cán, để đánh vào các tháp canh địch khi chúng rào chắn chung quanh. FT ra đời đã làm động lực thúc đẩy cách đánh đặc công Trần Công An mạnh hơn, hiệu quả cao hơn.

Tiếp theo, đêm 25 tháng 4 năm 1950, đồng chí Trần Công An chỉ huy đơn vị đánh sập tháp canh mẹ Vàm Giá nằm trên Lộ 14, tháp canh án ngữ cửa ngõ huyết mạch vào chiến khu Đ, nó ngăn chặn đường tiếp tế và mối quan hệ sống còn của tình quân dân cá nước. Trận này, ta diệt gọn một trung đội lê dương, thu một súng cối 8l, một đại liên 12, 7 ly và hàng tấn lương thực, thực phẩm. Sau thắng lợi tháp canh cầu Bà Kiên và Vàm Giá, đã cho phép lực lượng quân sự miền Đông Nam bộ khẳng định hiệu quả thật sự và đầy tin tưởng ở cách đánh có hiệu quả và thiết thực. Theo chỉ thị của Bộ chỉ huy Quân khu 7, Tỉnh đội Thủ Biên mở các lớp huấn luyện đặc công đánh tháp canh. Từ lớp đầu tiên tại Sình, Bà Đã (chiến khu D), gần 100 du kích hai tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một, Gia Định học. Một mặt đồng chí Trần Công An được Quân khu 7 và Tỉnh đội Thủ Biên giao nhiệm vụ đi phổ biến kinh nghiệm đánh tháp canh bằng lối đánh bí mật, bất ngờ, một người đặt FT, Một người chập điện khi đồng đội ra. Đồng chí mở các lớp huấn luyện cách đánh tháp canh ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Bà Rịa... , phổ biến đến đâu thực hành đến đó. Chẳng những ở chiến trường miền Đông Nam bộ, mà tỏa rộng ra các tỉnh bạn và cả nước. Kỹ thuật đánh tháp canh được bộ đội khắp nơi học tập, rút kinh nghiệm, tổ chức, huấn luyện, ứng dụng cách đánh vào đồn bót, lô cốt, kho tàng, cầu cống và các căn cứ quan trọng của địch. Chỉến thắng khắp nơi ìiên tục bay về trên mọi miền Tổ quốc làm nức lòng người, chiến thắng lớn ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Trị Thiên, Cà Mau, Quy Nhơn, Tây Ninh, Cần Giờ, Gia Định, Tây Nguyên, Sông Bé , Biên Hòa, Long Khánh, Cần Thơ, Bến Tre, Bình Thuận... đã vận dụng lối đánh đặc công hợp đồng các binh chủng làm nên kỳ tích vẻ vang.

Bản thân tôi (người viết truyện ký này) cũng chính là lính đang học khóa quân chính tại chiến khu rừng Ngang được vinh dự học tập và làm theo chiến thuật đánh tháp canh đó. Nhờ kinh nghiệm cách đánh tháp canh ở Nam Bộ mà trung đoàn 812 từ năm 1952 trở đi đã đánh hàng loạt đồn bót, tháp canh và căn cứ địch ở: Duồng, Phan Rí, Hòa Đa, Tuy Phong, Ma Lâm, Phan Thiết, Căng- ê- Sê- Píc... Có thể nói đánh đâu thắng đó , đâu đâu tôi cũng nghe những chiến thắng nhờ cách đánh bí mật, bất ngờ, bám sá t địch, dùng chất nổ tống vào lỗ châu mai, vận dụng ít người đánh vào số đông của địch, nhưng trước hết vẫn là sự mưu trí và lòng dũng cảm.

Do tác dụng của cách đánh ấy, nên được Bác Hồ huấn thị nhân ngày thành lập Binh Chủng Đặc Công 19-3-1967 (2), có câu: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt". Từ đó, có tên là Bộ Đội Đặc Công, hình thành binh chủng đặc công, ý Bác Hồ có nghĩa là "Tấn công đặc biệt" hoặc là "Bộ đội tinh nhuệ đặc biệt". Bác Hồ còn tặng cho Binh chủng Đặc công bốn câu trong ngày 19/3/1967 nhân dịp Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm binh chủng:

“Đặc biệt tinh nhuệ

Anh dũng tuyệt vời

Mưu trí táo bạo

Đánh hiểm thắng lớn".

Khi chiến thuật Đờ La-Tua của địch bị thất bại nặng nề, ta mở nhiều đường giao thông huyết mạch, đường tiếp tế thuận lợi, những hành lang an toàn cho kháng chiến, địch giảm các trận càn thấy rõ. Đó là chiến công hiển hách bắt nguồn từ chiến khu Đ (Biên Hoà), người khởi nguồn cho chiến công nổi tiếng dùng chiến thuật đặc công đánh bại chiến thuật Đờ La-Tua chính là đồng chí Trần Công An, người con của quê hương Bìên Hoà - Đồng Nai.

Đồng chí Trần Công An, chẳng những là người có công đầu về cách đánh đặc công mà còn trực tiếp góp phần nhân rộng bằng hành động thực tế, miệng nói tay làm, luôn hương dẫn cho đồng chí, đồng đội các nơi một cách tỉ mỉ, chu đáo những kinh nghiệm quý báu và chính đồng chí đã trực tiếp tham gia cùng đồng đội chiến đấu và góp phần chiến thắng quân thù tại Bà Rịa, Gia Định, Thủ Đức, Mỹ Tho, đánh hạ Tua Mẹ ở ấp An Chũ, thu 12 súng, l rốc két, diệt 25 tên Pháp cùng quân ngụy, đánh giao thông đường 14 và nhiều tháp canh khác. Riêng ở tỉnh Mỹ Tho đánh bót nhà máy đèn, nhân dân địa phương rất phấn khởi. Phối hợp với các đơn vị thuộc binh chủng biệt động diệt hai tháp canh ở thị trấn Trắng Bom, hỗ trợ cho nhân dân diệt ác phá kìm, tuyên truyền giác ngộ đồng bào tạm chiếm đối với cách mạng. Từ cách đánh đặc công độc lập, phát triển thành các chiến thuật kết hợp đặc công, biệt động, bộ binh...

Ngày 16/6/195l, đội đặc biệt Thủ Biên cùng với đại đội Lam Sơn diệt đồn Long Điền (xã Phước Tân), thu 3 trung liên, 3 tiểu liên, 1 cối 81 ly, 43 súng trường. Ngày 20/7/195l, đơn vị đã dùng cách đánh đặc công vào Yếu khu Trảng Bom, nay thuộc huyện Thống Nhất, Đồng Nai, diệt 50 tên lính Âụ-Phi, bắt sống 50 tên âu-Phi, thu 200 súng các loại, 4 khầu đại liên, 10 trung liên, 1 cối 81...

Đầu năm 1952, tỉnh đội Thủ Biên rút đồng chí Trần Công An về phòng tham mưu chuẩn bị về Bắc dự khóa du kích chiến tranh 6 tháng. Trước khi đi, đồng chí Nguyễn Quang Việt-Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Huỳnh Văn Nghệ-Tỉnh đội trưởng Thủ Biên nhận xét “Đồng chí Trần Công An là một cán bộ từ cơ sở lên, đồng chí rất năng động, sáng tạo về cách đánh đặc công đầu tiên độc đáo và đã góp phần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có chất lượng và có hiệu quả?”

Sau khi đồng chí Trần Công An dự lớp tập huấn “Chiến tranh du kích" và chỉnh huấn cải cách ruộng đất ở miền Bắc về, mang theo những lời huấn thị của Bác Hồ, cùng với phần thưởng quý báu là huy hiệu của Người tặng do kết quả xuất sắc trong học tập. Đồng Chí Lê Đức Anh động viên nhắc nhở đồng chí Trần Công An trên đường về Nam chiến đấu năm 1953.

Năm 1954, đồng chí Trần Công An tập kết ra Bắc, đang là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 - trung đoàn 656 (Sư đoàn 338) có nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện quân sự, chính trị bảo đảm đơn vị diễn tập tấn công, phòng ngự tốt, được trung đoàn bình chọn là đơn vị dẫn đầu trong trung đoàn 656. Đến năm 1958, đồng chí lên làm trung đoàn trưởng 656, đưa trung đoàn về huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tổ chức đơn vị sản xụất. Đến ngày 17/2/1961, được Bộ Tổng tham mưu quyết định làm trưởng đoàn l gồm 205 cán bộ đi B. Trên đường đi, được đồng chí Trần Nam Trung đồng ý, đoàn l do đồng chí Trần Công An giúp bạn Lào đánh giải phóng đồn Mường Phồn, đồn Sê Bôn, bạn rất phấn khởi.

Khi về đến Ban quân sự Trung ương cục 15/7/1961, bàn giao cán bộ đầy đủ cho Ban quân lực miền, đồng chí Trần Công An được Ban quân lực miền quyết định sang làm đoàn phó U50-đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất đảm bảo hậu cần, bảo vệ chiến khu A (chiến khu Đ mở rộng) - sau là Đảng ủy viên Cục hậu cần miền. Lúc ấy đồng chí Trần Công An có đấu tranh giằng co giữa chiến đấu và sản xuất, cuối cùng như lời Bác Hồ dạy khi ra Bắc học: "Làm cách mạng việc nào cũng vinh quang, miễn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tốt nhất của người đảng viên Đảng cộng sản", đồng chí Trần Công An xác định nhiệm vụ, đưa tất cả vợ con ra vùng kháng chiến làm cách mạng. Đồng chí chịu trách nhiệm chỉ huy và đảm nhiệm các đơn vị làm công tác hậu cần và xây dựng căn cứ địa tại khu A (chiến khu D mở rộng), lấy phiên hiệu là U50. Ban chỉ huy đơn vị gồm các đồng chí: Đào Sơn Tây, Trần Công An, Nam Ninh và Mười Bộ. Sau đó đồng chí Đào SơnTây về Cục hậu cần miền, đồng chí Trần Công An đã lãnh đạo U50 phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, quân số từ 500 chỉ trong một năm đã lên đến 5000 cán bộ, chiến sĩ. Diện tích U50 quản lý tổ chức sản xuất gần 1. 500 ha ở các khu vực Mã Đà, Suối Dạt, Bà Téc, Bàu Đá. Các đơn vị thuộc U50 vươn dài đến các chốt Đồng Xoài, Bù Đăng, Tà Lài, bờ Sông Bé, Bù Khiêu, từ Bù Na đi Bù Chắp nối liền với căn cứ Tây Nguyên. Đường dây thứ hai từ Mã Đà đi qua suối Dạt đi Long An… mở rộng lên Tây Ninh và xuống tiếp nối với miền Tây Nam bộ.

Đồng chí Trần Công An đã lãnh đạo U50 tổ chức sản xuất, bảo vệ và quản lý một khối lượng lương thực quá lớn. Thường xuyên có trong kho dự trữ trên 1000 tấn gạo, phát động phong trào thi đua trong cán bộ, chiến sĩ U50 trồng gần 1000 ha mì. Đồng chí Trần Công An đã cùng với Ban chỉ huy đoàn tổ chức chỉ huy một guồng máy đồ sộ giữa rừng, có đủ các bộ môn: quân nhu, quân y, quân khí, vận tải... Đoàn đã dựa vào sức dân là chính, thường xuyên tổ chức thu mua gạo từ vùng yếu lên bờ Sông Bé, huy động trên 100 chiếc xe bò chở lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội, có một đoàn ô-tô vận tải mạnh, số người vận chuyển hàng bằng xe thồ, đèo bòng đông đúc và liên tục... Ngoài việc phục vụ cho các trung đoàn chủ lực miền, còn đảm bảo cung cấp lương thực hơn 20. 000 người qua lại. Trên 7 tuyến trạm giao liên trong ba năm. Đoàn hậu cần U50 đã cung cấp đầy đủ lương thực thực phầm bảo đảm cho chiến dịch Đồng Xoài và Bình Giả toàn thắng.

U50 là một đơn vị hậu cần có quy mô lớn, sản xuất và chiến đấu ở một căn cứ địa rộng lớn, địch đánh phá liên tục, bom dội ngày đêm, chúng phục kích liên miên, nhưng không làm cho cán bộ chiến sĩ lùi bước, có lúc địch rải chất độc hóa học xuống vùng sản xuất của ta, đồng chí Trần Công An có sáng kiến cho chặt cây mì để không ngấm chất độc xuống củ mì. Sáng kiến này đã áp dụng có kết quả, diện tích, sản xuất chẳng những không dừng lại mà còn trồng thêm 200 ha mì nữa.

Tại hội nghị sơ kết công tác cục hậu cần miền tháng 12-1964, các đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh chỉ thị cho các đơn vị trong toàn miền học tập và làm theo đồng chí Trần Công An, tên "Hai Cà" (do đồng đội đặt) - cũng xuất hiện từ đó mà 5000 chiến sĩ hậu cần U50 tỏa ra khắp các nẻo đường chiến đấu và công tác, cũng rất vinh dự mang tên thân mật, ấm cúng là "BỘ ĐỘI HAI CÀ".

Sau chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Trung ương cục, Quân ủy Bộ tư lệnh miền nhận định Mỹ sẽ khả năng trực tiếp đổ quân xâm lược miền Nam. Chiến trường miền Đông, đặc biệt là thị xã Biên Hòa sẽ là chiến trường có vị trí quan trọng. Từ nhận định này, Bộ Tư lệnh miền quyết định tăng cường đồng chí Hai Cà về giữ nhiệm vụ thị đội trưởng Biên Hòa. Bộ Tư lệnh miền quyết định giao nhiệm vụ thị đội trưởng Biên Hòa cho đồng chí Trần Công An vào tháng 2-1965, đồng chí được chọn 50 chiến sĩ đặc công giỏi về phục vụ chiến đấu ở chiến trường Biên Hòa. Về cương vị mới, với kinh nghiệm sở trường về lối đánh đặc công, đồng chí tổ chức cho thị đội Biên Hòa thực hiện ngay việc củng cố và xây dựng cơ sở, nắm chắc tình hình và có kế hoạch chỉ đạo hình thành vành đai diệt Mỹ khi chúng đặt chân đến mảnh đất miền Đông thân yêu này.

Địch bị thất bại nặng nề trong "Chiến tranh đặc biệt”, đầu tháng 5-1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam Việt Nam, chúng đưa lữ đoàn dù Mỹ 173, tiểu đoàn lính Úc, 1 đại đội Tân Tây Lan về đóng ở Biên Hòa. Mỹ tổ chức ngay các cuộc đánh phá "tìm diệt" lực lượng cách mạng, chúng mở rộng và nâng cấp sân bay chiến lược Biên Hòa, tổ chức bộ máy chỉ huy đánh phá cách mạng miền Đông ở thị xã Biên Hòa: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (ngụy), Nha cảnh sát miền Đông, tổng kho Long Bình, Bộ Tư lệnh giã chiến 2 (Mỹ đóng ở Long Bình). Phải nói rằng Mỹ - ngụy đã khép kín lực lượng phòng thủ rất mạnh nhằm bảo vệ phía Đông thủ đô Sài Gòn của chúng.

Chấp hành nghiêm Nghị quyết lần thứ ll (tháng 7- 1965) của Trung ương cục: "sẵn sàng đánh địch trong trường hợp địch gây chiến tranh cục bộ... ”. Dưới sự chỉ huy của 2 đồng chí Trần Mân và Trần Công An, đêm 23 rạng 24-8-1965, ta đã tiến công đánh đòn phủ đầu lần thứ 2 vào sân bay Mỹ - ngụy ở Biên Hòa, phá hủy 68 máy bay các loại, 8 giàn hỏa tiễn, 22 bồn xăng dầu, 30 xe và diệt 3000 tên Mỹ - ngụy. Sau trận đánh này Bác Hồ gửi thư khen, Bộ chỉ huy miền tặng Huân chương Quân công hạng nhất cho toàn trận đánh. Riêng đồng chí Trần Công An được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3 . Thị xã Biên Hòa ngày càng có vị trí quan trọng, ngày 5-9-1965, Trung ương cục quyết định thành lập một đơn vị chlến trường ngang cấp tỉnh gọi là U1 (gồm thị xã Biên Hoà và huyện Vĩnh Cửu) và chỉ định đồng chí Trần Công An làm tỉnh độI trưởng U1 Biên Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Kiện khu ủy viên dự khuyết làm Bí thư Tỉnh ủy U1.

Ở cương vị mới, trách nhiệm nặng nề hơn, đồng chí Trần Công An xác định: "Muốn thắng Mỹ, trước hết phải hiểu Mỹ, chúng tuy giàu tiền của ìắm vũ khí nhưng không đáng sợ. Với ý chí của người Việt Nam là quyết đánh và biết đánh, nhất định sẽ chiến thắng. Từ quyết tâm cao đó, đêm 22-6-1966, Tỉnh đội trưởng Trần Công An đã trực tiếp chỉ huy hai đại đội đặc công, tự cải tiến và sử dụng mìn hẹn giờ đánh vào khu kho liên hợp Long Bình, phá hủy trên 40. 000 tấn bom đạn của Mỹ- ngụy, hạn chế sức phá hoại tàn sát nhân dân ta trên chiến trường. Từ tháng 10 đến tháng 12-1966, đại đội 2 (đặc công Ul) đã 3 lần đánh tiếp vào khu kho Long Bình, phá hủy hàng trăm ngàn tấn bom đạn của chúng, đơn vị U1 đã được Chính phủ tặng thưởng nhiều Huân chương quân công và chiến công cho tập thể và cá nhân.

Bước vào chuần bị chiến dịch xuân Mậu Thân đầu năm 1968, Tỉnh đội trưởng U1, Phó tư lệnh mặt trận Trần Công An và đồng chí Phan Văn Trang nguyên Bí thư tỉnh ủy, phó chính ủy mặt trận cùng với các đồng chí khác dã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã đưa 250 thương binh ra khỏi vòng vây của địch. Tuy thắng lợi trong chiến dịch Mậu Thân chưa được trọn vẹn, nhưng ta đã tạo ra một bước ngoặc quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước buộc Mỹ xuống thang chiến tranh để Đảng và nhân dân ta thực hiện lời dạy của Bác Hồ vĩ đại: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đúng như tướng Lê Trọng Tấn (Tư lệnh phó Bộ chỉ huy miền, tại chỉ huy sở tiền phương) nhận xét: "Biên Hòa đã hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và Kỷ Dậu 1969".

Riêng đồng chí Trần Công An, trước khi bước vào chiến dịch Mậu Thân có hai nỗi đau dồn dập dội vào trái tim của một người cha trước lúc ra trận, đó là hai người con: Đại đội trưởng Trần Văn Cao, lúc ấy 27 tuổi - bị thương cụt một chân phải khi chỉ huy một tổ điều nghiên lần 2 tại sân bay Biên Hòa; người con nhỏ Trần Văn Mum - mới 16 tuổi - hy sinh mất xác khi thi hành nhiệm vụ đưa tổ thông tin điện đài đến sở chỉ huy tiền phương, lúc trở về lọt vào ổ phục kích của địch. Đồng chí Trần Công An với cương vị là tỉnh đội trưởng trực tiếp ra hai lệnh đó, đó là mệnh lệnh của một người cha trong chiến tranh. Nỗi đau tạm lắng xuống nhường chỗ cho một nghị lực phi thường của một người cha vượt qua cơn bão lòng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chỉ huy nơi chiến trận. Đó là hành động của người anh hùng. Tôi rất xúc động, lòng rưng rưng khi nghe đồng chí Phan Văn Trang nguyên Bí thư tỉnh ủy U1 kể lại. “Sự hy sinh quá lớn của anh Hai Cà, cả gia đình làm cách mạng, anh Hai Cà chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, dù khó khăn nguy hiểm mấy anh đều hoàn thành tốt. Đau đớn nhất là anh chỉ huy chiến đấu giữa lúc gia đình bị mấy cái tang, tang mẹ, tang con và nỗi thương vong về đứa con thế mà anh vẫn chịu đựng vượt qua và chiến thắng".

Nói về công trạng chỉ huy chiến đấu của anh trong những chiến công oanh liệt ở sân bay Biên Hòa, khu tổng kho Long Bình, chống càn và bám dân xây dựng cơ sở thì quá nhiều. Trong bài ký này, tôi chỉ đi sâu vào hai chủ đề lớn là người mở đường cho đặc công Nam bộ và xây dựng hậu cần. Những năm tiếp theo, đồng chí Trần Công An được phân công trở lại hậu cần với cương vị tư lệnh đoàn 600, chỉ huy góp phần bảo đảm cho toàn chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng trên mảnh đất miền Đông đầy hào khí Đồng Nai này.

Cuộc đời của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An vô cùng phong phú, quá trình chiến đấu và công tác của ông luôn luôn hừng hực như ngọn lửa cháy lên trong mọi tình huống, ông hình như sinh ra để chiến thắng, chiến thắng có dư trăm trận lớn nhỏ, chiến thắng trong hai lần vượt Trường Sơn vô cùng gian khổ, 8 lần trực tiếp nghe lời Bác Hồ dạy, chiến thắng trong việc nghiên cứu, khám phá, sáng tạo cách đánh đặc công đầu tiên ở miền Đông Nam bộ, chiến thắng trong khi tay không bắt sống địch lấy vũ khí bằng lòng căm thù địch, chiến thắng trên lĩnh vực hậu cần, chiến thắng trước tình cảm gia đình để lo tròn nhiệm vụ nơi sở chỉ huy chiến dịch và chiến thắng lớn nhất của ông là luôn đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc mọi nhiêm vụ của Đảng giao và thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy.

Điều ấy dễ hiểu, bởi ông là con em của mảnh đất chiến khu Đ anh hùng, lớn lên và trưởng thành trên đất Biên Hòa - Đồng Nai có truyền thống bất khuất kiên cường của 300 năm trong 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khí phách anh hùng ấy còn nổi bật trong bản chất của "Anh lính Cụ Hồ", của “Người cựu chiến binh" vinh quang của lịch sử khi trở về hưu tại địa phương, anh đã trở thành một nông dân sản xuất giỏi được ủy ban nhân dân tỉnh Sông Bé tặng bằng khen. Hai mươi lăm năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gần hai mươi năm về hưu, đại tá Trần Công An vẫn giữ nếp sống giản dị, bình thường bên tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa trong mối tình chung thủy với người vợ cũng là cán bộ cách mạng bị liệt toàn thân.

Lòng tôn kính của các cụ cách mạng lão thành, các gia đình có công với cách mạng, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng, đặc biệt là các trường học Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trịnh Hoài Đức, trường trung học cơ sở bán công Tân Tiến... cũng như mọi tầng lớp nhân dân ở Biên Hòa nói chung, phường Trung Dũng nói riêng đối với đồng chí "Hai Cà" thật nặng tình đượm nghĩa và mến yêu bởi tác phong chất phác, thật thà, trung thực và thuần khiết nhà nông của ông mỗI khi cởi chiếc áo lấp lánh đầy huân chương trên ngực sau những ngày đại lễ. Khi nói chuyện với tôi, người anh hùng 80 tuổi Trần Công An tỏ ra băn khoăn: "tuổi già khó tiếp tục tìm kiếm và lo được cho các gia đình liệt sĩ, các cụ già, các cháu thanh thiếu niên được nữa... . Thực ra, đại tá Trần Công An đã giành nhiều thời gian sau khi nghỉ hưu, đã lo tận tình cho hàng chục người có công với nước thiếu nhà ở, hàng chục căn nhà tình nghĩa và hàng trăm đồng chí có việc làm ổn định. Gần nhất là câu lạc bộ người cao tuổi rất khang trang ở khu phố 6 (phường Trung Dũng) trên trăm triệu, không ai quên được sự đóng góp tận tình của ông.

Rõ ràng, đó là một con người bình dị: ĐẠI TÁ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG - TRẦN CÔNG AN.

Đặng Minh Hân (Nguồn: http://www. dongnai. gov. vn)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.