Bỏ qua Lệnh Ruy-băng Bỏ qua nội dung chính
 

Nội dung

 
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông   10-07-2024
Trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng thông tin và truyền thông đóng vai trò then chốt, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông.
 

​​Cán bộ làm việc tại Trung tâm điều hành thông minh thành phố Biên Hòa

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 86,35% và 100% xã phường đã có mạng cáp quang. Toàn tỉnh có hơn 6.000 lao động trong ngành công nghiệp ICT, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tổ công nghệ số cộng đồng đã được triển khai đến mức xã, thôn, ấp, khu phố.

Hoạt động chính quyền số có 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 10,25% và 99,9% doanh nghiệp có sử dụng internet. Hoạt động xã hội số cũng rất phát triển với 96,76% người dân có tài khoản định danh điện tử và 99,8% người dân đã được phổ cập kỹ năng số cơ bản.

Về hạ tầng mạng thông tin di động, tỉnh Đồng Nai hiện có 3.565 trạm BTS, trong đó có 222 trạm 2G và 3.343 trạm 3G/4G. Có 10 nhà mạng di động đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 05 nhà mạng di động ảo MVNO (iTel, Reddi, Local, VNSky, Digilife).

GS.TS.Vũ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin cũng rất quan trọng đáp ứng phát triển kinh tế số, là mấu chốt quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia. Qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi thấy rằng tỉnh đã có những sự chuẩn bị rất quan trọng để đón đầu làn sóng phát triển kinh tế số, xây dựng các trung tâm dữ liệu để thúc đẩy cho phát triển kinh tế.

Ông Tạ Quang Trường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, việc phát triển hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Cụ thể như triển khai mạng 5G còn chậm, liên kết và đồng bộ giữa hạ tầng viễn thông với các hạ tầng khác chưa tốt. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động chưa được lập cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hạ tầng công nghệ thông tin của các ngành còn thiếu đồng bộ và hiệu quả khai thác chưa cao. Ứng dụng IoT còn hạn chế và các doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát triển hạ tầng ở nông thôn. Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức còn hạn chế và thiếu hụt nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Chuyển đổi số chưa đạt thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng.

 
Có 10 nhà mạng di động đang hoạt động trên địa bàn tỉnh 

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để khắc phục những hạn chế và phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách bền vững, Đồng Nai cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần đẩy mạnh triển khai mạng 5G để đáp ứng nhu cầu kết nối tốc độ cao. Nâng cấp hạ tầng mạng lưới ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc đầu tư hạ tầng, sử dụng chung hạ tầng để tránh lãng phí và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Tỉnh cũng cần lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả triển khai quy hoạch để kịp thời điều chỉnh và cải tiến.

Phát triển các tuyến cáp quang để hình thành xa lộ thông tin đảm bảo kết nối cho khu công nghệ thông tin tập trung với băng thông quốc tế lớn, tốc độ cao, bảo đảm an toàn thông tin mạng. Mở rộng vùng phủ sóng WLAN tại các vực công cộng, điểm du lịch, khu công nghiệp. Khi quy hoạch, thiết kế, xây dựng mới các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tuyến đường giao thông phải triển khai hạ tầng cống, bể ngầm cho cáp thông tin đảm bảo đồng bộ với các hạ tầng khác. 

Đẩy mạnh ứng dụng IoT trong các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, năng lượng, quản lý môi trường và các dịch vụ công cộng khác. Phát triển các giải pháp đô thị thông minh gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng các hệ thống giám sát, điều khiển giao thông, chiếu sáng, môi trường thông minh. Đầu tư xây dựng thêm trung tâm dữ liệu. Tăng cường bảo mật an ninh mạng.

Đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật số, hạ tầng viễn thông cho Khu công nghệ thông tin tập trung (IT Park), bao gồm xây dựng trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý dữ liệu, điện toán đám mây cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực CNTT, điện tử viễn thông chất lượng cao.

Theo GS.TS.Vũ Xuân Vinh, sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông gắn chặt vào sự phát triển chung của tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì những vai trò quan trọng như vậy đối với việc phát triển kinh tế tại tỉnh Đồng Nai mà việc tiến hành đo lường, đánh giá thực trạng liên quan đến tình hình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông thực tế, để xác định các hạn chế cũng như thách thức, từ đó đề xuất các biện pháp giải quyết có thể cải thiện hơn nữa việc phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Nai.

“Đồng Nai cần tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách bền vững. Việc này sẽ giúp tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại số” – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tạ Quang Trường nhấn mạnh.

P.Hương 

In nội dung
Các tin đã đăng ngày
Chọn một ngày từ lịch.
 

THÔNG BÁO

 
 

Thủ tục hành chính

 
 

Hình ảnh hoạt động

 
Video clip
  • Ứng dụng công nghệ đèn LED trong sản xuất đạt hiệu quả cao
  • Đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan làm việc với Công ty Công nghệ sinh học Vạn Bảo Lộc
  • Đồng Nai là tỉnh đầu tiên được đo hàm lượng vàng
  • Công bố chỉ dẫn địa lý cho chôm chôm Long Khánh
  • Hội thảo nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
  • Hội nghị cán bộ công chức và triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2015
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 2
  • Vũ điệu đen tối "đồng hồ xăng" phần 1
  • Nhiều trạm xăng dầu sử dụng công nghệ cao gắn chíp qua mắt người tiêu dùng và các cơ quan chức năng
  • Ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Okayama (Nhật Bản)

  • Hình ảnh liên kết
    Liên kết website trong tỉnh
    Liên kết website các tỉnh
    Lượt truy cập