Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
Danh mục
Hình ảnh liên kết
Liên kết website trong tỉnh
Liên kết website các tỉnh
Lượt truy cập

 

 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

 

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

NGÀNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH ĐỒNG NAI

––––––––––––––––––––––––––––––

 

Ngày 27/8/1977, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 705/QĐ.UBT thành lập Ban Khoa học và Kỹ thuật Đồng Nai, tiền thân của Sở Khoa học và Công nghệ ngày nay. Điều này cho thấy vai trò của khoa học và kỹ thuật đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh được xác định là cần thiết và quan trọng; đồng thời đây là mốc thời gian có ý nghĩa, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ trí thức tỉnh Đồng Nai đủ sức gánh vác nhiệm vụ của tỉnh giao về nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của địa phương.

Từ ngày thành lập đến nay, cơ quan đã qua các lần thay đổi tên cho phù hợp với chức năng và nhiệm vụ khoa học công nghệ của từng giai đoạn:

-         Từ năm 1977 đến năm 1988 là Ban Khoa học và Kỹ thuật;

-         Từ năm 1988 đến năm 1993 là Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật;

-         Từ năm 1993 đến năm 2003 là Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

-    Và từ năm 2003 đến nay là Sở Khoa học và Công nghệ, được đổi tên theo Quyết định số 1747/2003/QĐ.UBT ngày 18/06/2003 của UBND tỉnh Đồng Nai.

01 (Custom).gif


Các ấn phẩm Thông tin Khoa học và Kỹ thuật từ năm 1978 đến 1992
 

I. THỜI KỲ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ GÓP PHẦN KHÔI PHỤC KINH TẾ (1978 - 1986)

Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai sau khi thành lập đã giải quyết những vấn đề khoa học - kỹ thuật cụ thể để đáp ứng nhu cầu sản xuất nhằm đảm bảo đời sống; từng bước phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh khắc phục tình trạng khoa học và kỹ thuật còn thiếu thốn, thấp kém và lạc hậu; đồng thời cùng với các ban, ngành thực hiện các chương trình trọng điểm về nông nghiệp và công nghiệp liên quan đến khoa học và kỹ thuật để khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đi đôi với những nhiệm vụ trên, công tác quản lý khoa học và kỹ thuật trong giai đoạn này cũng đã được thực hiện tích cực, như xây dựng và tổ chức bộ máy cơ quan; đưa hoạt động tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng trên toàn tỉnh đi vào hoạt động; công tác phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật để nâng cao dân trí qua các tài liệu và bản tin cũng được phát hành định kỳ; phong trào sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất được tuyên truyền và phát động trên toàn tỉnh nhằm giúp các cơ sở, xí nghiệp, nhà máy quốc doanh trong việc duy trì sản xuất và tăng năng suất.

Bộ máy thời kỳ này gồm có 03 phòng nghiệp vụ: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Tổng hợp - Kế hoạch; Phòng Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Trong đó Phòng Tổng hợp - Kế hoạch là phòng nghiệp vụ lớn nhất của cơ quan với 4 tổ chuyên môn: Tổ Điều tra cơ bản; Tổ Thông tin - Tư liệu; Tổ Sáng kiến cải tiến kỹ thuật; Tổ Nghiên cứu khoa học xã hội.

II. THỜI KỲ ĐỔI MỚI CƠ CHẾ QUẢN LÝ ĐỂ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (1986 - 2003)

Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986, khởi xướng công cuộc đổi mới, hoạt động khoa học - kỹ thuật tỉnh dưới sự chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đặc biệt là sự hướng dẫn về chuyên môn của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã có những chuyển biến và phát triển tích cực. Cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cơ chế quản lý khoa học và kỹ thuật bước đầu được đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường, như khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học và kỹ thuật ra đời; các hợp đồng khoa học - kỹ thuật được thực hiện; kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật được trả công tương xứng; quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp được Nhà nước bảo hộ; các hội đồng khoa học và kỹ thuật được củng cố, nâng cao về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, quản lý khoa học công nghệ, quản lý môi trường, quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, quản lý sở hữu công nghiệp, công tác thông tin khoa học - công nghệ, thanh tra khoa học, công nghệ và môi trường trong giai đoạn này được đẩy mạnh đều khắp.

06a.jpg 

Đ/c Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai lần thứ II, năm 1992

Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) về định hướng phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý như: gắn nghiên cứu với đào tạo và sản xuất kinh doanh; tăng kinh phí cho các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án xây dựng mô hình áp dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tập thể, cá nhân nhà khoa học thành lập các tổ chức khoa học công nghệ và đăng ký hoạt động; cho phép thành lập các doanh nghiệp trong các cơ sở nghiên cứu để sản xuất sản phẩm từ kết quả nghiên cứu; tăng cường bảo hộ pháp lý đối với các quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hình thành thị trường khoa học công nghệ; đặc biệt đẩy mạnh công tác quản lý và bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn này, nhiều chương trình, đề tài, dự án có ý nghĩa thực tế được ưu tiên thực hiện, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đồng thời bước đầu tạo nên những dấu ấn, mốc son cho hoạt động khoa học công nghệ tỉnh nhà. Trung tâm Thông tin và Tư liệu lần đầu tiên được thành lập để mở đầu cho việc đảm nhận chức năng và nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh do tỉnh giao, đồng thời để thực hiện kế hoạch tin học hóa cơ quan, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thông tin khoa học công nghệ và phát triển hệ thống thông tin địa lý (G.I.S) v.v…

KX-.08 (Custom).gif

Chương trình KX.08 giúp ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Châu Ro tại 2 xã Phú Túc và Suối Nho - 1993


Bộ máy cơ quan giai đoạn này được tổ chức với Ban Giám đốc gồm 04 đồng chí, 01 Giám đốc và 03 Phó Giám đốc; các phòng, bộ phận gồm: Phòng tổ chức hành chính; Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ; Phòng Quản lý Môi trường; Phòng Thông tin - Tư liệu và Sở hữu công nghiệp; Thanh tra Sở; và Chi Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Tổng số lượng cán bộ công chức cơ quan gần 70 người.

III. SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH ĐỒNG NAI TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ (TỪ 2003 ĐẾN NAY)

1. Giai đoạn 2003-2015

Ttháng 7/2003, thực hiện Thông tư Liên tịch số 15/2005/TTLT-BKHCN-BNV của Bộ Khoa học và Công nghệBộ Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ được hình thành mới trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về môi trường. Tổng số cán bộ giai đoạn này còn 30 người. Xác định nhân lực là then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Sở đã nhanh chóng tiến hành xây dựng, tổ chức mới lại bộ máy có cơ cấu mạnh hơn, gồm 8 đơn vị trực thuộc: Văn phòng Sở; Phòng Quản lý Khoa học; Phòng Quản lý Công nghệ; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra Sở; Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học Công nghệ; Trung tâm Tin học và Thông tin Khoa học - Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Đây là giai đoạn lấy công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ sinh học làm mũi nhọn để phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai. Trong đó, ưu tiên cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong toàn bộ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, sau đó là đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, phát triển tiềm lực khoa học công nghệ trên cơ sở đầu tư một số dự án trọng điểm.

5e220b573f6bfe35a77a1 (Custom).jpg
Đào tạo trình độ tin học A, B cho cán bộ
 

Thành tựu nổi bật của giai đoạn này đã triển khai thành công các chương trình như: Đào tạo trình độ tin học A, B cho cán bộ từ tỉnh đến xã nhằm mục đích nâng cao trình độ công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn và tiến đến cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc; Đào tạo sau đại học cho cán bộ công chức, viên chức và học sinh, sinh viên góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Nai; Đào tạo năng khiếu khoa học công nghệ cho học sinh nhằm khuyến khích các em hăng say nghiên cứu sáng tạo; Đưa Internet về vùng sâu vùng xa góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong tiếp cận công nghệ mới; Đưa Chợ công nghệ thiết bị về nông thôn nhằm kết nối, giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tận người dân vùng sâu vùng xa, qua đó giúp người dân, nhà sản xuất và nhà khoa học có cô hội gặp gỡ, trao đổi và ký kết hợp tác phát triển;  Đưa Thông tin khoa học và công nghệ về nông thôn dưới hình thức Điểm thông tin khoa học công nghệ nhằm cung cấp thông tin khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt đến người dân, qua đó giúp người dân tiếp cận được cách sử dụng internet trong lao động, sản xuất…

21e0dbb3ed8f2cd1759e5 (Custom).jpg
Người dân đến tìm hiểu thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật tại Điểm Thông tin khoa học và công nghệ
 

Đặc biệt, nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao trong cả nước như: sản phẩm như Văn phòng điện tử (M - Office); phần mềm Chữ ký điện tử, mã hóa dữ liệu, khóa USK; Cổng an toàn thông tin trên công nghệ cách ly phi chuẩn (NSSP); phần mềm Quản lý trực tuyến các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Phòng họp, hội thảo đa chức năng…. 

Công tác quản lý khoa học công nghệ cũng có nhiều đổi mới về cơ chế tài chính, cơ chế xét duyệt thông qua việc thành lập các Hội đồng khoa học từ tỉnh đến huyện và hội đồng 3.3 theo hình thức trực tuyến. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều gắn với thực tiễn địa phương về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong ứng dụng công nghệ sinh học và thực hiện cải cách hành chính hướng tới chính phủ điện tử.

Hội đồng khoa học 3.3 tổng kết dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tà Lài, Tân Phú (Custom).jpg
Hội đồng khoa học 3.3 tổng kết dự án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tà Lài, Tân Phú
 

Các hoạt động sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Tiềm lực khoa học công nghệ không ngừng phát triển thông qua việc đưa cán bộ về địa phương hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ cấp cơ sở; Thành lập Trung tâm Phát triển phần mềm; Văn phòng 2 - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai tại Tp. Hồ Chí Minh; Trung tâm Đo kiểm tại huyện Nhơn Trạch; Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học Đồng Nai (cơ sở tiến đến thành lập Khu Công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học).

2. Giai đoạn từ 2016 -2020

 Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển công nghệ sinh học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính, đưa thông tin khoa học công nghệ về nông thôn qua Hệ thống mạng thông tin khoa học và công nghệ…

Đặc biệt giai đoạn này có nhiều đổi mới trong đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế tuyển chọn, đặt hàng các nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bách, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai. Đã xóa bỏ cơ chế xin – cho, chuyển sang cơ chế xét chọn có trọng tâm trọng điểm. Các nhiệm vụ đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị nên việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng đạt hiệu quả cao. Thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp; Đồng Nai đã khuyến khích huy động vốn của ngành, tổ chức và vốn cá nhân đầu tư thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ như thực hiện cơ chế 50/50, cơ chế 70/30 (Kinh phí khoa học và công nghệ cấp tỉnh và huy động vốn của ngành, tổ chức và vốn cá nhân).

khoi nghiep (Custom).JPG

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm từ các dự án khởi nghiệp tiêu biểu năm 2019

Hệ thống văn bản pháp lý về hoạt động Khoa học và Công nghệ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, phát triển thị trường KH&CN...

Công tác cải cách hành chính được chú trọng, trong đó tập trung xây dựng các ứng dụng, phần mềm quản lý phục vụ công tác chuyên môn của ngành, của tỉnh. Xây dựng và ứng dụng thành công các phần mềm kiểm phiếu bầu cử. Thường xuyên nâng cấp cập nhật mới hệ thống Văn phòng điện tử thông minh đáp ứng các quy định mới trong quản lý điều hành. Đã tổ chức ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 (ISO điện tử) vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020

 I-Office H1 (Custom).jpg
Giao diện Văn phòng điện tử thông minh I-Office Plus do Sở KH&CN nghiên cứu thực hiện

Các dự án do Sở Khoa học và Công nghệ làm chủ đầu tư giai đoạn 2016-2019  chủ yếu tập trung vào hoạt động Xây dựng hạ tầng tại Khu Trung tâm Ứng dụng Công nghệ sinh học đã góp phần thành lập Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 24/5/2016. Hiện nay, các dự án này đã được bàn giao về cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao Công nghệ sinh học quản lý và tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 2019-2020, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung chủ yếu vào hoàn thành dự án Xây dựng Trung tâm Chiếu xạ để đưa vào vận hành hoạt động và đầu tư tiềm lực trang thiết bị cho các trang thiết bị cho các tổ chức khoa học và công nghệ nâng cao năng lực hoạt động, từ đó hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn nâng cao đồng bộ tiềm lực KH&CN phục vụ cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập và phát triển của tỉnh.

Trong giai đoạn này, hoạt động phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thị trường khoa học và công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được chú trọng nhằm khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, áp dụng các công nghệ mới đưa vào trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực canh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

CMCN4.0(3) (Custom).JPG 
Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ vào sản xuất
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 15/3/2019 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy của Sở Khoa học và Công nghệ. Đến năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ gồm có: 04 phòng, 01 chi cục và 01 trung tâm, cụ thể gồm: Văn phòng, Thanh tra, phòng Quản lý chuyên ngành, phòng Quản lý khoa học, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trung tâm Khoa học và Công nghệ.

2. Giai đoạn từ 2021 -2025

Định hướng trong giai đoạn này, ngành Khoa học và Công nghệ tập trung vào những nhiệm vụ sau:

- Tập trung phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Nâng cao năng lực, trình độ công nghệ, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

0fc6d83057389c66c529 (Custom).jpg 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng tham dự Lễ khai mạc TechFest Đồng Nai năm 2021

- Phát triển hạ tầng số và đảm bảo an ninh mạng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, an toàn tiếp cận nguồn tài nguyên số, ứng dụng công nghệ mới góp phần tạo giá trị tăng cao đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là về tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm.

- Nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn để có cơ sở khoa học phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm xây dựng Trung tâm Robot công nghiệp của tỉnh.

IMG_8574 (Custom).JPG
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ của tỉnh

- Phát triển tiềm lực, thị trường khoa học và công nghệ; Hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ.

- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tập trung phát triển dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn bức xạ, hạt nhân và năng lượng nguyên tử; dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.